Trung Quốc biện minh việc giam giữ người mẫu Uighur ở Tân Cương
- John Sudworth
- BBC News
2 giờ trước
Người mẫu Duy Ngô Nhĩ (Uighur), anh Merdan Ghappar, người tự quay video anh bị còng tay vào thành giường trong một trung tâm phòng dịch Covid-19 ở Tân Cương, bị bắt giữ theo đúng pháp luật, các quan chức Trung Quốc tuyên bố.
Anh Merdan Ghappar gửi video anh tự quay về mình, cũng một loạt các tin nhắn cho gia đình hồi tháng Hai.
Chúng được gia đình anh chuyển cho BBC và được đăng hồi đầu tháng Tám.
Các tin nhắn cung cấp chi tiết hiếm có về những gì diễn ra bên trong hệ thống trại giam bí mật và được bảo vệ cẩn mật ở Tân Cương.
Ghappar mô tả 18 ngày anh bị còng tay cùm chân và phải đội túi trùm đầu cùng 50 người khác trong một nhà tù. Anh kể sau đó anh bị giam riêng trong một trung tâm phòng dịch, nơi anh tự quay video.
Người nhà anh cho biết người mẫu 31 tuổi này bị đưa lên Tân Cương hồi tháng Một sau khi chịu hết án tù 16 tháng vì tội buôn cần sa, một cáo buộc mà bạn bè anh cho là không đúng, ở thành phố Phật Sơn.
Nay, hơn hai tuần sau khi BBC gửi một loạt các câu hỏi tới nhà chức trách Trung Quốc, đã có phản ứng dưới hình thức một thông cáo từ văn phòng báo chí của chính quyền Tân Cương.
\”Theo điều 37 của Luật Nhà tù của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, chính phủ nhân dân hỗ trợ tù nhân được thả tái định cư,\” thông cáo có đoạn viết.
\”Trong quá trình di chuyển, Merdan Ghappar có hành vi tự gây thương tích và hành vi quá khích với cảnh sát.\”
Thông cáo viết tiếp: \”Họ đã dùng các biện pháp theo luật để ngăn anh ta, và dỡ bỏ các biện pháp đó khi tâm lý anh ta đã ổn định.\”
Mặc dù Ghappar đã sống nhiều năm ở Phật Sơn – nơi bạn bè và người than nói anh có thu nhập tốt nhờ nghề làm người mẫu thời trang – anh bị đưa về thành phố Kucha ở Tân Cương nơi anh sinh ra.
Chúng tôi cho chính phủ Trung Quốc xem lời kể của người chú của Merdan Ghappar, ông Abdulhakim Ghappar, hiện đang sống ở Hà Lan sau khi rời Tân Cương năm 2011.
\”Nếu cảnh sát muốn thu xếp để giúp cậu ấy tái hoà nhập để tìm việc hay gì đó, đáng ra họ phải giúp cậu ấy ở Phật Sơn vì cậu ấy đang đi làm ở đó, có nhà cửa ở đó,\” ông nói với tôi.
\”Cho nên, lẽ ra họ không được ép buộc cậu ấy quay về Kucha.\”
Thêm vào đó, Abdulhakim nói, cảnh sát không hề nói đến chuyện \”tái hoà nhập\” với gia đình khi Ghappar bị đưa đi hồi tháng Một.
BBC đã được xem các bằng chứng cho thấy chính quyền nói với gia đình rằng \”anh ta có thể phải đi giáo một vài ngày ở cộng đồng địa phương\”.
Gia đình Ghappar cho rằng \”giáo dục\” là uyển ngữ nói tới hệ thống trại cải tạo được canh gác cẩn mật nơi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong những năm gần đây. Trung Quốc luôn nói rằng các trại này là các trường học tự nguyện giáo chống chủ nghĩa cực đoan.
Hàng ngàn trẻ em buộc phải xa cha mẹ, và nghiên cứu gần đây cho thấy, phụ nữ trong các trại này bị cưỡng bức dùng các biện pháp tránh thai.
Thông cáo của chính quyền Tân Cương không giải đáp cáo buộc bị đối xử tệ bạc của Ghappar, cũng như chuyện anh bị còng tay cùm chân và đội mũ trùm đầu, và những tiếng kêu la của tù nhân bị tra tấn trong trại giam của cảnh sát.
\”Có lần tôi nghe thấy một người đàn ông la hét từ sáng tới tối,\” anh viết trong một tin nhắn.
Thông cáo này cũng không nhắc tới video Ghappar tự quay cho thấy cảnh anh ngồi lặng lẽ ở trung tâm phòng bệnh, mặc quần áo bẩn và tay trái bị còng vào thành giường.
Thay vào đó, thông cáo liệt kê một loạt các hành vi của Ghappar, từ bạo lực tới tự gây thương tích, ngụ ý rằng cách đối xử với anh là hợp lý và theo đúng luật.
\”Anh ta phản kháng lại nhân viên của trung tâm phòng dịch khi họ muốn cặp nhiệt độ cho anh, dùng lời lẽ xúc phạm họ và đánh họ,\” thông cáo viết.
\”Vì những hành vi này khiến anh ta là đối tượng tình nghi phạm tội, cảnh sát đã các biện pháp cưỡng ép đối với anh ta.\” Trường hợp của anh \”vẫn đang tiếp diễn\”, thông cáo nói thêm.
James Millward từ Đại học Georgetown, một chuyên gia về chính sách Trung Quốc ở Tân Cương, cung cấp bản dịch và lời phân tích các tin nhắn của Ghappar.
\”Điều thú vị là không có chỗ nào trong phản hồi của chính quyền Tân Cương giải đáp về những lời mô tả tình trạng ở đồn cảnh sát địa phương Kucha; tình trạng quá tải, chuyện đánh đập người bị giam giữ, điều kiện vệ sinh bẩn thỉu, chuyện 50-60 người phải dùng chung thìa đũa,\” ông nói với tôi.
\”Cho dù Merdan bị giam giữ ở Kucha vì lý do gì đi nữa, lời kể của anh ấy về tình trạng ở đó, nhất là trong thời buổi dịch bệnh, là rất đáng lo ngại.\”
Darren Byler là một nhà nhân chủng học ở Đại học Colorado, Boulder, người đã viết và nghiên cứu rất nhiều về người Duy Ngô Nhĩ.
\”Thông điệp này từ chính quyền nhà nước Trung Quốc phản ánh cách họ đổ lỗi cho nạn nhân, điều cảnh sát thường làm khi họ bị phát hiện đã dùng bạo lực quá mức,\”Byler cho biết sau khi ông được xem bản thông cáo.
\”Kể từ khi chiến dịch cải tạo bắt đầu năm 2017, những người bị bắt giữ không được phép phản đối. Thay vào đó, họ buộc phải giữ \”thái độ tốt\” và nhận tội vì de doạ bị đánh và tra tấn.\”
Thông cáo của chính quyền Trung Quốc cũng không nhắc đến chuyện Merdan Ghappar đã gửi được video tự quay ra ngoài bằng cách nào khi bị còng tay, cũng như lời kể của anh về hệ thống trại giam mà Trung Quốc cố gắng giữ bí mật.
Gia đình của Ghappar trước đó nói với BBC rằng anh tìm được điện thoại khi được trả một số vật dụng cá nhân trong trung tâm phòng bệnh, mặc dù những người quản tù không biết.
Đoạn phim 4 phút 38 giây là những hình ảnh cuối cùng của Ghappar mà gia đình anh được thấy.
\”Cảnh sát Trung Quốc có truyền thống lạm dụng lệnh bắt giữ để tra tấn người,\” Maya Wang một nghiên cứu sinh của Human Rights Watch kể với tôi.
\”Họ cũng đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương.\”, bà nói. \”Xét cả hai khía cạnh đó, tôi không cho rằng lời giải thích của chính quyền về Merdan Ghappar có tính thuyết phục. Nếu chính phủ Trung Quốc không có gì để che giấu, họ phải cho phép các quan sát viên độc lập, gồm cả các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, được tiếp cận không giới hạn với vùng Tân Cương.\”
Thông cáo này vẫn chưa trả lời một số câu hỏi của BBC – phải chăng anh Ghappar bị còng tay cùm chân và trùm túi lên đầu như lời cáo buộc? Người chú của anh, ông Abdulhakim, người cho rằng ông bị truy nã ở Trung Quốc chỉ vì những gì ông nói khi lên tiếng phản đối một cách hoà bình – đã bị kết tội gì chưa?
Đối với gia đình anh Ghappar, ít nhất đây cũng là thông báo chính thức đầu tiên họ nhận được xác nhận rằng anh hiện đang bị giam giữ.
Sau một vài ngày có chút liên lạc với anh, các tin nhắn của anh đột ngột ngưng từ tháng Ba, cũng đột ngột như khi họ bất ngờ nhận được chúng.
\”Tôi biết cậu ấy rất rõ,\” Abdulhakim nói. \”Tôi không tin cậu ấy đã tự làm hại, tôi nghĩ là Trung Quốc đã làm hại cậu ấy và giờ đây họ muốn tìm lý do nguỵ biện cho những gì họ đã gây ra với cậu ấy.
\”Hãy cho tôi thấy cậu ấy còn sống và khoẻ mạnh, nếu không, tôi không tin một chữ nào trong bản thông cáo này.\”