EU yêu cầu Việt Nam thúc đẩy nhân quyền khi thực thi EVFTA
05/08/2020
Vài ngày trước khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đề cập đến vấn đề nhân quyền và quyền của người lao động ở Việt Nam.
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/7.
Bà viết trên Twitter: “Vừa có buổi điện đàm rất tốt với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thỏa thuận thương mại của chúng ta sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8. Đó là tin tuyệt vời cho nền kinh tế của chúng ta – cần mọi cơ hội để khôi phục sức mạnh của nó. Đây cũng là cơ hội để người dân Việt Nam chứng kiến sự thay đổi tích cực và được hưởng các quyền con người mạnh mẽ hơn”.
Trong một thông cáo báo chí của Uỷ ban châu Âu (EC) hôm 31/7, bà Leyen nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thỏa thuận này cũng sẽ trở thành cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn và chứng kiến một sự thay đổi tích cực và nhân quyền mạnh mẽ hơn đối với công nhân và công dân ở nước họ.”
EMBED SHARE
Ủy viên Thương mại của EU, ông Phil Hogan tuyên bố Việt Nam hiện nằm trong nhóm gồm 77 quốc gia có quan hệ thương mại với EU theo các điều kiện ưu đãi song phương.
Ông nhận định rằng Hiệp định này cho thấy các chính sách thương mại cũng tạo ra một động lực để phát triển về mặt xã hội. Ông nói: “Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện quyền của người lao động thông qua các cuộc đàm phán thương mại, và tôi bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục những cải cách cần thiết”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, một nhà hoạt động nhân quyền cho Việt Nam ở Đan Mạch, nói với VOA rằng việc yêu cầu giám sát vi phạm nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong việc thực thi EVFTA.
“Trong Hiệp định EVFTA, EU nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phát triển bền vững, và xem trọng quyền của công nhân và quyền lập hội”.XEM THÊM:Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam ra đời, khuyến khích \’cạnh tranh\’ giữa các tổ chức
Ông Nguyễn Hoàng Hải, một nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam ở Brussel, Bỉ, viết trên Twitter hôm 3/8: “Phát triển bền vững, tự do biểu đạt, và thượng tôn pháp luật. Nếu không có những điều này, Hiệp định EVFTA chỉ làm giàu cho các công ty đa quốc gia và nhóm thân hữu đạo đức giả của họ ở Uỷ ban Thương mại châu Âu (EU Trade), đảng Nhân dân châu Âu (EPP), và nhóm liên minh Tiến bộ Xã hội – Dân chủ”.
Vào cuối tháng 6/2020, một nhóm trí thức Việt Nam đã lập ra Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam, với phương châm “đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động” trước cơ hội Việt Nam thực thi EVFTA.
Ngay sau đó, hôm 10/7, báo Quốc phòng Thủ đô cho rằng việc thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam “là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý.” Trang báo của Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nói: “Đó là tổ chức đối lập với hệ thống chính trị ở nước ta, cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội.”