Lữ Đoàn B Thủy Quân Lục Chiến VNCH hành quân vượt biên qua Cambodia
Aug 15, 2020 cập nhật lần cuối Aug 15, 2020
Vann Phan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Trong năm 1970, chỉ hai năm sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, các lực lượng tổng trừ bị và bộ binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã dần dà thay thế quân chiến đấu Mỹ trong các cuộc hành quân lùng và diệt (search and destroy), nắm vai trò chủ động trong những cuộc tấn công các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào miền Nam Việt Nam cũng như các căn cứ “hậu cần” của họ tại Lào và Cambodia.
Các cuộc hành quân nói trên thể hiện quyết tâm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đứng lên đảm đương gánh nặng của cuộc chiến chống quân Cộng Sản xâm lược trong khuôn khổ kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh (Vietnamization) do phía Hoa Kỳ đề ra song song với sách lược tối tân hóa các đơn vị chiến đấu của VNCH bằng những võ khí và chiến cụ tốt hơn do Mỹ cung cấp, trong khi các lực lượng Mỹ và Đồng Minh tham chiến tại Việt Nam giảm dần vai trò chủ động trên các chiến trường.
Bối cảnh các cuộc hành quân của Thủy Quân Lực Chiến sang Cambodia
Trong thời gian cuộc hòa đàm Paris đang diễn tiến, các lực lượng chính quy Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã lợi dụng những an toàn khu ở Cambodia làm nơi tồn trữ tiếp liệu, dưỡng quân, và dùng làm bàn đạp mở các cuộc tấn công vào miền Nam Việt Nam. Ngày 18 Tháng Ba, 1970, Thủ Tướng Lon Nol đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Quốc Vương Norodom Sihanouk, rồi lập nên nước Cộng Hòa Khmer, đồng thời ra lệnh cho quân đội Cambodia tấn công các căn cứ địa của Cộng Quân tại một số vùng trọng yếu trên toàn lãnh thổ.
Các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt đã phản công tại các mặt trận vùng biên giới Việt-Miên nhằm cắt đứt các trục lộ chính dẫn về Phnom Penh (Nam Vang) và đe dọa thành phố thủ đô này. Nhận được lời cầu cứu của chính quyền Cộng Hòa Khmer, các lực lượng Hoa Kỳ và VNCH đã lập kế hoạch hành quân vượt biên sang Cambodia.
Điều trước tiên là giúp đỡ người bạn đồng minh mới giữ gìn an ninh lãnh thổ, và sau là thanh toán các an toàn khu của Cộng Sản Bắc Việt trên đất Chùa Tháp, nơi tồn trữ các tiếp liệu quân sự, bổ sung quân số và cũng lả địa điểm xuất phát các cuộc tấn công vào Mmền Nam Việt Nam. Ngoài ra, riêng đối với Quân Lực VNCH, các cuộc hành quân ngoại biên sang Cambodia còn có mục đích hồi hương một số đông Việt kiều trên đất Chùa Tháp đang bị các phần tử người Miên quá khích khủng bố và tàn sát (“cáp duồn”).
Trong khi các lực lượng Bộ Binh và Nhảy Dù VNCH thuộc Quân Đoàn 3 của Trung Tướng Đỗ Cao Trí phối hợp với các lực lượng Mỹ mở các cuộc Hành Quân Toàn Thắng (Victory) sang Cambodia (tại các vùng Cánh Tiên, Mỏ Vẹt, Sway Rieng, Kampong Trabaeck, Lưỡi Câu…) thì các lực lượng Hải Quân, Bộ Binh và Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) VNCH thuộc Quân Đoàn 4 của Trung Tướng Ngô Du triển khai cuộc Hành Quân Cửu Long 1 và Sóng Thần 5/70 nhằm khai thông Sông Mekong (Cửu Long), đoạn từ ranh giới Việt-Miên đến thủ đô Phnom Penh, để đưa Việt kiều hồi hương, đồng thời yểm trợ cho các cuộc Hành Quân Toàn Thắng của Quân Đoàn 3.
Cuộc Hành Quân Sóng Thần 5/70, từ ngày 9 Tháng Năm đến ngày 30 Tháng Sáu, 1970, trong khuôn khổ cuộc Hành Quân Cửu Long 1 và Sóng Thần 5/70 của TQLC VNCH trên đất Cambodia, lần lượt do Lữ Đoàn B và Lữ Đoàn A TQLC thay phiên nhau đảm trách.
Cuộc Hành Quân Sóng Thần 5/70 của Lữ Đoàn B TQLC
Theo bài viết “Lữ Đoàn B/TQLC hành quân vượt biên qua Kampuchia năm 1970” của Mũ Xanh Tôn Thất Soạn trên trang mạng thqlcvn.org, thành phần nòng cốt của cuộc hành quân ngoại biên sang Cambodia là Lực Lượng Ðặc Nhiệm Thủy Bộ 211 do Hải Quân Ðại Tá Vũ Văn Thông chỉ huy và Lữ Đoàn B TQLC do Ðại Tá Tôn Thất Soạn chỉ huy, kiêm nhiệm chức vụ tư lệnh phó Lực Lượng Đặc Nhiệm.
Ðoàn giang đỉnh của Lực Lượng Thủy Bộ 211, được trang bị tối tân và do Hải Quân Hoa Kỳ chuyển giao cho Hải Quân VNCH, gồm khoảng 100 tàu các loại và được 30 chiến đỉnh Cougar của Hải Quân Hoa Kỳ yểm trợ. Lực lượng tham dự của Lữ Ðoàn B TQLC gồm các Tiểu Đoàn 1, Tiểu Đoàn 4, và Tiếu Đoàn 5 TQLC, cùng với Pháo Đội 105 TQLC.
Xuất phát từ vùng tập trung quân sát biên giới Việt-Miên thuộc tỉnh Châu Ðốc, từ sáng sớm ngày 9 Tháng Năm, 1970, Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211 của Hải Quân và TQLC VNCH đã ngược sông Mekong đổ quân tiến chiếm bến phà Neak Loeung trong buổi trưa cùng ngày. Dọc theo lộ trình hành quân trên sông, đoàn giang đỉnh thỉnh thoảng đụng phải những tử thi của Việt kiều bị “cáp duồn” nổi lềnh bềnh và trôi xuôi về hạ lưu theo dòng nước. Cuộc đổ bộ chiếm đầu cầu bến phà Neak Loeung đã gây bất ngờ cho địch, khiến Cộng Quân chỉ chống cự yếu ớt rồi vội vã rút lui, không kịp mang theo các kho súng ống, đạn dược và đồ tiếp liệu từ căn cứ của họ.
Sau cuộc đổ quân thần tốc và thành công tại bến phà Neak Loeung, lực lượng của Lữ Ðoàn B TQLC bung ra về hướng Tây-Bắc nhằm giải tỏa áp lực địch, để rồi vào ngày hôm sau, Tiểu Đoàn 4 TQLC đã bắt tay được với lực lượng quân đội Cambodia từ Phnom Penh đang tiến xuống mạn Nam Sông Mekong.
Những ngày sau đó, được các trực thăng của Không Quân VNCH chuyển vận, Tiểu Ðoàn 1 TQLC đã nhảy xuống phía Nam thành phố Neak Loeung trong khi Tiểu Đoàn 4 TQLC đổ bộ vào phía Ðông-Nam, để phối hợp tấn công giải tỏa áp lực địch tại tỉnh lỵ Prey Veng, nằm cách Neak Loeung 10 km về phía Bắc. Khu vực hành quân nằm quá tầm yểm trợ của Pháo Đội 105 TQLC trong khi Không Lực Hoa Kỳ thì lại không được phép bay và yểm trợ quân bạn tại những nơi vượt quá 7 km phía Tây-Bắc Neak Loeung.
Cuộc kịch chiến suốt đêm giữa hai Tiểu Ðoàn Cọp Biển và Cộng Quân đã giải tỏa được Prey Veng và cứu được vị đại tá tỉnh trưởng Cambodia tại đây. Tiểu Đoàn 4 TQLC, trên đường truy kích địch, đã tịch thu hàng ngàn vũ khí và quân trang, quân dụng của địch. Áp lực của Cộng Quân tại vùng này đã được giải tỏa, và thủy lộ từ Neak Loeung đến thủ đô Cambodia đã được khai thông.
Trong khi đó, Tiểu Đoàn 5 TQLC tiếp tục truy quét địch và khai thông Quốc Lộ 1, đoạn từ Neak Loeung đến Kampong Trabaeck gần Sway Rieng, đẩy lùi Cộng Quân đang bao vây các đồn bót của quân đội Cambodia dọc theo Quốc Lộ 1. Ðồng thời, Thủy Quân Lục Chiến cũng yểm trợ cho Công Binh Quân Đoàn 4 của QLVNCH xây dựng lại các cầu, từng bị Cộng Quân phá hủy trước khi rút lui, bằng những chiếc cầu dã chiến nhằm nối lại lưu thông cho đoạn đường từ biên giới Tây Ninh đến bến phà Neak Loeung.
Tổn thất của TQLC VNCH được coi là nhẹ trong các cuộc đụng độ với Cộng Quân, nhưng một trực thăng Mỹ tham gia cuộc hành quân đã phát nổ và rớt trên đường bay đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5 TQLC tại Neak Loeung, khiến viên phi công và hai xạ thủ trực thăng thiệt mạng.
Tiểu Đoàn 1 TQLC được chuyển vận bằng giang đỉnh của Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211 để tiếp tục tuần tiễu trên sông Mekong, đoạn từ ranh giới tỉnh Châu Ðốc cho đến khu vực nằm cách thủ đô Phnom Penh 10 km về phía Đông-Nam. Lực lượng tiểu đoàn, thỉnh thoảng, lại mở những cuộc đổ bộ phục kích vào các mục tiêu hai bên sông nghi ngờ có địch quân ẩn nấp, đồng thời yểm trợ an ninh cho các vận tải hạm của Hải Quân VNCH chuyên chở Việt kiều hồi hương về Châu Ðốc. Sau giai đoạn giải tỏa áp lực của Cộng Quân trong vùng hành quân, lực lượng TQLC VNCH chuyển qua giai đoạn hỗ trợ cho lực lượng Cambodia (do Đại Tá Pré Meas chỉ huy) để cùng nhau phối hợp hành quân hoạt động trong các khu vực trách nhiệm.
Trong khi cuộc hành Quân Cửu Long 1 và Sóng Thấn 5/70 của Hải Quân và TQLC VNCH còn đang tiếp diễn trên đất Chùa Tháp, thì về phía các lực lượng TQLC, Lữ Đoàn B được lệnh rút về Việt Nam và được các lực lượng của Lữ Đoàn A, do Đại Tá Hoàng Tích Thông chỉ huy, sang thay thế.
Nhận định về cuộc hành quân của TQLC VNCH sang Cambodia
Cuộc hành quân Cửu Long 1/Sóng Thần 5/70 của Hải Quân và Lữ Đoàn B TQLC VNCH trên lãnh thổ Cambodia được coi là thành công mỹ mãn ngay trong giai đoạn đầu khi áp lực của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt và Cộng Sản Cambodia trên sông Mekong, đoạn từ ranh giới Việt-Miên đến thủ đô Phnom Penh của Cambodia, được giải tỏa mà các lực lượng Hải Quân và TQLC VNCH chỉ bị thiệt hại rất nhẹ và vũ khí được bảo toàn. Cuộc hành quân cũng vận chuyển được khoảng 40,000 Việt kiều từ Cambodia về Việt Nam bình yên.
Trong khi đó, về phía địch, hàng trăm Cộng Quân chết tại chỗ, hàng ngàn vũ khí bị tịch thu, cùng nhiều kho tàng và quân dụng bị phá hủy. Các thiệt hại này của địch quân cũng được các hồi chánh viên Việt Cộng tại Hậu Nghĩa cho biết như thế. Ngay cả Trương Như Tảng, cựu bộ trưởng Tư Pháp của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, cũng xác nhận rằng các cuộc hành quân sang Cambodia của Quân Lực VNCH đã gây thiệt hại nặng nề cho Cộng Quân, cả về người lẫn của.
Ðặc biệt, cuộc hành quân trực thăng vận nhằm giải tỏa tỉnh lỵ Prey Veng hoàn toàn do Không Quân VNCH đảm trách, khác với trước kia vẫn do Không Lực Hoa Kỳ thực hiện. Đây cũng là một bước tiến nữa chứng tỏ mức độ trưởng thành nhanh chóng của Quân Lực VNCH thuộc mọi quân, binh chủng trong khuôn khổ kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh mà Hoa Kỳ và VNCH cùng theo đuổi.
Kết quả là Quân Lực VNCH đẩy lui được cuộc tấn công lớn của Cộng Sản Bắc Việt tại Bình Long, Kon Tum và Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, dẫn đến việc ký kết Hiệp Định Paris, lập lại hòa bình tại Việt Nam vào năm 1973.
Tiếc thay, nền hòa bình này đã không tồn tại được bao nhiêu ngày, bởi vì đây chỉ là một ngón đòn chính trị để cho Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam “trong danh dự” và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, khiến toàn thể miền Nam Tự Do lọt vào tay Cộng Sản vào Tháng Tư, 1975. (Vann Phan) [qd]