14/08/1917: Trung Quốc tuyên chiến với Đức
Nguồn: China declares war on Germany, History.com
Biên dịch: Trần Mẫn Linh
Vào ngày này năm 1917, khi Thế chiến I bước sang năm thứ tư, Trung Quốc đã từ bỏ vị thế trung lập và tuyên chiến với Đức.
Ngay từ khi bắt đầu, phạm vi của Thế chiến I đã không chỉ giới hạn ở châu Âu; ở khu vực Viễn Đông, hai quốc gia đối địch là Nhật Bản và Trung Quốc luôn cố xác định vai trò của họ trong cuộc chiến này. Là một quốc gia tham vọng và là đồng minh của Anh từ năm 1902, Nhật Bản đã nhanh chóng tuyên chiến với Đức vào ngày 23/08/1914. Sau đó, họ lập tức lên kế hoạch chiếm Thanh Đảo – căn cứ hải quân nước ngoài lớn nhất của Đức nằm trên bán đảo Sơn Đông, Trung Quốc – bằng các cuộc tấn công kết hợp bộ binh và hải quân.
Với sự hỗ trợ của hai tiểu đoàn Anh, khoảng 60.000 lính Nhật sau đó đã vi phạm sự trung lập của Trung Quốc bằng một cuộc đổ bộ từ biển vào Thanh Đảo, chiếm căn cứ hải quân vào ngày 07/11 khiến quân Đức phải đầu hàng. Tháng 01/1917, Nhật đã trao cho Trung Quốc “21 yêu sách”, trong đó bao gồm việc mở rộng quyền kiểm soát trực tiếp của Nhật ở Sơn Đông, miền nam Mãn Châu, miền đông Nội Mông và để Nhật chiếm thêm nhiều lãnh thổ, gồm cả các đảo ở Nam Thái Bình Dương trước đó do Đức kiểm soát.
Khi Trung Quốc tuyên chiến với Đức vào ngày 14/08/1917, mục đích chính của họ là có được một vị trí trên bàn đàm phán thời hậu chiến. Trên hết, Trung Quốc muốn giành lại quyền kiểm soát Bán đảo Sơn Đông và tái khẳng định sức mạnh của họ trước Nhật Bản – kẻ thù nguy hiểm nhất và là đối thủ tranh quyền kiểm soát với họ trong khu vực. Tại Hội nghị Hòa bình Versailles sau khi đình chiến, Nhật Bản và Trung Quốc đã đấu tranh gay gắt để thuyết phục Hội đồng Tối cao các nước Đồng minh – điều hành bởi Hoa Kỳ, Pháp và Anh – về các yêu sách của họ đối với Bán đảo Sơn Đông. Cuối cùng, một thoả hiệp có lợi cho Nhật đã được đưa ra khi Nhật rút lại yêu cầu đối với điều khoản bình đẳng chủng tộc trong hiệp ước để đổi lấy quyền kiểm soát các tài sản kinh tế quan trọng của Đức tại Sơn Đông, bao gồm đường sắt, hầm mỏ và cảng ở Thanh Đảo.
Mặc dù Nhật hứa sẽ trao trả quyền kiểm soát Sơn Đông cho Trung Quốc – điều họ thực hiện vào tháng 2/1922 – người Trung Quốc đã rất giận dữ trước quyết định của phe Đồng minh thiên vị Nhật tại Versailles. Một cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/05/1919 để phản đối hoà ước, văn bản mà phái đoàn Trung Quốc tại hội nghị đã từ chối ký vào.
“Khi tin tức về Hội nghị Hoà bình Paris đến được tai chúng tôi, chúng tôi đã rất sốc”, một sinh viên Tung Quốc nhớ lại. “Chúng tôi lập tức nhận ra sự thật rằng các quốc gia khác vẫn luôn ích kỷ và quân phiệt, rằng tất cả bọn họ đều là kẻ dối trá.” Một năm sau khi hội nghị hòa bình bế mạc, những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến đã thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng này, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, cùng nhiều nhà lãnh đạo khác của các cuộc biểu tình chống Hòa ước Versailles, đã lên nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949.