Trump kêu gọi ngưng chính trị hóa Covid-19 và lại tố cáo Trung Quốc
Vào lúc dịch bệnh tiếp tục hoành hành ở Mỹ, tổng thống Donald Trump hôm qua,10/08/2020, đã thúc giục người dân hãy chấm dứt việc « chính trị hóa » dịch Covid-19. Tuy nhiên, lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn cáo buộc Trung Quốc về sự bùng phát của đại dịch.
Phát biểu với báo giới, ông Trump cho rằng : « Cần phải dừng chính trị hóa con virus, mà thay vào đó phải đoàn kết với nhau, để cùng chỉ trích việc con virus này đã đến Mỹ như thế nào, đã tỏa ra thế giới như thế nào ».
Ngay sau đó, tổng thống Mỹ quy trách nhiệm cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19: « Đây không phải là lỗi của chúng ta. Virus này đến từ Trung Quốc. Đó là lỗi của Trung Quốc ». Lãnh đạo Mỹ tiếp tục dùng từ ngữ « virus Trung Quốc » để gọi virus corona chủng mới.
Xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, trong hơn 7 tháng nay, virus có tên khoa học là SARS Cov-2 đã khiến hơn 20 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và gần 740.000 người tử vong.
Tính đến hôm qua, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác hại nặng nhất với hơn 5,2 triệu ca nhiễm và hơn 165.000 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC dự đoán đến ngày 22/8, hơn 173.000 người Mỹ sẽ chết vong vì Covid-19.
Hoang mang về kế hoạch trợ giúp dân Mỹ
Trong bối cảnh dịch bệnh cũng tác hại mạnh về kinh tế, tổng thống Donald Trump vào cuối tuần qua đã ký 4 sắc lệnh nhằm hỗ trợ người Mỹ trong tình hình khủng hoảng kinh tế. Quốc Hội Hoa Kỳ đã không thống nhất được trên một kế hoạch trợ giúp, tổng thống đã phải can thiệp. Nhưng sắc lệnh của ông có thể bị phản đối trước tòa án.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet, giải thích :
“Sắc lệnh mà tổng thống ký không hợp hiến”. Đây là nhận xét của bà Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, vì bình thường Quốc Hội nắm quyền chi tiêu và tổng thống không có quyền sử dụng ngân sách liên bang theo ý muốn. Hàng triệu người thất nghiệp như thế khó có thể nhận được số tiền 400 đô la mỗi tuần như ông Trump đã hứa. Nhất là khi sự hỗ trợ này kèm theo điều kiện có ¼ là đóng góp từ các bang, nhưng hiện này tài chính nhiều bang đang bị kiệt quệ.
Không có gì bảo đảm là những người thuê nhà ở có thể tránh bị đuổi nhà vì không trả được tiền thuê do khủng hoảng, mặc dù có cam kết của tổng thống, hay các xí nghiệp có thể tạm ngưng đóng thuế về lương.
Tầm quan trọng của 4 sắc lệnh mà tổng thống đã ký có thể chỉ là tương đối thôi, hoặc cũng không hiệu quả gì, nếu bị đưa ra phản đối trước tư pháp..
Chính quyền rất ý thức điều này : sau những tuyên bố trái ngược nhau của nhiều lãnh đạo trước truyền thông vào hôm chủ nhật, bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm qua đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Dân Chủ thương lượng trở lại ở Hạ Viện, để đạt được thỏa hiệp về ngân sách, mang lại cho người Mỹ khoản trợ cấp mà họ cần.
Theo RFI