Mũ Đỏ Phạm Ngọc Đăng và chuyện bỏ trường Luật để thi vào Võ Bị Đà Lạt

Mũ Đỏ Phạm Ngọc Đăng và chuyện bỏ trường Luật để thi vào Võ Bị Đà Lạt

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Vì mến mộ tinh thần cụ Nguyễn Công Trứ, nên mình không thể nào làm ngơ trước sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt. Do đó, khi đã chọn binh nghiệp thì binh chủng nào khỏe thì sẽ thắng và Nhảy Dù là một trong những đơn vị thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời được trang bị đầy đủ và hùng hậu nhất trong chiến trận.”

\"\"
Mũ Đỏ Phạm Ngọc Đăng giới thiệu Kỷ Yếu Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt, một kỷ niệm ông luôn gìn giữ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đó là lời Mũ Đỏ Phạm Ngọc Đăng khi nói về thời trai trẻ của mình, về hình ảnh người lính Nhảy Dù trong bộ đồ trận oai hùng luôn là niềm mơ ước của bao lớp thanh niên, nhất là những trận đánh ác liệt với bọn Cộng Sản để gìn giữ lý tưởng tự do cho miền Nam.

Thời trung học của học sinh Phạm Ngọc Đăng với tinh thần Nguyễn Công Trứ, một nhân vật thần tượng trong văn học Việt Nam văn võ song toàn, với những câu thơ hùng hồn trong bài “Chí Anh Hùng” của cụ, và chí nguyện “Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc/ Nợ tang bồng vay trả, trả vay/ Chí làm trai nam bắc đông tây/ Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể,” hay ca dao Việt Nam có câu “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên” luôn là kim chỉ nam cho bao lớp trai thời tao loạn.

Ông kể, đã học tiểu học ở ngoài Bắc theo chương trình Pháp ở trường Albert Sarraut, và sau năm 1954 di cư vào Nam ông vẫn theo học chương trình Pháp nơi trường Jean Jacques Rousseau Sài Gòn. Sau đó vì phải đi theo cha nuôi là Chánh Án Phạm Ngọc Sỹ qua nhiều nơi công vụ, nên ông phải học ở nhiều trường trung học Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Cường Để Qui Nhơn, Trần Quý Cáp Hội An.

Chọn Nhảy Dù vì yêu hình ảnh màu áo hoa rừng

Ông Phạm Ngọc Đăng đỗ Tú Tài 2 tại Hội An năm 1960 với hạng bình, là hạng khá cao thời đó, tiếp tục thi vào y khoa Huế không đậu nên ông vào học Đại Học Luật Sài Gòn.

“Nhưng điều luôn gây nên suy nghĩ trong tôi là khi thấy trên báo những hình ảnh các chàng trai trên chiếc tàu Hải Quân Úc cập cảng Sài Gòn, hàng hàng lớp lớp quân nhân tề chỉnh bước xuống bến tàu. Tôi đã rớt nước mắt khi thấy cảnh tượng ấy và tự hỏi vì sao những chàng trai trẻ của một đất nước văn minh như thế mà phải rời bỏ tuổi thanh xuân của mình, từ bỏ những hạnh phúc bên gia đình và học đường để đến giúp sức trong việc bảo vệ tự do cho đất nước mình, mà người trai nước Việt lại không tự đứng ra trước làn tên mũi đạn để gánh vác chuyện non sông,” ông Ngọc Đăng nói.

Ông cho biết từ năm 1962, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã bắt đầu hoạt động mạnh, tấn công vô miền Nam, và ông muốn gia nhập quân đội để bảo vệ quê hương, noi gương danh nhân Nguyễn Công Trứ để sống cuộc đời người trai thời loạn với quyết tâm bảo vệ non sông, đó chính là nguyên nhân khiến ông sớm rời bỏ trường Luật để thi vào trường Võ Bị Đà Lạt.

Thời đó có ba màu nón đặc trưng của ba binh chủng là màu đỏ Nhảy Dù, nón xanh Thủy Quân Lục Chiến, và màu nón nâu của Biệt Động Quân. Ba binh chủng này được các chàng trai trẻ ưu tiên thích chọn lựa nhất.

Vào Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt, khi còn là sinh viên sĩ quan, ông đã tham gia ban văn nghệ của trường, và đã vào vai chính trong bộ phim “Một Trang Nhật Ký Quân Trường” do Thiếu Tá Nguyễn Thượng Thọ đạo diễn, và Hồng Quế, một nhân viên Tòa Hành Chánh Đà Lạt, đóng vai nữ chính. Bộ phim nói lên hình ảnh của người sinh viên sĩ quan của trường qua những buổi luyện tập gian khổ, quyết tâm “Tự thắng để chỉ huy” với ước nguyện đem tài trí ra giúp nước.

\"\"
Trang trong quyển Kỷ Yếu Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt, Sinh Viên Sĩ Quan Phạm Ngọc Đăng (hàng dưới, thứ ba, từ trái). (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Sau khi tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt với hạng 5, tôi ưu tiên chọn Binh Chủng Nhảy Dù, vì yêu hình ảnh oai hùng với màu áo hoa rừng. Thực tế hơn nữa là trong chiến trường khi đánh nhau người nào khỏe thì sẽ thắng, và Nhảy Dù là binh chủng lý tưởng nhất, được trang bị mạnh nhất, mình lại đậu cao nữa tại sao mình không chọn Nhảy Dù,” ông kể.

Ông cho biết: “Nguyên một chiếc phi cơ C47 bay lên phi trường Liên Khương Đà Lạt chỉ để đón 20 Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 22A vừa tốt nghiệp về Sài Gòn để trình diện Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù, sau đó tôi tình nguyện vào Tiểu Đoàn 11 Tân Lập Nhảy Dù, đóng tại căn cứ Long Bình, sau đó được huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp. Vào đúng đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, Việt Cộng tấn công vào Trung Tâm Vạn Kiếp, nhưng nhờ có hiện diện của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, tuy nói là tân lập nhưng sự thật nó chính là nơi gom góp tất cả các chiến sĩ đầy kinh nghiệm chiến trường từ các đơn vị khác đưa về, nên đã đánh một trận anh dũng đẩy lui địch quân, bảo toàn được Trung Tâm.”

Sau đó Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù được Bộ Tham Mưu điều động về Sài Gòn để hành quân trong nội thành, mở đầu bằng cuộc hành quân càn quét Việt Cộng ẩn núp trong khắp nơi trong thành phố, từ Trung Tâm Tiếp Huyết Gò Vấp tiến về Lái Thiêu, từ đó 15 ngày phép khi ra trường của ông đã không còn nữa, khi chiến sự ngày càng ác liệt và đi hành quân liên tục.

Thạnh Lộc Thôn, trận thử lửa đầu đời suýt chết

Thạnh Lộc Thôn thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, một mặt giáp với An Phú Đông là mật khu Việt Cộng, một mặt cách Sài Gòn khoảng 7 cây số. Thạnh Lộc là vùng nông nghiệp nơi người dân ban ngày làm ruộng rẫy bình thường nhưng ban đêm là du kích Việt Cộng, kể cả phụ nữ cũng có thể là du kích hoặc giao liên hoạt động nội thành.

Giáp với Thạnh Lộc là mật khu An Phú Đông, là một bán đảo với ba mặt Đông, Tây và Nam giáp sông Sài Gòn và sông Bến Cát, địa hình sông rạch chằng chịt, là vị trí thuận lợi cho Việt Cộng ẩn nấp để đánh du kích, làm bàn đạp quấy rối đánh vào Sài Gòn.

Khoảng Tháng Tư, 1968, trên đường tiến quân từ Gò Vấp lên Thạnh Lộc Thôn là Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù chạm trán ngay một chốt chặn của Việt Cộng, sau đó Việt Cộng bỏ chạy rút vào một ruộng mía.

Lúc đó Thiếu Úy Phạm Ngọc Đăng là Trung Đội Trưởng Trung Đội 1, thuộc Đại Đội 111 Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù Tân Lập do Trung Tá Nguyễn Viết Cần làm Tiểu Đoàn Trưởng. Khi Việt Cộng rút chạy, Trung Đội 2 bên cánh trái lao vào ruộng mía lục soát, bị ngay loạt đạn AK khiến Thiếu Úy trung đội trưởng Lê Hữu Hạng cùng Khóa 22A với ông Ngọc Đăng tử trận ngay tại chỗ.

“Tôi được lệnh nắm hai Trung Đội 1 và 2 tiến lên đánh tiếp, bọn Việt Cộng lui dần nhưng bọn tôi bị khựng lại vì con rạch trước mặt quá rộng và sâu, bọn chúng bên kia con rạch bắn qua như mưa, bên này mình cũng quạt lại tới tấp,” ông Đăng kể tiếp.

Ông nhớ lại: “Bọn chúng có khoảng một tiểu đoàn, phía mình có hai trung đội tấn công lên, lúc đó AK bọn chúng bắn ra như mưa, bên mình có cả phi tuần Skyraider yểm trợ trước đó cũng không ăn thua gì, vì chúng núp trong những hầm phòng thủ rất kiên cố, trong khi quân mình tiến lên không có gì che chắn, rất nguy hiểm.”

\"\"
Ông Phạm Ngọc Đăng (phải) chụp chung với Trung Tá Bùi Quyền cùng các chiến hữu Nhảy Dù trong một buổi hội ngộ tại Nam California. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Lúc đó Hạ Sĩ Liên, người cận vệ rất thân tín của tôi tuy đã bị thương nhẹ nhưng báo cho biết có hai tên núp trong hầm, và nói anh sẽ xông qua con rạch lấy hai khẩu AK. Tôi thấy Hạ Sĩ Liên đã bị thương bèn bảo lui về phía sau nhưng anh ta vẫn cứ xông lên, bị ngay một loạt AK trong hầm bắn ra,” ông nói.

“Khi trung đội phó người Nùng, anh Vòng Lý Hính báo cho biết Hạ Sĩ Liên đã tử trận, tôi phóng tới định kéo xác anh về thì bị ngay một quả B40 phụt vào người, trúng ngay khẩu XM16 đeo bên hông. Sau một cảm giác bị chấn động rất mạnh, tê dại nóng rát một bên đùi, tôi té sấp xuống con rạch ngay cạnh xác Hạ Sĩ Liên trước mặt, nhưng không hiểu vì sao quả B40 không nổ,” ông kể tiếp.

Nằm duới rạch nước, ông Ngọc Đăng nghĩ thầm nếu bọn chúng xông tới, chỉ còn cách quyết tử thôi. Sau khi rút chốt lựu đạn, ông bỗng thấy anh trung đội phó lao theo để bảo vệ, bèn dặn anh ta khi ông ném quả lựu đạn tới cây dừa trước mặt, sau khi lựu đạn nổ hãy chạy tới núp dưới cây dừa bắn yểm trợ để ông rút về.

“Tiếng lựu đạn vừa nổ vang trời cũng là lúc tôi phóng lên khỏi con rạch, rút chốt tung quả lựu đạn thứ hai vào hầm có Việt Cộng núp, sau đó chạy ra bắn yểm trợ cho anh trung đội phó người Nùng để cả hai cùng rút về phía sau. Sau khi báo cáo tiểu đoàn trưởng là Trung Đội 1 của tôi bị chận không tiến lên được vì chúng núp trong hầm, còn mình ở thế bị lộ, đã có một chiến hữu nằm lại trên đó và tôi sẽ lên lấy lại xác,” ông Ngọc Đăng kể.

“Vì Nhảy Dù có truyền thống không bao giờ bỏ lại xác đồng đội, nên sau khi lấy thêm người bò lên, tôi mới biết chiếc nhẫn mãn khóa của mình đã rơi mất và khẩu XM16 đeo bên người bị gãy đôi. Lúc đó tôi mới thầm cảm ơn bề trên đã ban phép mầu khiến tôi thoát chết trong gang tấc, quả B40 không nổ có thể vì khoảng cách bắn gần quá,chưa đủ cự ly để kích hỏa,” ông nhớ lại .

Hôm sau Tiểu Đoàn 11 tăng cường lực lượng đi tiếp, thêm hai đại đội trừ bị tiến lên băng qua con rạch thì Việt Cộng đã rút chạy, có rất nhiều thương vong, bỏ lại súng và băng vải đầy máu trong hầm.

Sau trận Thạnh Lộc Thôn, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù cử ông đi học khóa Rừng Núi Sình Lầy tại Mã Lai năm 1969, để đáp ứng nhu cầu hành quân trong nhiều địa thế với nhiều mặt trận ở miền Nam, vốn có nhiều rừng núi rậm rạp cho đến sông nước sình lầy, tuy ở trường Võ Bị Đà Lạt đã dạy căn bản trước đó rồi.

“Sau khi về nước tôi được điều động qua làm phụ tá Ban 3 Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù dưới quyền của Đại Tá Trần Quốc Lịch. Tôi hãnh diện được tham dự nhiều chiến trường, trong đó có hai mặt trận lớn vượt qua biên giới, là trận Cambodia 1969 và mặt trận Hạ Lào 1971,” ông nói.

Trong cuộc hành quân Hạ Lào 719 tấn công vào sào huyệt Cộng Sản trên đất Lào năm 1971, ông về Tiểu Đoàn 5, nắm quyền Trung Úy đại đội trưởng Đại Đội 52 và đã thoát chết trong nhiều đường tơ kẻ tóc.

\"\"
Ông Phạm Ngọc Đăng và phu nhân chụp hình với phu nhân cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong buổi hội ngộ cựu SVSQ Võ Bị Đà Lạt toàn thế giới kỳ thứ 17 tại Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Suýt chết lần 2

Trong trận Hạ Lào, bộ chỉ huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù đóng ở Tà Bạt, Trung Úy Phạm Ngọc Đăng được lệnh của Thiếu Tá Trần Đăng Khôi đi đón một thiết đoàn thiết giáp của Đại Tá Luật đi vào vùng hành quân.

Ông kể: “Đến điểm hẹn, nơi có căn cứ Mỹ đã bỏ hoang, tôi dừng lại và đang lúc hướng dẫn lộ trình cho thiết đoàn tiến vào thì một quả pháo 130 ly bay ngang đầu, tiếng đạn bay rít ghê người sau đó là tiếng nổ long trời. May sao nhờ ơn trên che chở, thầy trò không ai bị gì, người tài xế trong lùm cây đem xe Jeep ra, tất cả lên xe phóng chạy tiếp đến một căn cứ quân sự Mỹ, tôi trình bày lý do xin được vào vị trí để tiếp tục hướng dẫn thiết đoàn của Đại Tá Luật đi vào vùng hành quân.”

Đây là lần thứ hai ông suýt chết vì đạn pháo nơi mặt trận Hạ Lào. Sau đó ông Ngọc Đăng được thăng cấp đại úy, điều về Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, ở hậu cứ thời gian lại lên đường ra mặt trận Trị Thiên năm 1972, cùng với đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tái chiếm cổ thành Quảng Trị. (Văn Lan) 

Bài Liên Quan

Leave a Comment