Dự án UAV hạt nhân CIA dùng do thám Liên Xô

Dự án UAV hạt nhân CIA dùng do thám Liên Xô

Thứ Tư, 05 Tháng Tám 2020

CIA trong thập niên 1960 tiến hành Dự án Chim ưng nhằm chế tạo mẫu UAV tàng hình chạy bằng năng lượng hạt nhân để do thám Liên Xô.

Sau vụ Liên Xô bắn hạ máy bay do thám U2 của Mỹ do phi công Francis Gary Powers điều khiển năm 1960, Washington cho rằng các chuyến bay do thám có người lái trên bầu trời Moskva trở nên quá nguy hiểm về mặt chính trị. Vệ tinh có thể giúp Mỹ quan sát từ trên cao, nhưng chỉ cung cấp được những bức ảnh từ xa mờ nhạt. Thứ họ cần là một máy bay không người lái (UAV) nhỏ gọn, nhằm tiến hành các hoạt động do thám chiến lược ở cự ly gần.

Do đó, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã đề ra Dự án Chim ưng, nhằm phát triển một máy bay không người lái có hình dáng như một con chim lớn đang sải cánh lướt gió, nhìn từ xa không thể phân biệt được. \”Chim ưng\” này có nhiệm vụ tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô để tiến hành hoạt động gián điệp.

\”Chiếc máy bay nhỏ, bay thấp và chậm, được trang bị cảm biến hình ảnh, âm thanh và radar, có thể lách qua các kẽ hở trong lưới phòng không đối phương, thay vì phải sử dụng hỏa lực chế áp\”, theo nội dung cuộc họp năm 1968 của CIA được tiết lộ trong tài liệu giải mật gần đây.

\”Chim ưng\” có sải cánh hơn 3 m, phần cứng do tập đoàn McDonnell Douglas chế tạo, với ít nhất 5 nguyên mẫu được tạo ra và thử nghiệm.Do chi phí không cao, không có khả năng châm ngòi chiến tranh và không người lái, \”Chim ưng\” được đánh giá thích hợp hơn về mặt chính trị so với máy bay có người lái, đồng thời không kích động phản ứng tương tự như khi một máy bay chiến đấu vũ trang bay qua lãnh thổ nước khác.

\"Máy
Máy bay do thám chiến lược \”Chim ưng\” mà CIA từng phát triển. Ảnh: CIA.

\”Khả năng hoạt động bí mật của Chim ưng đồng nghĩa với việc nó có thể xâm nhập một cách tương đối an toàn vào sâu hàng nghìn km bên trong lãnh thổ của Liên Xô, Trung Quốc hay Cuba\”, tài liệu giải mật có đoạn.

Theo kế hoạch, \”Chim ưng\” sẽ mang theo một loạt thiết bị để trinh sát trong cự ly gần tại những địa điểm nhạy cảm. Bên cạnh máy ảnh thường và máy ảnh hồng ngoại, nó có thể được trang bị thêm thiết bị thu tín hiệu vô tuyến và radar, nhằm xác định vị trí radar phòng không hay nghe lén liên lạc vô tuyến của Liên Xô.

Dữ liệu sẽ được gửi về cho sở chỉ huy thông qua một vận tải cơ C-47 đóng vai trò trung gian truyền tải thông tin. Sau đó, \”Chim ưng\” sẽ được thu hồi giữa không trung bằng trực thăng.

Tài liệu giải mật còn cho biết \”Chim ưng\” còn có khả năng thả các thiết bị thu thập thông tin tình báo xuống lãnh thổ đối phương để các điệp viên trên mặt đất sử dụng. Sau đó, máy bay sẽ quay lại để thu thông tin được điệp viên truyền lên.

Phần lớn thông số kỹ thuật của \”Chim ưng\” đã bị CIA kiểm duyệt, nhưng một tài liệu cho biết chiếc UAV có tầm hoạt động tối đa hơn 1.930 km.

Vào thời kỳ chưa có hệ thống định vị GPS, việc dẫn đường cho máy bay không người lái là một vấn đề rất khó khăn. Một tài liệu chỉ ra rằng \”Chim ưng\” lần theo các tuyến đường bộ, đường sắt hoặc đường dây điện để tìm kiếm những vị trí xa xôi trên lãnh thổ đối phương.

Đơn vị điều hành Dự án Chim ưng được đặt tại Khu vực 51. Khi vào chiến dịch, nhóm cơ động mang theo máy bay và thiết bị điều khiển vô tuyến sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không tới địa điểm tác chiến, như căn cứ của không quân Mỹ hoặc tàu sân bay của hải quân.

Mỗi nhiệm vụ được tiến hành dọc theo một tuyến đường được lên kế hoạch và diễn tập từ trước. Những biện pháp đặc biệt cũng được thực hiện nhằm cung cấp thông tin thời tiết dọc đường bay, đồng thời bảo vệ an ninh cho thiết bị và nhân sự.

Tiết lộ \”động trời\” nhất trong tài liệu giải mật là kế hoạch nâng cấp \”Chim ưng\” bằng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Phiên bản gốc của chiếc UAV này có một động cơ 3,5 mã lực mà CIA dự định thay thế bằng thứ gì đó tân tiến hơn.

\”Theo dự đoán, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đối với chiếc UAV được tích hợp hệ thống động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ cất cánh vào năm tài khóa 1973. Về lý thuyết, hệ thống này sẽ giúp máy bay hoạt động liên tục trong 50 ngày\”, tài liệu cho biết.

Đoạn khác trong tài liệu viết rằng \”Chim ưng phiên bản nâng cấp\” có thể hoạt động trên mục tiêu trong 120 ngày liên tục, dấu hiệu rõ ràng cho thấy nó sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

UAV sử dụng năng lượng hạt nhân từng được Mỹ lên kế hoạch đưa vào hoạt động vào năm 1974. Mặc dù Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dùng động cơ hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các thiết bị thăm dò ngoài không gian, nó vẫn bị coi là quá nguy hiểm khi sử dụng trên Trái Đất.

May mắn thay, viễn cảnh Liên Xô bắn hạ một chiếc UAV mang động cơ hạt nhân của CIA và làm rò rỉ chất phóng xạ không bao giờ xảy ra, bởi Dự án Chim ưng đã bị đình chỉ trước khi nó đi vào hoạt động.

Theo trung tá John Meierdierck, người đứng đầu dự án, vấn đề nằm ở bất đồng giữa CIA với tập đoàn McDonnell Douglas. Trong cuốn tự truyện của mình, Meierdierck cho biết dự án chỉ được cấp ngân sách 11 triệu USD, nhưng nhà thầu ra giá tới 110 triệu USD.

Thay vì đàm phán tìm mức giá hợp lý, McDonnell Douglas quyết bảo vệ quan điểm của mình. Meierdierck kể rằng ông đã phàn nàn về \”mức giá cắt cổ bị thổi phồng và những lời nói dối trơ trẽn\” của nhà thầu, đồng thời đề nghị hủy dự án.

Theo bình luận viên David Hambling của Forbes, Chim ưng là dự án đi trước thời đại. Những UAV với hình dáng giống loài chim vẫn tiếp tục được phát triển, bao gồm chiếc Prioria Maveric của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Nga gần đây cũng giới thiệu một máy bay do thám được ngụy trang thành con cú, trong khi lực lượng an ninh Trung Quốc được cho là sử dụng những UAV giống bồ câu để thực hiện nhiệm vụ giám sát.

CIA cũng phát triển một UAV hình chuồn chuồn dẫn đường bằng laser cùng lúc với Dự án Chim ưng, cho thấy họ chưa từ bỏ hoàn toàn ý tưởng đó. Hambling cho rằng một phương tiện bay tí hon có thể ẩn mình là công cụ quá hữu ích để có thể bị CIA bỏ qua.

\”Tuy nhiên, chúng ta có lẽ không thể biết về công nghệ UAV do thám hiện nay của CIA, cho tới khi họ giải mật tài liệu vào 50 năm tới\”, bình luận viên cho hay.

Bài Liên Quan

Leave a Comment