Mũ Đỏ Phạm Ngọc Đăng hát ‘Nhạc Vàng’ trong tù ‘cải tạo’

Mũ Đỏ Phạm Ngọc Đăng hát ‘Nhạc Vàng’ trong tù ‘cải tạo’

Aug 22, 2020 cập nhật lần cuối Aug 22, 2020

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Vì yêu hình ảnh màu áo hoa rừng mà chàng sinh viên Phạm Ngọc Đăng quyết định rời bỏ Đại Học Luật Sài Gòn để thi vào Võ Bị Đà Lạt.

\"\"
Tiếng hát Ngọc Đăng trong nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Anh,” trình diễn trong đêm “Nhạc Của Lính” do nhạc sĩ Xuân Điềm tổ chức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau khi tốt nghiệp Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt với hạng 5, ông chọn Binh Chủng Nhảy Dù, vì “Trong chiến trường khi đánh nhau người nào khỏe thì sẽ thắng, và Nhảy Dù là binh chủng lý tưởng nhất, được trang bị mạnh nhất, mình lại đậu cao nữa tại sao mình không chọn Nhảy Dù,” ông nói.

Ông tình nguyện vào Tiểu Đoàn 11 Tân Lập Nhảy Dù, đóng tại căn cứ Long Bình, sau đó được huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp.

Trận Động Ông Đô, lần đầu tiên đánh địch trong đêm

Ông kể lại trận Động Ông Đô, theo đó ở mặt trận Trị Thiên, Nhảy Dù tiến lên ở phía Tây bị thất thế vì địa hình rừng núi hiểm trở, phía Đông do Thủy Quân Lục Chiến đảm trách. Trong khi Cộng Sản chiếm hết các cao điểm, và lực lượng Nhảy Dù phải đánh từ tuyến sông Mỹ Chánh lên, biết bao nhiêu mục tiêu khó khăn phải vượt qua từ đó trở ra phía Bắc, địch quân từ trên đồi cao thấy được hết các mục tiêu di chuyển của mình nên Nhảy Dù bị pháo dữ dội, bị tổn thất nhiều.

“Để hạn chế bị pháo kích, tôi được lệnh trên phải đánh đêm. Lần đầu tiên phải nói là Đại Đội 72 của Nhảy Dù đánh đêm, và cũng có thể nói rằng Cộng Sản cũng không thể ngờ được, vì họ luôn đụng độ với quân ta vào ban ngày, nên họ cứ đinh ninh như vậy,” ông Ngọc Đăng kể.

“Muốn đánh đêm, đòi hỏi người chỉ huy phải có kinh nghiệm đi đường rừng, phải biết khoảng cách chính xác là bao nhiêu từ chỗ của mình đến địch quân để tấn công. Khó nhất là phải mò mẫm trong đêm tối trong rừng không có gì để xét đoán, chỉ tính bằng bước chân, cứ hai bước chân là 1 mét rưỡi, đó là bài học từ trường Võ Bị Đà Lạt đã dạy, và khó nhất là phải nhắm đúng hướng mà tiến, vì sai một ly là đi một dặm,” ông nhớ lại.

Ông Ngọc Đăng cho hay từ nơi xuất phát lúc 7 giờ chiều đi đến 9 giờ tối, không ngờ là ông đã tính toán thật chính xác, đã đi đúng hướng và đến thật đúng giờ. Sau đó ông cho đại đội ngưng lại định hướng một lần nữa để biết rõ là mục tiêu cần phải chiếm đang ở ngay trên đầu.

“Tôi cho Trung Đội 3 và 4 ở dưới để giữ an ninh và yểm trợ, để Trung Đội 2 và 1 hai mặt giáp công tiến lên, tất cả bỏ hết ba lô chỉ mang theo súng đạn, lấy lá rừng có chất lân tinh phát sáng dắt sau lưng, cứ thế người sau âm thầm theo người trước leo lên. Bọn Việt Cộng có lẽ lần đầu tiên thấy ta đánh đêm, nên không thể ngờ được khi người lính Nhảy Dù đầu tiên leo lên tới nơi, tên Việt Cộng vừa giáp mặt lên tiếng hỏi thì bị quạt nguyên một tràng XM16. Nghe tiếng súng nổ, bọn Việt Cộng túa ra ổ kháng cự, nhưng vì mình chỉ quăng lựu đạn vào, không dùng súng bắn nên bọn chúng không biết mình đang ở đâu. Đêm đó Nhảy Dù đã chiếm trọn cứ điểm, là mục tiêu phụ để từ đó tiến lên chiếm Động Ông Đô,” ông hào hứng kể.

\"\"
Trang cá nhân trong quyển Kỷ Yếu Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt, giới thiệu những ước nguyện của Sinh Viên Sĩ Quan Phạm Ngọc Đăng. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Đỉnh đồi Động Ông Đô còn lên cao nữa, sáng hôm sau còn đang giằng co thì tôi bị thương vì đạn pháo, phải đưa ra bệnh viện Nguyễn Tri Phương Huế điều trị, lúc đó Thiếu Úy Phạm Gia Đàm, trung đội phó Trung Đội 1 lên thay, tiếp tục chỉ huy Đại Đội 72 đánh lên tới trên đỉnh đồi luôn, từ đó vượt qua đoạn đường nguy hiểm, bảo toàn được lực lượng để tiến tới cổ thành Quảng Trị. Từ trận đó, phát sinh ra thêm tiếng lóng để chỉ những trận đánh đêm là ‘Kissinger,’ để ám chỉ ông ‘Vua đi đêm Kissinger’ mà thời đó báo chí hay dùng để gọi ông ấy,” người lính trận đánh đêm năm xưa nhớ lại.

Hơn tuần sau, khi bình phục ông trở lại chiến trường tiếp tục chỉ huy Đại Đội 72 đang ở trên Động Ông Đô.

Suýt chết lần ba

Sau khi chiếm được Động Ông Đô, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù tiếp tục tiến ra phía Bắc để tiến chiếm những mục tiêu còn lại ở làng Như Lệ, một mật khu Việt Cộng. Đại Đội 72 sau khi chiếm được nơi bìa làng và được một đêm an lành, sáng hôm sau Đại Úy Phạm Ngọc Đăng cho Đại Đội 72 tung các cánh quân lục soát sâu vào trong làng. Sang đêm thứ hai, địch quân quyết tâm lấy lại những nơi đã bị chiếm đóng.

“Từ lúc chiều tôi đã nghe nhiều tiếng máy nổ rền vang của chiến xa T54 từ xa tăng cường tới, đến tối đó bọn chúng hạ nòng đại bác trên xe tăng xuống bắn thẳng vào Đại Đội tôi. Quyết định rất nhanh, tôi cho tất cả bốn đại đội mau chóng rút về phía sau trong đêm, kêu pháo binh bắn T.O.T vào tới tấp, sáng hôm sau tiến trở vô làng, thấy hai chiếc T54 đã bị cháy tiêu, trong đó những tên cán binh Cộng Sản bị xích chân trong xe đã chết cháy,” ông kể.

“Tháng Tư, 1973, khi Đại Đội 72 Nhảy Dù còn cách dòng sông Thạch Hãn khoảng mấy chục mét, bên kia là phía Bắc do Cộng Sản chiếm giữ. Hằng ngày khi tôi bắt ống dòm nhìn sang vẫn thấy hàng đoàn quân Cộng Sản với hàng hàng lớp lớp súng đủ các loại di chuyển về phía Nam, mặc dù lúc ấy đã ký kết Hiệp Định Paris, trong đó có điều khoản là hai bên phải giữ nguyên vị trí,” ông nhớ lại.

Ông suy nghĩ, Việt Cộng di chuyển vào Nam phải có chỗ ẩn nấp, chứ không thể tập trung hàng đoàn quân đông như vậy nơi đồng không mông quạnh, vậy chỗ ém quân là đâu? Ông xem trên bản đồ từ phía bờ Thạch Hãn ở phía Nam trở ra phía Bắc thì thấy cách vị trí đóng quân của Đại Đội 72 Nhảy Dù khoảng 3, 5 cây số có một cánh rừng rậm.

“Tôi tin chắc đó là nơi ém quân của Cộng Sản để chờ ban đêm tiến vô Nam. Sau khi khoanh vùng tọa độ cánh rừng, tôi báo về tiểu đoàn đề nghị cho phi tuần B52 đánh bom vào cánh rừng đó. Một nguyên tắc phải biết là khi B52 đánh bom, phải cách nơi mình đóng quân tối thiểu là 5 cây số để tránh bị chấn động, nhưng từ chỗ đóng quân của Đại Đội 72 Nhảy Dù chỉ cách nơi sẽ đánh bom B52 chỉ khoảng 3.5 km, trong khi tôi không thể bỏ nơi đóng quân để lùi lại xa hơn được nữa,” ông cho biết.

\"\"
Mũ Đỏ Phạm Ngọc Đăng và phu nhân trong Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực VNCH 19 Tháng Sáu tại Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Sau khi tiểu đoàn báo lên sư đoàn, yêu cầu xin B52 đánh bom được chấp thuận, đêm đó ba chiếc B52 liên tục cày xới vào cánh rừng, hầm chỉ huy của ông đã sập xuống vì bị bom làm chấn động, coi như ông bị chôn sống dưới đống đất đá.

“Khi sập hầm trú ẩn, tôi không thể thoát ra được vì bị lớp poncho phủ kín bên trên, không thể đào bới để thoát ra. May sao Thiếu Úy Pháo Binh Ngô Hải kêu gọi lính nhảy xuống hầm đào đất lên, lôi poncho ra khi tôi bị ngộp thở sắp đứt hơi, nhờ lính khiêng lên nằm hồi lâu sau mới tỉnh lại,” ông hồi tưởng.

“Mấy ngày sau tình hình trở nên yên hơn, tôi tỉnh táo hẳn và nghĩ lại người lính chỉ nhờ may mắn thôi, đời chiến binh tôi suýt chết nhiều lần nơi chiến trận, làm sao biết được làn tên mũi đạn nơi nào. Chỉ biết nhờ ơn trên phù hộ,” ông thầm cầu nguyện.

Sau khi rời mặt trận Trị Thiên, Đại Úy Phạm Ngọc Đăng được điều về Phòng Ba, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, với chức vụ Trưởng Ban Không Trợ. Theo chức vụ, ông được thăng cấp Thiếu Tá vào Tháng Ba, 1975, nhưng Sư Đoàn chưa kịp gắn lon thì đã tới ngày cuối cùng cuộc chiến.

Đời tù bắt đầu và “Nhạc Vàng” đã cảm hóa người Cộng Sản

Sau 1975, Cộng Sản đã phát động một cuộc chiến tranh chống “Văn hóa phẩm đồi trụy phản động” trên toàn miền Nam, tất cả những sách vở từ nghiên cứu đến văn học nghệ thuật đều bị đem thiêu hủy hết, trong đó có âm nhạc, gọi là “Nhạc Vàng” cũng chung số phận.

Hằng ngày đều có những cuộc lùng sục vào từng nhà, tịch thu không biết bao nhiêu là tinh hoa của 20 năm văn học miền Nam (1954-1975), với những sáng tác văn học nghệ thuật, cùng băng dĩa nhạc đều tịch thu phá hủy hết!

Theo chiến dịch “chống văn hóa phẩm đồi trụy” của Cộng Sản, hệ thống loa phóng thanh của từng phường, từng đội thanh niên đi vào từng ngõ ngách kêu gọi người dân đem nộp không biết bao nhiêu là những văn hóa phẩm ngày trước, với lời kết tội là âm nhạc miền Nam là loại âm nhạc phản động, ru ngủ con người để không có tinh thần chiến đấu!

Tại Trại 5 Thanh Hóa, còn gọi là trại Lý Bá Sơ, một trại tù nổi tiếng kinh hoàng với nhiều trò hành hạ tù nhân, lúc đó trại đã chuyển từ quân đội sang công an quản lý, không khí dễ thở hơn, được thành lập đội văn nghệ, và ông Ngọc Đăng được giao nhiệm vụ hằng tháng tổ chức những chương trình văn nghệ cho bốn trại A cho tù chính trị, trại B cho nữ, trại C cho các tù chiến tranh chính trị, và trại D cho tù dân sự.

Ông cho hay, khi đi tù “cải tạo,” qua giai đoạn ban đầu còn e dè, sau đó khi thấy tình hình có vẻ dễ thở hơn, ông đã hỏi nhiều cán binh Bắc Việt coi ngục mới biết rằng trong chiến trường, họ đều nói “ngán nhất là bọn nón đỏ và nón xanh,” tức là lực lượng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến! Đặc biệt là họ rất yêu thích “Nhạc Vàng,” lùng mua những bản nhạc xưa của miền Nam, và tìm mọi lúc để yêu cầu ông dạy cho họ hát.

\"\"
Mũ Đỏ Phạm Ngọc Đăng (phải) và nhạc sĩ Xuân Điềm trong chương trình “Tiếng Hát Hậu Phương” tại Little Saigon. (Hình: Phạm Ngọc Đăng cung cấp)

Những hoạt động âm nhạc trong tù “cải tạo” sau năm 1975

Tám năm, sáu tháng trong các trại tù Long Giao, Hoàng Liên Sơn, Yên Báy, Trại 5 Thanh Hóa (trại Lý Bá Sơ), trại Z30C Hàm Tân, người tù Ngọc Đăng đã trải qua nhiều cơn bệnh ngặt nghèo suýt chết, và cũng có nhiều kỷ niệm khi ông đã mang “Nhạc Vàng” vào trại tù để cảm hóa người Cộng Sản.

Ông kể, tại trại Lý Bá Sơ, tên đại đội trưởng yêu cầu ông dạy hát vào những buổi trưa tại nhà bếp của trại, với những bài nhạc lính của Trần Thiện Thanh, Nhật Trường như “Tình Thư Của Lính,” “Đôi Ngã Đôi Ta,” “Không Bao Giờ Ngăn Cách”… Từ đó phong trào “Nhạc Vàng” dấy lên, khắp các trại được hát thoải mái, có những đêm nhiều người lính đến yêu cầu ông ngồi dậy hát cho họ nghe.

“Tôi nghĩ rằng, mặc dù đã thua trên mặt trận quân sự, nhưng tôi đã thắng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, khi âm nhạc đã làm thay đổi con tim và trí óc của những con người Cộng Sản sắt máu, để rồi từ đó họ biết yêu mến dòng nhạc của miền Nam từng được gọi là ‘Nhạc Vàng,’ bị cấm đoán từ sau 1975,” ông Ngọc Đăng nói.

Đến Tháng Năm, 1983, trại 5 Thanh Hóa chuyển tù vào Nam để về trại Z30C Hàm Tân, Thuận Hải. Trên chuyến tàu Thống Nhất, cứ hai người bị còng chân chung nhưng họ vẫn thấy sung sướng khi trở về miền Nam.

“Lần xuôi Nam đó, có những kỷ niệm tôi không bao giờ quên được, khi dân chúng ào ào ném lên toa tàu cho chúng tôi những chiếc bánh giò, bánh chưng, từng bao thuốc lá, thay vì ném gạch đá vào như khi chúng tôi bị đưa ra Bắc lần đầu,” ông nhớ lại.

Đặc biệt tôi được lên phòng riêng của tên cán bộ trên tàu, không bị còng tay, cùng với nhạc sĩ Lưu Điện Quý, một thành viên trong ban văn nghệ của tôi, hai anh em ngồi đàn hát cho tên cán bộ nghe say sưa, khiến các anh em tù trên tàu suốt mấy ngày về Nam được nghe “Nhạc Vàng” thoải mái.

“Cứ đến mỗi ga tàu dừng lại, tôi càng cất cao giọng, cố tình hát cho đồng bào nghe những tình khúc ngày trước, được bà con vỗ tay hoan hô dữ dội, chứng tỏ “Nhạc Vàng” không chết mà ngày càng được yêu mến hơn. Điều đó chứng tỏ cái gì có giá trị thật sự sẽ sống mãi theo thời gian,” người lính trận năm xưa xác quyết như thế.

Nhân dịp hào hứng kể về chuyện “Nhạc Vàng,” ông Ngọc Đăng cho hay từ thời học sinh ở trường Cường Để Qui Nhơn, ông đã cùng các bạn học Xuân Điềm và Bảo Tố thành lập ban văn nghệ, hoạt động rất mạnh trong những buổi biểu diễn trên sân khấu của trường. Cho đến khi đặt chân đến Hoa Kỳ, ông tiếp tục trở lại sinh hoạt âm nhạc với nhạc sĩ Xuân Điềm để cùng đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền cho Việt Nam, và ông chuyên làm MC trong các chương trình âm nhạc tại Little Saigon cũng không ngoài mục tiêu ấy.

Ngồi kể lại chuyện đời binh nghiệp của mình, người chiến sĩ Nhảy Dù năm xưa tâm tình: “Dù cuộc chiến đã qua gần nửa thế kỷ, nhưng tôi luôn nhớ về thời ấy, bao lớp trai hùng đều lên đường, quyết tâm gìn giữ cho đất nước mãi được tự do. Thấy thương nhất là những bạn cùng khóa với tôi, vừa ra trường về đơn vị chiến đấu chưa tròn tháng đã hy sinh ngoài mặt trận. Đất nước mất đi biết bao nhiêu nguồn nhân lực, cho đến tận hôm nay vẫn còn loay hoay chưa thấy một tương lai tươi sáng trên nước Việt mến yêu!” (Văn Lan) [qd]


Ông Phạm Ngọc Đăng quê gốc Bắc Ninh.

Cựu học sinh chương trình Pháp ở các trường Albert Sarraut (Hà Nội) và Jean Jacques Rousseau (Sài Gòn).

Cựu học sinh các trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Cường Để Qui Nhơn, và Trần Quý Cáp Hội An.

Cựu sinh viên Luật Khoa Sài Gòn.

Tốt nghiệp Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt năm 1965-1967.

Cấp bậc cuối cùng là Đại Úy Phòng 3 Sư Đoàn Nhảy Dù, với chức vụ Truởng Ban Không Trợ.

Trải qua tám năm sáu tháng trong các trại tù “cải tạo” từ Nam ra Bắc.

Hiện định cư tại thành phố Garden Grove, Nam California.

Bài Liên Quan

Leave a Comment