Mỹ “gặt hái” lớn nhờ bán vũ khí cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương
Theo Nikkei, sau khi đạt được doanh thu 32 tỷ USD từ việc bán vũ khí trong tháng 7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/8 tuyên bố sẵn sàng gia tăng hỗ trợ với các đồng minh, đối tác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm tăng cường năng lực quốc phòng của các nước này.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự Clarke Cooper cho biết: “Tháng trước là tháng có doanh thu từ giao dịch quốc phòng cao thứ 2 trong lịch sử Bộ Ngoại giao Mỹ”.
Mỹ đạt được doanh số “khủng” như trên một phần là nhờ thương vụ bán 105 tiêm kích F-35 cho Nhật Bản với giá 23,1 tỷ USD.
Danh sách các vũ khí, khí tài quốc phòng Mỹ bán ra trong năm 2020 cho thấy các lực lượng không quân và hải quân các nước và vùng lãnh thổ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương đang chi khá mạnh tay.
Ví dụ, Indonesia đã mua 8 máy bay Osprey và các thiết bị liên quan với giá 2 tỷ USD, Đài Loan chi 620 triệu USD cho gói nâng cấp tên lửa PAC-3, Hàn Quốc chi 250 triệu USD cho gói nâng cấp máy bay trinh sát Peace Krypton. Philippines hồi giữa năm cũng thể hiện muốn mua các trực thăng tấn công AH-64E Apache và AH1-Z Viper cùng xuồng trinh sát, tấn công và hỗ trợ hạng nhẹ trị giá khoảng 2 tỷ USD.
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang căng thẳng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực.
Chuyên gia Sameer Lalwani từ trung tâm Stimson (Mỹ) cho rằng “chắc chắn không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà các quốc gia ở Ấn Độ – Thái Bình Dương lại mua thêm nhiều vũ khí từ Mỹ”.
Ông cho rằng nhiều quốc gia đã nhận thức được cách tiếp cận “quyết liệt và bành trướng hơn” của Trung Quốc trong khu vực. Ví dụ, Indonesia và Philippines gần đây đã đối đầu với các đội tàu cá Trung Quốc được hộ tống bằng các tàu có vũ trang.
Ông Lalwani cho rằng các vũ khí mua của Mỹ có thể giúp các quốc gia nâng cao khả năng phòng thủ và được cho là đóng góp một cách gián tiếp vào tầm nhìn của Mỹ về “tự do hàng hải và thương mại” tại khu vực.
Đối tác tiềm năng
Theo Nikkei, Mỹ được cho đang chú ý tới Ấn Độ, quốc gia láng giềng cũng như là đối thủ với Trung Quốc trong khu vực. Ông Cooper nói rằng hợp tác quốc phòng giữa New Delhi và Washington đang được mở rộng.
Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới trong 5 năm qua, theo viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển). Nga là nhà cung cấp lớn nhất cho Ấn Độ trong hàng chục năm.
Ông Cooper hy vọng khuynh hướng mua sắm vũ khí trên có thể thay đổi, trong bối cảnh Ấn Độ – Trung Quốc đang căng thẳng ở khu vực tranh chấp chủ quyền tại Himalaya. Mâu thuẫn đã dâng cao sau vụ đụng độ chết người tại đây hồi tháng 6 giữa quân đội 2 nước. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có xung đột với nước láng giềng Pakistan trong nhiều năm qua.
Theo Nikkei, Ấn Độ dường như nhận ra một số lỗ hổng trong hệ thống quốc phòng của nước này và đang cân nhắc việc mua thêm vũ khí của Mỹ.
Mặc dù Mỹ muốn Ấn Độ mua thêm vũ khí, nhưng Washington vẫn vạch rõ “lằn ranh đỏ” với New Delhi liên quan tới việc mua vũ khí của Nga.
“Chúng tôi không muốn làm tổn hại tới chủ quyền của Ấn Độ và gây ảnh hưởng tới bất cứ giao dịch nào. Chúng tôi hiểu rằng Nga và Ấn Độ đã có di sản về quan hệ quốc phòng và nó không phải là công tắc để bật/tắt”, ông Cooper nói.
Tuy nhiên, Mỹ cũng vạch rõ giới hạn, cho rằng việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 và tiêm kích Su-35 của Nga sẽ là “lằn ranh đỏ” với Mỹ. Việc sở hữu Ấn Độ các khí tài này có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tương tác giữa khí tài New Delhi – Washington, Mỹ cảnh báo.
Theo Dân trí