ASEAN cần thay đổi trước một thế giới thay đổi
Nguyễn Trường
2020-08-25
Hình minh hoạ. Các nghệ sĩ biểu diễn nhân bế mạc Thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 26/6/2020 AFP
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đứng giữa hai cường quốc kinh tế đang trỗi dậy là Trung Quốc và Ấn Độ, các nước ASEAN đang đối diện trực tiếp với những cơ hội và thách thức rất lớn do sự trỗi dậy của hai người khổng lồ này mang lại trong môi trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Với dân số hơn 650 triệu người, nền kinh tế ASEAN tương đối lớn, có thể so sánh với Ấn Độ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, 10 nước ASEAN có khác biệt rất lớn về thu nhập và trình độ phát triển, từ Myanmar và Campuchia là những nước nghèo nhất đến Singapore và Brunei nằm trong số những nước giàu có nhất
Những biến động đang nổi lên
Khi bối cảnh phát triển thay đổi có lợi cho sự biến đổi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN, hai biến động lớn toàn cầu đã xuất hiện. Thứ nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bắt đầu vào năm 2018. Căng thẳng thương mại đã làm giảm tăng trưởng GDP của thế giới từ mức trung bình 3,5% giai đoạn 2016-2018 xuống còn 2,9% năm 2019, và tác động đến nhiều nền kinh tế. Thứ hai là đại dịch COVID-19, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019. Cuộc khủng hoảng này có tác động rộng lớn và nghiêm trọng chưa từng có, và nền kinh tế thế giới được cho là sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm 2020.
Vậy các biến động của thế giới mang tính lịch sử như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào trước một ASEAN mới phát triển và dễ tổn thương?
Thứ nhất, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với các nước ASEAN trong năm 2019 có kết quả tốt xấu lẫn lộn. Trong khi Singapore, Lào và Thái Lan có chỉ số âm, hàm ý mức độ thiệt hại nghiêm trọng, thì Việt Nam, Myanmar và Brunei lại đạt mức dương, điều cho thấy một số thành quả đáng chú ý mà những nước này đạt được. Ở cấp độ nhóm, khả năng dễ bị tổn thương của các nước ASEAN thấp hơn nhiều so với của hai nhóm châu Á khác, cũng như của thế giới nói chung. Tác động lẫn lộn của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể được giải thích như sau: Dù căng thẳng thương mại gây nên tình trạng giảm sút nhu cầu toàn cầu, nhưng nó lại làm gia tăng các dòng FDI chảy vào các nước ASEAN, bởi ngày càng nhiều công ty đa quốc gia quyết định chuyển một số hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.
Hình minh hoạ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Thượng đỉnh ASEAN về COVID-19 ở Hà Nội hôm 14/4/2020 AFP
Thứ hai, các nước ASEAN đang chịu tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng COVID-19. Với trường hợp ngoại lệ là Brunei, tất cả các nước trong khối đều bị tổn thương đáng kể, từ -4,3 đối với Việt Nam đến -10,2 đối với Thái Lan. Đặc biệt dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 là âm đối với 4 nước (Thái Lan, Singapore, Malaysia và Campuchia) và giảm hơn 4 đến 5 điểm phần trăm đối với 5 nước còn lại (Việt Nam, Lào, Myanmar, Philippines và Indonesia). Ở cấp độ nhóm (dựa trên giá trị trung bình của chỉ số), khả năng dễ bị tổn thương của các nước ASEAN cũng nghiêm trọng hơn so với ở Nam Á, nhưng ít nghiêm trọng hơn so với ở Đông Bắc Á và thế giới nói chung.
Thứ ba, xét về chỉ số đánh giá khả năng dễ bị tổn thương trước tác động tổng hợp của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19, các nước ASEAN với tư cách là một khối lại dễ bị tổn thương hơn rất nhiều so với cả Nam Á và Đông Bắc Á. Phát hiện này hàm ý rằng con đường phát triển phía trước đối với các nền kinh tế ASEAN sẽ khó khăn hơn nhiều nếu những biến động mới nổi lên.
Triển vọng phát triển của ASEAN
Trong khi mức độ thiệt hại kinh tế do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra đối với mỗi nước và mỗi khu vực là khác nhau, thì hai cú sốc nối tiếp nhau này truyền tải cùng một thông điệp đến tất cả mọi người: Thế giới đã đi đến ngã rẽ, đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản. Thông điệp này đặc biệt đúng với các nước ASEAN, mô hình tăng trưởng phần lớn dựa vào những điều kiện có lợi, có được bởi sức mạnh mang tính biến đổi của ba lực lượng: toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự trỗi dậy của châu Á. Trong môi trường đang thay đổi nhanh chóng này, các nước ASEAN, trừ Singapore, chủ yếu dựa vào khuôn khổ cơ bản chú trọng 5 ưu tiên để đạt được sự phát triển thịnh vượng: ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, hội nhập toàn cầu, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Trong khi khuôn khổ cơ bản cho sự phát triển thịnh vượng được nhắc đến ở trên vẫn là điều có giá trị và thiết yếu, thì bối cảnh phát triển mới đòi hỏi phải có 3 sự thay đổi trong chiến lược phát triển của mỗi nước:
Thứ nhất là thay đổi trọng tâm quản lý, chuyển từ việc phản ứng trước các sự kiện sang chủ động xây dựng một nền tảng đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ được chuẩn bị sẵn sàng, có khả năng cạnh tranh và thích ứng trong một môi trường dễ thay đổi, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ. Trong sự thay đổi chiến lược này, chuyển đổi số, tính hiệu quả của chính phủ, tính minh bạch, năng suất, đổi mới sáng tạo và xây dựng lòng tin cần phải là những ưu tiên hàng đầu trong những nỗ lực cải cách. Đối với gia tăng năng suất, việc thay đổi các nguồn lực từ hoạt động giá trị thấp sang hoạt động giá trị cao, với những nỗ lực mạnh mẽ trong tái cấu trúc và mua sắm công nghệ, cần phải được ưu tiên cao hơn so với việc thúc đẩy đầu tư cho mở rộng sản xuất giản đơn. Như những bài học về “phép màu kinh tế châu Á” đã cho thấy, cách tiếp cận nhìn xa trông rộng này đóng một vai trò then chốt để một quốc gia nghèo bắt kịp về kinh tế.
Thứ hai là sự dịch chuyển trọng tâm phát triển, chuyển từ huy động các nguồn lực để nắm bắt cơ hội sang xây dựng những khả năng chiến lược để đối phó với những thách thức bất ngờ và tạo ra giá trị lâu dài. Trong sự thay đổi này, việc tận dụng những lợi thế sẵn có của đất nước phải đi cùng với những nỗ lực rất lớn để xây dựng sức mạnh chiến lược của mình, giải quyết một cách tích cực những điểm dễ tổn thương vốn có và mới xuất hiện. Chẳng hạn, Việt Nam đã nhiệt tình đón nhận sáng kiến Nhóm Bộ tứ mở rộng (gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng tham gia), như được thể hiện rõ trong quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập một lực lượng đặc nhiệm để thu hút những làn sóng FDI mới vào Việt Nam. Tuy nhiên, chiến lược chủ động này chỉ có hiệu quả nếu Việt Nam có những nỗ lực chưa từng có nhằm khắc phục những điểm yếu cố hữu của mình, đặc biệt là việc thiếu tính minh bạch, tình trạng tham nhũng tràn lan và hoạt động thúc đẩy đổi mới công nghệ đạt hiệu quả thấp nhất.
Thứ ba là sự dịch chuyển trọng tâm xây dựng thịnh vượng từ quy mô hạn hẹp của cá nhân mỗi nước sang lợi ích rộng rãi của toàn bộ cộng đồng ASEAN. Điều này có thể nâng cấp địa vị và tính cạnh tranh của tất cả các nước thành viên. Trong sự thay đổi này, thúc đẩy hội nhập khu vực, tính hiệu quả của sự hiệp đồng và khả năng phối hợp có thể đem lại những lợi ích đáng kể cho từng quốc gia thành viên. Cần lưu ý rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào tháng 11/2015, coi đó là một kế hoạch chi tiết để biến đổi ASEAN thành một nền kinh tế chung. Mặc dù việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN đặt nền tảng cho đà phát triển của ASEAN nhưng nó vẫn còn là một quãng đường dài.
Đà phát triển mạnh mẽ có thể xuất hiện nếu các nước ASEAN có thể làm việc cùng nhau để thúc đẩy mô hình phát triển “đồng thuận ASEAN”. Mô hình này đem lại sự lựa chọn thay thế có ý nghĩa cho hai mô hình phát triển đang cạnh tranh nhau hiện nay – “đồng thuận Washington” và “đồng thuận Bắc Kinh”. Mô hình này nhấn mạnh 3 trụ cột chính của chiến lược phát triển kinh tế hiệu quả trong thế kỷ 21: tính hiệp đồng, sự mạnh mẽ và tính bền vững.
Kết luận
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cuộc khủng hoảng COVID-19 không chỉ là những cú sốc toàn cầu với những hậu quả đáng kể trực tiếp mà còn là một dấu hiệu cho thấy con đường phát triển của khu vực sẽ phải đối diện với những tình huống đầy bất trắc và những thách thức đáng gờm trong thời gian tới. Khi tất cả các nước ASEAN đặt ra mục tiêu đầy tham vọng nhằm đạt được tiến bộ kinh tế đáng kể trong vài thập kỷ tới, họ cần biến những mối đe dọa đang nổi lên này thành cơ hội duy nhất để gia tăng nhận thức về tính cấp bách của việc cần phải thay đổi và làm sâu sắc cam kết của họ đối với những nỗ lực cải cách căn bản và có tầm nhìn. Các nước ASEAN cũng cần phải tập trung vào việc thiết lập một chiến lược hiệu quả để xây dựng khả năng hiệp đồng giữa các nước và với thế giới. Đặt mình vào vị trí là một nhóm các nước không chỉ quan tâm đến sự thịnh vượng của riêng mình mà cả sự thịnh vượng của các nước khác (của khu vực và thế giới nói chung) trong phát triển kinh tế hậu COVID-19 sẽ khiến ASEAN trở nên mạnh mẽ và gắn kết hơn rất nhiều.
ASEAN là một trong những “chiến trường” chính của căng thẳng Mỹ-Trung. Khi những căng thẳng này gia tăng mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khu vực Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình đường hướng của mối quan hệ địa chính trị then chốt này. ASEAN không những cần phải tránh việc phải lựa chọn bên nào, mà còn cần phải có một cách tiếp cận chủ động để khiến mối quan hệ này trở nên hữu ích. Nguyên tắc cốt lõi cho hành động của ASEAN trong nỗ lực này là khuyến khích cả Mỹ và Trung Quốc không nên thể hiện ai là người có sức mạnh lớn hơn. Thay vào đó, vấn đề then chốt của họ là ai là người thích hợp hơn cho kỷ nguyên phát triển mới và có nhiều khả năng hơn trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng của các nước ASEAN trong giai đoạn phát triển kinh tế toàn cầu sắp tới.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do