Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Thứ Bảy, 25 Tháng Bảy 2020

\"Pháo

By Người Việt on June 18, 2019

Pháo Binh Quốc Gia Việt Nam được thành hình vào đầu thập niên 1950. Thoạt đầu thành lập các pháo đội tác xạ biệt lập, sau đó những pháo đội này được kết hợp thành các tiểu đoàn Pháo Binh.

Dưới đây là những pháo đội biệt lập đầu tiên:

-Pháo đội biệt lập đầu tiên thành lập tại Bắc Việt ngày 1 Tháng Mười Một, 1951:

-Tiểu Đoàn 5 Pháo Binh thành lập ngày 1 Tháng Bảy, 1952. Đơn vị này do Tiểu Đoàn Pháo Binh Liên Hiệp Pháp số 1/41 R.A.C chuyển sang

-Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Việt Nam thành lập ngày 1 Tháng Mười Một, 1952, tại Bắc Việt.

-Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Việt Nam thành lập ngày 1 Tháng Hai, 1953, tại Trung Việt.

-Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh Việt Nam thành lập ngày 1 Tháng Giêng, 1953, tại Cao Nguyên Trung Việt.

-Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Việt Nam thành lập ngày 1 Tháng Năm, 1953, tại Nam Việt.

Mỗi tiểu đoàn Pháo Ninh có một bộ tham mưu, một pháo đội chỉ huy và công vụ, ba pháo đội tác xạ. Tổng cộng quân số trong tiểu đoàn gồm có 410 người, được trang bị 12 khẩu đại bác 105 ly.

Năm 1953, Pháo Binh vị trí được thành lập do quyết định của Hội Đồng Cao Cấp Việt Pháp ngày 24 Tháng Hai, 1953. Thông thường, mỗi tổ chức pháo binh vị trí miền gồm có một ban chỉ huy 17 người (một sĩ quan cấp tá, hai sĩ quan cấp úy, năm hạ sĩ quan, và chín binh sĩ). Một ban chỉ huy của pháo đội chỉ huy có 19 người (một sĩ quan cấp úy, bốn hạ sĩ quan và 14 binh sĩ), nhiều trung đội bán lưu động với mỗi trung đội gồm 36 người (một sĩ quan, năm hạ sĩ quan, và 30 binh sĩ). Nhiều trung đội cố định với mỗi trung đội 17 người (bốn hạ sĩ quan và 13 binh sĩ). Mỗi khẩu đội cố định có bảy người.

Pháo binh vị trí đã sử dụng những loại đại bác lỗi thời và hết sức phức tạp. Có cả thẩy 173 khẩu mà có tới những năm loại như sau:

-Đại bác 105 ly loại HM-3: 11 khẩu.

-Đại bác 88 ly: 122 khẩu.

-Đại bác 75 ly: 29 khẩu.

-Đại bác 90 ly: 7 khẩu.

-Đại bác 138 ly: 4 khẩu.

Kể từ Tháng Chín, 1953, tất cả các tiểu đoàn Pháo Binh hiện hữu được hệ thống hóa vào các liên đoàn Bộ Binh (tổ chức mỗi liên đoàn gồm có một bộ chỉ huy, đại đội chỉ huy công vụ, ba tiểu đoàn Bộ Binh, một tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly, một pháo đội 155 ly, một phân đội truyền tin, một đơn vị công binh), và vì sự xuất hiện của các liên đoàn Bộ Binh mà những tiểu đoàn được thành lập sau đó đã mang những danh hiệu theo một thứ tự khác với những tiểu đoàn tiền lập:

-Tiểu Đoàn 22 Pháo Binh thành lập ngày 1 Tháng Mười Hai, 1953, tại Huế, trực thuộc thành phần cơ hữu của Liên Đoàn 22 Bộ Binh.

-Tiểu Đoàn 33 Pháo Binh thành lập ngày 1 Tháng Giêng, 1954, tại Bắc Việt, trực thuộc thành phần cơ hữu của Liên Đoàn 33 Bộ Binh.

-Tiểu Đoàn 34 Pháo Binh thành lập ngày 1 Tháng Giêng, 1954, tại Bắc Việt, trực thuộc thành phần cơ hữu của Liên Đoàn 34 Bộ Binh.

-Tiểu Đoàn 12 Pháo Binh thành lập ngày 15 Tháng Tám, 1954, tại Nam Việt, là đơn vị trừ bị dự định sẽ bổ sung vào Liên Đoàn 12 Bộ Binh.

Nhưng thực ra chỉ riêng có các Liên Đoàn Bộ Binh số 11, 21, 31, 32, và 41 được thành lập. Còn các Liên Đoàn Bộ Binh số 12, 22, 33 và 34 bị cắt bỏ. Trước sự kiện này, trong số bốn tiểu đoàn tân lập chỉ có ba tiểu đoàn được duy trì, còn Tiểu Đoàn 33 Pháo Binh phải giải tán ngày 1 Tháng Ba, 1955.

Khi giải tán tiểu đoàn này, quân đội phải chấp nhận thu nạp Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh R.A.C.M. với các binh sĩ hoàn toàn là những người thuộc sắc dân thiểu số Nùng. Tiểu đoàn này do quân đội Pháp chuyển giao ngày 1 Tháng Tư, 1955. Về sau, tiểu đoàn này được cải danh thành Tiểu Đoàn 6 Pháo Binh Việt Nam.

Liên Đoàn Nhảy Dù cũng thành lập một đại đội súng cối 106 ly. Đến năm 1960 đổi thành Pháo Đội Súng Cối Nhảy Dù.

Cũng phải nói thêm là từ khi ngưng chiến, các đơn vị pháo binh vị trí lần lượt bị giải tán và đến Tháng Ba, 1955, thì công cuộc giải tán này hoàn tất.

Ngày 16 Tháng Ba, 1955, Pháp chuyển giao Trung Tâm Huấn Luyện Pháo Binh Phú Lợi cho quân đội Việt Nam Quốc Gia. Pháo binh Việt Nam lúc ấy gồm có chín tiểu đoàn và một trung tâm huấn luyện phân phối như sau:

-Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh đồn trú tại Bình Thủy (Cần Thơ).

-Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh đồn trú tại Đông Hà (Quảng Trị).

-Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh đồn trú tại Nha Trang.

-Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh đồn trú tại Pleiku.

-Tiểu Đoàn 5 Pháo Binh đồn trú tại Quảng Ngãi.

-Tiểu Đoàn 6 Pháo Binh đồn trú tại Sông Mao (Phan Thiết).

-Tiểu Đoàn 12 Pháo Binh đồn trú tại Dĩ An (Thủ Dầu Một).

-Tiểu Đoàn 22 Pháo Binh đồn trú tại Huế.

-Tiểu Đoàn 34 Pháo Binh đồn trú tại Mỹ Tho.

Năm 1954, Pháo Binh Việt Nam có quân số 4,248 gồm 163 sĩ quan, 732 hạ sĩ quan và 3,453 binh sĩ. Bắt đầu từ Tháng Mười, 1954, các chức vụ tiểu đoàn trưởng Pháo Binh mới được bắt đầu giao cho sĩ quan Pháo Binh Việt Nam.

Kể từ 1 Tháng Giêng, 1954, trước một quân số Pháo Binh càng ngày càng gia tăng cần được quản trị và huấn luyện một cách chu đáo, phái bộ thanh tra đã phải đặt riêng ra hai phòng thuộc lĩnh vực thanh tra của họ để chuyên trách về Pháo Binh Việt Nam. Hai phòng đó là:

-Phòng tổ chức theo dõi những vấn đề liên quan đến tổ chức đơn vị, thực hiện quân số, vật liệu, thăng thưởng và kỷ luật.

-Phòng nghiên cứu tổng quát theo dõi những vấn đề liên quan đến việc sử dụng đơn vị, huấn luyện đơn vị và cá nhân, kinh nghiệm sử dụng vật liệu và kiểm soát điều hành.

Trước đà tiến triển của các đơn vị Pháo Binh và cũng để cho các Tư Lệnh Quân Khu Việt Nam có thể sử dụng được các đơn vị này một cách dễ dàng, ngày 3 Tháng Năm, 1954, các bộ chỉ huy Pháo Binh quân khu thành lập, nhưng vẫn do sĩ quan Pháp điều khiển vừa với tư cách cố vấn vừa là chỉ huy trưởng Pháo Binh cho quân khu liên hệ. Việc tổ chức này được áp dụng cho cả các binh chủng Thiết Giáp, Công Binh, và Xa Binh. Nhưng chi tới cuối Tháng Giêng, 1955, tất cả các bộ chỉ huy binh chủng của quân khu này đều bị giải tán.

Tiếp sau đó một cơ quan thanh tra các binh chủng tại Bộ Tổng Tham Mưu được thành lập vào Tháng Ba, 1955, trong đó có binh chủng Pháo Binh QLVNCH.

Chính cơ quan thanh tra này đã khai sinh ra bộ chỉ huy Pháo Binh cũng như Thiết Giáp, Công Binh và Xa Binh, kể từ 1 Tháng Mười Hai, 1955. Chỉ huy trưởng Pháo Binh Việt Nam đầu tiên là Trung Tá Bùi Hữu Nhơn đảm nhiệm chức vụ vào Tháng Tám, 1955.

Do kế hoạch quân số của quân đội phát triển đến 150,000 người, ngành Pháo Binh đang từ chín tiểu đoàn gia tăng thành 11 tiểu đoàn, trong đó có một tiểu đoàn Pháo Binh 155 ly đầu tiên được thành lập. Tiểu Đoàn 34 nhận lãnh đại bác 155 ly và rời miền Nam để ra đồn trú tại Đà Nẵng.

\"CCB-Phao-binh-VNCH-2\"/
Một đơn vị Pháo Binh. (Hình: Flickr manhhai)

Giai đoạn Đệ Nhất Cộng Hòa

Tháng Tám, 1955, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có bốn sư đoàn dã chiến (mỗi sư đoàn khoảng 8,000 người), sáu sư đoàn khinh chiến (mỗi sư đoàn khoảng 5,000 người). Mỗi sư đoàn dã chiến có một bộ chỉ huy sư đoàn và một tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly.

Đầu năm 1956 Pháo Binh tăng thêm hai đơn vị là tiểu đoàn số 23, 25 được thành lập liên tiếp trong các ngày 1 Tháng Giêng và 1 Tháng Hai, cũng như ba tiểu đoàn 155 ly là các tiểu đoàn 35, 36, và 37.

Trong lúc đó để hòa nhịp với sự tái tổ chức của quân đội, một số đơn vị Pháo Binh đã được cải danh như sau:

-Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh tại Đông Hà đổi thành Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh, trực thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

-Tiểu Đoàn 5 Pháo Binh tại Quảng Ngãi đổi thành Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh, trực thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh.

-Tiểu Đoàn 6 Pháo Binh tại Sông Mao đổi thành Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh, trực thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh.

-Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh tại Nha Trang đổi thành Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh, trực thuộc Sư Đoàn 4 Bộ Binh.

-Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh tại Bình Thủy đổi thành Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh, trực thuộc Quân Khu 1.

-Tiểu Đoàn 12 Pháo Binh tại Dĩ An đổi thành Tiểu Đoàn 27 Pháo Binh, trực thuộc Quân Khu 1.

-Tiểu Đoàn 22 Pháo Binh tại Huế đổi thành Tiểu Đoàn 26 Pháo Binh, trực thuộc Quân Khu 2.

-Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh tại Pleiku đổi thành Tiểu Đoàn 24 Pháo Binh, trực thuộc Quân Khu 4.

-Tiểu Đoàn 34 Pháo Binh tại Mỹ Tho được tân trang đại bác 155 ly và di chuyển ra Đà Nẵng.

Đồng thời, đại đội trọng pháo của liên đoàn Thủy Quân Lục Chiến được thành lập.

Cuối năm 1958, 10 sư đoàn Bộ Binh kể trên được tái tổ chức thành bảy sư đoàn: 1, 2, 5, 7, 21, 22 và 23 với quân số là 10,500 người cho mỗi sư đoàn. Quân số của các đơn vị Pháo Binh cũng được gia tăng. Mỗi sư đoàn Bộ Binh có một bộ chỉ huy, một tiểu đoàn pháo binh 105 ly, và một tiểu đoàn súng cối với 27 khẩu 106 ly.

Giai đoạn Đệ Nhị Cộng Hòa

Năm 1961, Sư Đoàn 9 Bộ Binh được tăng cường một tiểu đoàn Pháo Binh (số 9) và một tiểu đoàn súng cối (cũng số 9). Sư Đoàn 25 Bộ Binh được tăng cường một tiểu đoàn Pháo Binh (số 25) và một tiểu đoàn súng cối (cũng số 25). Cả hai sư đoàn đều có một bộ chỉ huy Pháo Binh sư đoàn. Riêng bộ chỉ huy Pháo Binh của Sư Đoàn 9 đã cùng với hai tiểu đoàn di chuyển vào Sa Đéc. Còn bộ chỉ huy Pháo Binh Sư Đoàn 25 Bộ Binh thì di chuyển về Hậu Nghĩa.

Năm 1964 các tiểu đoàn súng cối được tân trang với đại bác 105 ly. Như vậy mỗi tiểu đoàn Pháo Binh được trang bị với 18 đại bác 105 ly.

Tháng Tám, 1965, quân đội thành lập thêm Sư Đoàn 10 Bộ Binh. Như vậy, binh chủng Pháo Binh có thêm một bộ chỉ huy Pháo Binh sư đoàn và hai tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly.

Sau trận chiến Tết Mậu Thân năm 1968, Pháo Binh sư đoàn gồm một bộ chỉ huy Pháo Binh sư đoàn, một tiểu đoàn đại bác 155 ly, ba tiểu đoàn 105 ly, và mỗi tiểu đoàn đều được trang bị 18 đại bác.

Một số đơn vị Pháo Binh sau đó lại được tái tổ chức và cải danh như sau:

-Tiểu Đoàn 34 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 1 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 10 Pháo Binh.

-Tiểu Đoàn 20 Pháo Binh vừa được thành lập đã được bổ sung cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh.

-Tiểu Đoàn 35 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 5 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 50 Pháo Binh.

-Tiểu Đoàn 32 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 18 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 180 Pháo Binh.

-Tiểu Đoàn 38 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 25 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 250 Pháo Binh.

-Tiểu Đoàn 45 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 22 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 220 Pháo Binh.

-Tiểu Đoàn 39 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 23 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 230 Pháo Binh.

-Tiểu Đoàn 33 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 7 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 70 Pháo Binh.

-Tiểu Đoàn 34 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 9 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 90 Pháo Binh.

-Tiểu Đoàn 36 Pháo Binh được sát nhập vào Sư Đoàn 21 Bộ Binh, cải danh thành Tiểu Đoàn 210 Pháo Binh.

Năm 1971, Pháo Binh thành lập năm tiểu đoàn Pháo Binh với các đại bác 175 ly cơ động (Quân Đoàn 1 được ba tiểu đoàn, Quân Đoàn 2 được một tiểu đoàn, Quân Đoàn 3 được một tiểu đoàn).

Cuối năm 1971, Pháo Binh tiểu khu được thành lập, phần lớn cố định tại các vị trí cạnh quận lỵ để yểm trợ lãnh thổ hay di chuyển yểm trợ các cuộc hành quân ngắn hạn của các tiểu khu. Mỗi tiểu khu có một Ban Pháo Binh tiểu khu chuyên phối hợp hỏa lực yểm trợ cho tiểu khu. Số lượng đại bác tùy thuộc nhiệm vụ và lãnh thổ của tiểu Khu.

Tổng số tất cả pháo binh tiểu khu là 176 trung đội.

Đầu năm 1972, Sư Đoàn 3 Bộ Binh được thành lập, Pháo Binh lại thành lập bộ chỉ huy Pháo Binh sư đoàn. Lúc đó, Tiểu Đoàn 48 Pháo Binh (với đại bác 155 ly) được sát nhập vào Sư Đoàn 3 Bộ Binh và cải danh thành Tiểu Đoàn 30 Pháo Binh. Ngoài ra, thêm ba tiểu đoàn Pháo Binh khác cũng được thành lập là 31, 32, và 33.

Tính đến Tháng Tư, 1975, Pháo Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có bộ chỉ huy Pháo Binh trung ương tại Sài Gòn, Trường Pháo Binh tại Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ ở Ninh Hòa, bốn bộ chỉ huy Pháo Binh quân đoàn tại Đà Nẵng, Pleiku, Biên Hòa, và Cần Thơ.

Ngoài ra, có tổng cộng là 11 bộ chỉ huy Pháo Binh sư đoàn tại Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, An Sơn (Bình Định), Ban Mê Thuột, Long Khánh, Lai Khê, Củ Chi, Mỹ Tho, Sa Déc, Sóc Trăng.

Pháo Binh sư đoàn có một tiểu đoàn đại bác 155 ly và ba tiểu đoàn 105 ly. Lực lượng Pháo Binh trực thuộc mỗi quân đoàn gồm có ba tiểu đoàn pháo 105 ly, ba tiểu đoàn pháo 155 ly, năm tiểu đoàn pháo cơ động 175 ly, và bốn tiểu đoàn pháo binh phòng không.

Cũng cần nói thêm là lúc đó hậu cứ của Pháo Binh Nhảy Dù và Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến đều nằm tại Sài Gòn (các đơn vị pháo của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến chỉ có đại bác 105 ly và không có đại bác 155 ly hay 175 ly).

Với lực lượng Pháo Binh QLVNCH hùng hậu như vậy đã làm cho Cộng quân kinh hoàng trên các trận chiến nhưng tiếc thay, vào thời điểm cuối cùng của cuộc chiến thiếu đạn dược để phản công, đành thúc thủ! 

(Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa)

Bài Liên Quan

Leave a Comment