Nghi án Navalny bị đầu độc: NATO họp, Liên Âu đe dọa trừng phạt Nga

Nghi án Navalny bị đầu độc: NATO họp, Liên Âu đe dọa trừng phạt Nga

Đăng ngày: 04/09/2020

\"Ảnh
Ảnh minh họa : Trụ sở NATO tại Bruxelles. AFP – JOHN THYS

Trọng Thành5 phút

Áp lực phương Tây với Nga gia tăng. Khối NATO họp hôm nay, 04/09/2020, tại Bruxelles, Bỉ. Cáo buộc của Đức về việc nhà đối lập Nga bị đầu độc nằm trong lịch trình thảo luận. Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Matxcơva điều tra, và lần đầu tiên nêu khả năng sẽ có các trừng phạt.

Hãng tin AFP, trong bản tin tối hôm qua, 03/09, cho biết một phát ngôn viên của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO thông báo là hồ sơ nhà đối lập Nga bị đầu độc sẽ được thảo luận tại hội nghị của khối. Trong cuộc trả lời báo giới trưa ngày hôm qua, tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, vẫn chưa cho biết cụ thể về nội dung cuộc họp cấp đại sứ này.  

Hôm qua, chính quyền Đức đã thông báo với 29 thành viên NATO về « các bằng chứng rõ ràng », là nhà đối lập 44 tuổi, đối thủ số một của tổng thống Putin, bị đầu độc bằng chất Novitchok. Đây là một chất độc thần kinh do giới quân sự kiểm soát, đã từng được sử dụng vào năm 2018 trên lãnh thổ Anh quốc, trong vụ mưu sát cựu điệp viên Nga Sergei Skripal. 

Hôm qua, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu ra thông cáo yêu cầu chính quyền Nga « làm mọi việc trong khả năng để tiến hành minh bạch một cuộc điều tra đầy đủ về vụ ám sát này ». Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu Joseph Stoltenberg nhấn mạnh : « Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi một phản ứng quốc tế phối hợp, và sẽ xem xét có các biện pháp thích ứng, kể cả các trừng phạt ».

« Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Liên Bang Nga hợp tác đầy đủ với Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học (OIAC), để bảo đảm có một cuộc điều tra quốc tế không thiên vị ». Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo châu Âu nêu ra khả năng trừng phạt Nga trong nghi án nhà đối lập bị đầu độc. Hôm qua, Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học cho biết « rất quan ngại », sau tuyên bố chính thức của Berlin, về việc nhà đối lập bị đầu độc bằng chất Novitchok, và thông báo « sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên làm sáng tỏ vụ việc, khi được yêu cầu ». 

Riêng tại Đức, áp lực gia tăng buộc chính quyền thay đổi chính sách với Matxcơva. Thông tín viên Nathalie Versieux tường trình từ Berlin : « Lên án và giữ khoảng cách về chính trị, nhưng lại phụ thuộc về năng lượng…

Nước Đức vốn duy trì một chính sách đi dây với Nga. Cộng Hòa Liên Bang Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Kể từ thời thủ tướng Willy Brandt và chính sách Hướng Đông (Ostpolitik) của ông trong những năm 1970, lập trường chủ đạo của Berlin trong quan hệ với Matxcơva là bình thường hóa. Chính sách này tiếp tục được tất cả những người kế nhiệm thủ tướng Brandt theo đuổi, dù là Kohl, Schroder hay Merkel.Tuy nhiên, lập trường này ngày càng bị phản đối tại Đức, kể từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée, cũng như liên tục xảy ra các vụ đầu độc nhắm vào những nhà đối lập với tổng thống Nga Putin.Giờ đây, một trong những người đối lập tiềm năng của thủ tướng Merke, chính trị gia Nobert Rottgen, một chuyên gia về ngoại giao, thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, đã yêu cầu Berlin chấm dứt việc phụ thuộc vào khí đốt Nga. Chủ tịch của Diễn đàn An ninh Munich, ông Wolfgang Ischinger, cũng đòi hỏi như vậy. Tranh luận đã bắt đầu. Cuộc tranh luận hứa hẹn sẽ quyết liệt.

Tại Đức có nhiều nhóm vận động hành lang của Nga hoạt động, trong giới doanh nhân, cũng như trong các đảng phái chính trị, từ đảng cực hữu cho đến đảng Xã hội Dân chủ, cũng như đảng Bảo thủ, đặc biệt là trong phe Bảo thủ bangBayer ». 

Về phần mình, hôm qua, Matxcơva một lần nữa bác bỏ mọi khả năng Nhà nước Nga can dự vào một vụ đầu độc như vậy, và kêu gọi phương Tây « không đưa ra các cáo buộc vội vã ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment