Trung Tá Lê Hưng, người mặc hai màu áo Không Quân VNCH và Hải Quân Mỹ

Trung Tá Lê Hưng, người mặc hai màu áo Không Quân VNCH và Hải Quân Mỹ

Jul 11, 2020 cập nhật lần cuối Jul 11, 2020

\"\"/
Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ Lê Hưng và phu nhân trong một buổi sinh hoạt cộng đồng. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, Californina (NV) – Được bay bổng trong không gian thỏa thích là giấc mơ thời trai trẻ, nay lại được cất cánh bay lên và đáp xuống hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong những phi vụ chiến đấu luôn là niềm đam mê cháy bỏng của phi công Lê Hưng.

Ngồi tại công viên Bowling Green, Westminster, cựu Trung Tá Lê Hưng (Henry Le) kể tiếp về con đường trở thành phi công lái phản lực cơ chiến đấu trong Hải Quân Hoa Kỳ với phóng viên nhật báo Người Việt.

Ông Hưng cho biết tại căn cứ Hải Quân Corpus Christi, Texas, ông được dùng T-28 để huấn luyện căn bản, cất cánh, đáp, bay solo, sau đó là những kỹ thuật bay đêm, bay từ chỗ này qua chỗ khác, từ đó họ sẽ biết mình có thể bay được loại máy bay nào.

“Với số điểm cao, tôi được bay loại phản lực T-2 Buckeye, tập không xạ trên không, tập thả bom, quan trọng nhất là tập đáp xuống hàng không mẫu hạm, đáp xuống có móc và trở lại giàn phóng, cứ sáu lần đáp xuống lại sáu lần phóng lên. Về kỹ thuật đáp xuống hàng không mẫu hạm, ngày xưa thì sàn tàu loại thẳng, nhưng rút kinh nghiệm ở Đệ Nhị Thế Chiến, theo thiết kế cũ thì mỗi khi có máy bay cất cánh thì chiếc khác sẽ không đáp xuống được,” ông nhớ lại.

Vì sự bất tiện này nên hàng không mẫu hạm loại mới sau này được thiết kế lại, muốn đáp xuống và cất cánh cùng lúc đều không bị trở ngại. Theo đó, phải thiết kế phi đạo trên sàn tàu theo góc xéo 10 độ, để khi máy bay đáp xuống thì con tàu vẫn chạy tới, giữa tàu và máy bay cùng chuyển động theo một hướng, tốc độ đáp của máy bay sẽ giảm.

“Nói nghe như vậy, nhưng con tàu thì luôn chạy tới, rung lắc nhấp nhô lên xuống theo sóng biển nên có thể giạt một góc nào đó mà người phi công phải biết giữ đúng đường đáp theo ba tiêu chuẩn quy định thì mới đáp được, nếu không thì phải cất cánh lên và đáp xuống trở lại lần nữa. Hơn nữa phải nhìn đèn lineup màu trắng nằm ở góc của tàu, nếu nằm trên màu xanh thì biết đang ở cao, còn nếu đèn trắng lineup ăn khớp với đèn màu xanh thì đúng góc độ, còn dưới đèn xanh là đèn đỏ, phi công nhìn thấy đèn đỏ là nguy hiểm cho độ rơi của máy bay,” ông Hưng kể về kỹ thuật đáp trên hàng không mẫu hạm.

\"\"
Phi công Lê Hưng (hàng đứng, thứ ba, từ trái) đến thăm và ủy lạo các thuyền nhân Việt Nam trong trại tị nạn Bataan, Philippines, khi ông đang phục vụ tại căn cứ Subic Bay, Philippines năm 1984. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Những nguy hiểm khi bay lên và đáp xuống hàng không mẫu hạm

Dù lên xuống hàng không mẫu hạm rất nhiều lần sau này, nhưng lần đáp xuống đầu tiên luôn để lại nhiều cảm giác ấn tượng khó quên nhất trong đời phi công. Ông kể một kỷ niệm vui: “Từ độ cao 800 ft trên trời nhìn xuống thấy sàn đáp quá nhỏ, ai cũng hồi hộp. Theo thói quen tôi đáp xuống theo kiểu Không Quân mình ngày xưa, đưa đầu máy bay lên cao (landing flare) để giảm sức rơi, đáp cho nhẹ. Thấy vậy người chỉ huy yêu cầu tôi bay lên liền, cảnh cáo nếu lần nữa còn bay như vậy sẽ bị học lại! Thế là phải bay vòng lại, đáp xuống an toàn, từ đó cứ thế đáp xuống nhẹ nhàng trăm lần như một!”

“Lần thứ hai khi bay lên thật thích thú vô cùng, khi phi cơ vọt mạnh về phía trước với vận tốc từ 0 cho đến 140 knots trong 2 giây mới đủ sức nâng cả chiếc máy bay cùng hàng tấn bom đạn và nhiên liệu bốc lên trời, lúc ấy mình cảm thấy nhẹ nhàng bay bổng lên trời cao, tưởng như phi hành gia khi phóng lên không gian,” ông mô tả lại cảm giác lâng lâng khi lần đầu cất cánh trên hàng không mẫu hạm.

Bay đêm cũng hồi hộp không kém khi đáp xuống, chung quanh tối đen chỉ còn đèn trên phi đạo, nhất là trong thời tiết xấu, tàu lên xuống nhấp nhô thì máy bay cũng khó đáp xuống. Trong trường hợp đáp bánh đã chạm sàn tàu, ông vẫn phải giữ ga thật lớn đề phòng trường hợp móc trật thì máy phản lực vẫn còn hoạt động, sẵn sàng bay vọt lên liền vì phi đạo quá ngắn, không có đủ thời gian khởi động máy để cất cánh như bình thường.

Ngoài ra ông còn phải học kỹ thuật tiếp xăng trên trời lúc đang bay cả ngày lẫn đêm, rồi kỹ thuật oanh tạc ném bom trên chiến trường, đánh không chiến trên không giữa ta và địch. Rồi còn phải học kỹ thuật đánh lừa hỏa tiễn của đối phương hoặc bị địch rượt đuổi. “Cả hai trường hợp đưa máy bay lên cao hoặc xuống thấp đều nguy hiểm, dễ bị rớt. Hoặc tránh né bằng cách đánh lừa hoặc phá tần số máy bay địch…” ông nói.

\"\"
Thiếu Tá Hải Quân Hoa Kỳ Lê Hưng, hình chụp năm 1995. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Phi công Lê Hưng đã từng phục vụ trên nhiều hàng không mẫu hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội, bay qua những chiến trường Iraq rồi vùng Ấn Độ Dương. Lúc đầu ông làm việc thuộc phi đoàn săn tìm tàu ngầm trong vùng Đông Nam Á từ năm 1984, đóng tại căn cứ Subic Bay, Philippines gần bốn năm. Rồi bay hoạt động ở vùng Đông Nam Á và Trung Đông, cứ bốn tháng ở Trung Đông thì bốn tháng ở vùng Biển Đông của Đông Nam Á, bay tuần từ đảo Hải Nam xuống tới Singapore.

“Cũng có những phi vụ bay tìm thấy những tàu của quốc gia Hồi Giáo tiếp tế cho Phi-Cộng vào những năm 1984-1988, nhất là lúc bay ngang qua quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, khi ấy chỉ là những đảo san hô hoang vắng, tuyệt nhiên không có bóng người. Khi đọc được những tài liệu cho thấy Trung Cộng đang chuẩn bị tiến hành xây dựng trên các đảo ấy, tôi có báo tin cho cộng đồng mình ở Little Saigon mà mọi người lúc đó không để ý lắm. Nhưng bây giờ lại là một chuyện quan trọng của đất nước mình! Thực tế hiện nay cho thấy rõ dã tâm của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, vậy mình phải đối phó thế nào, đó là câu hỏi tôi luôn canh cánh bên lòng,” ông tự vấn.

Ông cho biết: “Tôi nghĩ đây là một kế nghi binh của Trung Cộng, thay vì chiến tranh ngay trong đất nước, họ kéo chiến tranh ra ngoài Biển Đông, dùng các đảo ngoài khơi để tạo xung đột, tránh thiệt hại bên trong nước Tàu nếu có xảy ra chiến tranh thật sự, luôn tiện chiếm luôn các đảo của Việt Nam để đặt căn cứ quân sự, theo dõi hoạt động của tàu bè các nước qua lại trên Biển Đông, khống chế luôn Việt Nam và các nước Châu Á. Nhất cử lưỡng tiện!”

“Nhưng tôi vẫn nói với bạn bè rằng đừng nghĩ rằng Mỹ sẽ đánh nhau với Tàu vì mấy cái đảo ấy, nếu có đánh Mỹ sẽ đập ngay đầu não trung ương, thì mấy cái đuôi biển đảo ấy không có ý nghĩa gì cả! Lúc ấy ai sẽ lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa?” ông đặt câu hỏi.

\"\"
Phi công Lê Hưng (trái) và chuyên viên kỹ thuật điện tử bên oanh tạc cơ A-6E, bay trong mọi thời tiết, trên hàng không mẫu hạm USS Nimitz. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Cứu thuyền nhân Việt Nam trôi dạt 22 ngày trên biển

Lòng vẫn luôn nghĩ về đất nước và đồng bào nên những khi bay trên Biển Đông, phi công Lê Hưng hay để ý tìm kiếm những chiếc ghe vượt biển của thuyền nhân Việt Nam, để xem có thể giúp được gì cho họ.

Ông cho biết trên đại dương mênh mông cũng hiếm khi nhìn thấy thuyền vượt biển, và trong đời phi công bay trên vùng Biển Đông, ông đã phát giác và giúp được ba chiếc ghe vượt biển. Nhớ nhất trong đời là chiếc ghe tả tơi trên biển chở theo 72 người.

Ông kể lại: “Cuối phi tuần, khi nhiệm vụ đã xong, lúc chuẩn bị về thì tôi bay sà xuống thấp hơn vì chỉ muốn tìm giây phút thoải mái sau nhiều giờ bay liên tục, bỗng người chuyên viên điện tử báo cho biết có một vật gì trên mặt biển qua hệ thống ra đa. Sau khi vòng lại, tôi thấy một chiếc ghe nhỏ trôi lềnh bềnh, không có dấu hiệu cầu cứu gì cả, tôi nghĩ chắc có gì lạ, bèn thả thiết bị định vị tọa độ xuống và gọi tàu tuần đến xem xét.”

“Vừa khi trở về đáp xuống hàng không mẫu hạm, ông hạm truởng kêu tôi theo trực thăng bay đến chiếc tàu tuần vừa vớt người vượt biển, để nhờ làm thông dịch viên. Lúc đó tôi mới biết chính chiếc ghe tôi đã thả tín hiệu gọi tàu đến cứu là ghe vượt biển, nên đã cứu sống được nhiều đồng bào đang vật vờ trong tình cảnh hết sức thương tâm, có nhiều người yếu sức không đứng nổi,” ông nhớ lại.

Ông cho hay, trong lúc mọi người luôn van xin đừng trả họ về Việt Nam, ông phải trấn an rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ lo về y tế và đời sống hiện tại cho mọi người, và họ sẽ được chính phủ Hoa Kỳ chăm sóc đầy đủ, sẽ được đưa vô trại tị nạn để cứu xét đi định cư.

\"\"
Trung Tá Phi Công Hải Quân Hoa Kỳ Lê Hưng trong diễn hành Tết 2003 tại Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Chuyện xảy ra ngay ngoài khơi, khi mọi người chưa hết bàng hoàng, họ kể lại chuyến đi hãi hùng khi ra khơi được bốn ngày thì ghe bị chết máy, phải lênh đênh trên hải phận quốc tế suốt 22 ngày đêm. Sau đó chỉ còn 21 người còn sống, họ phải ăn thịt những người đã chết để cầm hơi, hy vọng sẽ được cứu, may mắn được cứu kịp lúc nếu không chắc chết hết! Thật là câu chuyện hết sức thương tâm trong chuyện dài thuyền nhân Việt Nam,” ông buồn rầu kể lại câu chuyện năm xưa.

“Đó là một kỷ niệm buồn trong đời phi công khi gặp lại đồng bào trong tình cảnh của người vượt biển. Buồn vì đất nước quá tang thương khiến người dân sống không nổi phải liều chết bỏ nước ra đi tìm tự do. Khi gặp tôi, họ tưởng tôi là người Mỹ, hỏi tôi sao nói tiếng Việt giỏi quá vậy,” ông kể.

Cuộc sống nơi miền đất mới

Đã nhiều năm sống đời tự do trên nước Mỹ, cựu Trung Tá Lê Hưng, phi công Hải Quân Hoa Kỳ bồi hồi nhớ lại mới đó mà đã 45 năm trôi qua, đã gần nửa thế kỷ sống và làm việc tại Hoa Kỳ, nơi ẩn chứa những cơ hội, phải luôn học hỏi và phấn đấu vươn lên.

“Người Việt Nam không thua kém bất cứ dân tộc nào, hãy luôn chứng tỏ năng lực tuyệt vời của mình trong bất cứ mọi điều kiện,” ông hãnh diện nói.

Kể về những sinh hoạt cộng đồng tại Little Saigon, cựu trung tá đã thành lập Câu Lạc Bộ Phi Hành, từng chở những em nhỏ bay theo những chuyến bay ngắn, để chỉ dẫn cho các em muốn trở thành phi công, kết quả là hiện nay có những em trẻ là phi công bay cho những hãng hàng không dân sự. “Hãy luôn chứng tỏ mình là người Việt Nam!” ông kêu gọi.

Ông từng tổ chức những buổi nhảy dù biểu diễn trên bầu trời Little Saigon, và chính ông từng lái máy bay kéo theo đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa bay phất phới trong ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 Tháng Sáu hằng năm, những dịp diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa hoặc biểu tình chống Cộng Sản tại Little Saigon.

\"\"
Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ, ông Lê Hưng (hàng đầu, thứ hai, từ phải) trong lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 Tháng Sáu, 2020, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông cũng từng bay phi diễn với các phi công Việt Nam Cộng Hòa trong Câu Lạc Bộ Phi Hành để thả khói màu. Đặc biệt ông là người khởi xướng phong trào mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa trong những dịp lễ hội, mang lại sắc thái mới trong văn hóa người Việt tị nạn nơi hải ngoại, tiếp nối đến tận hôm nay.

Với thế hệ trẻ gốc Việt, ông có lời nhắn nhủ: “Những con em mình trong tương lai nếu muốn gia nhập Không Quân Hoa Kỳ, phải cố gắng học để trở thành một phi công trước khi vào quân đội, khi chứng minh có nhiều khả năng giỏi, sẽ được ưu tiên tuyển chọn hơn, nếu không mình sẽ bị thiệt thòi. Nên có một căn bản trước sẽ dễ tiến thân hơn.”

Trong đời phi công Hải Quân Hoa Kỳ, cựu Trung Tá Lê Hưng luôn tự hào khi chứng tỏ mình chưa bao giờ làm tổn hại đến danh dự của người sĩ quan thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, luôn nêu cao tinh thần Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm khi bay qua nhiều vùng trời trên thế giới, và tình yêu Tổ Quốc-Không Gian luôn là kim chỉ nam của cuộc đời ông. (Văn Lan) [qd]

Ông Lê Hưng quê gốc Nha Trang, Việt Nam.

Cựu học sinh trường Collège Francais de Nha Trang và trường Kỹ Thuật Nha Trang.

Gia nhập Khóa Sinh Viên Sĩ Quan tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang hồi Tháng Bảy, 1972.

Qua Mỹ học Không Quân đầu năm 1973, tốt nghiệp thủ khoa trường phi hành tại căn cứ Webb Air Force Base, Big Spring, Texas, Tháng Tám, 1974.

Về nước 1974, thiếu úy phi công Không Lực Việt Nam Cộng Hòa lái phi cơ phản lực A37 thuộc Phi Đoàn 546 Thiên Sứ trong cuộc chiến Việt Nam.

Tháng Năm, 1975, trở qua Mỹ. Học và tốt nghiệp kỹ sư sáng chế trường đại học Texas Tech University, tiểu bang Texas, về ngành Mechanical Engineer vào Tháng Mười Hai 1981.

Gia nhập Quân Chủng Hải Quân Hoa Kỳ, bay trong các phi đội thuộc Đệ Thất Hạm Đội, 16 năm phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ.

Phi công lái máy bay S-3B Viking chuyên săn tìm tàu ngầm trên vùng Biển Đông, Thái Bình Dương.

Phi công lái phản lực chiến đấu, oanh tạc cơ A-6E trên các chiến trường Trung Đông và Đông Nam Á.

Thiếu tá phi công Không Quân Hoa Kỳ năm 1992.

Bài Liên Quan

Leave a Comment