Trung Quốc cảnh cáo ý định trao giải Nobel Hòa Bình cho người biểu tình Hồng Kông

Trung Quốc cảnh cáo ý định trao giải Nobel Hòa Bình cho người biểu tình Hồng Kông

August 28, 2020

\"\"

Na Uy là chặng dừng chân thứ ba trong vòng công du 5 nước châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Trong buổi họp báo ngày 27/08/2020 với đồng nhiệm Na Uy, ông Vương Nghị cảnh cáo Trung Quốc « không muốn thấy chính trị hóa giải Nobel Hòa Bình ».

Theo South China Morning Post, khi được một nhà báo hỏi về phản ứng của Bắc Kinh nếu giải thưởng này được trao cho người biểu tình Hồng Kông, ông Vương Nghị phát biểu : « Tôi chỉ nói một điều : Trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai, Trung Quốc sẽ cương quyết bác bỏ mọi ý định sử dụng giải Nobel Hòa Bình để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc rất cứng rắn về nguyên tắc này ».

Ông Vương Nghị là ngoại trưởng Trung Quốc đầu tiên thăm Na Uy từ 15 năm qua. Quan hệ giữa hai nước nguội lạnh từ 2010 đến 2016 sau khi Ủy ban Nobel Hòa Bình, trụ sở ở Oslo, đã trao giải thưởng danh giá này cho nhà đấu tranh Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo).

Trung Quốc bắt 12 người Hồng Kông vượt biển sang Đài Loan

Từ khi luật an ninh quốc gia được áp dụng tại Hồng Kông, rất nhiều nhà đấu tranh vì dân chủ và người biểu tình đã bị bắt giữ. Ngày 23/08 vừa qua, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã bắt giữ 12 người trên một con tàu đang đi tới Đài Loan. Trong số này có Lý Vũ Hiên (Andy Li), một nhà đấu tranh được tự do có điều kiện.

Thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông cho biết thêm :

« Những thông tin về cuộc vượt biên có một không hai này chỉ được tiết lộ nhiều ngày sau sau khi vụ việc xẩy ra, qua một tin nhắn trên tài khoản Weibo của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

Con tầu gắn động cơ chở 12 người đang ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và dường như hướng về phía Đài Loan khi bị hải cảnh Trung Quốc chặn lại.

Lực lượng hải cảnh chỉ nêu họ của hai người bị bắt, trong đó có thể có cả Lý Vũ Hiên (Andy Li), một người biểu tình được tự do có điều kiện sau khi bị khởi tố ở Hồng Kông theo luật an ninh mới trong loạt bắt giữ ngày 10/08/2020.

Vì bị giữ hộ chiếu, có lẽ nhà đấu tranh vì dân chủ này đã tìm cách vượt biển sang Đài Loan ẩn náu.

Đảo Đài Loan cách Hồng Kông 750 km (450 hải lý) về phía đông bắc, nếu đi bằng máy bay mất khoảng một tiếng, nhưng phải mất đến hai ngày nếu vượt biển bằng tầu.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn từng cho biết ý định tiếp nhận và giúp đỡ những thanh niên Hồng Kông bị luật an ninh mới đe dọa.

Trong cuộc họp báo chiều 27/08, người đứng đầu ngành cảnh sát Hồng Kông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang) trả lời rằng ông biết thông tin về chuyến vượt biên nhưng khẳng định cảnh sát Hồng Kông không nhận được bất kỳ thông tin chi tiết nào từ phía chính quyền Trung Quốc ».

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment