Sợ lệnh trừng phạt, cảnh sát HK di dời khẩn cấp hàng chục tỷ HKD vào ngân hàng TQ
14/08/20, 16:54 Thế giới 111
Sau khi 2 cảnh sát trưởng của Hồng Kông bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt, có thông tin chỉ ra rằng lực lượng cảnh sát Hồng Kông đang lo lắng về đợt trừng phạt tiếp theo nên đã khẩn trương di dời hơn 11 tỷ đô la Hồng Kông sang đầu tư và cất giữ tại các ngân hàng Trung Quốc.
Vào ngày 7/8, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hồng Kông, trong đó có cựu cảnh sát trưởng Hồng Kông Lư Vĩ Thông và cảnh sát trưởng đương nhiệm Đặng Bính Cường. Các biện pháp chế tài bao gồm đóng băng tài sản của họ tại Hoa Kỳ, và cấm các công ty Hoa Kỳ thực hiện các giao dịch với họ.
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã gây ra một “hiệu ứng sợ hãi”, điều này đã được phơi bày trên mạng Internet gần đây. Đáng chú ý là việc Công đoàn Tín dụng Cảnh sát Hồng Kông (HKPCU) khẩn trương di dời tài sản đang cất giữ tại các ngân hàng nước ngoài.
Vào ngày 12/8, tờ “Apple Daily” của Hồng Kông đã trích dẫn một phần thông báo nội bộ do HKPCU đưa ra vào ngày 10/8, cho thấy nhiều thành viên đang lo lắng về các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, họ sợ rằng các lệnh trừng phạt này sẽ ảnh hưởng đến tài sản và phân bổ đầu tư của Công đoàn. Do đó, vào cuối tháng 5, cơ quan này đã bắt đầu lần lượt rút và chuyển tài sản cùng các khoản đầu tư từ các ngân hàng ở nước ngoài sang một số ngân hàng ở Trung Quốc.
Thông báo cũng kêu gọi các thành viên của lực lượng cảnh sát nhanh chóng “thu xếp tài chính phù hợp” khi tình hình ở Hồng Kông hiện nay đang vô cùng biến động.
Theo tin tức công khai cho biết, Công đoàn Tín dụng Cảnh sát được thành lập vào năm 1981 và thành viên của nó phải là cảnh sát tại ngũ hoặc công chức thuộc lực lượng cảnh sát. Công việc của các công đoàn tín dụng chủ yếu là cung cấp các dịch vụ gửi tiền và cho vay cho các sĩ quan cảnh sát tại chức và đã nghỉ hưu. Hơn nữa, lãi suất tiền gửi của cơ quan này nhìn chung cao hơn so với các ngân hàng thị trường.
Thông tin công khai của Công đoàn Tín dụng Cảnh sát cho biết, tính đến tháng 6 năm nay, Công đoàn đã có 45.116 thành viên và tổng tài sản lên đến 11,587 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 1,5 tỷ đô la Mỹ).
Thông tin này đã được lan truyền trong cộng đồng mạng ở Hồng Kông từ tối ngày 11/8. Không lâu sau, trang web của Công đoàn cho biết nó đang được “bảo trì” và không thể truy cập lại các thông tin liên quan. Nhưng theo chức năng kiểm kê web của công cụ tìm kiếm Google thì vẫn có thể thấy được những con số này.
Tờ “Apple Daily” tiết lộ rằng Công đoàn Tín dụng Cảnh sát đã có nhiều giao dịch lớn trong những năm gần đây. Trong năm 2014 và 2016, họ đã chi lần lượt 211 triệu và 1,41 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 210 triệu USD) để mua nhiều đơn vị thương mại và chỗ đậu xe.
Người dân Hồng Kông khi biết tin lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng tài sản hàng chục tỷ đồng vào việc riêng, cho nên đã rất tức giận và hét lên “cảm thấy bị vắt đến kiệt quệ!”, đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ liệt lực lượng cảnh sát Hồng Kông vào đối tượng bị trừng phạt.
Kể từ khi phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ nổ ra ở Hồng Kông vào năm ngoái, lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã đàn áp thẳng tay những người biểu tình, không những vậy, người dân Hồng Kông đã phải trả một số tiền kếch xù cho việc này. Do đó, người dân đã tỏ ra rất bất mãn, đồng thời họ cũng nhiều lần yêu cầu lực lượng cảnh sát cung cấp chi tiết các khoản chi tiêu, tuy nhiên phía cảnh sát liên tục từ chối.
Solomon Yue, Phó chủ tịch của Tổ chức Các vấn đề Hải ngoại của Đảng Cộng hòa, một tổ chức ủng hộ Phong trào Dân chủ Hồng Kông, cũng đã đăng trên Twitter, đề xuất với Ngoại trưởng Pompeo rằng Công đoàn Tín dụng Cảnh sát Hồng Kông nên bị cấm giao dịch bằng đô la Mỹ. Ông cũng cho biết đây cũng là biện pháp trừng phạt mà cư dân mạng Hồng Kông đề xuất.
Điều đáng nói chính là, lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ không chỉ nhắm vào các ngân hàng ở nước ngoài, mà ngay cả các ngân hàng tại Trung Quốc, nếu họ muốn bảo vệ các giao dịch bằng đô la Mỹ, họ cũng phải tránh nguy cơ bị trừng phạt.
Hãng thông tấn Bloomberg ngày 12/8 công bố, có một nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính quốc tế tiết lộ rằng 3 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc hoạt động tại Hồng Kông gồm: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, đang thực hiện các bước tạm thời để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, áp dụng một thái độ “thận trọng” đối với 11 quan chức bị xử phạt.
Nhiều nguồn thạo tin cho biết, ít nhất một ngân hàng đã đình chỉ việc mở tài khoản cho các cá nhân có liên quan đến lệnh trừng phạt để bảo vệ nguồn tài chính và khả năng tiếp cận các khoản đầu tư nước ngoài.
Gia Hưng (Theo NTDTV)