Covid-19: Thế giới vượt ngưỡng 800.000 người chết, 23 triệu ca nhiễm

Covid-19: Thế giới vượt ngưỡng 800.000 người chết, 23 triệu ca nhiễm

Đăng ngày: 22/08/2020

\"Trong
Trong phòng hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại Buenos Aires, Achentina, ngày 21/08/2020. REUTERS – AGUSTIN MARCARIAN

Mai Vân3 phút

Theo số liệu của trang thông tin Worldometers, tính đến hết ngày 21/08/2020, con số tử vong vì dịch Covid-19 trên thế giới đã vượt qua mốc 800.000 người chết, trong lúc số ca nhiễm cũng đã vượt 23 triệu trường hợp được xác nhận. Tình hình dịch bệnh phức tạp đã buộc rất nhiều nước tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây lan, vào lúc Tổ Chức Y Tế Thế Giới hy vọng đại dịch có thể chấm dứt trong “không đầy 2 năm”.

Một cách chi tiết, theo ghi nhận của Worldonmeters, vào hôm qua, toàn thế giới đã có thêm gần 260.000 ca nhiễm mới trong 24 tiếng đồng hồ, nâng tổng số người bị Covid-19 lên thành 23.108.416 người. Ba nước bị nặng nhất là Mỹ, Brazil và Ấn Độ chiếm hơn 50% số ca nhiễm của thế giới.

Về số ca tử vong, đã có tổng cộng 802.600 người chết vì Covid-19, sau khi tăng thêm hơn 6.000 trường hợp trong 24 giờ. Mỹ vẫn là nơi có nhiều bệnh nhân thiệt mạng nhất, chiếm khoảng ¼ số người chết trên thế giới.

Dịch bệnh vẫn hoành hành buộc các nước phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Sau khi có dấu hiệu chững lại vào mùa xuân, dịch Covid-19 lại bắt đầu bùng phát mạnh trở lại, thường là do thái độ lơ là phòng chống vào lúc những sinh hoạt tụ tập đông người được tái lập.

Các biện pháp giới hạn đang gia tăng ở nhiều quốc gia, đi đầu là biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang, gần như là ở mọi nơi, kể cả ở ngoài trời. Lệnh phong tỏa, kèm theo cả lệnh giới nghiêm cũng được những nơi bị dịch bệnh nghiêm trọng ban hành.

Một ví dụ cho thấy rõ mức độ cứng rắn của các biện pháp phong chống đang bắt đầu được áp dụng. Tại thành phố đông dân thứ hai ở Anh Quốc là Birmingham chẳng hạn, kể từ hôm nay, cư dân các thị trấn Oldham và Blackburn, cũng như các khu vực của quận Pendle, nơi có tổng cộng gần nửa triệu cư dân, không ai được phép tiếp xúc với người bên ngoài hộ gia đình của mình.

Trong toàn cảnh đó, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) vào hôm qua 21/08 cho biết là định chế này hy vọng rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể chấm dứt trong vòng chưa đầy hai năm tới đây. Ông giải thích rằng đại dịch cúm Tây Ban Nha khủng khiếp, bùng phát vào năm 1918, cũng đã kết thúc sau hai năm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment