Ngoại giao Mỹ-Trung ‘choảng’ nhau trên mạng vì Biển Đông
Jul 21, 2020 cập nhật lần cuối Jul 21, 2020
BANGKOK, Thái Lan (NV) – Các giới chức ngoại giao Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á “choảng” nhau dữ dội trên mạng xã hội hôm Thứ Hai, 20 Tháng Bảy, trong lúc căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới liên quan đến Biển Đông đang xảy ra.
Theo hãng thông tấn Reuters, các nhà phân tích cho rằng đây là một thay đổi về chiến lược của Mỹ đối với một đối thủ ngày càng hùng mạnh ở Châu Á.
Sau khi Washington lên tiếng hôm 13 Tháng Bảy rằng tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò chín đoạn” của Bắc Kinh chiếm khoảng 90% Biển Đông là bất hợp pháp, các tòa đại sứ Mỹ trong khu vực tung ra một loạt các bài xã luận chưa từng có trước đây chỉ trích nặng nề hành động của Trung Quốc.
Phản ứng của Bắc Kinh cũng dữ dội không kém, tố cáo Washington “phỉ báng Trung Quốc với những lời dối trá nhằm đánh lạc hướng dư luận” ở Đông Nam Á.
“Chúng tôi đang chứng kiến họ ‘choảng’ nhau,” ông Renato de Castro, một nhà phân tích của viện nghiên cứu “Albert Del Rosario Institute for Strategic and International Relations” ở Philippines, nói với Reuters qua điện thoại. “Trò chơi này sẽ còn dài.”
Trong tuyên bố đưa ra tuần trước, Ngoại Trưởng Mike Pompeo của Mỹ gọi hành động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp” và tố cáo Bắc Kinh muốn trở thành một “đế quốc hàng hải.”
Sau đó, các tòa đại sứ của Hoa Kỳ ở Thái Lan, Malaysia, Philippines, và Cambodia viết trên Facebook và trên các tờ báo địa phương nói rằng hành động của Bắc Kinh là từ từ tiến chiếm chủ quyền của nước khác.
Đại sứ Mỹ ở Thái Lan tố cáo Trung Quốc giữ nước ở các đập thượng nguồn sông Mekong trong lúc các quốc gia hạ nguồn bị hạn hán hồi năm ngoái.
Tòa đại sứ Mỹ ở Yangon, Miến Điện, so sánh sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông với cách mà Bắc Kinh can thiệp vào quốc gia này.
Cơ quan ngoại giao của Mỹ nói rằng đầu tư của Trung Quốc ở Miến Điện là một cái bẫy.
Mỹ cũng tố cáo tình trạng buôn người, đưa phụ nữ sang Trung Quốc để làm vợ cho đàn ông ở đây, cũng như tình trạng buôn bán ma túy giữa hai quốc gia Châu Á này.
Để trả đũa lại, đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan tố cáo Washington “toan tính gây mất đoàn kết giữa Bắc Kinh và các quốc gia ven biển trong vùng.”
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện hai lần viết trên Facebook nói rằng Mỹ “chơi dơ” và tố cáo các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ làm chuyện “ghê tởm” để cản trở Trung Quốc và cho thấy một “khuôn mặt ích kỷ, đạo đức giả, đê tiện, và xấu xa.”
Theo nhật báo The South China Morning Post ở Hồng Kông, ông Sung Kim, đại sứ Mỹ tại Philippines, còn viết một bài xã luận nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ quốc gia đồng minh này ở “Biển Tây Philippines,” một từ ngữ mà Manila thường dùng để nói về chủ quyền của mình trong tranh chấp với Trung Quốc.
Đáp lại, Đại Sứ Hoàng Khê Liên của Trung Quốc kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á coi chừng Hoa Kỳ tìm cách “phá hoại” sự ổn định trong vùng.
Những tuyên bố này thu hút hàng ngàn bình luận trên mạng xã hội ở khu vực, trong đó nhiều người tấn công Trung Quốc trong khi thắc mắc về ý đồ của cả hai cường quốc này.
“Cảm ơn Hoa Kỳ hành động đúng luật,” một người tên Chelley Ocampo viết trên Facebook của tòa đại sứ Mỹ ở Philippines.
Sau khi một người viết trên Facebook của tòa đại sứ Mỹ ở Malaysia rằng “Đế quốc Mỹ cút về nước đi!!!!!!” các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đáp lại, “Vậy thì quý vị đồng ý với chiến thuật của Trung Quốc bắt nạt nước khác ở Biển Đông hả?”
Ông Wang Wenbin, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh là “ban đầu, Mỹ đưa ra các bình luận tấn công và chỉ trích Trung Quốc,” và các nhà ngoại giao của Bắc Kinh phải đưa ra các tuyên bố nói rõ hơn sự việc và phản bác.
Bộ Ngoại Giao Mỹ không trả lời khi Reuters đưa ra câu hỏi liên quan đến các vụ tấn công rõ ràng là có phối hợp trên mạng.
Vụ “choảng” nhau giữa hai bên cho thấy một chiến thuật mới của ngoại giao Mỹ ở khu vực, theo các phân tích gia nhận xét.
Các tuyên bố của Mỹ nhắm vào liên hệ của Biển Đông và những gì người dân địa phương quan tâm để “cho thấy Bắc Kinh là một đe dọa đối với chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á,” theo ông Sebastian Strangio, tác giả một cuốn sách sắp xuất bản, nói về ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á
Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng lại với chính sách ngoại giao mạnh mẽ đầy “kích động,” là “Wolf-Warrior,” ngay từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, đồng thời đẩy mạnh tinh thần chủ nghĩa dân tộc, vẫn theo ông Strangio.
Căng thẳng ở Biển Đông còn xảy ra trong thời gian gần đây, khi mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc tiến hành tập trận trên biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với các nước nhỏ, bao gồm cả Việt Nam và Philippines, dựa trên căn bản lịch sử. (Đ.D.)