Hành xử mới nhất của chính quyền trong vụ Đồng Tâm

Hành xử mới nhất của chính quyền trong vụ Đồng Tâm

RFA
2020-07-27

\"NhữngNhững hình ảnh mới về cụ Lê Đình Kình và căn phòng của cụ ở Đồng Tâm sạu vụ đụng độ hôm 9/1/2020 Courtesy of FBHành xử mới nhất của chính quyền trong vụ Đồng Tâm00:00/08:25 

Sự việc lực lượng chức năng hơn 3.000 quân tấn công vào thôn Hoành, Xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1 đến nay đã hơn nửa năm.

Trong cuộc tấn công này, cụ Lê Đình Kình, người được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất đã bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 29 người dân đang bị bắt giam.

Tuy đã hơn 6 tháng trôi qua, nhưng đến nay gia đình cụ Lê Đình Kình vẫn chưa được cấp giấy chứng tử của cụ, dù vợ cụ là Bà Dư Thị Thành đã nhiều lần gặp lãnh đạo xã Đồng Tâm yêu cầu.

Trao đổi với RFA tối 27/7, chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu cụ Lê Đình Kình và cụ Dư Thị Thành cho hay:

“Mấy ngày nay bà Dư Thị Thành lên Ủy ban xã Đồng Tâm để gặp Bí thư là ông Nguyễn Văn Sự, cả ông Chủ tịch và Phó Chủ tịch hỏi về vấn đề tại sao vẫn chưa làm giấy khai tử cho ông thì chỉ nhận được câu trả lời là bà bình tĩnh, chúng cháu đang gửi đơn lên cấp trên để đáp ứng nhu cầu này của bà. Bà bảo là cứ làm chứng tử bình thường, tại sao phải lên cấp trên làm gì thì được họ trả lời do lý do chết mà bà yêu cầu ghi vào giấy khai tử nhạy cảm nên chúng cháu không thể làm theo yêu cầu của bà. Lý do bà muốn ghi vào giấy khai tử của ông là ông chết vì bị giết hại tại phòng ngủ. Mọi người từ chối không làm cho bà. Mới đầu họ bảo là thay đổi lý do, nhưng kể cả thay đổi lý do thì họ cũng vẫn phải hỏi ý kiến cấp trên mới làm cho bà. Mới đầu họ không muốn bà ghi vào nguyên nhân ông bị giết hại nhưng cả gia đình đều không đồng ý lại đi về.”

Vẫn theo lời chị Duyên, gần đây cụ bà Dư Thị Thành nhiều lần nói chuyện với những cán bộ trên ủy ban xã Đồng Tâm nhưng kết quả vẫn không thay đổi được gì. Dù khi gặp bà Thành đã nói đến lo ngại chỉ sợ bà mất trước khi nhận được giấy chứng tử của ông Lê Đình Kình nhưng phía chính quyền chỉ động viên bà Thành bình tĩnh và đừng cố chấp.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nhận định về việc này như sau:

“Gây thêm phẫn nộ cho dân bởi vì người ta đã chết rồi thì phải xác minh. Vì họ không thể xác minh được nên họ ngại, họ sợ, không lẽ họ nói bị công an vào nhà bắn chết lúc nửa đêm. Đây là vấn đề sự ngọng nghịu của chính quyền hiện nay, của nhà nước hiện nay. Vì thế rất nhiều mâu thuẫn trong hành động, bản thân sự kiện ấy đã phi nghĩa, phi đạo lý, phi pháp nên nó mâu thuẫn, không hiair quyết, né tránh. Càng như thế lại đẩy người dân đến chỗ bất bình, phẫn nộ, oán thán, phải lên án những hành động này.”

Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành luật, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang nhận bào chữa cho một số người dân Đồng Tâm đang bị tạm giam sau sự kiện ngày 9/1/2020 cho biết:

\"Đoàn

Đoàn công tác thăm hỏi thân nhân liệt sĩ Dương Đức Hoàng Quân thiệt mạng trong vụ Đồng Tâm. Nguồn: cand.com.vn

“Việc cấp giấy chứng tử cho cụ Lê Đình Kình thuộc trách nhiệm Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, theo quy định là vậy. Không có quy định đối với một số trường hợp nào đó sẽ không cấp. Tất cả mọi trường hợp đều phải cấp giấy chứng tử. Một lý do nôm na là không có trong luật. Bị giết hay chết do bị ngộ sát hay do tai nạn… thì trong trường hợp nào đi nữa cũng có quy định phải cấp giấy chứng tử. Ứng xử của Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm trong trường hợp này không đúng. Cụ Thành có thể làm đơn khiếu nại, trong trường hợp cần thiết có thể khởi kiện ra tòa hoặc khiếu nại cấp trên Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm.”

Luật sư Mạnh nói thêm nếu cụ bà Dư Thị Thành khởi kiện vụ án này, về lý thì sẽ thắng kiện, nhưng trong thực tế sẽ có thay đổi phụ thuộc nhiều yếu tố. Ông giải thích:

“Nếu chính quyền ở Hà Nội khách quan và vô tư, việc khiếu nại của cụ Thành một cách hiển nhiên đúng quy định của pháp luật thì phải giải quyết nhanh, ngay lập tức cho người ta. Nhưng trong những trường hợp giống như vụ này qua thì thấy thể thiện thái độ của Ủy ban Nhân dân xã cho thấy họ đưa ra khái niệm là một vụ việc nhạy cảm thì rất có thể mình khiếu nại đúng nhưng họ sẽ day dưa. Đương nhiên sẽ day dưa của họ là sai luật. Không quy định nào cho phép vì sự nhạy cảm mà không cấp khai tử cho người dân.”

Cuộc tấn công hôm 9/1 diễn ra khi tranh chấp đất đai giữa người dân đang trong giai đoạn căng thẳng. Phía Công an cho rằng Cụ Lê Đình Kình là chủ mưu chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng được huy động đến để tiêu diệt các phần tử phản động.

Trong khi đó, người trong cuộc thì nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Họ mong được cơ quan chức năng đối thoại giải quyết thấu tình, đạt lý trong vụ tranh chấp đất đai này.

Truyền thông trong nước vào ngày 6 tháng 7 dẫn nguồn từ ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho vụ án ở Đồng Tâm khiến cụ Lê Đình Kình và 3 công an thiệt mạng được dự kiến đưa ra xét xử trong tháng 8 tới đây.

Chị Nguyễn Thị Duyên, thay mặt gia đình và cụ bà Dư Thị Thành bày tỏ hy vọng trong phiên tòa sắp tới:

“Mong muốn lớn nhất của gia đình hiện tại là tìm ra kẻ đã giết hại cụ (Kình) và giải oan cho tất cả người dân Đồng Tâm đang bị giam cầm. Tất cả mọi người bị oan ức mà phía điều tra độc lập không có, lại điều tra bởi chính những người tham gia tấn công Đồng Tâm như vậy không được minh bạch và khách quan. Những người đã tấn công vào phòng cụ để giết cụ một cách dã man như thế nhưng đến giờ phút này vẫn không ai đứng ra để giải oan cho cụ và tìm ra thủ phạm giết cụ.”

Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, phiên tòa sắp tới, phía chính quyền đang thực hiện một nước đi khá tốt khi tránh né việc nhắc đến chuyện cụ Lê Đình Kình bằng cách gọi đây là vụ án Đồng Tâm.

Tuy nhiên, ông cũng hy vọng rằng dư luận quốc tế sẽ quan tâm đến những sự kiện này để hỗ trợ nền dân chủ pháp quyền của đất nước Việt Nam hiện nay.

Trong cuộc tấn công ngày 9/1, phía lực lượng chức năng cũng có 3 chiến sĩ công an thiệt mạng gồm đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô), thượng úy Dương Hoàng Đức Quân (cán bộ Trung đoàn CSCĐ Thủ đô) và đại úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3 thành phố Hà Nội).

Ngay sau đó, cả 3 đều được nhà nước công nhận liệt sĩ, nhận bằng Tổ quốc ghi công, truy thăng quân hàm và được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.

Mới đây nhất, Thượng tá Ngô Đăng Khoa – Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô vào sáng 25/7 đã cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà 3 gia đình liệt sĩ vừa nêu nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7/1947 – 27/7/2020.

Bài Liên Quan

Leave a Comment