Hong Kong: New York Times chuyển nhân viên đến Seoul
8 giờ trước
New York Times cho biết họ sẽ chuyển một số nhân viên đang làm việc tại Hong Kong tới Seoul do lo ngại hệ lụy của luật an ninh quốc gia mới được Trung Quốc thông qua.
Hãng tin của Mỹ cho rằng luật này \”tạo ra sự bất ổn cho các cơ quan truyền thông và khiến thành phố này khó đảm bảo triển vọng duy trì vị trí là một trung tâm báo chí\”.
Các phóng viên sẽ vẫn ở lại, nhưng nhóm biên tập online sẽ dần dần rời đi.
Các tổ chức truyền thông thế giới thường phải đối mặt với những hạn chế ở Trung Quốc đại lục nhưng Hong Kong đến nay vẫn là một ngoại lệ.
Luật an ninh quốc gia gây tranh cãi của Trung Quốc quy định tội hình sự cho các hành vi được cho là lật đổ, ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
\”Luật an ninh quốc gia ở Hong Kong tạo ra sự bất ổn lớn trong việc đánh giá xem các quy định mới có ý nghĩa gì đối với hoạt động của chúng ta và với nền báo chí của chúng ta,\” lãnh đạo của New York Times viết trong một email cho nhân viên.
\”Chúng tôi thấy rằng lập kế hoạch dự phòng và bắt đầu đa dạng hóa đội ngũ biên tập viên của mình trong khu vực là điều thận trọng.\”
Ai sẽ rời đi và tại sao?
New York Times – có mặt ở Hong Kong trong nhiều thập kỷ – không đưa ra con số chính xác, nhưng cho biết khoảng một phần ba tổng số nhân viên sẽ rời đi.
Con số này không bao gồm phóng viên phụ trách vấn đề Hong Kong mà là nhân viên phụ trách bài vở online khi các văn phòng ở New York và London đã hết giờ làm việc.
\”Chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện rộng rãi ở Hong Kong và vẫn sẽ tiếp tục phản ánh các vấn đề về Hong Kong và Trung Quốc\”, giám đốc truyền thông Ari Isaacman Bevacqua của New York Times nói với BBC.
\”Chúng tôi dự định duy trì hoạt động và bộ phận in ấn của mình tại Hong Kong, trong khi sẽ dần dần chuyển ban biên tập online đến Seoul. Điều này cho phép chúng tôi có sự linh hoạt trong khi vẫn có thể duy trì sự dễ dàng tiếp cận với nhân sự trong khu vực này\”, bà nói.
Báo cáo riêng của New York Times nói rằng một số nhân viên của họ đã gặp khó khăn trong việc duy trì giấy phép làm việc, và rằng đây là \”những rào cản phổ biến ở Trung Quốc nhưng ít khi xảy ra ở Hong Kong\”.
Có phải các nhà báo chịu áp lực ở Hong Kong?
Một số tổ chức truyền thông quốc tế bao gồm CNN, CNBC, Bloomberg và BBC có nhân viên ở Hong Kong.
\”Hong Kong là nước đi đầu trong việc hỗ trợ các quyền của báo chí tự do ở châu Á trong nhiều thập kỷ, và điều cần thiết là Hong Kong phải tiếp tục làm như vậy, đặc biệt là khi có vấn đề đối xử với báo chí độc lập ở Trung Quốc đại lục và bản chất toàn cầu của đại dịch virus corona, \” bà Bevacqua nói với BBC.
Khi Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, thành phố này được bảo đảm các quyền tự do theo nguyên tắc \”một quốc gia, hai thể chế\”, nhưng ngay cả trước khi luật an ninh được thông qua năm 2020, Bắc Kinh đã bị cáo buộc tăng cường phá hoại tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Hong Kong.
Năm 2018, nhà báo Victor Mallet của Financial Times bị cấm vào Hong Kong bằng visa du lịch chỉ vài tuần sau khi visa làm việc của ông không được gia hạn mà không có bất kỳ lời giải thích nào.
Ông Mallet từng là Phó chủ tịch Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Hong Kong – tổ chức đã chọc giận Bắc Kinh bằng cách tổ chức một cuộc diễn thuyết với diễn giả là những người ủng hộ việc ly khai.
Đầu năm 2020, Trung Quốc đại lục đã trục xuất các nhà báo từ ba tờ báo Mỹ bằng cách yêu cầu các các phóng viên của New York Times, Washington Post và Wall Street Journal trả lại thẻ báo chí trong vòng vài ngày.
Luật an ninh quốc gia nói gì?
- Luật này có phạm vi rộng, khiến sự căm ghét chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền Hong Kong trở thành bất hợp pháp
- Cho phép xét xử kín, nghe lén các đối tượng tình nghi và xét xử các nghi phạm ở đại lục
- Một loạt các hành vi, bao gồm làm hư hại các công trình giao thông công cộng, có thể được coi là khủng bố
- Các nhà cung cấp Internet có thể phải bàn giao dữ liệu nếu được cảnh sát yêu cầu
Nhà chức trách ở cả Hong Kong và Trung Quốc đại lục khẳng định luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, mà cần thiết để dập tắt làn sóng bất ổn trong những năm qua.
Đối với giới chỉ trích, luật này làm suy yếu các quyền tự do khiến Hong Kong khác biệt với Trung Quốc đại lục, và làm nên bản sắc của Hong Kong.
Người dân ở Hong Kong được hưởng các quyền tự do dân sự như tự do ngôn luận, quyền biểu tình và tư pháp độc lập, vốn được quy định trong Luật cơ bản.
Trong những năm gần đây, Hong Kong đã có một loạt các cuộc biểu tình đòi hỏi nhiều quyền hơn. Năm 2019, các cuộc biểu tình về một dự dẫn độ hiện đã bị hủy bỏ, cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong vào đại lục, đã trở nên bạo lực và thúc đẩy sự hình thành của một phong trào dân chủ rộng khắp.