Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển như thế nào tại các vùng biển có tranh chấp?
Tôn Thạch Sơn
2020-08-13
Hình minh hoạ. Tàu cá Trung Quốc và tàu hải cảnh của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough hôm 5/4/2017 Reuters
Trung Quốc tăng cường chiến thuật dân quân biển
Năm 2009, một nhóm tàu cá của Trung Quốc đã bao vây và quấy rối tàu khảo sát USS Impeccable của Mỹ. Năm 2016, một tàu bảo vệ bờ biển của lực lượng Cảnh sát biển Hàn Quốc đã bị đâm chìm trong khi cố gắng trục xuất một nhóm tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển của nước này. Vào tháng 6/2019, một nhóm thủy thủ của một tàu cá Philippines đã bị bỏ rơi trên biển sau khi tàu này bị một tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm vào ban đêm. Vào tháng 6/2020, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm một tàu đánh cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông. Một sự cố tương tự vào tháng 4/2020 đã khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm.
Bắc Kinh đang ngày càng quyết đoán khẳng định những yêu sách biển đơn phương của mình đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đầu năm 2020, yêu sách đó đã vươn tới phía cực Nam Biển Đông đến tận Indonesia khi một đội tàu đánh cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh do hải quân kiểm soát xâm nhập vào khu vực quần đảo Natuna của Indonesia.
Và Trung Quốc cũng không quan tâm đến các phản đối của quốc tế. Vào năm 2016, Tòa Trọng tài về luật biển xác định các tàu Trung Quốc đã ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Philippines hoạt động tại khu vực đánh cá truyền thống của họ tại bãi cạn Scarborough. Tòa án này cũng cáo buộc Trung Quốc thực hiện các phương pháp đánh bắt mang tính hủy hoại, phá hủy môi trường sống của loài ngao khổng lồ và những bãi san hô quan trọng. Nhiều môi trường sinh thái quan trọng nhất của khu vực đã bị nạo vét và chôn vùi dưới lượng bê tông để tạo thành các pháo đài đảo bất hợp pháp của Bắc Kinh.
Một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được thực hiện từ năm 2019 cũng phát hiện lực lượng tàu của Trung Quốc hoạt động không công khai ở Biển Đông. Báo cáo viết: \”Khi họ tranh giành để đánh bắt những con cá cuối cùng từ Biển Đông, ngư dân Trung Quốc ít nhất có nhiều khả năng để gây ra một cuộc đụng độ dữ dội tương tự như các lực lượng vũ trang trong khu vực\”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng xác định được một thói hành xử đáng quan ngại hơn. Nhiều tàu trong số đội tàu cá này không thực hiện hoạt động đánh bắt cá mà muốn khẳng định quyền kiểm soát. Nghiên cứu của CSIS chỉ rõ: \”Một loại đội tàu đánh cá khác có tham gia vào hoạt động bán quân sự thay mặt cho nhà nước thay vì thực hiện hoạt động đánh cá thương mại đã nổi lên như một lực lượng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Các hoạt động của dân quân được ghi chép rõ ràng – họ tham gia tuần tra, giám sát, tiếp tế và thực hiện các nhiệm vụ khác để tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Nhật Bản. Bắc Kinh không giấu giếm sự tồn tại của lực lượng này và một số ngư dân được đào tạo và trang bị tốt nhất đã tham gia vào các hoạt động bán quân sự như quấy rối các tàu nước ngoài”.
Hình minh hoạ. Tàu cá Trung Quốc bên cạnh các tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough hôm 6/4/2017 Reuters
Những tàu cá không đánh cá này thường tập trung quanh các rạn san hô và tại các ngư trường mà Trung Quốc cho là đang có tranh chấp. Sự hiện diện của họ buộc lực lượng ngư dân không phải của Trung Quốc phải di chuyển sang các khu vực khác. Và hàng loạt các vụ va chạm và “sự cố” gần đây ở Biển Đông cho thấy họ ngày càng quyết đoán và hung hăng hơn.
Năm 2019, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ khi đó là Đô đốc John Richards đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc, phó Đô đốc Thẩm Kim Long rằng Mỹ đã biết việc Trung Quốc sử dụng một đội tàu cá dân quân để thúc đẩy các yêu sách phi pháp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Richards cảnh báo rằng Hải quân Mỹ sẽ đáp trả các hành động gây hấn của những tàu đó vì chúng được coi là một phần của lực lượng vũ trang. Nhiều tàu cá loại này không thể phân biệt được với tàu cá thông thường của Trung Quốc, vì họ tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau trong thời bình và được huấn luyện quân sự để tiến hành các hoạt động khi có giao tranh.
Trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển ở khu vực, các tàu thuộc lực lượng dân quân biển này có thể được sử dụng để hỗ trợ cho một số nhiệm vụ quân sự của Trung Quốc. Trong số này có các tàu cá ven biển mà sẽ không bị bắt giữ trong cuộc xung đột vũ trang nhưng có thể bị tấn công nếu hỗ trợ cho Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) dưới bất kỳ hình thức nào. Đa số các tàu dân quân biển hoạt động ngoài biển khơi và thường đánh bắt cá vì mục đích thương mại, nhưng đôi khi huy động để hỗ trợ PLAN hay lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG). Loại tàu này có thể bị bắt giữ làm chiến lợi phẩm hợp pháp trong xung đột vũ trang và cũng có thể bị tấn công khi hỗ trợ PLAN trong giao tranh. Cuối cùng, loại tàu cá thứ ba đóng vai trò quân phụ trợ trên biển trên thực tế và phối hợp cùng với PLAN và CCG. Không có một định nghĩa chung nào về quân phụ trợ trên biển, nhưng các tàu như vậy được coi như tàu chiến và trong lúc giao tranh có thể bị đánh chìm khi nằm ngoài vùng biển trung lập. Những tàu này đưa vào các hoạt động của PLAN một cách chính thức hơn. Việc phân biệt giữa các đơn vị dân quân biển khác nhau và hiểu được khả năng bị nhắm mục tiêu của các đơn vị này trong các cuộc chiến trên biển là thách thức đối với việc thu thập thông tin tình báo trên biển và cũng như việc phân tích nhằm phân biệt bản chất, xác định cấu trúc chỉ huy và kiểm soát của các tàu này.
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc
Trung tâm nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (CMSI) thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân đã có phát hiện quan trọng rằng ở Trung Quốc không chỉ có một lực lượng dân quân biển, mà là một loạt lực lượng ở các địa phương và thuộc chính quyền tỉnh hỗ trợ cho các nỗ lực quốc phòng. Ở cấp nhà nước, Quân ủy trung ương do Tập Cận Bình lãnh đạo quy định các chính sách về dân quân, tuy nhiên các lực lượng dân quân lại thuộc sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Bộ chỉ huy PLA ở địa phương đứng ra tổ chức và huấn luyện các lực lượng này, đôi khi phối hợp với CCG và Cục an toàn hàng hải. Về dân sự, lực lượng này bao gồm bộ máy hành chính đảng-nhà nước, còn về cơ cấu quân sự thì thuộc các khu quân sự cấp tỉnh. Hiểu rộng hơn, những lực lượng này được gọi là Dân quân biển thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân (PAFMM) và hoạt động với tư cách lực lượng trên biển thứ ba của Trung Quốc.
Hình minh hoạ. Giàn khoa dầu HD 981 của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 14/5/2014, cùng các tàu hộ tống khác Reuters
Khó khăn trong việc phân tích vị thế pháp lý của các lực lượng này phát sinh từ bản chất khác biệt của PAFMM. Nhiều nhóm ngư dân thuộc PAFMM là các tổ chức đánh bắt cá thông thường, hoạt động như một cơ sở đánh bắt cá thương mại, và chỉ thỉnh thoảng tiến hành các hoạt động cho PLAN. Các thành phần khác chuyên nghiệp hơn và được trang bị tốt hơn cho các nhiệm vụ hành động trực tiếp, đóng vai trò tiên phong cho quân phụ trợ trên biển để “bảo vệ các quyền” theo những tuyên bố chủ quyền trên biển, thay vì đánh bắt cá. Các hoạt động cũng do chính quyền địa phương khởi xướng, nhưng phải có sự chấp thuận của PLA. Sự khác biệt về nhiệm vụ của các thành phần khác nhau trong PAFMM trong thời bình và trong xung đột vũ trang càng làm phức tạp thêm cách tư duy về những lực lượng này. Tính đa dạng của PAFMM đã hỗ trợ cho nỗ lực của chế độ Trung Quốc nhằm cố ý che giấu tình trạng của PAFMM: Khi ngụy trang họ đủ điều kiện làm binh sĩ, khi cởi bỏ ngụy trang họ là ngư dân tuân thủ luật pháp. Chính sách của Trung Quốc là che giấu lực lượng dân quân biển bằng cách vận hành lực lượng này theo kiểu “hạm đội ngầm”.
PAFMM dường như là động lực thúc đẩy Trung Quốc mở rộng đội tàu cá trong suốt một thập kỷ qua. Các đội tàu cá trên thế giới quá hùng hậu. Số lượng tàu đánh bắt quá lớn, trong khi nguồn cá lại quá ít ỏi, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và khiến tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trở nên trầm trọng hơn. Trung Quốc có đội tàu cá lớn nhất thế giới. Năm 2015, Trung Quốc có khoảng 370.000 tàu cá thô sơ và 672.000 tàu cá trang bị động cơ. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc là nước vi phạm nghiêm trọng nhất các quy định về khai thác hải sản. Trung Quốc đã giảm năng suất đánh bắt cá cho tới năm 2008, khi họ đảo ngược tiến trình và tiến hành mở rộng đội tàu kể từ đó. Việc này có liên quan tới vai trò ngày càng nổi bật của PAFMM: Lực lượng này đã được nhận các tàu thân thép mới, hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc, mà có thể theo dõi và gửi tin nhắn về vị trí các nhóm tàu nổi khác, và được huấn luyện bán quân sự. Các tàu của họ tham gia tập trận quân sự với PLAN và CCG, đồng thời nhận các khoản bồi thường, bao gồm các khoản trợ cấp, phúc lợi xã hội và lương hưu từ chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, vì không trực thuộc PLA, nên PAFMM tỏ ra linh hoạt hơn trong hành động cũng như trong việc thúc đẩy các lợi ích và yêu sách biển mà không gây ảnh hưởng đến uy tín của PLA, đồng thời giảm bớt nguy cơ bị cản trở.
Vai trò của dân quân biển trong thời bình
Trong thời bình, PAFMM đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy các yêu sách và lập trường trên biển của Trung Quốc thông qua các hành động ép buộc, theo tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc huy động các lực lượng dân sự tham gia các hoạt động quân sự. Lực lượng dự bị này hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như các cảng biển và giàn khoan dầu, tiến hành các nhiệm vụ hiện diện và các chiến dịch “bảo vệ quyền” nhằm khẳng định các yêu sách phi pháp trên biển của Trung Quốc, quấy nhiễu và đánh đuổi các tàu dân sự và tàu của chính phủ nước ngoài, bao gồm tàu chiến, ra khỏi vùng biển Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Các tàu PAFMM cũng tham gia các chiến dịch trực tiếp và đặc biệt để hỗ trợ cho PLAN và CCG trong các cuộc chạm trán với tàu hải quân của Mỹ và các nước khu vực trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Chẳng hạn, trong năm 2009, lực lượng dân quân biển đã bao vây tàu USNS Impeccable khi tàu này tiến hành các cuộc khảo sát quân sự ở vùng biển ngoài EEZ của Trung Quốc. Các tàu Trung Quốc bao gồm một lực lượng hỗn hợp gồm tàu đánh cá bằng lưới rà thuộc lực lượng dân quân biển và các tàu của Chính phủ Trung Quốc tìm cách quấy rầy các hoạt động của Hải quân Mỹ khi đe dọa cắt dây cáp kéo theo tàu phụ trợ của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Vào năm 2012, các tàu cá của Trung Quốc phối hợp với CCG là đội tiên phong chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough – một hòn đảo nhỏ ở biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài xác định rằng các tàu của Trung Quốc đã ngăn chặn bất hợp pháp hoạt động đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough (đoạn 814). Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng các tàu cá của Trung Quốc đã khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định mang tính phá hoại, trong đó có việc đánh bắt các loài trai sò, san hô và rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng theo đoạn 764 trong phán quyết của Tòa.
Tháng 5/2014, các tàu của PAFMM hỗ trợ cho hoạt động lắp đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 ở phía Nam đảo Tri Tôn trong các khu vực thuộc EEZ của Việt Nam, châm ngòi cho một cuộc đụng độ có sự tham gia của hơn 100 tàu ở cả hai bên. Tổ chức Ngư nghiệp Phúc Cảng đã cử lực lượng tàu cá dân quân gồm 29 tàu đánh bắt cá bằng lưới rà tới bảo vệ giàn khoan dầu, hỗ trợ cho khu quân sự Quảng Châu và khu quân sự Hải Nam. Trong hơn 2 tháng, lực lượng tàu cá dân quân được bố trí thành các vòng bảo vệ quanh giàn khoan dầu của Trung Quốc – một chiến lược “bắp cải nhiều lớp” xua đuổi các tàu của Việt Nam đang tìm cách thực thi đặc quyền kinh tế và đánh chìm 3 tàu trong số này.
Tháng 5/2015, tiểu khu quân sự Giang Môn ở tỉnh Quảng Đông đã tổ chức tập trận cho các lực lượng dân quân biển, tập trung vào các nhiệm vụ thời chiến. Nội dung tập trận bao gồm tập hợp và huy động, bảo vệ các quyền trên biển, tuần tra, hậu cần và sửa chữa khẩn cấp các cầu tàu bị hư hại trong giao tranh. Vào tháng 3/2016, khoảng 100 tàu đánh bắt cá của Trung Quốc xuất hiện quanh bãi cạn Laconia của Malaysia nằm ngoài khơi Sarawak và trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Những tàu này không treo cờ, không có dấu hiệu đăng ký và đi cùng với 2 tàu của CCG. Năm 2019, các tàu của PAFMM đã tiến vào phạm vi nửa hải lý từ tiền đồn của Philippines trên đảo Loaita thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines đã điều một tàu đổ bộ xe tăng lớp LST-542 trước đây của Hải quân Mỹ theo dõi hai tàu cá Trung Quốc.
Điều tương tự cũng diễn ra ở biển Hoa Đông. Kể từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku từ một công dân nước này vào năm 2010 để ngăn không cho các đảo này bị chiếm đóng, các tàu cá của Trung Quốc và tàu của CCG thường xuyên xâm nhập lãnh hải và vùng tiếp giáp như một cách để quấy rối Nhật Bản và làm xáo trộn nguyên trạng. Vào năm 2020, Trung Quốc đã gia tăng các chiến dịch hiện diện như vậy gần quần đảo Senkaku để gây sức ép với Tokyo. Trung Quốc tuyên bố quần đảo Senkaku đang bị tranh chấp, mặc dù nó thuộc quyền kiểm soát quân sự của Mỹ trong thời gian Mỹ chiếm đóng Okinawa cho tới năm 1971 và được trao trả lại cho Nhật Bản theo tuyên bố năm 1895 khi quần đảo này chưa bị chiếm đóng và là lãnh thổ vô chủ.
Vai trò của dân quân biển trong xung đột vũ trang
Tàu cá của dân quân là công cụ chính để thay đổi tình hình thực địa trong thời bình, chẳng hạn như việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông, đồng thời huấn luyện một lực lượng hải quân bán quân sự có thể được triển khai khi nổ ra cuộc xung đột vũ trang. Cấu trúc lưỡng dụng của PAFMM đặt ra cho các đối thủ của Trung Quốc những thách thức trong hoạt động. Trong lần ra mắt đầu tiên tại một cuộc giao tranh vũ trang, lực lượng dân quân biển đã tham gia cuộc đánh chiếm vùng phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Bắc Kinh hiểu rằng việc sử dụng tàu cá để theo đuổi hành động xâm lược sẽ ít có khả năng lôi kéo Mỹ vào xung đột, thậm chí ngay cả khi các tàu này đe dọa một đồng minh của Mỹ.
Hiện nay, các đơn vị tinh nhuệ nhất của PAFMM đã được chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc chiến tranh du kích được gọi là “Chiến tranh nhân dân trên biển”, được trang bị thủy lôi, pháo phòng không và tên lửa. Các tàu cũng được huấn luyện để thực hiện hoạt động tình báo, giám sát và do thám (ISR) và có khả năng chuyển dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi tấn công tiêu diệt của PLAN. Mạng lưới này, ước tính bao gồm 20.000 tàu và hàng trăm nghìn dân quân, tạo thành một “mạng lưới trinh sát trên biển” gây khó khăn cho đối thủ tiềm năng trong việc lên kế hoạch lực lượng.
Trước khi xảy ra xung đột, lực lượng dân quân biển có thể sử dụng các chiến thuật ép buộc, như đâm vào tàu đối thủ để khiêu khích đối thủ đáp trả, trong lúc CCG và thậm chí cả các lực lượng PLAN từ xa lao tới hiện trường để “dạy cho một bài học”. Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam và Malaysia đều từng phải đối đầu với dân quân biển của Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ leo thang. Tuy nhiên, việc tránh đối đầu với PAFMM sẽ giúp bình thường hóa sự hiện diện của Bắc Kinh ở vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Kịch bản này minh họa cho chiến lược bất đối xứng sử dụng chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông, và chiến tranh pháp lý gây mất phương hướng nhằm phá vỡ các khái niệm truyền thống, nhất là của phương Tây, về xung đột vũ trang.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do