Trung Đoàn 51 Biệt Lập và anh Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương nơi chiến trận

Trung Đoàn 51 Biệt Lập và anh Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương nơi chiến trận

Aug 1, 2020 cập nhật lần cuối Aug 8, 2020

\"\"/
Ông Chiêu Vĩnh Trương giới thiệu quyển Kỷ Yếu Khóa 22 Võ Bị Đà Lạt, một kỷ vật ông luôn mang theo và gìn giữ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Khi vào trường Võ Bị Đà Lạt, sau thời gian huấn nhục và học thêm những phần văn hóa lịch sử, tôi thấy lòng yêu nước thêm dạt dào, lúc bấy giờ Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu mở nhiều đợt tấn công, chiến sự bắt đầu xảy ra ở nhiều nơi trên khắp miền Nam,” cựu Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương nhớ lại.

Cũng như bao người trai thời loạn, hình ảnh những sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa oai hùng trong những trận đánh dũng mãnh trên chiến trường đã làm nức lòng bao chàng trai, càng thôi thúc ước mơ lên đường ra mặt trận của họ. 

Bỏ trường Luật vì mê Võ Bị Đà Lạt

Ngồi tại nhà ở Santa Ana kể về thời nhỏ tuổi của mình, ông Trương cho biết ông quê Châu Đốc, cựu học sinh trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc. Gia đình thuộc diện trung lưu thời bấy giờ khi cha của ông làm y tá ở bệnh viện Sài Gòn năm 1949, sau đó đổi về An Giang để gần gia đình.

“Lúc hơn 10 tuổi, tôi cũng biết ít nhiều về phong trào Cộng Sản nhưng lúc đó chúng chưa lộ diện, chỉ mới là phong trào Việt Minh lấy danh nghĩa đánh Tây cứu nước. Học hết Tú Tài toàn phần, năm 1963 tôi lên Sài Gòn học Đại Học Luật Khoa, nhưng thấy người sinh viên sĩ quan Đà Lạt oai hùng quá, tôi cùng vài người bạn rủ nhau thi vào trường Võ Bị Đà Lạt Khóa 22 năm 1965,” ông kể.

Ra trường Tháng Mười Hai, 1967, với cấp bậc thiếu úy, ông Trương về ngay Trung Đoàn 51 Biệt Lập, do Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Trương Tấn Thục chỉ huy, bản doanh đóng tại Đà Nẵng với bốn tiểu đoàn. Thiếu Úy Trương thuộc Tiểu Đoàn 2 đóng ở Bồ Mưng, Thanh Quít thuộc quận Điện Bàn, cách Đà Nẵng khoảng 4 cây số, đều là hang ổ của Việt Cộng.

Dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Đức, tiểu đoàn trưởng, Thiếu Úy Trương được phân công là trung đội trưởng Trung Đội 1. Bộ chỉ huy đóng trên ngọn đồi, nhìn xuống dưới làng là khu ấp chiến lược, ngày nào trung đội cũng có người đi tuần tiễu xung quanh vì không biết ai là Việt Cộng, do Việt Cộng ở lẫn lộn với dân khắp nơi.

“Đã có mấy lần chúng tôi đụng độ trong làng, khi Tiểu Đoàn 2 đánh vô sào huyệt của chúng, dưới hầm có cả kho gạo, súng ống và máy đánh chữ. Đấy là nơi có bộ chỉ huy của chúng ẩn nấp, tất cả quân lính đều rất nhỏ tuổi, thuộc Tiểu Đoàn 307 Bắc Việt,” ông Trương cho biết.

Ông cho hay, từ Đại Lộc, Quảng Đức, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Hội An, Thường Đức, Nông Sơn, nơi nào cũng đều có Cộng Sản Bắc Việt trà trộn. “Đặc biệt là hai mật khu Phong Thử, Phù Kỳ là nơi khá giả trồng dâu nuôi tằm, người dân giàu có nhà ngói, nên bọn chúng bám chặt vào đó để kiếm chỗ dựa về mặt kinh tế cũng như làm bình phong che đậy cho những hoạt động bí mật,” ông nói.

Là thiếu úy trung đội trưởng, ông Trương thường đi hành quân trong vùng, nơi có những đơn vị Địa Phương Quân giữ an ninh và nhất là ở những vị trí cầu, đường giao thông là những nơi Việt Cộng hay phá hoại. Lúc đó Việt Cộng đã hình thành Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, dưới sự chỉ huy của Cộng Sản Bắc Việt, chuyên phá hoại, khiến cuộc sống người dân đầy lo sợ, không biết gia đình mình và người thân sẽ bị thủ tiêu bất cứ lúc nào, nếu không chịu ủng hộ.

“Với trách nhiệm thám sát tuần tiễu và trong những cuộc hành quân, sau khi tôi đổi về Vĩnh Điện, thường nghỉ dưỡng quân cách đó khoảng 2 cây số, mỗi đơn vị khi thay nhau tuần tra trong làng, ban đêm anh em đi tuần tiễu hoặc dừng quân, tôi hay cho trung đội gài mìn claymore chung quanh để đề phòng quân địch tập kích đánh lén,” ông kể.

Ông cho hay: “Trong chiến trường khốc liệt bom rơi đạn lạc, không biết lúc nào thần chết sẽ chọn ai, mỗi lần hành quân đều có thương vong, khi thì đạp loại mìn M14 sẽ khiến người lính bị cụt chân, khi thì Việt Cộng phục kích bắn, thương nhất là những anh em trẻ mới ra trường, khoảng tháng sau đã hy sinh. Nhưng phải nói anh em binh sĩ rất thương nhau, bảo vệ che chở cho nhau rất nhiều trong chiến trường, lúc đó bọn Cộng Sản Bắc Việt ráo riết chuẩn bị cho tổng tấn công miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968.”

Đụng độ Sư Đoàn Sao Vàng Cộng Sản Bắc Việt

Tháng Mười, 1968, Thiếu Úy Trương và Trung Đội 1 đóng quân ở Điện Bàn, bộ chỉ huy cũng đóng ở gần đó; nằm cách khoảng 500 mét là Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 51 Biệt Lập, Thiếu Tá Vọng là tiểu đoàn trưởng chỉ huy.

Từ quận Điện Bàn ra khỏi con rạch phía trước mặt là mật khu Phù Kỳ và Phong Thử, bên kia con rạch là nơi đồng bào trồng dâu nuôi tằm, làm ăn cuộc sống rất khá giả. Nhưng đó là chuyện trước kia, còn nay thì người dân hai bên con rạch đã bỏ ra Đà Nẵng hết, vì Việt Cộng đã chiếm nhà dân. “Họ đều là người miền Bắc trẻ tuổi vào sinh sống, đa số là nằm trong các sư đoàn Bắc Việt đưa vào, lén lút nằm rải rác quanh vùng, chỉ khi bắt được bọn chúng, khai thác thì mới biết,” ông nói.

Rồi chuyện gì đến cũng đến. “Có những thám báo của tiểu đoàn cho biết người dân Điện Bàn bỏ chạy, bên Trung Đoàn 51 cũng có một toán biệt kích rải vào phục kích, gọi về tiểu đoàn báo có địch về chiếm thành phố dọc theo hai bên con rạch, len lỏi theo những nhà dân để dễ tẩu thoát về phía bờ sông nếu bị tấn công,” ông nhớ lại.

“Được lệnh tiến vào giải tỏa, tôi cho bộ chỉ huy và cả đại đội băng qua đường đi về phía Hội An. Vừa qua băng qua con đường, Việt Cộng núp sẵn trong nhà dân đặt súng bắn ra, làm bốn người của mình bị thương và hai người chết. Từ đường đạn bắn ra, biết được chỗ núp của chúng, tôi tính nếu tiếp tục băng qua nữa thì sẽ lãnh đạn, tôi chợt thấy bên đường có những ống cống rất lớn để thoát nước lụt hằng năm từ Vĩnh Điện tràn về Hội An,” ông kể tiếp.

Quyết định rất nhanh, ông cho hết cả đơn vị và bộ chỉ huy đại đội chui qua ống cống, cả súng cối và đại liên cũng đưa qua luôn, tiếp tục bám sát nhà dân dọc theo con lộ, được dân mở cửa cho núp vào trong đến 5 giờ sáng. Trong khi từng tiểu đội bò qua đường, Chuẩn Úy Nam, mới ra trường, bỗng đứng lên chạy băng qua liền bị bắn một loạt AK, tử trận ngay tại chỗ.

\"\"
Trang trong quyển Kỷ Yếu Khóa 22 Võ Bị Đà Lạt, giới thiệu các Sinh Viên Sĩ Quan. Ông Chiêu Vĩnh Trương nơi có dấu mũi tên. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Tôi nóng máu cho cả đại liên xông lên, bắn nát những bức tường nơi bọn chúng ẩn núp, nhưng vẫn không vào được khu nhà. Đến 2 giờ chiều, tôi báo về tiểu đoàn xin cho một xe jeep trên đó đặt pháo không giật M20 (75 ly) tới khai hỏa trực xạ, vì bọn địch chiếm ngay căn nhà đầu tiên ở ngã tư làm nơi đặt súng bắn ra, trong nhà vẫn còn người dân nên không thể gọi pháo binh bắn yểm trợ được,” ông kể.

Khi xe jeep chạy tới, ông lao ra chỉ huy tập trung vào chỗ bắn, lập tức bị một tràng AK làm bay cả nón sắt suýt chết. Khi té sấp xuống đường được lính xông ra nắm kéo vô nhà thì cũng vừa nghe mấy tiếng nổ vang rền, đánh sập căn nhà nơi Việt Cộng ẩn núp.

“Cả trung đội ào vô tấn công bắt được ba tên, có khoảng hơn chục tên bị thương, ngoài ra chết trong từng căn nhà rải rác chung quanh cũng nhiều,” ông kể tiếp.

“Thẩm tra tên bị bắt mới biết chúng thuộc Sư Đoàn Sao Vàng, với nhiệm vụ chiếm Điện Bàn và tấn công bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 2, đặc biệt là cố gắng bắt sống cố vấn Mỹ để sau này trao đổi tù binh. Trận đó chúng tôi tịch thu rất nhiều súng gồm AK, CKC, súng phun lửa, súng bắn tăng, B40 và B41, có cả đại bác phòng không 12 ly 7. Hôm sau bộ chỉ huy tiểu đoàn xuống, tôi được gắn lon trung úy đặc cách ngay mặt trận Điện Bàn, vào Tháng Mười Một, 1968, sau khi ra trường khoảng 11 tháng,” ông nhớ lại.

Hai tháng sau khoảng đầu Tháng Giêng, 1969, khi hành quân về làng Thanh Quít, Điện Bàn, lúc dừng quân nấu cơm thì một người lính bỗng đi vô bụi rậm bắn một loạt đạn xối xả. “Ngay khi đó, lính nhào vô bắt sống được một tên núp dưới hầm phía sau bụi tre. Chúng tôi khai thác thì biết được anh ta tên là Lê Bấc, chính trị viên Tiểu Đoàn 307, quê Hà Nam Ninh. Anh ta khai tiếp ở dưới hầm có một người lính vừa bị bắn chết, có cả tài liệu và hai súng AK 47 và K54. Nhiệm vụ của anh ta là đánh bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 51 Biệt Lập, phối hợp với trung đội ở Phong Thử và trung đội ở gần đó để đánh chiếm Vĩnh Điện, bắt sống hai cố vấn Mỹ và một cố vấn dân sự vụ người Úc,” ông kể.

Ông kể tiếp: “Điều này khiến tôi hiểu ngay là quanh vùng đều có mật báo viên Cộng Sản theo dõi để nắm tình hình.” (Văn Lan) [qd]

Kỳ cuối: Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương và một chân gửi lại chiến trường

Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương và một chân gửi lại chiến trường

Aug 8, 2020 cập nhật lần cuối Aug 8, 2020

\"\"/
Bức hình duy nhất còn sót lại đến hôm nay, ông Chiêu Vĩnh Trương và gia đình chụp tại Hội An, 1970. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Sau cuộc đụng độ Sư Đoàn Sao Vàng Cộng Sản Bắc Việt hồi Tháng Mười, 1968, cựu Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương nói: “Trong đời tôi tự nghĩ mình không có gì tài ba cả, chỉ nhờ may mắn thôi, cũng nhờ lính thương mình. Một phần nữa có lẽ được nhờ ơn trên cứu độ nên trong suốt trận chiến tôi thường gặp nhiều an lành, và người lính trận sau cuộc chiến được trở về toàn vẹn là điều may mắn nhất đời!”

Ngồi tại nhà ở Santa Ana, ông Trương nhớ lại cuộc hành quân trên đồi Thường Đức, nơi thám báo cho biết Việt Cộng đã tập trung về đó: “Hai giờ sáng, lính của Trung Đội 2 báo thấy có nhiều người, khoảng một trung đội căng võng nằm ngủ gần nơi đóng quân của Tiểu Đoàn 2 bọn tôi, cách khoảng 200 mét. Tôi gọi máy về Ban 3 Tiểu Đoàn hỏi có đơn vị nào hành quân gần tôi không, sau khi được trả lời không, lập tức tôi ra lệnh cả trung đội dàn hàng ngang, tập trung hỏa lực đại liên M79 và súng M16 quạt tới tấp tấn công liền. Bọn địch không trở tay kịp, lớp chết lớp bị thương nằm la liệt, tịch thu nhiều súng CKC, AK 47, đây là việc bất ngờ lần đầu tiên trong đời tôi mới gặp.”

Bị cưa chân phải

Khi trời tờ mờ sáng, Tiểu Đoàn 2 tiếp tục xung phong lên đồi Thường Đức, và Đại Đội 1 lại dẫn đầu. Việt Cộng đặt hai cây đại liên phòng không 12 ly 7 ở hai vị trí đối diện trên đồi để phòng thủ. “Đó là loại súng phòng không bắn máy bay, hỏa lực rất mạnh và đường đạn khá dài, nếu bắn thẳng vô bộ binh đang di chuyển trong khoảng cách gần, rất nguy hiểm,” ông kể.

“Tôi cho từng tiểu đội thận trọng bò lên, hợp cùng cánh quân phía đối diện cùng lúc xung phong một lượt, làm hai cây đại liên không thể trợ giúp nhau được. Khi lên tới nơi, thấy hai tên xạ thủ đã bị tiêu diệt. Trận đó đại đội được thưởng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Vàng,” ông kể.

Tiểu Đoàn 2 tiếp tục tiến vô trong sâu là rừng rậm, ở đó khoảng một tuần thì Việt Cộng pháo kích vô, thiếu tá cố vấn Mỹ tử trận ngay tại chỗ, Trung Úy Trương nằm gần đó bị thương ở chân phải, được trực thăng chở ngay ra Đệ Thất Hạm Đội. Sau đó ông được đưa về bệnh viện Mỹ ở Sơn Trà, rồi chuyển về bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng.

“Sau một đêm bất tỉnh trong bệnh viện, sáng dậy tôi thấy chân phải của tôi bị cưa mất. Nằm khoảng bảy ngày phải xuất viện vì lúc đó chiến trường khốc liệt, bệnh viện phải chữa trị thương binh quá nhiều. Thấy thương nhất là suốt thời gian tôi nằm bệnh viện, lính của mình thay phiên đến thường xuyên phụ với y tá để chăm sóc cho tôi, phần nói chuyện cho vơi bớt nỗi buồn khi tôi sắp phải rời xa đơn vị!” ông nhớ lại tình huynh đệ chi binh trong đời lính.

“Người xưa từng nói ‘Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi’ (Xưa nay chinh chiến mấy ai về), mà mình còn sống trở về sau chiến trận là may mắn lắm. Lại nhớ bài ‘Nhớ Người Thương Binh’ của nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó người thương binh trở về khi đã cụt tay, còn tôi chỉ bị mất một chân! Mà thôi, cụt tay hay cụt chân gì cũng đã đền xong nợ nước, làm tròn trách nhiệm với tổ quốc là danh dự lắm rồi!” người chiến sĩ từng tung hoành ngoài chiến trận năm xưa tâm sự.

\"\"

Giải ngũ

Với một chân bị cưa mất, ông kể: “Tôi ra hội đồng y khoa, được giải ngũ với thương tật 85%, về lại Sài Gòn năm 1971. Lúc mới trở về đời sống dân sự, tôi rất buồn vì không biết mình phải làm gì để nuôi sống gia đình, mặc dù có hưởng lương thương phế binh đầy đủ.”

Trong buổi chia tay với các chiến hữu tại bến Bạch Đằng Đà Nẵng với nhiều nỗi buồn, ông Trương lại gặp may khi người ngồi đối diện ở bàn bên bỗng đứng lên chào hỏi khi thấy ông đeo trên ngón tay chiếc nhẫn Võ Bị Đà Lạt, một kỷ niệm còn lại bên mình từ khi ông ra trường cho tới khi bị thương giải ngũ.

“Khi bắt tay hỏi han và biết chuyện của tôi, người mới quen hỏi tôi có muốn làm trong ngành cảng vụ không. Sau đó tôi mới biết đó là Trung Tá Hải Quân Huỳnh Duy Thiệp, giám đốc Tổng Nha Thương Cảng Đà Nẵng, tôi mừng quýnh không ngờ mình lại được quới nhơn giúp đỡ. Một lần nữa tôi lại gặp may khi gặp lại ông Quân, chánh sự vụ kế toán hành chánh khi làm giấy tờ nhận tôi vào làm việc, chính là người bạn cùng học trường Luật Sài Gòn với tôi ngày trước,” ông Trương kể.

Ông Trương chọn thương cảng Cam Ranh để gần quê vợ ở Đà Lạt, với chức vụ phó Ty Thương Cảng Cam Ranh, có nhiệm vụ trông coi cảng nước cạn Ba Ngòi, nơi tàu kéo ra vô hàng ngày để hướng dẫn tàu ngoại quốc lấy hàng, ông làm việc tại đó cho tới ngày cuối cùng cuộc chiến.

Bị Cộng Sản tịch thu nhà cửa

Sau 1975, cuộc sống cả miền Nam đều tang thương biến đổi, gia đình ông Trương cũng không ngoại lệ. Ông đã từng vượt biên mấy lần tại Vũng Tàu, nhưng không thành công, bị lừa tiền còn bị bắt vô Côn Đảo nhưng được thả vì là người tàn phế. Lúc trở về thì ông mất hết sạch nhà cửa.

Nhân chuyện bị tịch thu nhà, ông Trương cho hay, khoảng đầu năm 1980, cả gia đình ông đi xe đò về quê Châu Đốc thăm gia đình, một tuần sau trở lại thì thấy nhà mình đã bị khóa cửa, trước nhà đề bảng Hợp Tác Xã Thương Nghiệp Quận Phú Nhuận.

“Hai đứa con trai tôi cho rằng nhà của mình thì mình cứ vô ở, liền bẻ khóa vô thì thấy đồ đạc trong nhà bị dọn sạch trơn, tôi và đứa con trai liền chạy lên phường nơi gia đình đang sống, khi hỏi lại thì ở phường mới đưa ra giấy quyết định, yêu cầu cả gia đình trong bảy ngày phải ra khỏi nhà, đi vùng kinh tế mới,” ông Trương kể.

“Thật chưa từng thấy một quyết định hành chánh mà sai nguyên tắc pháp luật trầm trọng, khi nhà của tôi mà văn bản tịch thu nhà không được gởi cho chủ nhà, chỉ gởi riêng cho những cơ quan của nhà nước thôi, vì tôi đọc kỹ phần nơi gởi, không hề thấy gởi cho tôi. Nếu nói tôi vượt biên thì trong nhà vợ tôi và mấy đứa con vẫn đang còn ở, vậy tại sao lại đuổi mấy mẹ con ra khỏi nhà. Đúng là một xã hội vô pháp luật!” ông Trương nói.

Đi đâu, biết làm gì để sống? Từ đó cả nhà ông Trương gồm hai vợ chồng và mấy đứa con nhỏ phải lang thang ngoài đường, may sao được người bác nhận nuôi. Thời gian sau ông và người con trai lớn vượt biên, nhưng đi cũng không lọt, bị bắt vô Côn Đảo nhưng vì là thương binh nên ông được thả cho về nguyên quán Châu Đốc.

May mắn sau đó, cả hai người con trai của ông đều vượt biên thành công, được định cư tại Mỹ lại bảo lãnh tiếp cho cha mẹ qua đoàn tụ. Cuộc đời người thương binh đã qua cuộc chiến cũng thay đổi theo vận hội mới.

\"\"
Sinh Viên Sĩ Quan Chiêu Vĩnh Trương (trái) đón em vợ đến thăm tại trường Võ Bị Đà Lạt. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Trung Đoàn 51 Biệt Lập hoạt động ra sao?

Theo tài liệu của Thiếu Tá Hồ Đắc Huân, Trung Đoàn 51 Biệt Lập là một đơn vị thiện chiến, hoạt động trong vùng Quảng Nam Đà Nẵng, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, còn tập trung các đơn vị để huấn luyện theo một chương trình đại quy mô.

Trung Đoàn 51 Biệt Lập liên tiếp hành quân bình định trên vùng Quảng Nam như các cuộc hành quân Bình Quảng 6, Phi Phụng 42 đến 47 do Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Quảng Đà và Đặc Khu Quảng Nam tổ chức, đã tịch thu và phá hủy nhiều vũ khí các loại cùng quân trang, quân dụng, lương thực.

Ngoài ra Trung Đoàn 51 Biệt Lập còn tiến hành thực hiện quốc sách Bình Định Xây Dựng Nông Thôn, phối hợp với hoạt động của các lực luợng quân sự thuộc Tiểu Khu Quảng Nam cùng với các cơ quan dân chính của tỉnh.

Có thể tóm lược sự hình thành của Trung Đoàn 51 Bộ Binh Biệt Lập như sau:

-Tiền thân là Liên Đoàn Lưu Động số 32 được thành lập ngày 5 Tháng Mười Một, 1953, theo Sắc Lệnh số 789/CAB/NĐ của Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam.

-Ngày 1 Tháng Mười Một, 1954, Liên Đoàn Lưu Động 32 được đổi danh hiệu thành Trung Đoàn 32 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 32 Bộ Binh.

-Ngày 1 Tháng Giêng, 1956, Trung Đoàn 32 Bộ Binh đổi thành Trung Đoàn 4 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh.

-Ngày 1 Tháng Chín, 1965, Trung Đoàn 4 Bộ Binh lại đổi danh hiệu là Trung Đoàn 51 Biệt Lập, tách rời khỏi hệ thống tổ chức của Sư Đoàn 2 Bộ Binh, trách nhiệm gìn giữ lãnh thổ Quảng Nam.

-Trung Đoàn 51 Bộ Binh Biệt Lập đã được tuyên dương ba lần trước Quân Đội (6 Tháng Sáu, 1964; 6 Tháng Hai, 1968; và 1 Tháng Mười Một, 1968) và đã tham gia nhiều chiến trường ác liệt tại Quảng Nam và các cuộc hành quân bình định gồm các cuộc hành quân từ Hưng Quảng 1 đến Hưng Quảng 1/67.

\"\"
Quyết định tịch thu nhà và yêu cầu vợ con ông Chiêu Vĩnh Trương đi vùng kinh tế mới trong vòng bảy ngày. (Hình: Chiêu Vĩnh Trương cung cấp)

Tiếc thay mộng ước không thành

Ngồi kể chuyện đời quân ngũ của mình, ông Chiêu Vĩnh Trương nhận xét: “Có hai điều tôi rất tiếc, thứ nhất đất nước mình bị lâm vào cuộc chiến mà không do mình chủ động vì cả hai phía đều bị ngoại bang điều khiển, nên không quyết định được vận mạng nước mình. Thứ hai là sau cuộc chiến, lẽ ra hai bên bắt tay xây dựng lại đất nước ngay từ 1975 thì ngày nay Việt Nam sẽ không thua gì các nước Đông Nam Á. Dân tộc mình có tính không đoàn kết lại bị ngoại bang giật dây, nên tới giờ phút này nhìn lại quê nhà, ai cũng thấy rõ đã quá thua xa các nước lân cận. Người dân vẫn nhu nhược cam chịu dưới sự lãnh đạo của nhà cầm quyền bất tài.”

“Nhưng tôi rất vinh dự được làm tròn bổn phận của một người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, với tinh thần ‘Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm.’ Từ sau khi mất nước, dù trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn tự hào là chưa bao giờ làm tổn hại đến thanh danh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà tôi đã từng phục vụ,” ông hãnh diện nói.

“Nhớ lại thời trai trẻ, bao lớp thanh niên lên đường ra trận, quyết gìn giữ sự tự do cho miền Nam nhưng tiếc thay mộng ước không thành. Thương nhớ nhất là những anh em cùng Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt và các chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đi vào chiến trận, hàng hàng lớp lớp hiên ngang chiến đấu chống giặc thù, có người đã hy sinh tại mặt trận và cũng có người bị tù ngục đọa đày. Xin cầu nguyện hồn thiêng sông núi hiển linh độ trì cho đất nước, dân tộc mau thoát khỏi cơn ách nạn Cộng Sản hiện nay!” ông Trương trầm buồn nói. (Văn Lan) [qd]

Xem lại kỳ trước: Trung Đoàn 51 Biệt Lập và anh Trung Úy Chiêu Vĩnh Trương nơi chiến trận


Ông Chiêu Vĩnh Trương quê gốc Châu Đốc, An Giang.

Cựu sinh viên Đại Học Luật Khoa Sài Gòn 1963.

Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt 2 năm 1965-1967.

Cấp bậc cuối cùng là Trung Úy thuộc Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 51 Biệt Lập, đóng ở Quảng Nam Đà Nẵng.

Từng chiến đấu ở các chiến trường Điện Bàn, Đại Lộc, Thường Đức, Hội An, Cẩm Thanh, và các mật khu Cẩm Kim, Phù Kỳ, Cồn Chài.

Bị thương cụt chân, giải ngũ năm 1971.

Sau giải ngũ, được cất nhắc làm Phó Ty Thương Cảng Cam Ranh cho tới 1975.

Hiện sinh sống tại thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment