Trung Quốc: Đến lúc phương Tây ra đòn trừng phạt
Đăng ngày: 16/07/2020
Anh Vũ10 phút
Tên của thủ tướng Jean Castex xuất hiện ở khắp các trang báo Pháp ra hôm nay. Hình ảnh của tân thủ tướng trước Quốc Hội trình bày đường lối của chính phủ cho giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, chỉ còn 600 ngày, trong đó trọng tâm là kế hoạch khôi phục kinh tế, xuất hiện trên hầu khắp trang nhất các báo. Bên cạnh sự kiên quan trong với nước Pháp đó, các báo chính cũng không thể bỏ qua sự kiện quan hệ Trung – Mỹ đang leo thang căng thẳng từng ngày.
Về tình hình nước Pháp, chỉ một con đường, một mục tiêu là vực dậy nước Pháp nhưng có rất nhiều thách thức cho chính phủ mới. Các báo tập trung khai thác những khía cạnh khác nhau từ hình ảnh đến nội dung trong bài diễn văn của tân thủ tướng trước Quốc Hội hôm qua để cho thấy những nét lớn con đường phục hồi kinh tế đất nước. Trong một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt với thời gian không dài, sứ mệnh đặt ra cho tân thủ tướng và chính phủ Pháp tỏ ra hết sức nặng nề.
Về hồ sơ nóng quan hệ với Trung Quốc, Le Monde tóm tắt bằng hàng tựa trang nhất : « Trung Quốc : Phương Tây đến giờ trừng phạt ». Hồng Kông, Biển Đông, Hoa Vi, người Duy Ngô Nhĩ là những hồ sơ liên tiếp làm dấy căng thẳng trong cuộc đọ sức giữa các nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, với Trung Quốc trong những ngày qua.
Sau khi Washington tuyên bố lập trường khẳng định những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là « phi pháp », tổng thống Mỹ hôm qua chính thức rút quy chế ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông để đáp trả việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia. Le Figaro ghi nhận : « Đối mặt với Bắc Kinh, Trump hủy quy chế đặc biệt cho Hồng Kông » đồng thời tuyên bố, từ giờ trở đi, Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông không khác gì với Hoa lục, tức là sẽ không còn ưu đãi nào trong giao dịch thương mại và nhất là Mỹ sẽ không xuất sang Hồng Kông các công nghệ nhạy cảm. Hiệp định dẫn độ, các quy định cấp visa dễ dãi cho người Hồng Kông cũng bị hủy bỏ…. Chưa kể đến việc vùng đất thuộc địa cũ của Anh giờ đây có thể còn bị Mỹ trừng phạt như đã làm với Hoa lục.
Trong khi đó Libération nhận định sự kiện trên qua hàng tựa : « Trump nhằm vào Hồng Kông để đánh Trung Quốc ». Tờ báo nhận xét, « đòn áp lực của Washington này là một chương mới trong vòng xoáy quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại, đại dịch virus corona và chỉ còn 4 tháng nữa đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ».
Theo Libération, trong cuộc đọ sức với Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng lôi kéo các đồng minh nhập cuộc. Dường như ông đã thành công với Anh Quốc. Đầu tuần này, Luân Đôn đã quyết định loại hoàn toàn tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ra khỏi các đầu tư vào mạng truyền dẫn thông tin 5G. Hồi tháng Giêng, chính thủ tướng Boris Johnson đã cho phép Hoa Vi tham gia cung cấp thiết bị 35% dự án phát triển mang 5G ở Anh. Nhưng từ đó đến nay, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng, Anh Quốc giờ đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cũng phải tính toán sao cho không làm mất lòng các đối tác lớn trong tương lại. Donald Trump đã từng thẳng thừng tuyên bố : « nếu họ (người Anh) muốn buôn bán với chúng ta, họ không thể dùng Hoa Vi ».
Chọn Mỹ, Luân Đôn cũng bị Bắc Kinh đe dọa trả đũa nhằm vào các công ty của Anh có mặt tại Trung Quốc. Libération cho hay nhiều công ty lớn của anh như BP, Diageo, GlaxoSmithKline, Intercontinental Hotels hay Jaguar Land Rover, đang có những lợi ích lớn ở Trung Quốc. Nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Anh đang không ngừng xấu đi như được thêm dầu vào lửa vì vụ luật an ninh quốc gia áp đặt tại Hồng Kông.
Sau Anh, châu Âu có cân nhắc đến Hoa Vi ?
Tiếp tục thời sự liên quan đến Trung Quốc, nhân sự kiện Anh Quốc loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi 5G, báo La Croix có bài: « Các nước châu Âu có nên loại Hoa Vi ra khỏi cuộc gọi thầu 5G ? ». Bài viết của Jean Luc Lemmens, giám đốc bộ phận viễn thông thuộc Viện Nghe nhìn và Viễn thông Châu Âu – DigiWorld.
Theo tác giả, quyết định của Anh loại Hoa Vi trước tiên là một động thái chính trị, liên quan chủ yếu đến vị trí của Trung Quốc trên thế giới hiện nay.
Theo tác giả, bỏ qua Hoa Vi, đó là cách gửi đi thông điệp về chủ quyền của châu Âu. Trong khi châu Âu có 2 tập đoàn viễn thông lớn thực sự của mình có khả năng về thiết bị công nghệ 5G, có khả năng cạnh tranh với Hoa Vi, đó là Nokia của Phần Lan và Ericsson đóng tại Thụy Điển.
Ngoài ra, loại Hoa Vi sẽ giúp tháo gỡ được vấn đề an ninh hệ thống mạng và gián điệp. Đã có nhiều chuyện về khả năng gián điệp của Hoa Vi, liên quan đến Trung Quốc dù không có bằng chứng cụ thể nào. Thế nhưng trong vấn đề quản lý dữ liệu người dùng mạng, thì làm ăn với các đối tác Nokia hay Ericsson vẫn hơn là với Hoa Vi.
Còn trên phương diện công nghiệp, đúng là châu Âu có thể bỏ qua Hoa Vi, tập đoàn đã bị loại khỏi thị trường Mỹ. Về công nghệ giữa Hoa Vi và Nokia, Ericsson, không ai vượt trội hơn ai. Trong việc triển khai mạng 5 G, mỗi nhãn hiệu đều có những đặc thù riêng. Vấn đề còn lại chỉ là giá thành. Chắc chắn với các hãng châu Âu, giá thành sẽ phải cao hơn. Nước Anh cũng đã hiểu điều đó nên việc thay thế thiết bị Hoa Vi sẽ diễn ra dần dần có thể từ 2 đến 3 năm. Sự lựa chọn thiết bị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà mạng viễn thông và tác động cuối cùng đến người tiêu dùng. Đó là vấn đề cần bàn luận tiếp sau câu hỏi châu Âu có nên loại Hoa Vi ra khỏi mạng 5G.
Đọ sức với Trung Quốc, phương Tây nên nhìn lại mình
Còn nhật báo Les Echos nhìn sự kiện trên dưới góc độ kinh tế với hàng tựa: « Washington phá vỡ quan hệ kinh tế với Hồng Kông ».
Les Echos ghi nhận, « các ngân hàng nước ngoài hiện đang ở giữa hai làn đạn », đe dọa trừng phạt Mỹ và các đòn trả đũa từ Trung Quốc. Theo nhật báo kinh tế, các ngân hàng lớn của nước ngoài, trong đó có rất đông ngân hàng nổi tiếng của Mỹ, đang phải chuẩn bị những tình huống xấu nhất xảy ra.
Vẫn liên quan đến quan hệ với Trung Quốc, Les Echos có bài viết : « Chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc : một cái cớ tồi của những nền kinh tế phương Tây » của tác giả Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế thuộc đại học Harvard. Bài viết cho thấy các nước phương Tây vẫn cố gắng chỉ trích chính sách công nghiệp của Trung Quốc là quá lấn lướt phương Tây, nhưng chính chiến lược phát triển công nghiệp của các nước phương Tây đã có các lỗ hổng, để Trung Quốc lợi dụng tấn công. Vì thế phương Tây nên tự xem lại chính mình trước khi trách cứ, đổ lỗi cho Trung Quốc.