Thời buổi COVID-19, Luật Phá Sản dễ dàng hơn cho tiểu thương

Thời buổi COVID-19, Luật Phá Sản dễ dàng hơn cho tiểu thương

Aug 25, 2020 cập nhật lần cuối Aug 26, 2020

Đằng-Giao/Người Việt

IRVINE, California (NV) – Hội Luật Sư Việt Mỹ Nam California (Vietnamese American Bar Association of Southern California) phối hợp cùng Phòng Thương Mại Việt Mỹ (Vietnamese American Chamber of Commerce), sáng Thứ Hai, 24 Tháng Tám, có buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề “Sự dễ dàng của Luật Phá Sản trong thời gian COVID-19.”

Buổi hội thảo có sự góp mặt của Luật Sư Linda T. Bùi, thuộc Shulman Bastian Friedman & Bùi LLP, và Luật Sư Misty Perry Isaacson, thuộc Pagter and Perry Isaacson, APLC.

\"\"
Ngay khi chủ cơ sở thương mại biết rằng mình không có đủ khả năng để làm tròn bổn phận tài chính hằng tháng của mình thì nên khai phá sản. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Trước tiên, các diễn giả nhấn mạnh rằng buổi hội thảo không có ý khuyên nhủ bất cứ điều gì về pháp lý mà chỉ trình bày một vài lựa chọn khi chủ nhân cơ sở tiểu thương phải khai phá sản mà thôi, nhất là khi phải đối phó với những khó khăn tài chính mà COVID-19 mang đến.

Các diễn giả cho biết khánh tận không là chuyện hy hữu. Có đến 99% doanh nghiệp tại Mỹ là tiểu thương. Và giới tiểu thương thuê đến 47.5% nhân công Mỹ, một điều đáng buồn là 66% hoặc gần hai phần ba tiểu thương bị phá sản trong 10 năm.

Luật Phá Sản, theo các diễn giả, dựa trên các nguyên tắc để giải quyết quyền lợi trái ngược nhau giữa con nợ và chủ nợ.
Các diễn giả trấn an rằng phá sản không phải là đường cùng mà còn là một sự bắt đầu mới (fresh start).

Khi khai phá sản, điều tốt nhất có thể xảy ra là tòa cho con nợ phán xét “discharge,” là ra lệnh cho chủ nợ không được tiếp xúc hay đòi con nợ phần tiền chưa trả xong. Nhưng không phải ai cũng xin được phán quyết “diacharge.”

Lời khuyên ở đây là chủ doanh nghiệp không nên hoảng sợ mà phải bình tĩnh và nhớ rằng chuyện gì cũng có thể thương lượng được.
“Nên nhớ chủ nợ không muốn ai khai phá sản cả vì họ cũng bị mất quyền lợi,” bà Isaacson nói.

Bởi vậy, nộp đơn khai phá sản là bước cuối.

Trước đó, có những cách để tránh phá sản, như xin “receivership.” Trong trường hợp bất động sản, một “receivership” là một phe thứ ba, không phải chủ nợ hay con nợ, có trách nhiệm kiểm soát việc bán nhà (hay cơ sở thương mại).

Vậy khi nào thì nên khai phá sản? Bà nói: “Ngay khi chủ cơ sở thương mại biết rằng mình không có đủ khả năng để làm tròn bổn phận tài chính hằng tháng của mình.”

\"\"
Từ trái, Luật Sư Lynda T. Bùi, thuyết trình viên; Luật Sư Misty Perry Isaacson, thuyết trình viên; Luật Sư Teddy Nguyễn, điều phối viên. (Hình: Vietnamese American Bar Association of Southern California cung cấp)

Xem Thêm

Nói về “Chapter 11,” bà Isaacson cho biết khi khai phá sản theo cách này, chánh án thường chỉ định một cơ quan giám sát gọi là OUST (Office Of The United States Trustee) để theo dõi sự tuân thủ của công ty khai phá sản để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho chủ nợ cũng như cho những người có cổ phần.

Trong thời buổi COVID-19 này, vừa có một đạo luật mới cũng thuộc “Chapter 11” có tên “Small Business Reorganization Act” (SBRA) với mục đích giúp các cơ sở thương mại có cơ hội cải tổ cơ cấu nội bộ, vì thế cần sự nhanh chóng.

Như vừa trình bày, đây là luật rất mới thuộc “Chapter 11,” được gọi là “Subchapter V” nhằm giúp giới tiểu thương hoàn tất việc khai phá sản nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn.

“Subchapter V” cũng định nghĩa con nợ phải là một người hay một công ty làm thương mại (mà không làm chủ bất động sản) và nợ số tiền dưới $2,725,625.

Hơn 50% số nợ này phải phát xuất từ việc buôn bán thua lỗ mà thôi.

\"\"
Các diễn giả trấn an rằng phá sản không phải là đường cùng mà còn là một sự bắt đầu mới. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

Luật Sư Linda T. Bùi cho hay, luật “Subchapter V” này vô cùng gọn gàng và không tốn kém. Con nợ có thể tự đề nghị phương thức và số tiền trả góp.

Những lợi điểm khi khai “Chapter 11” là chủ nợ hay công ty đòi nợ phải ngưng đòi tiền ngay vì tòa cho “automatic stay.”

Khi “automatic stay” còn hiệu lực, chủ nợ không được nộp đơn kiện con nợ hoặc ngay cả gọi điện thoại đòi tiền. Công ty vẫn có quyền hoạt động. Ban điều hành vẫn làm chủ công ty trừ khi có lệnh của tòa.

Ban điều hành có quyền làm việc với luật sư để giảm trách nhiệm tài chính và giúp cơ sở thương mại có một “fresh start.”

Trong lúc con nợ có quyền làm chủ doanh nghiệp của mình, tất cả những hồ sơ, sổ sách phải để bên chủ nợ xem xét. Trong lúc con nợ tìm cách giảm thiểu số tiền phải trả, chủ nợ có quyền giảm lương của con nợ nếu thấy vô lý.

Dĩ nhiên, khi nói về luật lệ thì phải có điểm thuận lợi và điểm bất lợi và chuyện này thay đổi tùy theo từng trường hợp. Để có lời khuyên chính xác và thiết thực nhất, con nợ cần phải có luật sư.

Con nợ có những lựa chọn khác nữa để khỏi ra tòa như như đóng cửa hay sang nhượng chủ quyền. Trước khi đi đến quyết định cuối cùng, nên bàn thao và cân nhắc kỹ lưỡng với luật sư.

Ông Teddy Nguyễn, luật sư, giữ vai trò điều hợp buổi hội thảo. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

Bài Liên Quan

Leave a Comment