24/07/1911: Tìm ra tàn tích thành phố cổ Machu Picchu
Nguồn: Machu Picchu ruins discovered by American archeologist, History.com
Biên dịch: Trần Mẫn Linh
Vào ngày này năm 1911, nhà khảo cổ học người Mỹ Hiram Bingham đã lần đầu trông thấy tàn tích của Machu Picchu, một khu định cư cổ của người Inca ở Peru mà ngày nay là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.
Nằm tại một vùng quê đầy núi đá ở phía tây bắc Cuzco, Machu Picchu được cho từng là nơi nghỉ dưỡng mùa hè của các lãnh đạo Inca, một nền văn minh đã gần như đã bị xóa sổ bởi thực dân Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Hàng trăm năm sau đó, sự tồn tại của Machu Picchu vẫn là một bí mật, chỉ được biết đến bởi những nông dân sống trong khu vực. Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn thay đổi vào mùa hè năm 1911, khi Bingham cùng một nhóm nhỏ các nhà thám hiểm tới đây để tìm kiếm những thành phố “đã mất” nổi tiếng của vùng đất Inca.
Bằng cách đi bộ và sử dụng la, Bingham và nhóm của ông đã đi từ Cuzco đến Thung lũng Urubamba, nơi một nông dân địa phương đã nói với họ về một số di tích nằm trên đỉnh của một ngọn núi gần đó. Người nông dân gọi ngọn núi đó là Machu Picchu, có nghĩa là “Cổ Sơn” trong tiếng Quechua bản địa. Ngày 24/07, sau quá trình vất vả leo lên đỉnh núi giữa thời tiết lạnh và mưa phùn, Bingham gặp một nhóm nhỏ nông dân và họ đã chỉ cho ông quãng đường còn lại. Được dẫn đường bởi một cậu bé 11 tuổi, Bingham lần đầu biết đến hệ thống các bậc thang đá phức tạp dẫn lối vào Machu Picchu.
Bingham đã hào hứng kể về khám phá của mình trong một cuốn sách mà sau này được bán chạy hàng đầu, đồng thời cũng thu hút nhiều đoàn khách du lịch đổ về Peru để trải nghiệm con đường mòn Inca. Khu vực này trải dài tới 8km, với hơn 3.000 bậc đá nối với nhau ở nhiều độ cao khác nhau.
Ngày nay, có hơn 300.000 người tới tham quan Machu Picchu mỗi năm. Bất chấp những đám đông và những vụ lở đất, họ đến để chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc trên những tượng đá cao chót vót của “thánh địa”, và để thưởng thức vẻ lộng lẫy bí ẩn của một trong những kỳ quan nhân tạo nổi tiếng nhất thế giới.