3 năm luật sư Cao Trí Thịnh mất tích: Người động đến mọi nỗi sợ hãi của ĐCSTQ

3 năm luật sư Cao Trí Thịnh mất tích: Người động đến mọi nỗi sợ hãi của ĐCSTQ

  • Minh Nhật
  • Thứ Sáu, 21/08/2020 

Tính đến ngày 13/8/2020, luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc, Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), đã mất tích tròn ba năm. Ngày 9/8, vợ anh, bà Cảnh Hòa (Geng He), đã tổ chức biểu tình phản đối trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trả tự do cho Cao Trí Thịnh và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ giúp giải cứu anh. Ngày 14/8, Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, ông Sam Brownback, đã tweet rằng: “Chúng tôi không quên luật sư Cao Trí Thịnh”, “Ông tận tâm bảo vệ những Kitô hữu, người tập Pháp Luân Công, và các nhóm dễ bị tổn thương khác”.

Cao Trí Thịnh là một trong những luật sư nhân quyền nổi tiếng nhất Trung Quốc, được nhiều người ca ngợi là “Lương tâm của Trung Quốc”. Anh xuất thân nghèo khó, tự học thành tài, khi hành nghề đã luôn tích cực bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội, dám đứng ra trong nhiều vụ án nhạy cảm để bảo vệ công lý, khiến giới công quyền ĐCSTQ đi từ e ngại, tức giận, tới sợ hãi. Cao Trí Thịnh đã bị ĐCSTQ bức hại nghiêm trọng trong gần 15 năm với nhiều thủ đoạn khác nhau: bắt cóc, tra tấn, bỏ tù, quản thúc tại gia, cấm được chăm sóc y tế, cưỡng chế ẩn thân, v.v.. Gần đây nhất, anh tiếp tục bị chính quyền ĐCSTQ bắt cóc trong tình trạng sức khỏe giảm sút do nhiều năm bị bức hại.

Trải nghiệm cá nhân của luật sư Cao Trí Thịnh là một minh chứng mang tính điển hình về thực trạng hủ bại và vấn nạn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của hệ thống tư pháp dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Hành động đàn áp những công dân xuất sắc như luật sư Cao cho thấy chế độ thù nghịch với thiện lương, công lý, và văn minh.

\"Luật
Bức ảnh được lấy làm bìa cuốn hồi ký “A China more just” (Tạm dịch: Một Trung Quốc công bằng hơn) của Cao Trí Thịnh.

Vì sao ĐCSTQ sợ hãi Cao Trí Thịnh? Nhân dịp 3 năm luật sư Cao Trí Thịnh mất tích, xin được điểm lại những chủ đề “nhạy cảm” nhất mà anh đã dũng cảm động đến.

1. Lên tiếng về vấn đề Pháp Luân Công

Sau khi chính quyền ĐCSTQ khởi động cuộc đàn áp Pháp Luân Công do số lượng người thực hành môn tập này vượt quá cả số lượng Đảng viên Trung Quốc, toàn bộ bộ máy tư pháp nước này được lệnh ngừng tiếp nhận các vụ kiện liên quan đến Pháp Luân Công. Tuy nhiên từ năm 2004, Cao Trí Thịnh đã là một trong những luật sư nhân quyền đầu tiên dám đứng ra đại diện bào chữa cho người tập Pháp Luân Công.

Bị chặn đứng mọi con đường pháp lý để bào chữa cho trường hợp mà mình đại diện, luật sư Cao Trí Thịnh đã viết nhiều bức thư ngỏ trực tiếp đến Quốc hội và các lãnh đạo ĐCSTQ, trong đó có những đoạn thẳng thắn chỉ ra các vấn đề bên trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công:

“Ngài Hồ Cẩm Đào, ngài Ôn Gia Bảo, và tất cả người dân Trung Quốc: Đã đến lúc chúng ta nghiêm khắc nhìn lại chính mình! Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài tới như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại!”

“Công quyền vô nguyên tắc với khẩu hiệu ‘ổn định là trên hết’ chính là nguồn gốc lớn nhất của bất ổn xã hội Trung Quốc ngày nay. Khi đối phó với vấn đề Pháp Luân Công, trước tiên chúng ta phải nhận ra rằng tư cách là công dân Trung Quốc của họ phải là suy nghĩ chung của chính quyền, đặc biệt những người làm công tác pháp luật.”

Cao chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với đài SOH tại hải ngoại vào ngày 16/12/2005 rằng:

“Điều khiến tôi cảm thấy sốc nhất là việc chính quyền cho phép lạm dụng tình dục cả những công dân nữ và những công dân nam. Đó là điều mà tôi không thể tưởng tượng được. Việc hành hung bộ phận sinh dục của cả nam và nữ là thường xuyên và có hệ thống. Loại đối xử vô đạo đức và tục tĩu này đã khiến tôi ghê tởm. Hơn nữa những hành động đó lại được thực hiện bởi những kẻ mang trên mình huy hiệu quốc gia.”

Sau khi các tai họa liên tiếp ập tới gia đình Cao Trí Thịnh vì anh dám động đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Cao nhận ra rằng không thể hy vọng gì ở chính quyền ĐCSTQ. Vì thế anh tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Cao viết trong lá thư ngỏ gửi tới quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2007, trước dịp Olympic Bắc Kinh như sau:

“Ngày hôm nay, khi chúng ta đang chờ đón Olympic Bắc Kinh, thì tôi mong các ngài hãy chú ý tới thảm kịch nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc, và mong rằng các ngài sẽ gửi rộng lời thỉnh cầu của tôi tới toàn thế giới. Các ngài hãy nghiêm túc nghĩ về viễn cảnh đạo đức, công lý, và nhân đạo cho nhân loại ngày nay, cũng như mức độ mà những giá trị đó bị chà đạp tại Trung Quốc. Trong một thế giới nơi giới chính trị chủ lưu đặt lợi ích lên trên hết thảy, nơi đạo đức bị khinh bỉ, chúng tôi đã cố gắng trong vô vọng để yêu cầu Ủy ban Olympic Quốc tế thực hiện đúng bổn phận của mình.

Tuy nhiên tôi vẫn muốn thổ lộ lòng mình theo cái cách mà suýt nữa đã làm gia đình tôi tan nát. Tôi muốn để cộng đồng quốc tế thấy điều gì đang diễn ra tại Trung Quốc. Những cảnh tượng ‘sinh động’ đang diễn ra song song với sự chuẩn bị cho Thế vận hội lại hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần Olympic. Mặc dù có lẽ vào thời điểm hiện tại người ta còn đang bận chúc tụng nhau về những gì họ đạt được từ Thế vận hội sắp tới. Tôi lựa chọn con đường này, bất chấp những hiểm nguy sẽ tới, bởi vì tôi cho rằng đó là nghĩa vụ của tôi khi là một con người và khi là một người dân Trung Quốc.”

Bản chất chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ là bất hợp pháp, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, hệ thống luật pháp và quyền con người của Trung Quốc. Tuy nhiên sự kiên trì theo đuổi công lý của Cao Trí Thịnh đã trở thành một tấm gương để các luật sư nhân quyền khác tiếp bước. Kể từ đó, rất nhiều luật sư Trung Quốc đã bào chữa cho sự vô tội của người tập Pháp Luân Công trước tòa, bất chấp việc chính họ sẽ trở thành mục tiêu của các chiến dịch đàn áp, liên lụy tới gia đình họ.

2. Công khai thoái xuất khỏi ĐCSTQ

Tháng 11 và tháng 12/2004, thời báo Epoch Times, một cơ quan truyền thông do người Hoa ở hải ngoại xây dựng, công bố loạt bài xã luận: Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau được gọi tắt là Cửu Bình. Loạt 9 bài bình luận này đã vạch rõ nguồn gốc, bản chất và lịch sử tội ác từ xưa đến nay của ĐCSTQ, giúp cho nhiều người dân Trung Quốc hiểu được bộ mặt thật của Đảng, đồng thời lần đầu tiên kêu gọi tất cả người dân Trung Quốc thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tổ chức liên đới của nó (Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên tiền phong). Cửu Bình sau này trở thành một cuốn sách được truyền tay rộng rãi và bí mật tìm đọc nhiều nhất tại Trung Quốc Đại Lục.

Ngày 13/12/2005, luật sư Cao Trí Thịnh đã công khai tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ, Anh gọi đó là “ngày tự hào nhất của cuộc đời tôi”. Cao Trí Thịnh ca ngợi Cửu Bình, cho rằng việc truyền bá Cửu Bình là cuộc chiến lấy sự thật và đạo đức làm vũ khí.

Ngày 15/12/2005, Cao Trí Thịnh xuất bản cuốn “Chính quyền này chưa bao giờ ngừng giết người”, ông vận động người dân: “Ưu tiên hàng đầu là vứt bỏ ảo tưởng, bắt đầu thực hiện từ bản thân từng người, dùng mọi cách có thể thúc đẩy người bên cạnh mình rút khỏi tổ chức giết người này, không làm đồng phạm của những kẻ giết người, không làm công cụ của những kẻ giết người!”

Với sự khởi xướng của Epoch Times và sự ủng hộ của Cao Trí Thịnh, phong trào Thoái Đảng ngày càng lan rộng ở trong cũng như ngoài Trung Quốc. Thậm chí phong trào Thoái Đảng còn được xây dựng bài bản với cơ sở pháp lý. Tại Hoa Kỳ, phong trào này thuộc về tổ chức “Trung tâm dịch vụ quốc tế dành cho việc thoái Đảng” (Global Service Center for Quitting Chinese Communist Party, Inc. a 501(c)(3)), cung cấp “Giấy chứng nhận Thoái Đảng” phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ.

Người Hoa tại hải ngoại trực tiếp thoái xuất tại các trung tâm Thoái Đảng đường phố ở Hồng Kông, Đài Loan, Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây. Người dân Trung Quốc Đại Lục cũng vượt tường lửa, lên website tuidang.org để tuyên bố thoái xuất. Đến ngày 21/4/2005, số người tuyên bố thoái Đảng và các tổ chức liên đới đạt mốc 1 triệu. Đến ngày 22/4/2006, số người tuyên bố thoái tiến gần tới mốc 10 triệu. Đến khoảng tháng 2/2009, con số vượt mức 50 triệu. Ngày 7/8/2011, số người thoái đạt 100 triệu. Con số là 200 triệu vào tháng 4/2015, 300 triệu vào 2018, và tới 18/7/2020, đã có hơn 360 triệu người Trung Quốc tuyên bố thoái xuất khỏi chế độ.

3. Khởi xướng liên minh của các nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc

Cao Trí Thịnh là một người đặc biệt, người đã bước đầu tạo nên liên minh của các nhà hoạt động nhân quyền. Anh có khả năng gắn kết những con người từ đủ mọi tầng lớp khác nhau, và khiến cộng đồng đó đoàn kết lại xung quanh mình. Khả năng gắn kết tuyệt vời này bắt đầu thể hiện rõ từ sau khi Cao công bố hai bức thư ngỏ liên tiếp tới Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Anh đã bị cảnh sát mật quấy nhiễu liên tiếp. Đó cũng là thời điểm mâu thuẫn xã hội ở Trung Quốc tăng lên rất cao, và người dân thường cũng như các nhà hoạt động phải chịu sức ép rất lớn từ giới quan chức.

Để phản kháng lại sự khủng bố ngày càng tăng đối với các nhà hoạt động, Cao đã khởi phát một phong trào tuyệt thực đầu năm 2006. Mỗi ngày, một nhóm người sẽ nhịn ăn trong 24 giờ. Việc tuyệt thực sẽ thay đổi luân phiên giữa các nhóm. Người Trung Quốc trên toàn thế giới đã hưởng ứng. Người dân tại 25 tỉnh thành đã tham gia tuyệt thực vào cùng một ngày. Phong trào chính nghĩa ôn hòa của Cao Trí Thịnh đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục nghìn người.

\"Luật
Những người ủng hộ phong trào tuyệt thực của Cao Trí Thịnh.

Sau sự kiện đó, cảnh sát càng quấy nhiễu Cao gắt gao hơn, khiến anh không thể có được cuộc sống bình thường. Cao rời khỏi nhà vào tháng 3 năm 2006, và đi khắp Trung Quốc trong 6 tháng. Bất cứ nơi nào Cao tới, mọi người đều sẽ đến bên anh để thể hiện sự ủng hộ và khâm phục, bất chấp việc bị trừng phạt bởi các đặc vụ, những kẻ vẫn ngày ngày bám đuôi anh.

Tuy nhiên, viên đá đầu tiên đã được đặt. Sự liên kết của các nhà hoạt động nhân quyền trên khắp Trung Quốc đã bước đầu thành hình, và đây cũng chính là điều khiến ĐCSTQ sợ hãi.

3. Hỗ trợ điều tra tội ác thu hoạch tạng

Tháng 3/2006, sau khi tội ác thu hoạch tạng của ĐCSTQ đối với người tập Pháp Luân Công bắt đầu hé lộ, luật sư Cao Trí Thịnh đã công khai tuyên bố rằng anh đã tham gia vào cuộc điều tra.

Đến tháng 6/2006, ông David Kilgour, cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, cùng luật sư nhân quyền được đề cử giải Nobel Hòa Bình David Matas đã yêu cầu được vào Trung Quốc điều tra độc lập về nạn thu hoạch nội tạng phi pháp, nhưng đã bị từ chối visa. Cao Trí Thịnh vì muốn thúc đẩy hoạt động điều tra nên đã công khai gửi thư mời hai ông Kilgour và Matas.

Ngày 6/7/2006, hai ông Kilgour và Matas đã công bố “Báo cáo về các cáo buộc thu hoạch nội tạng của người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc”. Đến ngày 7/7, Cao Trí Thịnh đã cùng một số luật sư khác ra một tuyên bố chung lên án sự tàn bạo của ĐCSTQ.

Tháng 8/2006, luật sư Cao Trí Thịnh bị chính quyền thu hồi giấy phép hoạt động, bắt cóc bí mật và phải chịu tra tấn và giam giữ kéo dài 4 tháng. Đến ngày 22/12/2006, Cao bị toàn án Bắc Kinh kết tội “kích động lật đổ chính quyền” xử tù giam 3 năm.

Hai ông Kilgour và Matas sau đó đã xuất bản nhiều nghiên cứu về tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, mới nhất là báo cáo “Thu hoạch Đẫm máu / Đại thảm sát: Bản cập nhật 2016” (Xem bản tiếng Anh tại đây). Các nghiên cứu này đã mang tới cho hai ông Giải thưởng Nhân quyền của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (IGFM) có trụ sở tại Đức vào năm 2009, và khiến cả hai được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010.

4. Vạch trần thực trạng đen tối về bộ máy tư pháp và ý tưởng về hiến pháp mới của Trung Quốc

Năm 2016, trong khi bị quản thúc tại gia, luật sư Cao Trí Thịnh đã mạo hiểm viết “Năm 2017, Trung Quốc đứng lên!” (The Year 2017, Stand Up, China). Có người đã can đảm chuyển bản thảo ra nước ngoài xuất bản.

Trong cuốn sách, Cao Trí Thịnh đã mô tả chi tiết về việc ông bị ĐCSTQ giám sát, thẩm vấn, tra tấn bất hợp pháp kể từ khi ông bị bắt giam năm 2005, qua đó vạch trần thực trạng đen tối của nền tư pháp do ĐCSTQ kiểm soát. Ông cũng đề cập về tác hại lâu dài của việc xã hội Trung Quốc mất niềm tin vào chính quyền, đồng thời đưa ra những suy nghĩ và ý tưởng về việc thực hiện một hệ thống hiến pháp dân chủ ở Trung Quốc trong tương lai.

Cựu Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Edward McMillan-Scott đã ví Cao Trí Thịnh là “anh hùng của thời đại chúng ta”, gọi tác phẩm này là “bản tổng kết của nỗi đau, đồng thời là bản cáo buộc tội ác chi tiết được chuẩn bị cho công tố viên quốc tế sau này”.

5. Di sản lớn nhất

Trong bài phát biểu ngày 23/7/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói: “ĐCSTQ sợ những ý kiến ​​trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào”. Nhưng ai là người dám đứng lên nói ý kiến trung thực đây?

Cao Trí Thịnh kể lại rằng, khi trò chuyện với một người đeo mặt nạ bức hại mình, Cao Trí Thịnh đã hỏi anh ta tại sao anh ta lại sợ một người tay không tấc sắt như vậy. Người kia trả lời:

“Chúng ta không ngại kẻ có chút sắt trong tay, ngươi có trăm quân thì chúng ta có hai trăm quân để đấu. Nhưng trong tay ngươi chỉ có giấy bút thì năm trăm quân cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn.”

Cao Trí Thịnh tâm sự:

“Một số người nghĩ rằng cái giá phải trả của đấu tranh là quá lớn (nhiều cảnh sát quản chế họ đã thảo luận về chủ đề này với tôi, hầu hết tất cả đều nghĩ rằng cái giá phải trả của đấu tranh là quá lớn), đó là quan điểm của người bên ngoài, nếu bạn chọn cách khiếp nhược thì cái giá bạn phải trả sẽ còn cao hơn.”

Cao chia sẻ trong một đoạn video ngắn được bạn anh là Hồ Giai đăng tải như sau:

Bạn bè nói với tôi rằng: “Đảng muốn bắt hoặc giết cậu.”

Tôi trả lời: “Nếu cậu nói về việc bị giết hay bị bắt bớ một cách tùy tiện như một mối nguy hiểm thì thật ra chúng ta vẫn luôn ở trong nguy hiểm. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, chẳng phải nó đã giết chết rất nhiều người hay sao? Hàng ngày, có rất nhiều người bị bắt. Sẽ chẳng có gì lạ nếu họ bắt thêm một người. Tại sao cứ phải là ai khác mà không phải là tôi?”

Nói về sự kiên cường của Cao Trí Thịnh, luật sư nhân quyền quốc tế được đề cử giải Nobel Hòa bình, David Matas chia sẻ:

“Đáng khâm phục nhất là Cao Trí Thịnh đã kiên định lập trường trong khi bức hại ngày càng tăng. Anh hiểu rõ rằng bởi vì bảo vệ cho nhân quyền mà anh bị bức hại, nhưng anh vẫn không lùi bước. Với tôi, tôi mong rằng mình sẽ không ở trong hoàn cảnh như của Cao Trí Thịnh. Nhưng nếu có ở vào hoàn cảnh đó, thì tôi mong rằng mình sẽ làm được như anh ấy.”

Cao Trí Thịnh viết:

“Bất hạnh lớn nhất của chúng ta là sống tại Trung Quốc vào giai đoạn lịch sử này. Không ai trên thế giới đã từng trải qua hay chứng kiến những khổ đau mà chúng ta đang phải chịu đựng

Nhưng may mắn lớn nhất của chúng ta cũng lại là sống tại đây, trong giai đoạn lịch sử này. Vì chúng ta sẽ trải qua và chứng kiến những con người vĩ đại vượt trên khổ đau, một lần và mãi mãi!”

Ngày nay, ĐCSTQ đã lộ rõ bộ mặt thật, sử dụng móng vuốt ma quỷ đối với Hồng Kông, cũng đang nung nấu ý đồ tương tự đối với thế giới. Nhiều hiểu biết sâu sắc về pháp quyền, tín ngưỡng và văn minh nhân loại của luật sư Cao Trí Thịnh cho thấy tầm nhìn cho tương lai, niềm tin và hành động của anh đã giành được sự tôn trọng của những người cả trong và ngoài nước. Lịch sử sẽ ghi dấu Cao Trí Thịnh và “dũng khí vượt qua sợ hãi” – di sản đáng khâm phục nhất của anh.

Dựa theo Epoch Times
Tác giả: Điền Vân
Minh Nhật biên tập

Bài Liên Quan

Leave a Comment