Kêu gọi Việt Nam ngưng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến
RFA
2020-07-14
Hình minh hoạ. Facebooker Nguyễn Đức Quốc Vượng tại Toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng hôm 7/7/2020. Nguyễn Đức Quốc Vượng bị tuyên án 8 năm tù với tội danh \”Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhandan.com.vn
Mười tổ chức Xã hội Dân Sự Quốc tế vào ngày 13 tháng 7 công khai thư ngỏ kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp giới bất đồng chính kiến, trả tự do cho tù nhân lương tâm và thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội ký kết.
Thư ngỏ được ký bởi đại diện 10 tổ chức gồm Ân Xá Quốc tế, Người Bảo vệ Nhân quyền, Các Chương trình về Tự do Biểu đạt của PEN America, Hiệp Hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, VOICE, Safeguards Defenders, People In Need, Project 88, Vietnamese Democracy Activist.
Đại diện ký tên của 10 tổ chức vừa nêu bày tỏ lo ngại về biện pháp đàn áp leo thang của chính phủ Việt Nam đối với giới truyền thông độc lập và giới bất đồng chính kiến trước đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.
Thư ngỏ cho biết lo ngại đặc biệt là về việc bắt giữ ít nhất 11 tù nhân lương tâm diễn ra trong sáu tháng qua. Trong số này gồm bà Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư; bà Nguyễn Thị Tâm. Đây là bốn người lên tiếng cáo buộc việc chiếm đất tại Dương Nội và Đồng Tâm.
Tiếp đến là thành viên trẻ của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, anh Lê Hữu Minh Tuấn, bị bắt sau Chủ tịch Phạm Chí Dũng, Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy và nhà báo kỳ cựu Phạm Thành. Trường hợp cô Phạm Đoan Trang phải luôn lẩn trốn và khả năng bị bắt rất cao.
Những người ký tên vào thư ngỏ cho rằng những vụ bắt giữ như thế cho thấy sự leo thang nghiêm trọng hơn nữa từ phía chính phủ Việt Nam, việc không khoan nhượng từ bấy lâu nay đối với giới bất đồng chính kiến và đàn áp đối với người bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động và nhà báo độc lập. Những nhóm truyền thông và xã hội dân sự độc lập bị đàn áp liên tục kể từ cuối năm 2019.
Việt Nam được nhắc là một nước tham gia Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) nên có nghĩa vụ phải bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các quyền tự do biểu đạt và thông tin theo Điều 19 của ICCPR.
Theo những tổ chức ký tên vào thư ngỏ thì đã đến lúc Hà Nội cần từ bỏ sự đàn áp để phát triển; thế giới đang kỳ vọng tốt hơn về Việt Nam.