Nhà máy điện nguyên tử San Onofre xả 20,000 gallon nước thải vào đại dương
Aug 9, 2020 cập nhật lần cuối Aug 9, 2020
SAN CLEMENTE, California (NV) – Dù hiện nay không còn hoạt động, trong hơn 50 năm qua, nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân San Onofre thường xuyên được xả, cách bờ một dăm, vào đại dương . Nhà máy này nằm giữa đường từ khu vực Little Saigon xuống San Diego.
Lần xả mới nhất vào giữa tuần qua, Thứ Năm, 6 Tháng Tám, hy hữu, đúng vào ngày lịch sử: 75 năm ngày bom nguyên tử nổ tại Hiroshima, đợt này xả khoảng 20,000 gallon nước thải xuống đại dương ở độ sâu 50 foot, theo nhật báo OC Register.
Việc xả nước thải kéo dài đến bốn giờ đồng hồ và nồng độ phóng xạ trong đợt thải này là 0.000722 millirem.
Cũng trong ngày, khối chất thải nguyên tử cuối cùng được đưa vào kho chứa.
Những đợt xả nước thải như thế được kiểm soát bởi Ủy Ban Kiểm Soát An Toàn Hạt Nhân.
Nồng độ phóng xạ 0.000772 milligrem trong khối nước thải vừa xả ra có nguy hại cho cư dân California hay không?
Công ty điện Edison cho biết, nếu một ai uống toàn bộ 20,000 gallon nước thải, người đó chỉ hấp thụ một phần rất nhỏ lượng tiêu chuẩn phóng xạ giới hạn cho một người trong một năm.
Và một khi, lượng nước thải trên hòa với hàng triệu triệu ga-lông nước biển, thì dấu vết chất phóng xạ hoàn toàn biến mất.
Đối với những người chỉ trích, nhà máy điện hạt nhân đe dọa sự an toàn sức khỏe cho dân cư sống quanh những nhà máy điện nguyên tử
Ông Roger Johnson, cựu giáo sư thần kinh học, cho biết: “Một vụ phóng xạ mức độ thấp có thể không biểu hiện sự tác động rõ rệt. Nhưng bức xạ được ion hóa làm hư hại chất di truyền DNA của tế bào và gây ảnh hưởng tích lũy trên sức khỏe.Xem Thêm
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi tìm thấy các mầm mống ung thư cho những người sống gần các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là đối với trẻ em. Hơn 100 triệu người Mỹ sống trong vòng 50 dặm của một nhà máy điện hạt nhân. Có lẽ điều này góp phần làm cho bệnh ung thư trở thành kẻ giết người số một của nước Mỹ,” lời Giáo Sư Johnson.
Nghiên cứu mới nhất của Châu Âu cho thấy trẻ em sống trong vòng ba dặm quanh nhà máy điện hạt nhân có rủi ro gấp đôi bệnh ung thư máu so với trẻ sống xa hơn.
Nhà máy điện nguyên tử San Onofre đã vĩnh viễn đóng cửa vào ngày 7 Tháng Sáu, 2013.
Quyết định này được đưa ra sau khi công ty khám phá ra một số máy móc bị hư hại đến độ các chuyên gia nghi ngại là cơ sở này không còn có thể hoạt động tiếp tục một cách an toàn nữa.
Các lò phản ứng sinh đôi của San Onofre, nằm dọc theo bờ Thái Bình Dương, trong hành lang đông dân cư hàng triệu người giữa San Diego và Los Angeles, là các lò phản ứng lớn nhất phải đóng cửa vĩnh viễn ở Hoa Kỳ trong 50 năm qua.
Nguyên nhân khiến đưa đến quyết định đóng cửa bắt đầu vào tháng Giêng năm 2012, khi một rò rỉ phóng xạ nhỏ dẫn đến việc khám phá ra sự hư hại của hàng trăm ống dẫn nước nhiễm phóng xạ còn mới toanh.
Nhà máy điện San Onofre đã thôi không sản xuất điện kể từ 2013, tiến trình tháo dỡ nhà máy này sẽ kéo dài trong 8 năm bắt đầu từ ngày 26 Tháng Giêng, 2020. Tuy nhiên, hiện chưa biết kế hoạch này được tiến hành ra sao, khi bệnh dịch COVID-19 bùng phát tại Hoa Kỳ kể từ Tháng Ba. (MPL) [kn]