Chiến dịch cấm ứng dụng TQ của Ấn Độ là cơ hội cho các tập đoàn công nghệ Mỹ
05/09/2020
Hôm thứ Tư 2/9, Ấn Độ tuyên bố cấm 118 ứng dụng Trung Quốc kể cả games của Tencent và NetEase cũng như các dịch vụ của Baidu và Ant Group có liên hệ tới gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Alibaba.
Reuters trích dẫn Bộ Công nghệ Ấn Độ nêu lý do cho rằng những ứng dụng này là một mối đe dọa đối với an ninh và chủ quyền của Ấn Độ.
Trong một tuyên bố hôm 3/9, tập đoàn Tencent nói các ứng dụng của họ tuân thủ các luật bảo vệ dữ liệu của Ấn Độ, và rằng tập đoàn này sẽ làm việc với các chính quyền địa phương để làm sáng tỏ các chính sách của họ.
Lệnh cấm là động thái mới nhất của Ấn Độ chống các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ giữa cuộc đối đầu ở biên giới, nhưng gây khó khăn đặc biệt đối với giới trẻ Ấn Độ vốn vẫn dùng games như một cách để duy trì liên lạc với bạn bè trong khi các trường học đóng cửa vì virus Covid-19, theo Reuters.“Các công ty Trung Quốc đang học một bài học đau đớn. Đó là chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã cướp đi cơ hội kinh doanh của họ”.Abishur Prakash, một chuyên gia về địa chính trị thuộc Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF)
Lệnh cấm cũng là một đòn giáng xuống tập đoàn Tencent khi Game PUBG Mobile do công ty này phát triển, rất phổ biến ở Ấn Độ, bị cấm. WeChat cũng bị cấm ở New Dehli vào tháng Sáu, tiếp theo sau vụ đụng độ ở biên giới, giết chết 20 binh sĩ Ấn Độ. Thêm một game khác của Tencent, Arena of Valor, giờ cũng bị cấm ở Ấn Độ, gây tổn thất nặng nề.
Các vấn đề địa chính trị, như đối đầu với Ấn Độ tại vùng biên giới, đã dẫn tới chính sách cấm cửa trên toàn Ấn Độ đối với các công ty Trung Quốc, ông Abishur Prakash, một chuyên gia về địa chính trị thuộc Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF), một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto (Canada), nói:
“Các công ty Trung Quốc đang học một bài học đau đớn. Đó là chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã cướp đi cơ hội kinh doanh của họ”.
Nhưng cùng lúc, chiến dịch cấm công nghệ Trung Quốc mở cơ hội cho các khổng lồ công nghệ Mỹ hoạt động tại Ấn Độ, như Facebook và Apple, giới phân tích nói với đài CNBC.
Theo ông Prakash, cả Ấn Độ và Hoa Kỳ đều có thể tìm ra một giải pháp ‘đôi bên cùng có lợi’ trước tình thế này.
Thủ tướng Modi của Ấn Độ nhắm mục tiêu tự lực, từ quốc phòng tới thương mại điện tử. Các công ty Mỹ thì đang tìm kiếm vùng đất mới cho các sản phẩm công nghệ của họ”, ông Prakash nói.
Nhà phân tích nhận định rằng ít nhất là trong ngắn hạn, Washington và New Dehli có thể “cổ vũ cho một trong các quan hệ quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Nhưng về lâu về dài, Ấn Độ và Mỹ có thể lại ở trong vị thế cạnh tranh với nhau, như Mỹ và Trung Quốc ngày nay.”