Cuộc chiến công nghệ số Mỹ – Trung, nạn nhân không chỉ ở một phía
Cuộc đọ sức Mỹ – Trung từ thương mại lan sang lĩnh vực công nghệ số. Căng thẳng leo thang đang khiến nhiều công ty Mỹ không khỏi lo ngại về chiến lược của Washington.
Nhất định không để Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực công nghệ, tổng thống Mỹ, Donald Trump quyết loại bỏ các tập đoàn lớn của Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ. Bằng 2 sắc lệnh công bố đầu tháng 8 cấm cửa hai ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, Tik Tok và WeChat trên đất Mỹ, ông chủ Nhà Trắng đã dựng một bức tường trên internet. Giới quan sát đặt câu hỏi phải chăng ông Trump đã đánh giá thấp các hiệu ứng phụ có thể khiến các công ty Mỹ cũng phải hứng chịu thiệt hại ?
Cả hai ứng dụng trên đều có công ty mẹ là những người khổng lồ công nghệ thông tin Trung Quốc : Tik Tok thuộc ByteDance, WeChat thuộc Tencent. Có vẻ như đây mới là đích chính của 2 sắc lệnh của tổng thống Trump. Khác với Hoa Vi bị tấn công dồn dập từ hơn một năm trước, hai tập đoàn này cho đến giờ vẫn tạm yên ổn, nhưng đây cũng là hai tập đoàn đối tác làm ăn rất quan trọng của những công ty lớn của Mỹ.
Cả hai quyết định trên chỉ là bề nổi trong một chiến lược lớn hơn, có tên gọi là « mạng sạch – Clean Network ». Được ngoại trưởng Mike Pompeo giới thiệu hồi giữa tháng 8, chiến lược này nhằm vào toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở và nội dung internet, từ mạng 5G đến các ứng dụng di động và cả hệ thống cáp ngầm dưới biển. Theo quan điểm của chính quyền Mỹ hiện nay, một mạng internet « sạch » là một mạng không có sự hiện diện của Trung Quốc trong đó. Ông Mike Pompeo đã tóm tắt mục tiêu là « xây dựng một pháo đài xung quanh hệ thống dữ liệu của các công dân chúng ta sẽ giúp bảo đảm an ninh quốc gia ».
Một « pháo đài » Mỹ và bức « trường thành » Trung Quốc.
Washington cũng có chiến lược giống như Bắc Kinh Kinh đã áp dụng từ hơn chục năm nay để kiểm soát mạng thông tin trong nước. Từ đầu những năm 2010, Trung Quốc đã dựng « tường lửa » để lọc các nội dung thông tin đưa vào Trung Quốc. Facebook bị cấm từ 2009. Google cũng rút khỏi Trung Quốc từ năm 2010. Trong điều kiện như vậy, Tencent và ByteBance đã phát triển được một mạng lưới thông tin số lớn mạnh như bây giờ. Cũng cần nói thêm là trong 10 ông lớn công nghệ số của thế giới hiện tại thì có tới 8 của Trung Quốc. Khi những con rồng mới trong ngành công nghệ số đó tấn công vào thị trường Mỹ, thì như một phản ứng tự vệ, thị trường này phải đóng cửa.
Washington tìm cách thuyết phục các nước khác cùng tham gia vào chiến dịch « làm sạch mạng ». Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã từng tuyên bố : « Hoa Kỳ kêu gọi các đồng minh và các đối tác chính phủ, công nghiệp trên toàn thế giới gia nhập làn sóng triều dâng nhằm bảo vệ các dữ liệu thông tin của chúng ta trước sự theo dõi của đảng Cộng Sản Trung Quốc và của những thực thể có tâm địa xấu ».
Cuộc chiến công nghệ số với Trung Quốc khiến công ty Mỹ lo lắng
Trong một cuộc họp qua vidéo với các cố vấn của Donald Trump, đại diện các tập đoàn lớn của Mỹ đã cảnh báo nếu sắc lệnh nhằm loại WeChat, liên quan đến công ty mẹ Tencent, các tập đoàn Mỹ có thể sẽ phải bỏ thị trường Trung Quốc.
Apple sẽ không thể bán được iPhone ở Trung Quốc nếu không còn được cài đặt WeChat, ứng dụng được cả tỷ người Trung Quốc sử dụng. Trung Quốc là thị trường chiến lược của nhãn hiệu quả táo, chiếm từ 15% đến 20% số lượng hàng bán ra của Apple.
Nhiều công ty lớn không mấy liên quan đến công nghệ thông tin tham gia cuộc họp với các cố vấn như hãng xe Ford, tập đoàn bán lẻ Walmart hay giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA cũng tỏ lo lắng. NBA có thể phát sóng các trận đấu của mình ở Trung Quốc là nhờ những hợp đồng béo bở ký với Tencent. Những thương hiệu lớn trong lĩnh vực giải trí như Warner Music Group, Disney hay Riot Games đều ít nhiều có dính tới Tencent trong các hoạt động làm ăn ở Trung Quốc.
Với người Trung Quốc, họ cũng lo lắng không kém. Kiều dân Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ thực sự lo với lệnh cấm Wechat, liên lạc của họ với gia đình ở trong nước sẽ bị cắt….
Những khó khăn mà Tencent và ByteDance đang trải qua thì Hoa Vi, ông lớn trong lĩnh vực viễn thông của Trung Quốc, đã nếm trải từ nhiều năm nay. Từ năm 2012, Hoa Vi đã bị Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Những tháng gần đây, ngoại giao Mỹ đôn đáo thuyết phục các đồng minh gạt tập đoàn Trung Quốc ra khỏi các dự án triển khai mạng viễn thông 5G và Washington đã thành công với Luân Đôn.
Trong lĩnh vực điện thoại thông minh, năm 2019 Hoa Vi đã buộc phải rút khỏi các điện thoại của họ một số ứng dụng của Google. Thế nhưng điều đó không ngăn được tập đoàn Trung Quốc vươn lên thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, theo các số liệu được văn phòng chuyên theo dõi thị trường công nghệ cao và điện thoại thông minh Canalys công bố hôm 30/07/2020.
Từ khi các trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra, Hoa Vị bị buộc không được sử dụng các linh kiện, phần mềm liên quan đến công nghệ Mỹ, đặc biệt là các chíp Kirin. Đây là một đòn đau đối với tập đoàn Trung Quốc, vì đó là linh kiện chủ chốt giúp điện thoại của Hoa Vi có thể cạnh tranh về tính năng sản phẩm với Samsung hay Apple.
Thế nhưng trong « chiến thắng » này của Mỹ, cả hai bên đều có nạn nhân. Nhà chế tạo linh kiên điện tử Qualcomm ý thức được rất rõ điều này. Hãng đã cố gắng thuyết phục Nhà Trắng để có thể tiếp tục được cộng tác với Hoa Vi. Lập luận của Qualcomm là các trừng phạt của Mỹ làm hãng bị thất thu không dưới 8 tỷ đô la.
Nhiều ông lớn trong ngành công nghệ khác của Mỹ cũng có lý do phải lo lắng : 25% đến 30% thu nhập của Intel hay Nvidia là từ các đơn hàng của Trung Quốc. Không công ty nào trong số này lại muốn thấy thị trường này bị đóng cửa. ST Microelectronics, một tập đoàn của châu Âu cũng không khá hơn, đã thừa nhận là các trừng phạt đối với Hoa Vi ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Theo một thăm dò do Phòng Thương mại Mỹ-Trung hôm 11/08 gửi đến 100 công ty thành viên của hiệp hội, 86 % trong số này nhận thấy những căng thẳng Mỹ-Trung đã tác động xấu đến các hoạt động của họ.
(Tổng hợp từ le Monde và La Figaro)
Theo RFI