Triệu tập tòa án độc lập xem xét tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ

Triệu tập tòa án độc lập xem xét tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ

  • Alexander Zhang
  • Thứ Sáu, 04/09/2020 

Vừa qua, luật sư Anh quốc Geoffrey Nice, người từng chủ trì tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, đã công bố tiếp tục triệu tập một tòa án độc lập khác để xem xét liệu tội ác của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ có cấu thành tội danh diệt chủng hay tội danh chống lại loài người hay không.

Ông Geoffrey Nice là một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

\"Triệu
Ông Geoffrey Nice (giữa) và 2 thành viên Ban bồi thẩm đoàn của một Tòa án độc lập khác tại London hôm 6/4/2019 (Ảnh: Simon Gross)

Mới đây, ông Geoffrey Nice đã nhận được yêu cầu của Nghị viện Duy Ngô Nhĩ Thế giới (World Uyghur Congress), một tổ chức do người Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở bên ngoài Trung Quốc sáng lập, nhằm điều tra các cáo buộc về việc chế độ Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và người Turk tại Tân Cương. Theo đó, ông Geoffrey Nice sẽ đứng ra triệu tập một tòa án độc lập để xem xét việc ĐCSTQ đàn áp người dân tại Tân Cương cùng các cáo buộc liên quan tới tội ác diệt chủng và chống lại loài người.

“Hiện tại, bằng chứng có sức nặng nhất là việc hỏa thiêu và có thể là việc cưỡng chế triệt sản”, ông Geoffrey Nice nói với hãng AP về cuộc đàn áp của ĐCSTQ tại Tân Cương.

Theo Ủy ban về Trung Quốc (CECC) của Hoa Kỳ và thông tin từ Liên Hiệp Quốc, khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số khác tại Tân Cương đã bị bắt vào các trại tập trung được chế độ gọi là các cơ sở cải tạo. Tại đây, theo nhiều nhân chứng, người Duy Ngô Nhĩ phải đối mặt với việc bị tra tấn, cưỡng hiếp, thu hoạch nội tạng. Họ cũng bị buộc phải từ bỏ đức tin và thề trung thành với ĐCSTQ.

Trong khi đó, cả bên trong lẫn bên ngoài trại tập trung, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức triệt sản, cưỡng ép phá thai, ép buộc kế hoạch hóa gia đình, và thậm chí ép sống chung với đàn ông người Hán.

Hôm 20/7, sau khi một báo cáo về việc ĐCSTQ cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ triệt sản được công bố, nhật báo Libération của Pháp đã có một cuộc phỏng vấn với một nhân chứng đang tị nạn tại châu Âu là bà Qelbinur Sidik Beg. Người phụ nữ này đã đưa ra nhiều lời chứng thực tế về hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại tập trung.

Đặc biệt là việc bà từng chứng kiến cảnh 10.000 phụ nữ trí thức là sinh viên du học ở Hàn Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, châu Âu hoặc Hoa Kỳ, bị bắt giam khi về nước thăm gia đình. Những người phụ nữ này bị giam giữ trong hoàn cảnh tệ hại, hôi thối, không có cả nhà vệ sinh. Họ bị lấy máu hàng tuần, bị buộc phải uống thuốc không rõ nguồn gốc, bị tra tấn đến nỗi phải cưa tay hoặc chân, và một số khác trở nên điên loạn. Mỗi ngày đều có bốn, năm người bị gọi lên để các cán bộ hiếp dâm tập thể, đôi khi dùng dùi cui điện cho vào chỗ kín và hậu môn, và bị buộc phải uống thuốc tránh thai.

Ông Geoffrey Nice cho biết, riêng việc cưỡng bức triệt sản của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ đã vi phạm Hiệp ước Chống và Trừng phạt Tội Diệt chủng của Liên Hiệp Quốc.

Được biết, năm 2018, nhận được sự ủy thác của Liên minh Quốc tế chống Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC), ông Geoffrey Nice từng thành lập một tòa án độc lập tại London để đánh giá các cáo buộc về tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Trung Quốc.

Sau 1 năm điều tra và thu thập lời chứng, thay mặt tòa, ông Geoffrey Nice đã công bố: “Chúng tôi chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn… bởi các tổ chức và cá nhân do nhà nước tổ chức và cho phép.”

Nạn nhân của tội ác này là những tù nhân lương tâm, chủ yếu là người tập Pháp Luân Công, nhưng đã lan sang người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp tại Tân Cương trong một vài năm gần đây.

Kể từ khi phán quyết tạm thời được công bố, nó đã trở thành một nền tảng quan trọng để cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên tiếng về tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc.

Theo Epoch Times
Tác giả: Alexander Zhang
Minh Nhật biên tập

Bài Liên Quan

Leave a Comment