Nước Nga có định mệnh đi con đường Á-Âu?
- Nguyễn Giang
- BBC News Tiếng Việt
6 giờ trước
Các vấn đề nảy sinh xung quanh biểu tình ở Belarus gần đây nêu lại một số câu hỏi \”thường trực\” về địa chính trị và biên giới gần cũng như định nghĩa vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga.
Một số nhà quan sát, như George Friedman, cho rằng với Nga, quốc gia không có biên giới tự nhiên (núi cao, biển, sông lớn…) ngăn cách với Trung Âu và Tây Âu, nên đã coi Ukraine và Belarus là vùng đệm tự nhiên về an ninh.
Vì thế, việc Nato mở rộng sang phía Đông, nhận Ba Lan, Bulgaria (nước truyền thống văn hóa gần Nga), và ba nước Baltic thuộc Liên Xô cũ, Lithuania, Latvia, Estonia… đã \”gửi ra tín hiệu đỏ\” với Kremlin.
Đến khi xảy ra chính biến tại Kiev sau biểu tình Maidan (2014), tình hình trở nên căng thẳng đột ngột với chính giới Nga, theo nhãn quan địa chính trị và an ninh khu vực của họ.
Chủ nghĩa Á-Âu
Các phản ứng của Nga giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, qua cuộc chiến Chechnya, xâm lăng Georgia (2008), các động tác ở vùng Baltic và Bắc Âu, tới Maidan có thể giải thích được phần nào qua một logic trong tư duy của chính trị Nga, thể hiện qua \’chủ nghĩa Á-Âu\’ (Eurasianism).
Gần đây là lo ngại về chuyển biến ở Minsk khiến phe hữu Nga nhắc lại cáo buộc truyền thống rằng Ba Lan là một thứ \’Slavơ phản bội\’ và quá khứ của Liên minh Ba Lan-Lithuania đang muốn \’phục thù lãnh thổ\’ qua can thiệp vào Ukraine và Belarus.
Các ý tưởng đó ít nhiều có gốc gác từ quan niệm về vị trí và sứ mệnh Á-Âu đặc thù, khác Phương Tây của Nga.
Trong cuộc cạnh tranh này, Phương Tây thường bị cho là dùng các nước nhỏ trong vùng nhằm phá hoại, cản trở người Nga đạt vị thế xứng đáng với nền văn hóa lớn của họ.
Từ 2010, Nga cùng Belarus và Kazakhstan đã lập ra Liên minh Thuế quan Á-Âu, đánh dấu một bước chuyển biến mới trong việc \’quản trị chung\’ không gian hậu Xô-Viết. Năm năm sau đó, ba nước này cho khai sinh Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) với Nga đóng vai trò chính.
Song hành với dự án kinh tế – chính trị này là dòng tư tưởng tân Á-Âu.
Năm 2014, cuốn sách \’Sứ mệnh của chủ nghĩa Âu -Á mới\’ (Eurasian Mission: An Introduction to Neo-Eurasianism) của Alexander Dugin được xuất bản.
Ông Dugin, nhà triết học từ Đại học Moscow, \’người thầy tư tưởng của Putin\’ coi chính trị châu Âu và quốc tế là cuộc đối đầu \’truyền kiếp\’ của hai phái, Á-Âu (Eurasianists) và Đại Tây Dương (Atlanticists).
Ta hãy xem chủ nghĩa Á-Âu (Eurasianism) được diễn tả ra sao qua chính lời vị guru, người giải thích được cục diện địa chính trị của Nga hiện nay.
\’Sự Thật\’ kiểu Nga
Đầu tiên là việc định hình về chính sách thông tin, và câu hỏi Sự Thật ở đâu.
Nhà báo BBC, Gabriel Gatehouse hồi tháng 10/2016 đã gặp ông Alexander Dugin và viết rằng tư tưởng của ông được các \’tín đồ\’ áp dụng vào việc diễn giải một Sự Thật khác chuẩn quốc tế:
\”Sự Thật được đem vào phụng sự cho tính toán chính trị. Để hỗ trợ cho chuyện \’đi dây\’ này, một mô hình triết lý được xây đắp và nhà kiến trúc hàng đầu của nó là Alexander Dugin. Lý thuyết gia này bị Hoa Kỳ áp dụng lệnh trừng phạt vì cáo buộc rằng ông ta dính líu tới cả vụ sát nhập Crimea và cuộc chiến của Nga ở Đông Ukraine.\”
\”Đón tôi tại đài truyền hình riêng chuyên về tôn giáo của mình ở gần Kremlin, ông nói: \’Sự Thật hay không, đó là câu hỏi của chuyện tin vào cái gì mà thôi.\”
\”Thời hậu hiện đại cho thấy mọi thứ gọi là \’Sự Thật\’ chỉ là vấn đề ai tin hay không. Nếu chúng ta tin vào điều chúng ta làm, chúng ta tin vào điều chúng ta nói, thì đó là cách duy nhất để định nghĩa sự thật. Và ở Nga chúng tôi có Sự Thật kiểu Nga mà các vị cần phải chấp nhận.\”
\”Về cơ bản, triết học của Dugin, có tên là \’chủ nghĩa Á-Âu\’, cho rằng nước Nga Chính Thống giáo không phải Phương Đông, cũng không phải Phương Tây mà là một nền văn minh riêng, độc đáo. Đây là một không gian riêng, một vị trí riêng giữa các cường quốc tên toàn thế giới. Tư tưởng của Dugin đã và đang tác động mạnh đến giới ưu tú Nga, cả chính trị và quân sự.\”
Tìm lại gốc tích tạo nên \’tính đặc thù\’ Nga
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên giới cầm quyền Nga thấy cần có một học thuyết giải thích tính đặc thù địa lý và văn hóa của nước họ, và Alexander Dugin không phải người sáng tạo ra thuyết Á-Âu cho Nga.
Thuyết Á-Âu nói rằng 700 năm về trước, cuộc xâm lăng của Mông Cổ kết hợp với các nhân tố bản địa đã sản sinh ra đặc trưng của nhà nước Nga, với việc hình thành ý thức dân tộc, phát triển Giáo hội Chính thống và thống nhất các lãnh địa, tạo nên nhà nước Nga.
Sau đó, sự lan tỏa và thu nạp các yếu tố văn hóa khác tạo ra dàn giao hưởng Eurasia, có cả Chính thống giáo, Hồi giáo và cả Phật giáo.
Thuyết này từng được Hoàng thân Nikolai Trubetskoi (1890-1938) cổ vũ ngay vào giai đoạn hậu Thế Chiến I với mong muốn Cách mạng Nga 1917 phục hồi trở lại không gian Á-Âu của Nga.
Trubetskoi tin rằng Nga không thể, và không nên chỉ là một quốc gia như Anh, Pháp, Đức… mà có vai trò ngang hàng một nền văn minh như cả Châu Âu cộng lại, hoặc như Trung Hoa, Ấn Độ.
Từ đầu Thế kỷ 19 đã có một tên tuổi khác ảnh hưởng lớn tới việc định hình một hệ tư tưởng đặc thù Nga, khác châu Âu: sử gia Nikolai Karamzin.
Được Sa hoàng Alexander I giao cho việc soạn bộ sử đồ sộ \’Lịch sử Nhà nước Nga\’, ông đã lãng mạn hóa quan hệ xã hội lạc hậu, truyền thống của nông thôn Nga.
Ông bác bỏ các nỗ lực \”nực cười\” nhằm Âu hóa xã hội Nga và khẳng định truyền thống nông nghiệp và niềm tin Chính Thống giáo mới là sức mạnh và sự cứu rỗi cho tâm hồn Nga.
Theo một số đánh giá thì ông đã cắt đứt cả thế kỷ Nga làm cậu học trò của châu Âu (thời Peter Đại đế và Catherine Đại đế), và đẩy Nga về phía Đông.
Bộ \’Lịch sử nước Nga\’ (History of the Russian State) gồm 12 tập của Karamzin có ảnh hưởng đến tất cả các nhà lãnh đạo Nga về sau.
Tính đặc thù của Nga còn được khẳng định bởi sự thành công của cuộc Cách mạng Cộng sản 1917.
Người cùng quê Simbirsk của sử gia Nikolai Kazamrin là Vladimir Ulyanov (Lenin) đã bác bỏ tính tất yếu của cách mạng XHCN ở một nước phát triển cao tại Tây Âu, theo thuyết Marxist truyền thống, để làm được cuộc cách mạng tại quốc gia lạc hậu là Nga.
Cuộc can thiệp của các nước châu Âu vào Nội Chiến Nga sau đó khiến Liên Xô càng không tin vào một trật tự châu Âu chung với Phương Tây.
Sau Chiến tranh Lạnh, ngoài một giai đoạn ngắn \”hào hứng với Phương Tây\” của Boris Yeltsin, nước Nga của Vladimir Putin quay về với quỹ đạo Á-Âu.
Với tiềm lực kinh tế sụt giảm, vùng ảnh hưởng thu hẹp, nhân khẩu sụt nhanh, việc Nga chọn theo chủ nghĩa Á-Âu và vị thế đối lập với văn minh Phương Tây còn là do hoàn cảnh quyết định.
Cùng thời gian, nhà nghiên cứu Andreas Umland cho rằng \’chủ nghĩa Á-Âu\’ của Dugin về bản chất mang tính cô lập và đề cao tư duy cực hữu thượng đẳng sắc tộc (da trắng), gần với nhóm Alt-Right ở Hoa Kỳ.
Trước mắt, Alexander Dugin khẳng định nước Nga đã có vị thế của mình ở khu vực Á-Âu và sẵn sàng thách thức trật tự Âu-Mỹ hiện thời.
Ông nói với phóng viên BBC rằng \”hãy cứ để chiến tranh xảy ra đi\” ở Syria, Ukraine rồi kết quả của nó sẽ quyết định \”ai lãnh đạo thế giới\”.
Cho đến nay khó có thể đánh giá \’thành công\’ của Nga trong các cuộc chiến nói trên.
Vào lúc này, khủng hoảng chính trị ở Belarus đang làm bộc lộ hạn chế của liên minh Á-Âu mà Nga đóng vai trò đàn anh, trợ giá năng lượng cho Belarus, nước nghèo hơn và ít dân hơn.
Tương lai vùng châu Âu của Nga xem ra vẫn tiếp tục chịu tác động từ bên ngoài không hẳn theo ý Kremlin.
Đây là khu vực địa chính trị mà nhà bình luận người Nga, Dmitry Shlapentokh, viết trên trang imrussia.org hồi tháng 4/2020 rằng không một quốc gia châu Âu nào có thể \”hoàn toàn thống trị\”, trong khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ chỉ tăng lên chứ không giảm đi.