Chuyên gia: Ông Trump có thể muốn giải thể ĐCSTQ trong nhiệm kỳ hai
- Thi Viễn
- Thứ Bảy, 29/08/2020 • 410 Lượt Xem
Xung đột Mỹ-Trung đang leo thang, Mỹ đang hợp tác với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel, Brazil… về các vấn đề liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Có học giả Đài Loan phân tích rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang từng bước thúc đẩy các chính sách đối với ĐCSTQ, không những thiết thực mà còn trở nên cứng rắn hơn. Mục tiêu chiến lược của Mỹ hiện nay là lật đổ tận gốc hệ thống do ĐCSTQ tổ chức và thiết lập.
Hiện nay, Mỹ đang kêu gọi phe thế giới tự do hợp tác chống lại ĐCSTQ toàn trị, đã đề xuất thành lập một liên minh mới của các quốc gia dân chủ, được ví là “liên minh 8 quốc gia mới”, ngoài ra còn xây dựng “kế hoạch chiến tranh” hoàn chỉnh trong hai bước để làm tan rã ĐCSTQ: ban đầu là đối đầu và sau đó “làm tan rã” ĐCSTQ. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon cho biết rằng ông Trump đã thành lập “Ủy ban Chiến tranh”, đã xây dựng kế hoạch ứng phó ĐCSTQ có tên “Bốn kỵ sĩ Ngày tận thế” (lấy ý tưởng từ ‘Tứ kỵ sĩ Khải Huyền’ trong Kinh Thánh). Các thành viên bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia, Giám đốc Điều tra Liên bang, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tư pháp.
Chuyên gia: Ông Trump có thể có ý định giải thể ĐCSTQ trong nhiệm kỳ thứ hai
Tại sao lại có kế hoạch “Bốn kỵ sĩ Ngày tận thế”? Trong một cuộc phỏng vấn, ông Ngô Gia Long (Wu Jialong), một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà kinh tế tại Đài Loan chỉ ra có thể suy đoán rằng ông Trump có ý định giải thể ĐCSTQ trong nhiệm kỳ thứ hai, giống như giải thể Liên Xô trước đây. Để hiểu điều này phải nhìn lại dòng lịch sử. Ông Ngô Gia Long phân tích rằng đường lối và đề xuất chống ĐCSTQ của ông Trump rất giống với nhà kinh tế chống cộng sản người Áo F.A. Hayek và cựu Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch.
Hayek là nhà kinh tế học và triết học chính trị nổi tiếng người Anh sinh ra tại Áo, ông đã đoạt giải Nobel Kinh tế lần thứ ba. Năm 1942, ông đã viết cuốn sách “Con đường đến chế độ nô lệ”, trong đó đề cập hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của cộng sản cuối cùng sẽ không thể tồn tại được. Khi cuốn sách này được xuất bản thì Liên Xô còn rất mạnh, phải đến ngày 25/12/1991 khi Liên Xô tan rã trong một đêm thì mọi người mới nhớ đến lời tiên đoán của Hayek từ trước đó 50 năm.
Vì vậy 50 năm sau, bậc thầy của trường phái Kinh tế học Chicago là Milton Friedman đã đích thân viết lời tựa cho cuốn sách này, chỉ ra rằng nội dung của cuốn sách này đã ứng nghiệm và ông vô cùng ngưỡng mộ Hayek về dự đoán này.
Cảnh báo thế giới qua “Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”
Thật trùng hợp, vào ngày 1/12/1956, cựu Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch đã hoàn thành cuốn sách “Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”, trong đó ghi lại chi tiết cách ĐCSTQ giành quyền lực, cũng mô tả kinh nghiệm hợp tác và đấu tranh giữa Chính phủ Quốc dân Đảng với Liên Xô và ĐCSTQ. Ông cho rằng chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô-Nga không phù hợp cho loài người tồn tại, cũng như không thích hợp với Trung Quốc, vì vậy trong giai đoạn phát triển ban đầu phải ký sinh vào Quốc dân đảng và thực hiện âm mưu xâm nhập, phân hóa và lật đổ. Tưởng Giới Thạch cho rằng nước Nga thời Xô Viết là “chủ nghĩa đế quốc Đỏ” kiểu cộng sản không phù hợp với Trung Quốc, dự đoán sự sụp đổ không thể tránh khỏi.
Từ dự đoán của Hayek đến quan điểm chống cộng sản của Tưởng Giới Thạch, ông Ngô Gia Long nói, “đó là những gì Trump đang làm”.
Từ Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo liên tục cảnh báo trước quốc tế rằng ĐCSTQ tồi tệ như thế nào, đã không giữ cam kết; còn Cố vấn An ninh Mỹ Robert O’Brien thì nói thẳng rằng: “Mỹ đã đánh giá sai về ĐCSTQ từ khi họ thành lập đến nay”, tất cả đều cho thấy Mỹ hiện đã hoàn toàn từ bỏ “chủ nghĩa xoa dịu” trong quá khứ, muốn đoàn kết với các nền dân chủ quốc tế để bao vây ĐCSTQ.
Tại sao ông O’Brien nghĩ rằng trong quá khứ Mỹ đã đánh giá sai về ĐCSTQ? Ông Ngô Gia Long đề cập rằng lãnh đạo ĐCSTQ trước đây là Mao Trạch Đông đã hứa với Mỹ rằng ĐCSTQ sẽ chấp nhận nền dân chủ của Mỹ và tôn trọng các giá trị phổ quát, khiến Mỹ kỳ vọng sai lầm. Vì vậy, khi đó đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã không theo Chính phủ Quốc Dân Đảng rút khỏi Trung Quốc Đại Lục, mà chuẩn bị thiết lập quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ mới thành lập.
Chiến tranh Triều Tiên thành bước ngoặt lịch sử
Mãi cho đến khi Mao Trạch Đông và quân đội Mỹ tham chiến trong Chiến tranh Triều Tiên trên bán đảo Triều Tiên, điều này đã làm thay đổi đáng kể quyết định của Mỹ liên quan đến từ bỏ Tưởng Giới Thạch và Đài Loan để chuyển sang hướng tích cực bảo vệ Đài Loan, đồng thời ký hiệp ước phòng thủ với việc dùng Hạm đội 7 của Mỹ để bảo vệ Đài Loan. Hơn nữa chuyện hận thù tích tụ giữa Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến II dần dần lắng xuống, biến chủ nghĩa cộng sản trở thành mối đe dọa lớn nhất.
Hiện nay Mỹ thừa nhận rằng kỳ vọng ban đầu của họ về “diễn biến hòa bình” với ĐCSTQ đã thất bại hoàn toàn. Ông Ngô Gia Long cho biết vì thế mà hiện nay Mỹ chủ trương “muốn đối phó với ĐCSTQ thì phải theo cách mà trước đây đối phó với Liên Xô”.
Chuyên gia này cho biết, trước đây Liên Xô không có quan hệ kinh tế với Mỹ, vì vậy Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô không có vấn đề chia tách kinh tế và thương mại. Nhưng ngày nay Mỹ có mối quan hệ giao lưu kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, vì vậy, về mặt trật tự là trước tiên phải tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc và làm sụp đổ hệ thống tài chính của ĐCSTQ nhằm ngăn chặn ĐCSTQ có thể sở hữu lượng lớn Đô la Mỹ (USD) giúp họ gây sóng gió trên trường quốc tế, từ đó mở lại Chiến tranh Lạnh mới với ĐCSTQ giống như từng làm với Liên Xô trước đây.
ĐCSTQ có thể sụp đổ khi thách thức vị thế của đồng USD
Ông Ngô Gia Long nói rằng, ĐCSTQ hiện đang muốn thách thức vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ. Ví dụ ĐCSTQ đã đe dọa dùng đồng Nhân dân tệ (RMB) thách thức đồng USD, trong khi Liên Xô trước đây còn chưa nghĩ đến sử dụng đồng rúp để thách thức đồng USD. Do đó, Mỹ nhất định phải lật đổ toàn bộ hệ thống do ĐCSTQ thiết lập.
Trong quá khứ, Mỹ đã cạnh tranh với Liên Xô và Nhật Bản. Cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô chỉ thuần túy là cuộc chạy đua vũ trang và khiến Liên Xô tan rã, cạnh tranh với Nhật Bản thì thuần túy là về kinh tế và gây tổn thất kinh tế trong suốt hai thập kỷ, còn đối với ĐCSTQ hiện nay là cả về vũ trang và kinh tế nên hậu quả là không thể tưởng tượng được.
Đối mặt với xu thế quốc tế hiện nay và sự hình thành “liên minh 8 quốc gia mới” để ứng phó ĐCSTQ, ông Ngô Gia Long tin rằng có lẽ sự tan rã của ĐCSTQ có thể đến vào nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng phương pháp hiệu quả nhất mà Mỹ có thể sử dụng là làm sụp đổ tỷ giá hối đoái liên quan đến Hồng Kông, đẩy hệ thống ngân hàng Hồng Kông và Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán bằng USD, thậm chí thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, những động thái này là đòn nặng nề đối với ĐCSTQ.
“Nếu Mỹ tiếp tục đấu tranh như thế này, nếu Trump tái đắc cử thành công, có thể trong nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo sẽ lặp lại lịch sử Liên Xô tan rã tại Trung Quốc. Nói cách khác, tấm gương tan rã của Liên Xô là kết cục của ĐCSTQ.”
Sứ mệnh bắt nguồn từ thời Tổng thống Reagan
Tại sao ông Trump có ý thức về sứ mệnh giải thể ĐCSTQ? Ông Ngô Gia Long phân tích rằng đây là lộ trình của hai cựu tổng thống Mỹ là Reagan và Kennedy. Đối mặt với tham vọng bành trướng, phá hoại ác ý và thâm nhập quốc tế của ĐCSTQ, ngoài việc bảo vệ an ninh cho Mỹ còn có ý nghĩa lịch sử là kế thừa Reagan từng làm tan rã Liên bang Xô Viết.
Ông Trump còn nhiều quân bài tốt trước bầu cử Tổng thống Mỹ. Ví dụ, bắt đầu bằng việc quan sát trường hợp đối phó với Iran, ngoài “chiến tranh nóng” thì Trump cũng liên tục có những động thái mạnh mẽ như trừng phạt kinh tế, đặc biệt là “lệnh cấm vận dầu mỏ” đánh vào mạch máu của nền kinh tế Iran.
Từ logic trên nhìn lại cuộc đối đầu Mỹ-Trung hiện nay, ông Ngô Gia Long giải thích rằng trước khi có thể nổ ra chiến tranh quân sự thì Mỹ sẽ tiếp tục những hành động cứng rắn nhắm vào ĐCSTQ, từ trừng phạt kinh tế đến trục xuất các thành viên ĐCSTQ ra khỏi nước Mỹ cũng như trục xuất các sinh viên Trung Quốc du học Mỹ có xuất thân từ học viện quân sự của ĐCSTQ…
Thi Viễn