Chính phủ Đức cấm bán công nghệ vệ tinh laser cho Trung Quốc

Chính phủ Đức cấm bán công nghệ vệ tinh laser cho Trung Quốc

Thứ Ba, 11 Tháng Tám 202010:34 CH

Công ty Mynaric, chuyên về công nghệ laser Đức, ngừng kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Nguyên do là vì một lệnh của chính phủ Đức cấm kinh doanh với Bắc Kinh. Một suy đoán là Hoa Kỳ có thể đã gây áp lực để công nghệ quan trọng mà được coi là an toàn về bảo mật – chống nghe lén hữu hiệu, không rơi vào tay Bắc Kinh.

\"r7Tal6LTEwG3A-gut1dTr3zqH-l731V4JqlA8iH2k8MHwu535dLrFVkucYuVCF64KR-yrYoAVXPwEVjnCscVNLLcpWo885nVL1oDE12Kb6WcURT2oWVoigPtbTHTYALHlcHP6sgTnDRdyKNw3g=w414-h216\"
Chính phủ Đức cấm bán công nghệ vệ tinh laser cho Trung Quốc

Berlin chặn công ty Mynaric, chuyên về công nghệ laser. Ngay lập tức, công ty đình chỉ tất cả các liên hệ kinh doanh với Bắc Kinh. Một sự kiện khá hiếm và đáng chú ý. Bây giờ Mynaric đang hy vọng vào một khách hàng khác, nổi tiếng.

Rất hiếm khi Chính phủ Liên bang Đức cấm các công ty Đức kinh doanh với Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty Đức Mynaric, chuyên về truyền thông vệ tinh bằng laser, đã nhận được lệnh của Berlin cấm kinh doanh với Bắc Kinh.

Công ty cổ phần ở Oberpaffenhofen gần Munich ngay lập tức khẳng định rằng cho đến nay chưa có sản phẩm nào được giao hàng đến Trung Quốc. Sau khi bị lệnh cấm, tất cả các liên hệ và hoạt động kinh doanh với Trung Quốc giờ đây bị đình chỉ, theo một thông báo của công ty. Thay vào đó, công ty Mynaric hiện đang hy vọng một đơn đặt hàng từ Lầu năm góc.

Lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc rất đáng chú ý vì Mynaric phát triển công nghệ truyền thông cho thị trường các đội vệ tinh lớn trong tương lai. Các dự án như dự án Starlink của doanh nhân công nghệ Elon Musk hoặc dự án của người sáng lập Amazon Jeff Bezos dự định đưa hàng nghìn vệ tinh (được gọi là đội vệ tinh) lên không gian trong vài năm tới. Nó được dùng để cung cấp truy cập internet cho hàng tỷ người trên thế giới.

Trong năm qua, Elon Musk đã đưa 540 vệ tinh lên không gian và trở thành nhà khai thác vệ tinh lớn nhất thế giới. Nhưng quân đội cũng quan tâm đến công nghệ này mà được coi là an toàn về bảo mật – chống nghe lén hữu hiệu.

Các vệ tinh liên lạc với nhau và liên lạc với các trạm mặt đất thông qua các đường truyền dữ liệu bằng tia laser với khoảng cách có thể lên tới hơn vài nghìn km. Công nghệ này được nghiên cứu thành công tại Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR). Mynaric được thành lập từ mười năm trước. Công ty tự coi mình là công ty hàng đầu thế giới về công nghệ này.

Về việc đơn đặt hàng của Trung Quốc bị hủy bỏ, Mynaric giải thích: “Sự can thiệp này nhằm để bảo vệ lợi ích đối ngoại của nước Đức vì tầm quan trọng địa chính trị của công nghệ truyền thông laser và tầm quan trọng chiến lược của các sản phẩm Mynaric“.

Mynaric quay sang Hoa Kỳ

Giám đốc điều hành Mynaric, ông Bulent Altan, cựu giám đốc của SpaceX, người đã nhậm chức từ năm 2019, giải thích về việc cấm xuất khẩu sang Trung Quốc: “Chúng tôi luôn nhận thức được rằng đến khi nào đó truyền thông laser sẽ được coi là một công nghệ then chốt và do đó sẽ trở thành trọng tâm của lợi ích an ninh quốc gia“.

Đáng chú ý là Mynaric hiện đang cố gắng giành được một đơn đặt hàng từ Lầu năm góc ở Hoa Kỳ. Công ty này được tham gia gián tiếp vào cuộc đấu thầu của Cơ quan Phát triển Vũ trụ (SDA) mới của Hoa Kỳ về dự án đội vệ tinh bảo mật cao cho chính phủ Hoa Kỳ.

Năm 2019, ngoài việc xây dựng lực lượng vũ trang không gian của riêng mình, Hoa Kỳ còn thành lập một cơ quan công nghệ cao về vũ trang không gian. Cơ quan này có kế hoạch xây dựng một hoặc nhiều đội gồm hàng trăm vệ tinh để thông tin liên lạc và theo dõi tên lửa.

Các vệ tinh bay với độ cao thấp để gửi dữ liệu đến Trái đất chỉ với một độ trễ thời gian nhỏ. Các thử nghiệm đầu tiên đã được lên kế hoạch cho năm 2022.

Theo thông tin trong ngành công nghiệp này, thì hoàn toàn loại trừ trường hợp một công ty cung cấp công nghệ của mình cho Trung Quốc đồng thời tham gia vào một mạng lưới bảo mật của Hoa Kỳ. Với việc cấm giao hàng đến Trung Quốc, Berlin có thể muốn cung cấp công nghệ của mình cho Hoa Kỳ, theo suy đoán của những người trong cuộc. Một suy đoán khác là Hoa Kỳ có thể đã gây áp lực để công nghệ quan trọng mà được coi là an toàn về bảo mật – chống nghe lén hữu hiệu, không rơi vào tay Bắc Kinh.

Lệnh cấm xuất khẩu Berlin ở Berlin cũng được xem như là bằng chứng về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của các công ty khởi nghiệp công nghệ cao, nếu họ muốn kinh doanh với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.

Cho đến nay, các lệnh cấm kinh doanh với Trung Quốc vì lợi ích an ninh của Đức là rất hiếm. Hồi mùa hè năm 2018, chính phủ Đức đã chặn một công ty Trung Quốc tham gia vào nhà điều hành lưới điện 50 Hertz. Hồi mùa thu 2018, việc bán công ty sản xuất máy móc đặc biệt Leifeld Metal cho một nhà đầu tư Trung Quốc đã thất bại.

Sau đợt Trung Quốc đi mua các công ty Đức, chẳng hạn như thâu tóm nhà sản xuất robot Kuka hồi năm 2016, Quốc hội Liên bang Đức đã quyết định thắt chặt bộ luật ngoại thương. Việc thâu tóm các công ty quan trọng chiến lược từ nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Trong tương lai, nhà nước Đức có thể can thiệp nếu nghi ngờ “có thể gây ảnh hưởng” đến an ninh công cộng, thay vì “một mối nguy thực sự ” như trước đây.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)

Bài Liên Quan

Leave a Comment