Mỹ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông
TS. Đinh Hoàng Thắng
2020-07-14
Hình minh hoạ. Tàu chiến của Hải quân Australia và Hoa Kỳ ở Biển Đông hôm 18/4/2020 Reuters
Ấn tượng nhất là Mỹ bác bỏ hầu hết mọi yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông trong một tuyên bố của Ngoại trưởng Michael Pompeo được phát trên website Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rạng sáng 14/7. Lời cảnh cáo được tung ra vào cuối bản tuyên bố có thể được đánh giá là nặng ký: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình”. Ngoại trưởng Mỹ cam kết sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong sự nghiệp bảo vệ các quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Ông Pompeo khẳng định: “Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền và bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt tư duy ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’ trên Biển Đông hay ở khu vực rộng lớn hơn”.
Trong bối cảnh Trung Quốc ỷ mạnh hiếp yếu trên Biển Đông, Tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo được đưa ra tưởng như không thể nào chính xác hơn về mặt thời điểm. Đầu tháng bảy này (từ mồng 1 đến mồng 5), Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa mà nước này cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Đây là một trong ba cuộc tập trận mà chính quyền Trung Quốc ca ngợi là “tam đại chiến địa” trên cả ba vùng biển từ bắc xuống nam: Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông để phô trương sức mạnh. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận này ngay sau khi lãnh đạo ASEAN vừa ra thông cáo chung vào ngày 26/6, cứng rắn hơn các thông cáo trước đây, sau cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-36 do Việt Nam làm chủ tịch và khẳng định Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là cơ sở giải quyết bất đồng ở Biển Đông.
Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ đưa ra đúng vào lúc thế giới có dịp nhìn lại phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) 4 năm trước, ngày 12/7/2016. Phán quyết được PCA đưa ra nhằm vô hiệu hoá các yêu sách và tham vọng của Bắc Kinh đòi độc chiếm trên 90% diện tích Biển Đông. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc không những bất tuân đối với các phán quyết ấy, mà còn hung hăng hơn trong các hành động vô luân vô pháp, dẫn tới các tranh chấp lãnh hải với Philippines, Việt Nam và Malaysia trong thời gian gần đây. Đúng như ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. vừa khẳng định: “Phán quyết của PCA là không thể đem ra để thuơng lượng. Toà Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền để ra phán quyết rằng, mọi tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển này là không có cơ sở pháp lý”. Công khai ủng hộ Philippines, Ngoại trưởng Mỹ xác quyết, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để áp đặt ý chí đơn phương lên khu vực cũng như không đưa ra được cơ sở pháp lý về “Đường chín đoạn” tại Biển Đông kể từ khi loan báo vào năm 2009.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 2/1/2017: Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông AFP
Một bối cảnh liên khu vực khác mà Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ đề cập ngay từ đầu, đó là sự khẳng định của chính quyền Trump đối với vành đai chiến lược chống Trung Quốc. Ông Pompeo khai hoả không úp mở: “Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Hôm nay chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy – Biển Đông”. Như vậy, rõ ràng Biển Đông từ nay là một bộ phận không thể tách rời của FOIP. Thế giới hiện đang phải vật lộn với chủng mới của Virus Corona (SAR-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp trên toàn cầu (COVID-19). Câu chuyện này cũng bắt đầu từ Vũ Hán. Ấy vậy mà Trung Quốc vẫn tiếp tục hung hăng về an ninh hàng hải trên các biển quốc tế. Chính sự hiếu chiến cao độ này của Bắc Kinh trong mùa đại dịch đang gây quan ngại cho hầu hết các nước trong khu vực.
Không phải ngẫu nhiên, thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều hình thức tập hợp lực lượng trên toàn cầu nhằm đối phó với chính sách bá quyền của Trung Quốc. Ngày 5/6/2020 vừa qua, một nhóm các nhà lập pháp cấp cao từ 8 quốc gia đã tuyên bố thành lập một liên minh liên nghị viện mới mang tên “Liên minh Liên Nghị viện về vấn đề Trung Quốc” (Inter-Parliamentary Alliance on China) nhằm chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc đối với các lĩnh vực quan trọng như thương mại, nhân quyền và an ninh toàn cầu. Nhóm các quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Đức, Thụy Điển và Na Uy, đồng thời liên minh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Nghị viện châu Âu. Đại diện các nước trong liên minh đã đưa ra mục đích thành lập là nhằm chống lại “thách thức lớn nhất đối với thế giới tự do”, chính là Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bản ghi nhớ của Liên minh Nghị viện viết: “Những giả định (về việc Trung Quốc sẽ dân chủ hoá) đã từng ràng buộc chúng tôi với Bắc Kinh giờ đây không còn phù hợp với thực tế. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công khai và liên tục tuyên bố ý định mở rộng ảnh hưởng của nó ra toàn cầu. Vì thế, các giá trị và hoạt động dân chủ đã phải chịu áp lực ngày càng gia tăng”. Tính chất liên nghị viện của liên minh 8 nước này đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, trong tình trạng ĐCSTQ phải liên tục đối mặt với các cáo buộc về sự che đậy và cản trở trong đại dịch COVID-19. Hơn thế nữa, những vụ việc vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ có xu hướng leo thang trong thời gian gần đây: việc đàn áp dân chủ tại Hồng Kông, triệt sản người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và giam giữ họ trong các trại tập Trung Quốc, việc thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm như người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ…
Sau hình thức Liên minh Nghị viện, trong tương lai, Mỹ và phương Tây đang tính toán có thể tiếp tục trang bị cho một số cảng và các đảo bằng cách biến chúng thành các tiền đồn chiến lược giúp giám sát các hoạt động hải quân. Các cơ sở này có thể được kết nối với một mạng lưới giám sát tích hợp nhằm cung cấp cho tất cả các nước những đòn bẩy chiến thuật trên các vùng biển khác nhau. Năm 2019, Ấn Độ đã đưa vào sử dụng căn cứ không quân INS Kohassa trên quần đảo Andaman và Nicorbar. Quần đảo này của Ấn Độ có thể trở thành trung tâm theo dõi và giám sát kết nối với Vịnh Cam Ranh và khu vực phía Nam của thành phố Djibouti. Tại đây (phía Nam của Djibouti) đều có các căn cứ quân sự của Hải quân Mỹ, Không quân Pháp và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Các cơ sở này có thể là một cứ điểm thứ ba và quan trọng nhất trong trung tâm chuỗi hàng hải để đối phó với Trung Quốc.
Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tuyên bố chính thức bác bỏ gần hết yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngay trong ngày 14/7 đã đăng tuyên bố đáp trả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước, tại tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ, phía Bắc Kinh có những phát ngôn trái với thực tế và ngụy biện để đánh lạc hướng vấn đề. Các chuyên gia Việt Nam còn cho rằng Trung Quốc “có tật giật mình”. Trên thực tế, phía Trung Quốc liên tục có các hành động làm gia tăng căng thẳng với các nước khác như tàu Trung Quốc chĩa súng vào tàu hải quân Philipppines, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia, hay việc chính quyền Indonesia khẳng định tàu Trung Quốc vi phạm EEZ ở khu vực đảo Natuna phía nam biển Đông đầu năm nay… Do đó, tình hình Biển Đông không thể nào đang “hòa bình, ổn định và đang cải thiện” như Trung Quốc nói. Trung Quốc là quốc gia chủ động gây hấn trong nhiều vụ như trên.
Cuối cùng, tưởng cũng nên nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố liên quan đến Biển Đông. Hồi đầu tháng Tư năm nay, tàu đánh cá của Việt Nam trên Biển Đông đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Dịp ấy, Việt Nam đã được sự ủng hộ từ chính quyền Hoa Kỳ, khi Bộ Ngoại giao Mỹ mạnh mẽ “chỉ trích Trung Quốc đã đâm và đánh đắm tàu đánh cá của Việt Nam” và “bày tỏ quan ngại đặc biệt về sự cố này”. Ngày 8/7/2020, theo tin từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến gần các giàn khoan của Việt Nam ở mỏ Lan Tây tại lô 06.1. Đấy là lần đầu tiên tàu Trung Quốc vào sát các công trình của Việt Nam, chỉ cách có 1-2 hải lý. Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các căn cứ trên Biển Đông và những vùng lân cận cũng khiến các nước láng giềng cảm thấy bất an và đẩy mạnh tìm kiếm các liên kết quốc phòng chặt chẽ hơn với nhau. Vào tháng Sáu vừa qua, hai nước Úc và Ấn Độ đã ký thỏa thuận quốc phòng hợp tác hải quân và hậu cần. Nhật Bản cũng cố gắng tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ, Úc và các nước ASEAN khác, đồng thời cũng đang thúc đẩy nhiều hơn các kế hoạch hợp tác nhằm xây dựng liên minh chống lại nguy cơ Trung Quốc với sự trợ giúp của Mỹ./.
Tài liệu tham khảo:
TTKTG, số 157-TTX, ngày 14/7/2020: Vai trò của vành đai chiến lược chống Trung Quốc (TTXVN, New York 12/7), đăng lại từ “modernpolicy.eu”)
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do