Belarus: Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đến khu vực, Lukashenko cho con đeo súng
2 giờ trước
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa thông báo thứ trưởng Stephen Biegun có kế hoạch đến Lithuania, Ukraine và Nga vào các ngày 24-27 tháng 8 để bàn về tình hình Belarus.
Tuy thế, ông Biegun sẽ không đến Belarus trong khi vấn đề của quốc gia cựu Liên Xô đang được Nga đem ra bàn thảo với đối tác châu Âu và Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tình hình tại Belarus sau mấy tuần phe đối lập biểu tình phản đối kết quả bầu cử 09/08 đem lại nhiệm kỳ lần thứ sáu cho tổng thống Alexander Lukashenko.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ về chuyến đi của ông Biegun không nhắc một chữ nào tới Belarus nhưng các báo Mỹ cho hay Washington muốn có tiếng nói rõ rệt hơn trong việc giải quyết tình hình ở quốc gia 9,5 triệu dân, nằm ở “vùng đệm” giữa Nga và các thành viên Nato tại Đông Âu.
Phe của tổng thống \’biểu dương lực lượng\’
Mấy ngày qua, chính quyền của ông Lukashenko bắt đầu tỏ ra vững tin trở lại để đối phó với làn sóng biểu tình, đình công.
Không chỉ dự một cuộc diễn tập quân sự cuối tuần qua ở Grodno, gần biên giới Ba Lan, nước thuộc Nato, ông còn bay trực thăng trên bầu trời thủ đô Minsk hôm Chủ Nhật.
Các kênh chính phủ đưa ra hình ảnh “chiến binh” của ông Lukashenko, 65 tuổi tỏ ra không hề sợ các nhóm biểu tình ngay trước Cung Độc lập.
Sau khi từ trực thăng bước xuống, ông Lukashenko mặc áo giáp, tay cầm khẩu AK-47 đi lại, chỉ đạo các nhóm vũ trang trên phố.
Đặc biệt hơn, ông để cho con trai 15 tuổi là Nikolay đeo súng đi cùng.
Cậu thiếu niên này cũng mang giáp và quân phục như đội an ninh của tổng thống.
Một số tờ báo khu vực nói việc ông Lukashenko “đem con trai làm vệ sĩ” chỉ tạo cảm giác ông coi việc đối phó biểu tình là chuyện rất cá nhân.
Trên các mạng ủng hộ tổng thống Lukashenko, người ta có thể thấy ông gọi người biểu tình là “đàn chuột”.
Ông gợi ý với báo chí hôm thứ Bảy tuần qua rằng nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin sẽ can thiệp giúp Belarus “chống ngoại xâm” nhưng hiện chưa rõ Nga muốn làm gì.
Vai trò luôn quan trọng của Nga
Trong số các nhân vật đối lập hàng đầu chống lại ông Lukashenko có người như bà Veranika Tsapkala đang “tỵ nạn” tại chính Moscow, còn người khác như Svietana Tikhanovskaya thì lánh sang Lithuania.
Một số ý kiến trên báo chí Phương Tây đánh giá rằng ông Putin muốn duy trì tình trạng hiện hữu là để ông Lukashenko cầm quyền, nhưng cũng vẫn giữ quan hệ thân thiện với phe đối lập Belarus.
Về phía họ, dù có lên thay ông Lukashenko theo một kịch bản nào đó, các nhà lãnh đạo mới của Belarus sẽ \’vẫn cần giữ quan hệ tốt với Kremlin”, theo đánh giá của Eugene Rumer trên trang thuộc Trung tâm Carnegie Moscow.
Chưa kể, theo nhà bình luận này, sáu năm sau chuyển đổi hậu Maidan ở Ukraine, một thực tế ai cũng thấy là EU và Nato, đứng đầu là Hoa Kỳ, không hề có ý định nhận thêm thành viên ở Đông Âu và vùng thuộc Liên Xô cũ.
Vì vậy, việc điều chỉnh lại hướng đi ngoại giao của Belarus nếu xảy ra cũng không đi ra ngoài phạm vi địa chính trị vốn có là quốc gia \’cầu nối\’ giữa Nga và EU tại Đông Âu chứ không thể rơi hẳn vào quỹ đạo của một bên.