02/09/1945: Vì sao Liên Xô không công nhận VNDCCH?
2 tháng 9 2019
Một trong những vấn đề của lịch sử Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945 là không một đại cường nào thuộc phe Đồng Minh thắng trận công nhận chính phủ Hồ Chí Minh.
Trước đó, chính phủ Đế quốc Việt Nam với thủ tướng là Trần Trọng Kim năm 1945 cũng không được Đồng Minh công nhận.
Các nước lớn khi đó tập trung vào việc làm gì với Pháp và quyết tâm phục hồi chủ quyền của Paris ở cựu thuộc địa Đông Dương.
Moscow, Washington, London đã coi vấn đề của các lực lượng bản địa ở châu Á nói chung, và Việt Minh nói riêng, là thứ yếu so với chính sách lớn hơn của họ.
Không ưa Pháp nhưng vẫn ủng hộ Pháp
Tư liệu từ hội đàm tại Tehran, trong hội nghị ba đại cường Mỹ, Anh, Liên Xô 28/11/1943 cho thấy Moscow và Washington đã khá đồng quan điểm ban đầu về Pháp trong và sau chiến tranh.
Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt không muốn Pháp quay lại chiếm Đông Dương, còn Stalin thì nói thẳng ra là quân Đồng Minh không nên đổ máu ở chiến trường đó.
Vào thời điểm diễn ra Hội nghị Tehran năm 1943, Đông Dương vẫn nằm trong tay đế quốc Nhật.
Hai nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ thậm chí còn chia sẻ cách nhìn coi thường người Pháp.
Trong tài liệu có nội dung nêu trên do Thomas G. Paterson và Dennis Merrill biên tập và ấn hành năm 1995, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt nhắc lại với Nguyên soái Stalin điều ông nghe được từ thủ tướng Anh, Winston Churchill.
Quan điểm của Churchill là nước Pháp sẽ nhanh chóng được tái thiết để trở thành quốc gia mạnh.
Roosevelt nói với Stalin ông không nghĩ như vậy mà cho rằng \”Pháp cần nhiều năm làm việc cực nhọc để phục hồi vị trí\”.
\”Điều cần thiết, cho cả người dân, và chính phủ Pháp, là trở thành các công dân trung thực.\”
\”Nguyên soái Stalin đồng ý và còn nói thêm rằng ông không hề đề nghị để quân Đồng Minh phải đổ máu nhằm phục hồi Đông Dương cho chế độ thực dân cũ là Pháp\”, tài liệu trích thuật lại lời nhà lãnh đạo Liên Xô.
\”Stalin cũng nói điều quan trọng là không chỉ đánh quân Nhật về quân sự, mà cần chống lại Nhật về chính trị, do Nhật đã trao độc lập, tuy chỉ là hình thức thôi, cho một số vùng thuộc địa. Ông nhắc lại rằng Pháp không thể được cho phép giành lại Đông Dương, và người Pháp phải trả giá cho sự hợp tác tội phạm (criminal collaboration) với Đức.\”
\”Tổng thống Roosevelt nói ông đồng ý 100% với Nguyên soái Stalin và nêu ý kiến rằng sau 100 năm Pháp chiếm Đông Dương, người dân ở đó có cuộc sống tệ hơn trước.\”
Thế nhưng Moscow và Washington đã dần thay đổi quan điểm về Đông Dương.
Trước khi phát-xít Đức đầu hàng quân Đồng Minh ở châu Âu và trước lúc Nhật Bản thua trận, vào tháng 4/1945, Roosevelt qua đời.
Tổng thống kế nhiệm, Harry Truman lên cầm quyền và thay mặt Hoa Kỳ dự hội nghị Potsdam đề bàn về tình hình thế giới hậu chiến, gồm cả vùng Đông Á.
Chính phủ Pháp tự do của tướng Charles de Gaulle đã vận động ráo riết để Hoa Kỳ hỗ trợ nhằm giành lại các thuộc địa.
Dù không được dự hội nghị Potsdam, Pháp vẫn đề nghị để quân của họ giải giáp quân Nhật ở Đông Dương nhưng bị từ chối.
Các đại cường để quân Anh vào Việt Nam giải pháp quân Nhật ở dưới vĩ tuyến 16, và nhiệm vụ tương tự phía Bắc giao cho Trung Hoa Dân quốc (Đồng Minh chống Nhật).
Theo sử gia David Marr, sự hiện diện của chính quyền Việt Minh năm 1945 tại Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đặt ra một vấn đề khó khăn cho các đại cường.
Vào tháng 4/1945, Hoa Kỳ đề nghị để lập chế độ ủy trị (trusteeship) với Việt Nam nhưng bị Pháp kịch liệt phản đối.
Mỹ có thái độ không hoàn toàn rõ ràng và để Anh giúp Pháp quay lại Đông Dương.
Anh đã chuyển quân trang quân dụng trên đường từ Ấn Độ về châu Âu cho Pháp để tướng Leclerc chuẩn bị quay lại Sài Gòn.
Liên Xô có vai trò rõ ràng ở hơn Triều Tiên vì nhận nhiệm vụ giải pháp quân đội Nhật ở phía Bắc vĩ tuyến 38.
Với Stalin, châu Á là Đông Bắc Á, Trung Á và Mông Cổ, còn tại Đông Dương, Moscow không thấy có quyền lợi gì để công nhận chính phủ Hồ Chí Minh.
Trong cuốn \’Vietnam: State, War, and Revolution (1945-1946)\’, David Marr viết rằng Stephane Solovieff, đại diện của Liên Xô ở Hà Nội đã gặp Hồ Chí Minh và biết ông Hồ là một \’đồng chí cộng sản\’.
Nhưng ông Solovieff, người thạo cả tiếng Anh, Pháp, và Nhật, muốn giữ quan hệ trung dung, tốt đẹp với tất cả các bên: Nhật, Hoa, Việt Nam và Pháp.
Vẫn theo David Marr, ông Solovieff nói với thiếu tá OSS của Hoa Kỳ Archimedes Patti, người từng tuyển ông Hồ Chí Minh cho công tác tình báo theo dõi quân Nhật ở Đông Dương, rằng nước Nga Xô Viết \”cần thời gian để phục hồi, tái thiết trước khi xác định vị thế ở Đông Nam Á\”.
Người Liên Xô này còn nói rằng theo ông \”Người Pháp rất cần có mặt để dẫn đạo giúp cho người Việt Nam đi đến chỗ có khả năng tự chủ (self-government)\”.
Không chỉ như vậy, từ đầu năm 1946, Solovieff cộng tác chặt chẽ với đại diện của Pháp, Jean Sainteny, người đã giúp ông ta đi tàu thuỷ về Paris.
Theo bài của Merle Pribbenoff được Trung tâm Wilson lưu trữ thì Liên Xô cũng không trợ giúp Việt Minh chút gì về an ninh, tình báo dù có cử an ninh sang.
Các tài liệu của Anh cho hay khi quân Anh vào Sài Gòn, họ bắt được một người Liên Xô hoạt động tình báo tại đó.
Theo Pribbenoff, điều trớ trêu là các nhân vật chủ chốt của an ninh tình báo Việt Minh như Trần Hiệu, Lê Giản đều \”học nghề\” từ tình báo Mỹ và một đại tá Nhật đi theo Việt Minh.
Có vẻ như những gì Solovieff nói và làm không chệch ra khỏi đường lối chung của Moscow khi đó, đặt các vấn đề châu Âu lên cao hơn Đông Dương.
Tháng 12/1944, Moscow đã ký với phe kháng chiến Pháp một hiệp ước, tương tự với Anh, coi Pháp có vị thế \”đồng minh của Liên Xô cùng chống Đức phát-xít\”.
Có giá trị 20 năm, hiệp ước này nhằm xóa bỏ mọi đe dọa từ Đức, thỏa thuận các vấn hậu chiến ở châu Âu, liên quan nhiều đến Đức, biên giới Tây Âu ở Bỉ, Hà Lan…
Một số nhà nghiên cứu tin rằng sự ủng hộ không có gì của Liên Xô cho chính thể VNDCCH có lý do cá nhân, rằng với họ, với ông Hồ chưa \’đủ chất cộng sản\’.
Tuy nhiên, ý kiến này có vẻ không đúng nếu ta nhìn vào sự thiếu vắng ủng hộ của Liên Xô dành cho một quốc gia lớn hơn Việt Nam là Indonesia.
Theo Guy Faulker viết trên Foreign Affairs (The Soviet Challenge in Indonesia), sau khi người Indonesia tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan (17/08/1945), Moscow chỉ ủng hộ họ tại Liên Hiệp Quốc trên nguyên tắc \”chống chủ nghĩa đế quốc\”.
Trên thực tế, Moscow quan tâm nhiều hơn về quan hệ với Hà Lan ở châu Âu, và không công nhận chính phủ Sukarno ở Jakarta, dù ông Sukarno nhiều lần kêu gọi.
Báo chí Liên Xô còn phê phán tổng thống Sukarno là \”tư sản\’ và đặt hy vọng và cuộc khởi nghĩa bất thành tháng 9/1948 (sự kiện Madiun – \’Cộng hòa Xô Viết Indonesia\’) của đảng cộng sản địa phương.
Rút cục, Liên Xô không giúp cho cả Đảng Cộng sản Indonesia lẫn chính phủ Sukarno.
Sự công nhận Indonesia chỉ đến đầu năm 1950, sau khi Indonesia đã ký thỏa thuận chuyển chủ quyền từ Hà Lan cuối 1949.
Điều lạ là Liên Xô công nhận chính quyền Indonesia theo yêu cầu của Hà Lan và sau cả Mỹ và Anh.
Muốn theo Liên Xô nhưng chỉ thấy Pháp và Trung Quốc
Nếu như Liên Xô không muốn dính vào Đông Dương về mặt nhà nước, việc riêng với Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh lại được Moscow \’giao\’ cho Đảng Cộng sản Pháp quyết định.
Vấn đề là sau chiến tranh, Đảng Cộng sản Pháp tham gia liên minh cầm quyền và không hề mặn mà gì trong việc giúp ông Hồ Chí Minh giành lại độc lập toàn bộ.
Ước vọng của tướng Charles de Gaulle muốn giành lại các thuộc địa được cử tri Pháp rất ủng hộ và vẫn là động lực của các chính phủ Pháp kế nhiệm kể cả sau khi Charles de Gaulle từ chức tháng 1/1946.
Điều này khiến chủ tịch VNDCCH sau chuyến sang Pháp năm 1946 trở về thấy thất vọng về quan hệ cũ của ông với các \’đồng chí cộng sản Pháp\’, theo David Marr.
Một lối đi nữa cho chính quyền VNCDCH là kêu gọi lên Liên Hiệp Quốc.
Sau khi quân Anh vào Sài Gòn cuối 1945, sang tháng 1/1946, Hồ Chí Minh gửi thư cho Henri Spaak, chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đề nghị đưa vấn đề Việt Nam vào nghị trình bàn thảo, nhưng không nhận được trả lời.
Điều dễ hiểu là các cường quốc châu Âu đã ngồi trong Hội đồng Bảo an như Liên Xô, Pháp chống lại mọi cố gắng được công nhận của người Việt Nam.
Mỹ và Anh cũng có mặt trong Hội đồng Bảo an thì nghiêng về phía Paris.
Những khó khăn của chính phủ VNDCDH diễn ra trong bối cảnh dù không được Moscow ủng hộ, báo chí của Việt Minh tiếp tục ca ngợi Liên Xô và Stalin.
Một số tờ báo Việt Minh, kể cả ở các tỉnh, có bài ca ngợi xã hội Liên Xô và các tấm gương anh hùng Xô Viết.
Sang mùa hè 1946, cây bút của Đảng, ông Trần Huy Liệu bắt đầu có loại bài phân biệt rõ Liên Xô và Hoa Kỳ, \”với đường lối để VNDCCH cùng nhịp với Liên Xô\”, theo David Marr.
Cùng lúc, báo của phe dân tộc chủ nghĩa Việt Nam thì có các bài gọi Stalin là độc tài đỏ.
Mầm mống của cuộc đấu tranh ý thức hệ Quốc – Cộng đã bắt đầu từ đó giữa người Việt với nhau cho dù các đại cường chưa chú ý đến Việt Nam.
Vấn đề của VNDCCH với Liên Xô xem ra còn tiếp tục kể cả sau khi lực lượng Việt Nam đã lớn mạnh và được Moscow công nhận đầu 1950, theo Pribbenoff.
Stalin đã giao phó việc trợ giúp Hồ Chí Minh cho Mao Trạch Đông còn Liên Xô vẫn giữ khoảng cách với VNDCCH.
Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong \”chỉnh huấn, chỉnh quân\” để biến Việt Minh thành hệ thống chính trị Maoist, với nhiều di sản thể chế ở Việt Nam.
Tóm lại, sau 02/09/1945, ước vọng độc lập của người Việt Nam không được đặt vào nghị trình gì hết của các đại cường thắng trận, kể cả Liên Xô.
Những sợi dây ý thức hệ của Việt Minh với Đảng Cộng sản Liên Xô và Pháp không tác động được được tới tính toán quyền lợi lớn hơn của các đại cường châu Âu.
Những bài học này có thể vẫn còn ý nghĩa khi ta nhìn vào các diễn biến địa chính trị gần đây nhất, trong quan hệ Việt Nam với Nga, EU và Trung Quốc.