Pháo thủ Nguyễn Hữu Nhân và những trận đấu pháo trên chiến trường
Jul 25, 2020 cập nhật lần cuối Jul 25, 2020
Văn Lan/Người Việt
SAN JOSE, California (NV) – Sau nửa thế kỷ, nhớ lại chuyện đời quân ngũ của mình, ông Nguyễn Hữu Nhân, người chiến sĩ Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh năm xưa, kể say sưa như chuyện mới vừa hôm qua.
Kể với phóng viên nhật báo Người Việt tại tư gia ở San Jose, Bắc California, pháo thủ Nguyễn Hữu Nhân nói: “Trách nhiệm của Pháo Binh rất nặng nề, góp phần rất lớn vào sự chiến thắng của đơn vị, người pháo thủ luôn chiến đấu trong tinh thần dũng cảm và kỷ luật. Thắng hay bại là do sự yểm trợ của Pháo Binh, đó là trách nhiệm rất quan trọng của sĩ quan Pháo Binh.”
Mở đường vào An Lộc, giải tỏa Quốc Lộ 13 trong đạn pháo ngày đêm
Năm 1972, căn cứ Hùng Dũng tại quận lỵ Chơn Thành trên đường đi vào An Lộc, Bình Long, gồm có Sư Đoàn 21 Bộ Binh, tăng cường thêm Sư Đoàn 18 Bộ Binh, và Pháo Đội B181 Pháo Binh tham dự trận đánh để giải tỏa Quốc Lộ 13 để tiến vào An Lộc.
Lúc đó Trung Úy Nguyễn Hữu Nhân là Trung Đội Trưởng kiêm Đội Phó Pháo Binh, cùng với Đại Úy Pháo Đội Trưởng Vũ Huy Thiện đi vô trận An Lộc, khủng khiếp nhất là bộ binh mỗi ngày chỉ tiến lên được khoảng 2 mét khi quần thảo với Việt Cộng, giành nhau từng tấc đất trên Quốc Lộ 13 để mở đường vào An Lộc. Suốt thời gian đó, Sư Đoàn 21 Bộ Binh bị cầm chân không tiến lên được bước nào, và Quân Đoàn III cho lệnh Sư Đoàn 18 tiếp tục tiến lên, cùng Sư Đoàn 21 mở đường máu tiến vô giải tỏa An Lộc.
Ông Nhân cho biết suốt thời gian ông tham dự trận này, mỗi ngày Cộng Quân pháo vô căn cứ Hùng Dũng ít nhất từ năm đến bảy lần. “Mỗi lần pháo đạn rớt vô trúng vị trí mình, tôi đều báo cáo lên trên là địch pháo xa lắc không trúng để chúng không tiếp tục pháo nữa. Còn nếu pháo ở xa thì tôi báo cáo là tôi bị pháo trúng rất nặng, để bọn chúng tiếp tục pháo nữa, vào chỗ trống!” ông nói.
“Đó cũng là cách đánh lừa địch, nói không thành có nói có thành không, biến hóa khôn lường, bởi vì lúc đó bọn Việt Cộng nghe lén được trên hệ thống vô tuyến của mình để điều chỉnh tác xạ! Đó cũng là cách đánh lừa địch trong tình thế mình bị động, để tránh bị địch pháo thêm nữa, trong khi mình thiếu đạn dược cần phải tiết kiệm,” ông Nhân nói.
Để giải tỏa Quốc Lộ 13, suốt thời gian chưa đầy một tháng, mỗi đêm pháo đội 181B đã bắn cả ngàn quả đạn nhưng cuối cùng vẫn không giải tỏa được, phải rút ra khỏi căn cứ Hùng Dũng, trở về Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh tại hậu cứ để nhận nhiệm vụ mới. Suốt thời gian này, một số binh sĩ bị thương nhẹ, không có thương vong vì tại đơn vị này, khắp nơi đều có công sự phòng thủ rất vững chắc.
Với tư cách là pháo đội trưởng, ông Nhân đã tham dự hầu hết những cuộc hành quân ở Quân Khu III, từ Long Khánh đến căn cứ Đồi Gió An Lộc, cuộc chiến đấu cuối cùng là 12 ngày đêm tại Tuyến Thép Xuân Lộc, Xuân Lộc Long Khánh. Và ông là sĩ quan Pháo Binh Pháo Đội A Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh, ở lại tham dự trận đánh cuối cùng, để rút lui khỏi Xuân Lộc vào đêm 20 Tháng Tư, 1975.
Trận đánh cuối cùng rút khỏi Xuân Lộc
Đêm 20 Tháng Tư, 1975, theo lệnh của Quân Đoàn, Sư Đoàn 18 Bộ Binh rút khỏi Xuân Lộc và Pháo Đội 181A kéo đi hai khẩu pháo, để lại hai khẩu tại Núi Thị để cùng Tiểu Đoàn 2/43 bắn chặn địch nếu bị pháo kích trên đường di chuyển. Một trung đội của Pháo Đội A tại Núi Thị ở chung với Tiểu Đoàn 2/43 do Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Pháo Binh Nguyễn Hữu Chế chỉ huy.
Khi được lệnh sư đoàn rời khỏi Xuân Lộc, tất cả chiến sĩ Pháo Đội A và Bộ Chỉ Huy Pháo Binh của Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh do Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Tiến Mạnh, Khóa 13 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam chỉ huy, một trung đội pháo rút đi chung với Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh. Tất cả các khẩu pháo đều ra tới đường cùng với xe GMC đợi lệnh di chuyển của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, do Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lê Minh Đảo chỉ huy (sau ngày 22 Tháng Tư, 1975, ông Lê Minh Đảo mới được Tổng Thống Trần Văn Hương thăng cấp thiếu tướng).
Tất cả đang nằm trên quốc lộ đợi lệnh, bỗng nhiều loạt đạn pháo rơi vào liên tục, đoàn xe phải vừa chạy vừa nhận lệnh của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh sư đoàn, phải tới ngay căn cứ Long Giao, tất cả Pháo Binh phải đóng pháo lại chuẩn bị tác xạ yểm trợ cho đơn vị bạn. Tới Long Giao, nhóm ông Nhân đóng hai khẩu pháo ngay trên đường và nhận được lệnh yểm trợ trực tiếp cho Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Đại Tá Ngô Quang Lưỡng chỉ huy.
Ông Nhân kể, bắn tác xạ chừng vài chục quả thì phải lên đường chạy về Đức Thạnh trên con đường đã bỏ hoang không đi lại hơn 10 năm nay, cỏ lau mọc kín. Khi kéo pháo đi, tất cả đoàn xe tắt hết đèn, ông phải đứng ngoài bậc lên xuống của xe GMC để rọi đèn pin cho xe chạy trong đêm. Chạy từng đoạn mở đèn pin rồi tắt, cuối cùng về tới Bộ Chỉ Huy Chi Khu Đức Thạnh khoảng 9 giờ sáng 21 Tháng Tư, 1975.
“Thật là thê thảm khi vừa vô tới chi khu, chuẩn bị gióng súng để bắn yểm trợ cho Lữ Đoàn 1 Dù, lại nhận được lệnh kéo súng ngược trở về hướng Long Khánh, vì khoảng cách quá xa không đủ tầm tác xạ, phải kéo súng trở về lộ trình vừa chạy qua, để gần căn cứ Cẩm Tâm hơn, vì Lữ Đoàn 1 Dù đang hành quân trong vùng này,” ông Nhân kể.
Khi kéo súng đi trở lại lộ trình cũ về Long Khánh, ông Nhân gặp hai xe thiết giáp của chi khu Đức Thạnh đến bảo vệ, và khi gióng súng chuẩn bị tác xạ cho Lữ Đoàn 1 Dù thì được Bộ Chỉ Huy Pháo Binh sư đoàn yểm trợ cho nhóm ông thêm sáu chiếc xe đạn nữa, do Đại Úy Hoàng Uông Lễ cho quân vận kéo tới.
“Tiếp tục bắn yểm trợ tới tấp cho Lữ Đoàn 1 Dù đang nằm trong rừng cao su ở Đồng Tâm. Khi tác xạ, Pháo Binh đang đóng sát mặt đường, đạn thì bắn liên tục, và đoàn người dân thì chạy loạn sát bên, nếu có bọn Việt Cộng trà trộn trong đoàn người bắn vào chúng tôi thì chắc chắn nguy hiểm không thể nào tránh khỏi!” ông kể tiếp.
Liên tục bắn như vậy cho tới khoảng 6 giờ chiều, khi nhìn lại thì hai chiếc xe thiết giáp của Chi Khu Đức Thạnh chạy theo bảo vệ cho pháo đội từ sáng đã chạy đâu hồi nào không hay. Ông Nhân gọi về Bộ Chỉ Huy Pháo Binh của Sư Đoàn 18, gặp hai ông Trung Úy Hà Phương Đính và Phạm Văn Thọ cho lệnh pháo đội tiếp tục ở vị trí chờ lệnh.
Ông Nhân nhớ lại: “Không có ai bảo vệ khi trời đang tối dần, tôi phải cho lệnh tất cả di chuyển ngay lập tức, kéo súng chạy về Chi Khu Đức Thạnh. Vừa chạy khỏi thì đạn pháo Việt Cộng rơi đúng vào chỗ chúng tôi vừa rời đi, và cứ thế chúng tôi vừa chạy, đạn pháo cứ rơi theo phía sau, vừa chạy vừa lo bảo vệ hai khẩu đại bác, vừa lo cho pháo đội khoảng gần 30 anh em binh sĩ trên đường di chuyển khi không có đơn vị nào yểm trợ.”
“Chạy bạt mạng như vậy, cuối cùng về tới Chi Khu Đức Thạnh khoảng 9 giờ tối. Vô tới vị trí gióng súng sẵn sàng, ở đó đến sáng hôm sau, tất cả lại được lệnh kéo về Long Bình để chuẩn bị yểm trợ cho Sài Gòn. Cuộc chiến lúc đó là gần như tới giờ kết thúc, khi được lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh phải buông súng,” ông Nhân bồi hồi kể.
Đi tù sau 1975, vượt biển tìm tự do
“Sau đó là đời tù ‘cải tạo’ bắt đầu tại các trại tù GK3 Long Khánh, sau chuyển đến Phước Long, ở ngay bờ suối, mọi người phải tự chặt tre, làm rẫy, căng lều bạt giữa rừng để ở. Đến giữa năm 1979 đưa về trại Xuyên Mộc do công an quản lý, đến giữa năm 1982 thì ra tù,” ông Nhân kể.
Cuộc sống người lính, vừa ra tù cũng như nhiều tình cảnh lúc bấy giờ, ông Nhân cũng đã trải qua nhiều gian nan khi phải đạp xe ba bánh ở chợ Bà Rịa kiếm sống, trong lúc tìm một chiếc ghe để vượt biên sau nhiều lần thất bại.
Ông Nhân kể, chuyến ghe chở 36 người xuất phát từ đèn trắng Vũng Tàu, đi giữa biển thì gặp giàn khoan dầu của công ty Mã Lai, được vớt lên khoảng nửa tiếng sau thì một cơn giông bão đen tối trời ập đến và những cơn sóng dữ dội rung chuyển cả giàn khoan. Nhờ ơn trên nếu không gặp giàn khoan chắc chắn cả ghe không còn ai sống sót. Sau đó mọi người được chuyển qua một tàu khác đưa vào đảo Pulau Bidong của Mã Lai.
Ở đảo, ông Nhân được cử làm trưởng khối xã hội, sau đó là phó văn phòng trại, hai tháng sau ông chuyển tiếp qua trại Sungai Besi làm trưởng khối thông tin. Khoảng vài tháng sau chuyển về Philippines, làm trưởng Vùng 1 trại PRPC.
Cuối Tháng Tám, 1984, ông được chính thức định cư tại Hoa Kỳ.
“Chúng ta chỉ bảo vệ mảnh đất miền Nam của chúng ta mà thôi”
Là quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từng tham dự nhiều trận đánh máu lửa, vị chủ tịch Liên Trường Sĩ Quan Trừ Bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Bắc California nhận định rằng cuộc chiến giữa Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản Bắc Việt không phải là nội chiến, đó là nhận thức hoàn toàn sai lầm, vì đó là cuộc chiến ý thức hệ để phân định rõ ràng đâu là chính nghĩa và đâu là không chính nghĩa.
Ông nói: “Cuộc chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa là chính nghĩa vì chúng ta chiến đấu để bảo vệ quê hương, bảo vệ mảnh đất của chúng ta theo Hiệp Định Paris 1973 đã ký kết, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, cuộc chiến đấu ấy để bảo vệ lãnh thổ miền Nam đã được phân định rõ ràng.”
“Hơn nữa, bọn Cộng Sản Bắc Việt nếu tôn trọng Hiệp Định Paris 1973 đã phân định rất rõ là Cộng Sản chỉ từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc, còn từ vĩ tuyến 17 trở vô Nam tới Mũi Cà Mau là phần đất của Việt Nam Cộng Hòa. Người lính chỉ chiến đấu để bảo vệ miền Nam theo đúng Hiệp Định Paris 1973, không tiến ra miền Bắc để xâm chiếm lãnh thổ miền Bắc, và chính Cộng Sản Bắc Việt khi ký kết Hiệp Định Paris năm 1973, cũng đã chấp nhận như vậy,” ông nói tiếp.
Ông nói thêm rằng năm 1975, chính Cộng Sản Bắc Việt đã vi phạm Hiệp Định Paris, từ miền Bắc tấn công xâm chiếm miền Nam, vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris mà chính họ đã ký kết trên giấy trắng mực đen, chính họ là kẻ xâm lăng miền Nam. Như vậy phải thấy rằng cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến mà người dân miền Nam phải chiến đấu để bảo vệ miền đất thân yêu, chống lại Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng. Phải thấy rõ là quân dân miền Nam sống thanh bình, chưa bao giờ mang quân tấn công ra miền Bắc cả.
“Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và sau này là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, chúng ta chỉ bảo vệ mảnh đất miền Nam của chúng ta mà thôi. Đây là cuộc chiến hoàn toàn chính nghĩa, không phải là cuộc nội chiến Nam-Bắc phân tranh như có người hiểu lầm, là hoàn toàn sai lạc,” ông Nhân xác định.
Nhớ về đơn vị từ thuở ấy, ông trầm ngâm: “Có thể nói Pháo Binh Việt Nam Cộng Hòa là một binh chủng tinh nhuệ, bách chiến bách thắng với những tràng pháo nổ long trời lở đất đã làm địch quân khiếp vía kinh hồn khi chúng bị tổn thất nặng nề trên khắp các chiến trường, từ vùng đầm lầy nước đọng trong những cuộc hành quân tại rừng U Minh, những cuộc hành quân càn quét từ những chiến trường núi non hiểm trở, các trận đánh từ Hạ Lào, Lam Sơn 719, cho đến cao nguyên Trung Phần, Mùa Hè Đỏ Lửa, nơi nào có tiếng nổ của Pháo Binh, nơi đó các chiến sĩ của ta được an tâm tiến bước.”
Và ông trầm giọng: “Những khi nhớ về chiến trường xưa, tôi nhớ nhiều những chiến hữu thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh và vị chỉ huy kính mến, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, và nhất là các đồng đội đã bỏ mình để bảo vệ quê hương và lý tưởng tự do, nhưng rất tiếc là chí trai vẫn chưa thành!” (Văn Lan) [qd]
Xem lại kỳ trước: Nguyễn Hữu Nhân và chuyện ‘nơi nào có Pháo Binh, nơi đó địch quân phải khiếp sợ’
Ông Nguyễn Hữu Nhân quê gốc Phước Tuy, Bà Rịa Vũng Tàu.
-Cựu học sinh Châu Văn Tiếp, Phước Tuy (Bà Rịa).
-Tốt nghiệp Khóa 5/68 Trường Bộ Binh Thủ Đức.
-Tốt nghiệp Khóa 5/68 Căn Bản Sĩ Quan Pháo Binh.
-Xử Lý Thường Vụ Pháo Đội Trưởng Pháo Đội A Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đi khắp các chiến trường Quân Khu III.
-Sau 1975 đi tù Cộng Sản gần bảy năm.
-Vượt biển đến được trại Pulau Bidong, Mã Lai, cuối năm 1983.
-Đến Mỹ 1984, định cư tại San Jose, Bắc California.
-Hiện là chủ tịch Liên Trường Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Bắc California.
-Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Bắc California (2009-2016).
-Hội trưởng Hội Cựu Học Sinh Trung Học Châu Văn Tiếp Phước Tuy.
-Sáng lập Hội Pháo Binh Việt Nam Cộng Hòa Bắc California.
-Sáng lập viên Khóa 5/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Bắc California.
-Sáng lập viên Liên Trường Sĩ Quan Trừ Bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Bắc California.
-Tổ chức hội ngộ Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại San Jose ba lần, 2012, 2017 và 2019 đều có Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh về tham dự.
Ông Nguyễn Hữu Nhân hiện là chủ tịch Liên Trường Sĩ Quan Trừ Bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Bắc California và đến Tháng Mười Hai, 2020, tổ chức nầy đã tròn 10 năm tuổi.