Nhân quyền là ưu tiên ‘xuyên suốt’ trong 25 năm quan hệ Việt – Mỹ
23/07/2020
Trong suốt 25 năm bang giao với Việt Nam, nhân quyền luôn là một trong các ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ. Các nhà hoạt động thâm niên nói với VOA rằng dù có khác biệt về mặt “kỹ thuật” giữa các chính quyền Mỹ nhưng mục tiêu của Washington vẫn “xuyên suốt” trong thời gian qua.
“Từ năm 1995, quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam đã phát triển thành một quan hệ đối tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quan hệ giữa nhân dân hai nước. Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam đóng góp cho an ninh quốc tế, tham gia vào thương mại công bằng và có đi có lại và tôn trọng quyền con người cũng như pháp quyền,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập ngoại giao vào đầu tháng 7/2020.
Dịp này, trả lời phỏng vấn Báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói: “Hoa Kỳ tin chắc rằng tất cả các quốc gia đều có thể phát huy hết tiềm năng của mình khi quyền con người của các công dân nước họ được bảo vệ. Tiến bộ về nhân quyền vẫn là ưu tiên chính của Hoa Kỳ, và là vấn đề tôi theo sát và quan tâm sâu sắc.”
“Chúng tôi thường xuyên làm việc với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quyền con người, trong đó có Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam. Chúng tôi cũng nêu ra những vấn đề này với Chính phủ Việt Nam ở mọi cấp, kể cả trong các cuộc họp của tôi với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam,” nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm.
EMBED SHARE
Đại sứ Mỹ: Nhân quyền là ‘trọng tâm’ trong quan hệ Mỹ-Việt
Từ Virginia, nhà hoạt động nhân quyền Đoàn Viết Hoạt, người từng bị chính quyền Hà Nội giam cầm trước khi Việt Nam bang giao với Hoa Kỳ năm 1995 và được Washington vận động để Hà Nội trả tự do năm 1998, nói với VOA.
“Hoa Kỳ là một quốc gia rất tôn trọng nhân quyền – các quyền tự do căn bản của người dân. Trong quan hệ với các quốc gia, Hoa Kỳ luôn đặt vấn đề tôn trọng nhân quyền lên hàng đầu. Với Việt Nam, ngay từ lúc đầu, Hoa Kỳ đã đặt ra vấn đề nhân quyền lên hàng đầu, và đặc biệt chú ý đến tù nhân lương tâm – người bị tù vì đấu tranh cho các quyền tự do căn bản của con người.
“Nhân quyền luôn là vấn đề ưu tiên, quan trọng, mặc dù có thể tùy theo chính quyền, tùy theo vị tổng thống, mà cơ quan hành pháp có những khác nhau, chủ yếu về biện pháp kỹ thuật, thời điểm, nhưng về bản chất và mục đích vẫn là đặt nặng vấn đề nhân quyền.
“Nhân quyền là một chính sách rất xuyên suốt [của Washington] trong quan hệ Việt – Mỹ.”Nhân quyền là một chính sách rất xuyên suốt [của Washington] trong quan hệ Việt – Mỹ.Nhà hoạt động Đoàn Viết Hoạt
Ngày 3/2/1994, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố xóa bỏ cấm vận kinh tế kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, đồng thời cho biết rằng nhân quyền là một yếu tố chính trong quan hệ tương lai với Việt Nam, khi ông xúc tiến một cơ chế để thực hiện đối thoại nhân quyền với Hà Nội, bên cạnh ưu tiên hàng đầu lúc bấy giờ là vấn đề tù nhân chiến tranh và quân nhân Mỹ bị mất tích.
Vào tháng 2 và tháng 8/1994, các viên chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ Việt Nam tại LHQ đã khởi động các phiên “đối thoại” về nhân quyền đầu tiên.
Từ năm 1994 đến khi chính quyền Tổng thống Clinton công bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 11/7/1995, hàng chục dân biểu Hoa Kỳ đã lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền của Hà Nội, đặc biệt lưu ý trường hợp tù nhân chính trị như nhà báo Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, luật sư Đoàn Thanh Liêm, Hòa thượng Thích Huyền Quang …
Ông Đoàn Việt Hoạt nói với VOA:
“Áp lực quốc tế khi tôi bị bắt giam 12 năm đầu (1976-1988) thì yếu, nhưng khi tôi bị bắt trở lại từ năm 1990 – 1998 thì áp lực quốc tế mạnh hơn. Không chỉ có áp từ Hoa Kỳ mà còn có các quốc gia châu Âu và LHQ.”
“Sự can thiệp của quốc tế ngày càng có hiệu quả và cũng có nhiều sự thay đổi trong nước, đặc biệt là người dân có quyền tự do hơn,” ông Đoàn Viết Hoạt nhận định.
Nhưng sự can thiệp về nhân quyền của Hoa Kỳ và các nước phương Tây bị chính quyền Việt Nam xem là “diễn biến hòa bình” như Hội nghị Trung ương Đảng khóa VII vào năm 1994 lần đầu tiên đã chỉ ra như là một nguy cơ đối với giới lãnh đạo, cùng với các biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Vì phải cảnh giác trước nguy cơ “diễn biến hòa bình,” Việt Nam coi những áp lực về nhân quyền và dân chủ của Mỹ như hành động vi phạm “công việc nội bộ” của Việt Nam nhằm lật đổ chính quyền hiện tại, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học George Mason, Virginia, Mỹ, nhận định trong tạp chí Nghiên cứu Quốc tế của Học viện Ngoại giao Việt Nam.
“Nhân quyền là thành phần cố hữu của chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng nó không phải là nhân tố quan trọng nhất. Quan hệ đối ngoại của Mỹ gồm nhiều khía cạnh: chính trị, chiến lược, kinh tế và nhân quyền,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
“Thông thường, khi những quan tâm về chiến lược và kinh tế lên cao thì quan tâm về nhân quyền tương đối giảm đi. Nói cách khác, vấn đề nhân quyền có thể gây khó khăn lớn trong quan hệ Việt – Mỹ hay không tùy thuộc về cách xử lý của hai bên về vấn đề này,” cũng theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
Từ năm 1994 đến nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cùng Bộ Công an Việt Nam đã thực hiện tất cả 23 vòng đối thoại nhân quyền, một chủ đề lớn luôn có thể gây bất đồng trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên vẫn có hai năm gián đoạn 2003-2004, do chính quyền Tổng thống George W. Bush có lập trường cứng rắn hơn về tự do tôn giáo, nhân quyền với Việt Nam và quyết định đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo – CPC. Lý do bị đưa vào CPC năm 2004 vì Hà Nội không đáp ứng đề nghị của Washington về việc thả một số người bị giam cầm vì tín ngưỡng và một số yêu cầu khác.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Mục sư Nguyễn Hồng Quang thuộc Hội thánh Mennonite Độc lập không được nhà nước công nhận, nêu nhận định với VOA về hiệu quả của các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt – Mỹ:
“Từ trước 1995 cho đến nay đã hơn 20 lần đối thoại nhân quyền, đặc biệt là về tự do tôn giáo, dù được lưu tâm khá nhiều nhưng hiệu quả thì không bao nhiêu. Chúng tôi vẫn chưa được hưởng tự do tôn giáo đúng nghĩa và chính quyền vẫn chưa sẵn sàng hợp tác với chúng tôi – những cơ sở tôn giáo chưa được đăng ký pháp nhân. Vì vậy mà quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức theo chuẩn mực phổ quát của cộng đồng quốc tế.”
Vào năm 2013, khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố quan hệ Đối tác Toàn diện, vấn đề nhân quyền một lần nữa lại được đề cập, cùng với các chủ đề khác như ngoại giao và chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, di sản chiến tranh, quốc phòng và an ninh, văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong lời nói đầu quyển sách Đối thoại với các phái đoàn Hoa Kỳ xuất bản tháng 11/2019, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, cựu Thứ Trưởng Bộ Công an Việt Nam, viết: “Cho dù hai nước đã bình thường hoá quan hệ từ năm 1995, nhưng dư âm từ chiến tranh và khác biệt về quan điểm chính trị vẫn khiến mối quan hệ Việt – Mỹ luôn có những bất đồng và rào cản. Trong suốt thời kỳ hậu bình thường hoá, Mỹ luôn đặt sự khác biệt giữa hai hệ thống chính trị như vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo là những điều kiện ràng buộc trong quan hệ hai nước, dùng hai vấn đề này như công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.”
Ông Hưởng nhận định: “Việc áp đặt dân chủ, nhân quyền theo giá trị của Mỹ vẫn còn dai dẳng cho tới ngày nay, nhưng đã giảm nhiều so với những giai đoạn trước đây.”
“Thành tích nhân quyền của Việt Nam đi xuống trong những năm gần đây, nhưng vẫn là một thách thức để cải thiện mối quan hệ song phương,” một báo cáo vào tháng 6/2020 của Quốc hội Hoa Kỳ (CRS) nhận định.
“Mặc dù Chính quyền của Tổng Thống Donald Trump nhìn chung không đặt nặng việc giải quyết vấn đề vi phạm nhân quyền, nhưng một số thành viên Quốc hội vẫn nhấn mạnh các điều kiện nhân quyền tại Việt Nam,” báo cáo của CRS cho biết thêm.
CRS viết: “Trong ba thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam dường như đã theo một chiến lược cho phép các hình thức thể hiện quan điểm cá nhân và tự do tôn giáo, trong khi vẫn đàn áp một số các cá nhân và các tổ chức lên tiếng chỉ trích chính quyền.”
Trong một phần tư thế kỷ qua, giới lập pháp Hoa Kỳ nhiều lần lên tiếng về vấn đề vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Các vấn đề nhân quyền có tác động lan tỏa trong lĩnh vực hợp tác quân sự, an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư … khi mà con số tù nhân chính trị qua các năm đều gia tăng, cho đến nay là hơn 250 người.
Theo “thỏa thuận” giữa Washington và Hà Nội, một số tù nhân chính trị Việt Nam bị đưa từ nhà tù ra sân bay rồi đến Mỹ, khởi đầu từ luật sư Đoàn Thanh Liêm vào tháng 02/1996, nhà báo Đoàn Viết Hoạt tháng 09/1998, đến nhà văn Trần Khải Thanh Thủy vào 06/2011, luật sư Cù Huy Hà Vũ vào tháng 04/2014…. và gần nhất là nhà hoạt động Trần Thị Nga vào tháng 01/2020.
“Mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta và vai trò lãnh đạo Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương,” Thượng nghị sĩ Mỹ Cory Gardner nói trong một tuyên bố nhân dịp kỷ niệm 25 năm bang giao hai nước.
Ông Gardner nhấn mạnh: “Việt Nam phải làm nhiều hơn để đáp ứng các nghĩa vụ nhân quyền của mình. Chính phủ Việt Nam nên lưu tâm đến các lời kêu gọi của tôi để phóng thích các nhà báo và bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Một cam kết mạnh mẽ đối với các quyền tự do cơ bản có thể mở ra toàn bộ tiềm năng hợp tác của chúng ta.”
Tương tự, Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện nói: “Trong quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ phải tiếp tục ưu tiên các lĩnh vực quan trọng như an ninh khu vực, hợp tác kinh tế và thương mại, cũng như nhân quyền và thượng tôn pháp luật.”