Đại dịch chồng đại dịch: Châu chấu đang \’tàn sát\’ châu Phi

Đại dịch chồng đại dịch: Châu chấu đang \’tàn sát\’ châu Phi

  • David Njagi
  • BBC Future

một giờ trước

\"Getty

Nhìn thấy một quả bơ èo uột rũ xuống từ cây mẹ đang khô héo, Esther Ndavu tự hỏi lớn tiếng rằng liệu nó có bao giờ trở thành một quả hình bầu dục to bằng nắm tay vốn giúp cho người dân thành phố có sinh kế.

Giống như nhiều người khác tại nông trại của cô ở làng Mathyakani, nằm giữa miền đông Kenya, cây bơ này đã bị châu chấu sa mạc tấn công.

Vung cánh tay phải, Ndavu đếm được khoảng 10 cây bơ, xoài và xoài chuối (paw paw) bị gãy cành sau cuộc càn quét.

Dịch châu chấu

Cuộc xâm lăng của châu chấu quét qua các trang trại ở nông thôn Kenya từ tháng 12/2019 đã khiến những người nông dân như Ndavu không chỉ thiệt hại về mùa màng mà còn phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe và môi trường đang xảy ra.

Nạn châu chấu lần này là tồi tệ nhất từng được chứng kiến ở Kenya trong vòng 70 năm qua, và các chuyên gia lo ngại rằng đàn châu chấu vào cuối năm nay sẽ còn lớn hơn nữa.

Châu chấu sa mạc, tên khoa học là Schistocerca gregaria, thường được gọi là loài địch hại tàn phá nhất thế giới và điều đó hoàn toàn có lý do.

Dịch châu chấu xảy ra khi số lượng châu chấu tăng lên và chúng trở nên nhung nhúc. Điều này dẫn đến sự chuyển đổi từ giai đoạn đơn độc vốn tương đối vô hại sang giai đoạn kéo đàn kéo lũ.

Trong giai đoạn này, châu chấu có thể sinh sôi gấp 20 lần trong ba tháng và đạt mật độ 80 triệu con trên một km vuông.

Mỗi con có thể tiêu thụ 2g cây cỏ mỗi ngày – tổng cộng, một bầy 80 triệu con có thể làm hao tốn lượng thực phẩm tương đương với khẩu phần ăn của 35.000 người mỗi ngày.

Vào năm 2020, các đàn châu chấu khổng lồ đã tràn sang hàng chục quốc gia, bao gồm Kenya, Ethiopia, Uganda, Somalia, Eritrea, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Yemen, Oman và Saudi Arabia.

Khi đàn châu chấu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia một lúc với số lượng cực lớn, nó được gọi là dịch.

\"Getty

Làng Mathyakani của Ndavu, trải trên diện tích khoảng 50 km vuông, là nơi sinh sống của khoảng 10.000 người.

Tại nông trại rộng 1,6 ha của Ndavu, đàn châu chấu đã phá hủy nông sản trị giá 50.000 shilling Kenya (460 đô la), mà cô dự kiến ​​sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng Bảy.

Cây cối mọc ở rìa nông trại của cô, nơi cô từng lấy thức ăn cho gia súc, cũng bị đàn châu chấu làm cho xơ xác. Không còn gì để nuôi gia súc, cô phải đưa chúng đến làng lân cận vốn chưa bị tấn công. Ở đó, cô ấy trả khoảng 100 shilling Kenya (chưa tới một đô la Mỹ) mỗi ngày cho chủ đất để gia súc của cô có cái ăn. Phân thải ra từ sáu con bò của cô phải để lại cho chủ đất như một khoản thanh toán thêm.

\”Tôi đã trải qua biết bao nhiêu là thử thách khi lớn lên trong cảnh mồ côi,\” Ndavu nói. \”Nhưng sự càn quét của châu chấu còn hơn cả thử thách. Đó là một vấn đề sống còn bởi vì nó đã khiến chúng tôi đói và không biết làm sao\”.

Cái giá của phòng vệ

Vào tháng 2/2020, báo chí địa phương đưa tin rằng bầy châu chấu bao phủ một diện tích 2.400 km vuông được ghi nhận ở miền bắc Kenya và có thể là bầy châu chấu lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nước này.

Tại làng của Ndavu, châu chấu bao trùm diện tích cây cối khoảng 20 km vuông khi chúng ào ạt tràn đến.

\"Getty

Cuộc càn quét đã gây hậu quả cho sức khỏe tâm thần ở làng Mathyakani.

Trong hơn một tuần của trận dịch, các con của Ndavu không thể đến trường. Chúng phải ở nhà để giúp cha mẹ chiến đấu với bầy châu chấu đổ bộ vào trang trại của họ.

Lúc đầu, Ndavu cho biết người lớn sử dụng các công cụ có sẵn tại chỗ tạo tiếng ồn để xua đuổi châu chấu cũng như nhóm lửa và đốt lốp xe. Trẻ con cũng được đưa ra để la hét trước đám châu chấu để làm cho chúng sợ bỏ chạy trước khi làng kịp sử dụng thuốc trừ sâu. m thanh đinh tai nhức óc và tiếng la hét đó đã để lại hậu quả lâu dài cho các con của cô.

\”Hầu hết các đêm tôi đều không ngủ đủ giấc,\” Ndavu nói. \”Lũ trẻ đánh thức tôi khi chúng bắt đầu la hét vào ban đêm. Khi tôi hỏi chúng có chuyện gì, chúng nói rằng chúng đang mơ thấy một đàn châu chấu khác càn quét đến nhà.\”

Peninah Nguli, một giáo viên từ một ngôi làng lân cận làng Mathyakani, cho biết thêm rằng phụ nữ đặc biệt bị ảnh hưởng.

Phụ nữ thường đảm đương việc trồng trọt trong vùng, trong khi nam giới trông coi gia súc. Nguli nói rằng một số phụ nữ đang mắc các chứng bệnh về cổ họng do sức ép phải hét lên để xua đuổi bọn châu chấu, trong khi hầu hết phụ nữ đều sợ sẽ có thêm đàn châu chấu khác.

Một trận châu chấu nữa thực sự có khả năng xảy ra, và nó có thể rất tai hại.

Một đợt bùng phát nữa sẽ khiến từ năm triệu đến 25 triệu người đối mặt nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng ở Đông Phi. Thêm 25 triệu người nữa sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Công cụ giúp chống chọi

Vào giữa tháng Hai, chính phủ Kenya thông báo họ đang tập trung các biện pháp can thiệp ở các khu vực có nhiều châu chấu ở phía bắc.

Các biện pháp can thiệp bao gồm phun thuốc trừ sâu thủ công và bằng máy bay, sau đó là triển khai các đội phản ứng để đánh giá thiệt hại do châu chấu gây ra.

Đánh giá này sau đó sẽ giúp chính phủ đưa ra kế hoạch về cách họ hỗ trợ sinh kế của người dân Kenya bị ảnh hưởng trong trận dịch châu chấu.

\"David

Kenya là một trong chín quốc gia hưởng lợi từ khoản tài trợ trị giá 1,5 triệu đô la do Ngân hàng Phát triển Châu Phi trao cho Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển vào tháng Tư để giúp Đông Phi và Vùng Sừng Châu Phi đối phó với cuộc càn quét của châu chấu.

Vào tháng Năm, Ngân hàng Thế giới đã phát thêm khoản trợ cấp 43 triệu bảng Anh để hỗ trợ 70.000 hộ chăn nuôi và 20.000 nông dân Kenya để giúp họ phục hồi sau nạn dịch.

Một cách mà số tiền này có thể được sử dụng để giúp những người nông dân như Ndavu là trang bị cho họ công nghệ để họ có thể chống lại các trận dịch châu chấu mới, ông Moses Muli, chuyên gia xã hội và bảo tồn vốn đã làm việc cho Action Aid, Kenya, được sáu năm, cho biết.

Tuyến phòng thủ đầu tiên là hóa chất trừ sâu, vốn có thể phân phát trong các gói ở mặt đất hoặc bằng máy bay.

Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, cách phòng thủ này đã trở nên khó khăn hoặc, ở một số nơi, không thể thực hiện được do chuỗi cung ứng hóa chất bị gián đoạn.

Và việc phun thuốc mặc dù là một trong những phương pháp hiệu quả hơn nhưng lại có chỗ không tốt: hóa chất được sử dụng có thể có hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Các giải pháp thay thế bao gồm sử dụng máy bay không người lái và lưới điện kim loại để kiểm soát đàn châu chấu.

Máy bay không người lái có thể được cho bay đủ thấp để phun hóa chất và giám sát mà không cần máy bay lớn có phi công.

Lưới điện có thể được giăng ra trên các cánh đồng để tạo ra rung động ở những chỗ trống để xua đuổi châu chấu và khiến cho bất kỳ con châu chấu nào chạm vào sẽ bị giật. Mặc dù các thử nghiệm lưới điện ban đầu đã thành công, chúng có thể phù hợp hơn với các đàn châu chấu nhỏ.

\"Getty

Một lựa chọn khác là sử dụng \’thuốc trừ sâu sinh học\’, dựa trên nấm Metarhizium acridum có khả năng lây lan và tiêu diệt châu chấu.

Thuốc trừ sâu từ nấm được cho là có hại cho ít loài hơn nhiều so với thuốc trừ sâu thông thường, và do đó có ít rủi ro hơn đối với môi trường và con người.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu dùng nấm ngăn chặn châu chấu cũng có thể gây hại cho các loài côn trùng khác hay không, chẳng hạn như mối.

Thuốc trừ sâu kiểu này cũng mất nhiều thời gian để tiêu diệt châu chấu hơn thuốc trừ sâu thông thường vốn có nguy cơ gây hại mùa màng nhiều hơn.

Nhưng có một số biện pháp bảo vệ quan trọng cần phải được thực hiện trước khi đàn châu chấu đến.

Các trạm cảnh báo thời tiết từ xa trong các nông trại cũng có thể giúp nông dân chuẩn bị cho các cuộc càn quét của châu chấu trong tương lai.

Châu chấu thường sinh sôi khi mưa lớn theo sau hạn hán kéo dài, Muli nói. Các trạm thời tiết từ xa có thể giúp thu thập các dữ liệu cho biết về những biến đổi thời tiết như vậy và cho nông dân có thời gian để bắt đầu phun thuốc sớm.

Đối với Munyithya Kimwele, một nông dân ở Mathyakani, đầu tư vào công tác dự báo là lựa chọn tốt nhất để các hộ dân chuẩn bị cho các trận châu chấu trong tương lai.

\”Từ lâu lắm những dự báo truyền thống đã giúp các làng mạc chuẩn bị cho các cuộc xâm lăng của châu chấu. Đây là cách can thiệp tốt nhất mà chính phủ có thể làm cho những người nông dân nghèo như chúng tôi,\” Kimwele nói.

\"Getty

Ở những làng như Mathyakani, vốn không phải là khu vực ưu tiên để phun thuốc hoặc hỗ trợ của chính phủ, nông dân đang thực hiện các bước phục hồi bằng cách đa dạng hóa cây trồng.

Thay vì dựa vào các loại cây trồng truyền thống như ngô và đậu đũa vốn dễ bị châu chấu tấn công hơn, ngày càng có nhiều nông dân đầu tư vào cây ăn quả và rau củ.

Điều này đã làm được nhờ vào các dự án thủy lợi trong làng mà Action Aid Kenya thực hiện vào năm 2009 với sự hợp tác của một số nông dân.

Khoảng 40 hộ gia đình sinh sống dọc theo con sông theo mùa Enzio đã được huy động tham gia dự án vốn giúp họ trồng cải bắp, cà chua, cải xoăn và ớt chuông trong số nhiều loại cây trồng khác bằng cách đào một loạt miệng nước dọc bờ sông.

Nguli cho biết rằng những nông dân này không bị điêu đứng vì nạn châu chấu như các hộ dân chỉ trồng ngô, đậu xanh và đậu đũa.

\”Những gia đình đói khổ từ các làng lân cận đến nhờ chúng tôi giúp đỡ và chúng tôi đã cho họ thức ăn,\” Nguli cho biết. \”Chúng tôi cũng chỉ cho họ cách tận dụng dự án thủy lợi và thiết lập các khu vườn bếp để bảo vệ họ trước những cú sốc lương thực trong tương lai.\”

Dự đoán dịch châu chấu

Câu hỏi liệu Vùng Sừng Châu Phi có thể gặp phải nạn châu chấu tồi tệ hơn trong tương lai hay không là một câu hỏi khó trả lời, theo Ezra Kipruto Yego, điều phối viên Mục tiêu Phát triển Bền vững của Mạng lưới các Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Yego nhận thấy có thể có mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch châu chấu ở Đông Phi.

Ví dụ, khi các cơn bão từ Ấn Độ Dương hồi năm ngoái đổ bộ, chúng có thể đã tạo ra một môi trường hấp dẫn cho châu chấu tràn vào khu vực từ các điểm sinh sôi của chúng ở Trung Đông, ông nói.

\”Châu chấu không có khả năng biến mất sớm. Điều này là do thời tiết thất thường gây mưa kéo dài đã tạo cho chúng đủ cây cỏ để chúng tiếp tục có thức ăn và sinh sản,\” Yego nói.

\"Getty

Một thách thức lớn khác trong việc kiểm soát châu chấu ở Đông Phi là bất ổn chính trị.

Chẳng hạn, Yego nói, các cơ quan Liên Hiệp Quốc cam kết chiến đấu với châu chấu hiếm khi mạo hiểm đưa nhân viên của họ đến các quốc gia như Somalia, nơi thường xuyên bị các chiến binh al-Shabab tấn công.

Do đó, khi một quốc gia như Kenya có tiến triển trong việc kiểm soát châu chấu, những con châu chấu đã sinh sôi ở các quốc gia kém ổn định về chính trị thường tràn qua biên giới vào các nước khác.

Yego nói rằng điều này khiến xây dựng hòa bình quốc tế và ổn định chính trị trở thành một nội dung quan trọng trong việc đối phó với nạn châu chấu.

Cho đến khi các giải pháp quốc tế quy mô lớn như vậy có thể thực hiện được, người dân Mathyakani đang nỗ lực áp dụng và xây dựng khả năng phục hồi sau dịch châu chấu, Ndavu cho biết.

Nhưng đồng thời luôn có mối đe dọa sẽ xuất hiện đàn châu chấu khác. Những con châu chấu trong những đợt tấn công gần nhất đã đẻ trứng trong vùng, vốn có thể nở vào cuối năm gần thời điểm thu hoạch.

Gần đây, người ta thường thấy những đàn châu chấu non nhảy chung quanh làng. Họ phun thuốc trừ sâu vào chúng, và đôi khi chúng chết hoặc biến mất.

\”Tôi biết chuyện này vẫn chưa kết thúc đâu,\” Ndavu nói.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Bài Liên Quan

Leave a Comment