Các cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42 và 43 của Quân Lực VNCH tại Cambodia

Các cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42 và 43 của Quân Lực VNCH tại Cambodia

\"\"/
Bản đồ các cuộc hành quân Toàn Thắng 42 & 43 tại Cambodia. (Hình: vi.wikipedia.org)

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Kể từ sau cuộc tấn công bất ngờ của Cộng Quân vào các thành thị và tỉnh lỵ của Việt Nam Cộng Hòa trong dịp hưu chiến Tết Mậu Thân 1968, chiến cuộc tại miền Nam Việt Nam sôi động hẳn lên.

Những cuộc hành quân gia tăng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nhắm vào các đơn vị Cộng Quân bên trong và cả bên ngoài lãnh thổ trong khuôn khổ kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh (Vietnamization) của Hoa Kỳ nhằm nâng cao vai trò của Quân Lực VNCH và giảm thiểu vai trò của các lực lượng chiến đấu Mỹ trên chiến trường.

Bối cảnh các cuộc hành quân sang Cambodia

Các cuộc hành quân vượt biên của Quân Lực VNCH sang Cambodia nhằm phá hủy các căn cứ hậu cần của Cộng Sản Bắc Việt được tiến hành sau khi Thủ Tướng Lon Nol và Hoàng Thân Sirik Matak thực hiện cuộc đảo chính Quốc Vương Cambodia Sihanouk vào ngày 18 Tháng Ba, 1970. Sau đó lên tiếng yêu cầu các lực lượng Mỹ và VNCH hành quân sang đất Chùa Tháp để giúp họ đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Cộng Sản Khmer Đỏ vào các thành phố Sihanoukville và Kompong Cham cũng như vào chính thủ đô Phnom Penh.

Trong khoảng thời gian từ ngày 20 Tháng Ba, 1970, đến 22 Tháng Bảy, 1970, đã có đến 13 cuộc hành quân ngoại biên lớn, nhỏ của Quân Lực VNCH và quân đội Mỹ đánh sang Cambodia, trong đó có cuộc hành Quân Toàn Thắng 41 ngắn ngày và hai cuộc hành quân quy mô là Hành Quân Toàn Thắng 42, và Hành Quân Toàn Thắng 43. Các cuộc hành quân của Quân Lực VNCH đều được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp hoặc tổng quát của Trung Tướng Đỗ Cao Trí, tư lệnh Quân Đoàn 3 và Vùng III Chiến Thuật.

Cuộc Hành Quân Toàn Thắng 41 khai diễn ngày 14 Tháng Tư, 1970, tại vùng Cánh Tiên (Angel’s Wing) tại tỉnh Svay Rieng trên lãnh thổ Cambodia, bên kia biên giới vùng Gò Dầu Hạ thuộc tỉnh Tây Ninh của Việt Nam. Sau ba ngày giao tranh, các lực lượng Quân Lực VNCH, được sự yểm trợ hỏa lực của Sư Đoàn 25 Bộ Binh Hoa Kỳ, đã tiêu diệt hơn 700 Cộng Quân, bắt sống 37 người và phá hủy căn cứ hậu cần của họ tại đây, gồm vũ khí, thuốc men, thóc gạo, đạn dược, mìn bẫy…

Sau cuộc Hành Quân Toàn Thắng 41, ba Thiết Đoàn Kỵ Binh thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh đã cùng với ba tiểu đoàn Biệt Động Quân VNCH triển khai cuộc Hành Quân Cửu Long từ Tây Ninh đánh sang vùng Mỏ Quạ (Crow’s Nest) và phá hủy nhiều kho vũ khí và quân dụng của địch.

Hành Quân Toàn Thắng 42

Cuộc hành Quân Toàn Thắng 42 (Victory 42), bắt đầu ngày 29 Tháng Tư và kết thúc ngày 22 Tháng Bảy, 1970, kéo dài ngót ba tháng trời và bao gồm 50,600 binh sĩ Mỹ tham chiến cùng với 58,600 binh sĩ Quân Lực VNCH, mà nỗ lực chính là Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Trung Đoàn 46 thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, 4 Thiết Đoàn Kỵ Binh thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh, và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù VNCH cùng với các đơn vị yểm trợ tiếp vận.

Mặt Trận B3 của Cộng Sản Bắc Việt trên đất Cambodia do Tướng Hoàng Văn Thái làm tư lệnh và Phạm Hùng làm chính ủy, phối hợp với Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R) gồm các lực lượng thuộc Công Trường 9, với quân số ước lượng chừng 40,000 cán binh, chưa kể các lực lượng du kích địa phương.

Cuộc hành quân gồm sáu giai đoạn tấn công, trong đó có năm giai đoạn là hành quân hỗn hợp giữa các lực lượng VNCH và Hoa Kỳ, và chỉ có giai đoạn cuối, từ 1 Tháng Bảy tới 22 Tháng Bảy, 1970, là do các lực lượng thuộc Quân Đoàn 3 VNCH thực hiện mà thôi.

Mục tiêu của Giai Đoạn 1 và 2 trong cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42 là càn quét khu Mỏ Vẹt (Parrot’s Beak) từ biên giới Việt Nam-Cambodia tới Svay Rieng. Trong Giai Đoạn 3, quân bạn càn quét khu vực từ Svay Rieng cho đến vùng phía Bắc tỉnh Tây Ninh. Giai Đoạn 4 tập trung khai thông Quốc Lộ 1 trên đất Cambodia, từ Svay Rieng tới Kompong Trabeck. Trong Giai Đoạn 5, các đơn vị Mỹ-Việt tấn công vào Đồn Điền Chup, và trong Giai Đoạn 6, các lực lượng VNCH càn quét khu vực Đồn Điền Minot.

Theo kết quả cuộc hành quân, Cộng Quân có 11,369 cán binh thiệt mạng và 2,328 người bị bắt sống cùng vô số hầm hố, tiếp liệu, đạn dược, súng ống và tài liệu bị phá hủy hoặc tịch thu cùng với hàng trăm hầm hố bị san bằng. Về hía quân bạn, có 638 chiến sĩ VNCH bị tử thương, và 35   người mất tích cùng với 338 binh sĩ Mỹ tử trận và 13 người mất tích.

\"\"
Tướng Đỗ Cao Trí (trái), tư lệnh Mặt Trận Cambodia năm 1970. (Hình: Flickr manhhai)

Hành Quân Toàn Thắng 43

Ngày 1 Tháng Năm, 1970, chỉ hai ngày sau khi khai diễn cuộc hành Quân Toàn Thắng 42, trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon loan báo với dân chúng Mỹ và thế giới rằng quân đội Mỹ và Quân Lực VNCH sẽ vượt biên qua Cambodia để tảo thanh các mật khu của quân Cộng Sản tại vùng phía Đông của nước này, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 VNCH đã phối hợp với quân đội Hoa Kỳ mở thêm một cuộc hành quân khác, mệnh danh Hành Quân Toàn Thắng 43, với lực lượng chính bên phía VNCH là Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù.

Về phía Mỹ, cuộc hành quân này do Task Force Shoemaker (Lực Lượng Đặc Nhiệm Shoemaker) đảm nhiệm, với lực lượng nòng cốt là Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Không Vận (1st Calvary Division). Mục tiêu của cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ này là nhằm càn quét mật khu 353 của Cộng Quân trong vùng Lưỡi Câu (Fishhook), là nơi thiết đặt bộ chỉ huy của lực lượng Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam, gọi là Trung Ương Cục Miền Nam, tức Cục R.

Sáu phi vụ dội bom trải thảm do siêu pháo đài bay B-52 đánh xuống vùng phía Nam Lưỡi Câu đã mở đầu cuộc hành quân này. Kế đó, 94 khẩu trọng pháo của Pháo Binh Hoa Kỳ cũng bắt đầu nhả đạn vào các mục tiêu, và tiếp theo đó là hỏa lực của 148 phản lực cơ Không Lực Hoa Kỳ từ các phi trường ở Nam Việt Nam và Thái Lan bay đến, cày nát các mật khu 352 và 353 của Cộng Sản Bắc Việt trên đất Chùa Tháp.

Cuộc oanh tạc vừa chấm dứt, các tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH được trực thăng vận vào chiến trường. Khoảng 100 trực thăng đã đổ quân tấn công thẳng vào các mục tiêu được chỉ định và đã gặp phải sức chống trả mãnh liệt của Cộng Quân, bởi vì đây là một căn cứ hậu cần quan trọng của địch, với một nhà kho chứa khoảng 10 tấn thuốc men, 150 khẩu súng K-54 cùng với hàng nghìn khẩu súng đủ loại từ đại liên, trung liên, súng cối, súng CKC cho đến hỏa tiễn 122  ly, và khoảng 100 tấn đạn cược các loại.

Các lực lượng Hoa Kỳ thì chia thành hai mũi dùi tấn công thẳng vào Cục R, một mũi xuất phát từ Tây Ninh để tấn công vào mạn Bắc, và mũi thứ nhì tấn công từ hướng Đông sang. Tuy bị đánh bất ngờ, Cộng Quân vẫn cầm cự quyết liệt trước khi tháo chạy, bỏ lại trậ địa 152 xác, phần lớn chết do phi pháo của Mỹ dội xuống trước cuộc tấn công.

Tại Snoul, Trung Đoàn 11 Thiết Kỵ Hoa Kỳ bất ngờ đánh thẳng vào mặt Nam của thị trấn, và cuộc giao tranh dữ dội với Cộng Quân đã diễn ra ngay khu trung tâm thành phố trước khi các lực lượng Mỹ chiếm được Snoul. Nhưng các cuộc đụng độ với Cộng Quân chung quanh thị trấn này vẫn tiếp diễn suốt 5 ngày sau đó, với 600 Cộng Quân bị loại khỏi vòng chiến trong khi thiệt hại nhân mạng về phía quân Mỹ được coi là nhẹ.

Trong khi các Lữ Đoàn 1, 2, và 3 Kỵ Binh Không Vận Mỹ cùng với trung Đoàn 11 Thiết Kỵ vẫn còn lưu lại Snoul thì tại vùng Lưỡi Câu, các lực lượng VNCH lại được tăng viện thêm Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù để mở một mặt trận mới: Cuộc Hành Quân Toàn Thắng 45.

Thành quả rực rỡ của các cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42 và 43

Hành Quân Toàn Thắng 42 và 43, cũng như các cuộc hành quân ngoại biên trước và sau đó của liên quân Việt-Mỹ, thành công phần lớn là do yếu tố bất ngờ tối đa cùng với hỏa lực trọng pháo và phi pháo hùng hậu của quân bạn.

Đối với Quân Lực VNCH, thành quả rực rỡ này là bằng chứng cho thấy kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh của Hoa Kỳ đã thành công trong bước đầu, ít ra thì cũng là khi các lực lượng VNCH được cung cấp đầy đủ súng ống và đạn dược để tiếp tục cuộc chiến tranh chống du kích cam go và tốn kém mà Hoa Kỳ, vì nội tình bất an nơi chính quốc, đã không thể đảm đương nổi, khiến họ đã phải chấp nhận thương thuyết với phía Cộng Sản, từ năm 1968 đến 1973, về việc chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam để quân Mỹ có thể rút lui “trong danh dự.”

Về phía Quân Lực VNCH, thẳng thắng mà nói, chiến thắng to lớn này cũng là nhờ tài điều binh, khiển tướng tuyệt với của vị tư lệnh chiến trường, Trung Tướng Đỗ Cao Trí, tư lệnh Quân Đoàn 3 và Vùng III Chiến Thuật.

Vị danh tướng của Quân Lực VNCH đã được Tạp Chí Time, số ra ngày 8 Tháng Sáu, 1970, tặng cho danh hiệu “Tướng Patton của Mỏ Vẹt” (“The Patton of Parrot’s Beak.” Tờ The New York Times của Mỹ cũng khen tặng vị tướng tài ba này trong một bài báo của ký giả  James P. Sterba, đăng ngày 4 Tháng Sáu, 1970, dưới tựa đề “A Fighting General” (“Vị Tướng Lãnh Thiện Chiến”).

Chẳng những là một thiên tài quân sự, Tướng Trí còn là một chiến binh gan dạ và rất xông xáo trên chiến trường. Ngay trong cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42, có lần Tướng Trí đã đáp trực thăng thẳng xuống vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù vào giữa đêm khuya để đích thân ra lệnh cho tiểu đoàn này cùng với Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh VNCH cấp tốc tấn công vào Đổn Điền Chup, nơi Công Trường 9 của Cộng Quân đặt bộ chỉ huy. Rồi Tướng Trí đã ngồi trên một chiến xa của Thiết Đoàn 5 để trực tiếp chỉ huy đoàn quân, tiêu diệt hầu hết bộ chỉ huy của địch trong trận này. (Vann Phan) [qd]

Bài Liên Quan

Leave a Comment