Vụ Đồng Tâm: Ông Bùi Viết Hiểu là người chứng kiến cụ Kình bị bắn chết và chính ông cũng bị bắn xém chết
05/09/2020 | | 5,694Facebook1.7KTwitterEmail
Ông Bùi Viết Hiểu chứng kiến thấy ông Lê Đình Kình bị bắn chết bằng súng có gắn ống giảm thanh (“nòng súng to như cổ tay”) và “người bắn đứng trước cụ Kình khoảng 1m, nòng súng … nhắm thẳng vào ngực cụ Kình”. Nhưng theo bản Kết luận điều tra và bản Cáo trạng thì cụ Kình bị công an bắn hai phát từ phía sau lưng, cách chừng 2 – 2,5m.
Ngày 03-09-2020, các luật sư bào chữa cho 21/29 bị can trong vụ án Đồng Tâm đã gửi một Đơn Kiến nghị đến tòa án, đặc biệt trong đó có nêu ra một số lời khai của ông Bùi Viết Hiểu khi gặp luật sư trong trại tạm giam.
Ông Bùi Viết Hiểu nói với luật sư rằng cụ Lê Đình Kình bị bắn ngay trước mặt ông “người bắn đứng trước cụ Kình khoảng 1m, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực cụ Kình. Cụ Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác cụ Kình đi…”.
Cũng theo lời khai của ông Bùi Viết Hiểu khi gặp luật sư trong trại tạm giam thì sau khi bắn chết ông Lê Đình Kình, người ta soi đèn sáng và bắn 2 phát vào ông: 1 phát vào chân và một phát vào ngực. Việc ông Hiểu thoát chết là nằm ngoài dự tính của người bắn vì họ nhắm bắn vào tim nhưng đạn sượt xuống sườn và chạm nổ khiến ông Hiểu bị thủng 3 lỗ hành tá tràng, 2 lỗ đại tràng. Tới gần 11h trưa ngày 09/01/2020, sau thời gian chờ chết nhưng ông không chết mà rơi vào trạng thái hôn mê, tim mạch ngừng thì mới được đem đi cấp cứu.
Ông Bùi Viết Hiểu, hiện 77 tuổi, trước đây đã từng tham gia quân đội, là người có công với cách mạng, thường xuyên sinh hoạt tại Hội Cựu Chiến binh xã Đồng Tâm. Ông cũng là một đảng viên đảng CSVN thuộc đảng bộ xã Đồng Tâm.
Ngoài lời khai nêu trên của ông Bùi Viết Hiểu, trong đơn kiến nghị các luật sư còn nêu ra những điểm phi lý trong bản Cáo trạng và bản Kết luận điều tra:
Về hành vi của cụ Kình
Trang 13 Cáo trạng nêu: Cụ Kình đã nhiều lần có hành vi tấn công lực lượng chức năng: dùng tuýp sắt gắn dao nhọn tấn công làm sướt da một chiến sỹ, không xác định danh tính (lần 1), dùng tuýp sắt gắn dao nhọn tấn công một chiến sỹ khác nhưng không bị thương (lần 2), có thể là người ném lựu đạn từ trong phòng ra nhưng không nổ (lần 3)… do vậy, lực lượng chức năng đã phải bắn để tiêu diệt. Khi chết, tay phải cụ Kình vẫn cầm một quả lựu đạn chưa nổ.
Nếu xét theo dữ liệu mà Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đưa ra, việc tiêu diệt cụ Kình là cần thiết và đúng pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét lại thực tế rằng, kể từ sau khi bị đánh gãy chân vào năm 2017, cụ Kình chủ yếu ngồi xe lăn do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng. Thời gian sau này (khoảng vài tháng trước khi xảy ra sự kiện ngày 09/01/2020), cụ Kình đã không cần dùng tới xe lăn nhưng đi lại phải chống gậy; do vậy, việc cho rằng cụ Kình một tay giữ cây gậy sắt để giữ thăng bằng, một tay cầm dao tuýp để tấn công lực lượng chức năng là thiếu cơ sở thực tế.
Việc khẳng định cụ Kình cầm dao tấn công có thể chỉ là cơ sở để khẳng định việc bắn cụ là đúng quy định pháp luật mà thôi chứ việc chứng minh thực tế có thể xảy ra hay không bằng cơ sở khoa học cần phải thực nghiệm lại hiện trường.
Về cái chết của cụ Kình
Theo bản Kết luận điều tra số 210/KLĐT-PC01 (Đ3) ngày 05/6/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an TP Hà Nội và bản Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 ngày 24/6/2020 của VKSND TP Hà Nội thì cụ Kình bị bắn hai phát từ phía sau lưng, cách chừng 2-2,5m, nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy, hai vết thương phía trước ngực tròn nhỏ, không có xây xát nhưng hai vết thương sau lưng lớn hơn, bờ mép vết thương nham nhở chứng tỏ đạn được bắn từ hướng trực diện, từ trước ra sau và loại đạn là loại đạn chạm nổ nên vết thương đạn xuyên qua phía sau sẽ lớn hơn phía vào.
Việc suy luận này cũng trùng hợp với nội dung lời khai nêu trên của bị can Bùi Viết Hiểu. Như vậy, cần xác định rõ việc cụ Kình có thực sự thực hiện hành vi chống trả lực lượng chức năng hay không và việc bắn chết cụ Kình đã đúng quy định pháp luật hay chưa.
Về vết thương trên người bị can Bùi Viết Hiểu
Trong đơn kiến nghị gửi đến tòa án, các luật sư nhận định rằng, „trong bản Kết luận điều tra có nhắc tới bị can Bùi Viết Hiểu bị thương nhưng không xác định được cơ chế hình thành vết thương, còn bản Cáo trạng thì hoàn toàn không thấy nhắc tới nội dụng này“, do đó „cần xác định rõ rằng việc không nhắc tới các vết thương của bị can Bùi Viết Hiểu là sự cố tình lờ đi hay chỉ là sự cố, lỗi chủ quan về mặt nghiệp vụ; và dù cho nó xuất phát từ nguyên do gì thì cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời“.
Nhận xét của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương
Lời khai của ông Bùi Viết Hiểu khi gặp luật sư trong trại tạm giam cũng phù hợp với nhận xét của anh Trịnh Bá Phương, người có điều kiện tiếp xúc với vợ cụ Kình là bà Dư Thị Thành và tới tận hiện trường (nhà cụ Kình) tìm hiểu.
Anh Trịnh Bá Phương nói rằng, bản Cáo trạng được viết rất công phu, chi tiết nhưng có những chi tiết sai phạm nghiêm trọng sau:
1. Trang 15 mô tả cảnh ập vào phòng cụ Kình lần 1, cảnh sát có bắn một phát súng chỉ thiên từ phía cửa chính, có tìm cách đột nhập vào phòng cụ từ phía cửa sắt sau nhưng bị cụ chọc dao qua khe cửa làm sước tay, không mở được cửa và không nổ súng thêm một phát nào.
2. Trang 16 mô tả cụ Kình đứng quay lưng về phía tổ công tác, tay cầm lựu đạn, bị bắn 2 phát chết ngay và bị chó nghiệp vụ cắn vào đầu gối lôi ra ngoài.
3. Trang 29, kết luận pháp y thì cụ Kình bị giết bởi 2 viên đạn thẳng, chết do mất máu tối cấp.
Với 3 chi tiết này trong bản Cáo trạng, cơ quan điều tra muốn nói rằng cụ Kình đã bị bắn chết trước khi có bất kỳ viên cảnh sát nào đi vào phòng ngủ của cụ, chỉ duy nhất có con chó nghiệp vụ sau đó lao vào cắn đầu gối trái cụ Kình rồi lôi ra phòng khách.
Nhưng sự thật, bà Dư Thị Thành cho biết khi công an vào phòng bịt mồm, khoá tay bà rồi lôi ra ngoài, lúc đó bà chứng kiến chồng mình vẫn còn sống trong phòng, trước đó bà thấy cụ Kình bị sặc hơi cay khó chịu quá nên bà phải lấy cái mũ len đi nhúng nước rồi đưa cho cụ Kình, đến khi bị bắt lên đồn Miếu Môn bà vẫn không nghĩ rằng chồng mình đã chết.
Như vậy có thể khẳng định một điều là thời điểm cụ Kình bị bắt chết phải là sau khi đưa bà Thành ra ngoài chứ không phải là bắn chết ngay khi phá cửa ngách bếp, thời điểm đó tổ công tác vẫn chưa đột nhập vào phòng đưa bà Thành đi.
Bản Kết luận điều tra có đoạn:
” Khi phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp), Tổ công tác phát hiện Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn trên tay phải đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, lưng quay về phía Tổ công tác nên sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của Kình khoảng 2 – 2,5m và nổ súng 2 lần khiến đối tượng Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng. Ngay lúc này, 01 chó nghiệp vụ lao vào phòng cắn vào đầu gối chân trái của Kình và lôi ra ngoài phòng khách tầng 1 nhà Kình. Khi lực lượng Công an tiến hành áp sát thì thấy Lê Đình Kình đã chết trong tư thế nằm ngửa, trên tay phải của Kình vẫn cầm 01 quả lựu đạn“
Anh Trịnh Bá Phương nhận xét rằng, phòng ngủ cụ Kình trong ô kẻ đỏ (xem ảnh) vậy kẻ nổ súng đứng ở vị trí nào? Cách 2 – 2,5m thì kẻ nổ súng trong tổ công tác chỉ có thể đứng phía sau bức tường nhà hoặc đứng sát cửa bếp mới có đủ khoảng cách 2 – 2,5m, nhưng nếu đứng phía sau bức tường thì không thể bắn xuyên qua bức tường trúng vào lưng cụ Kình, mà nếu đứng sát cửa ngách bếp để có đủ khoảng cách như Kết luận điều tra thì cần phải làm rõ những chi tiết sau:
- Nếu cụ Kình đứng sát cửa phòng ngủ ở phía trong (ông Hiểu cùng đứng nép vào tường cùng Kình) như theo bản Kết luận điều tra, thì tầm góc bắn không thể bắn trúng lưng cụ Kình được mà với góc bắn đó thì đạn chỉ có thể bắn vào mép cửa phòng.
- Nếu cụ Kình đứng sát cửa ở phía ngoài và quay lưng về phía tổ công tác thì khi trúng 2 phát đạn thì cụ Kình không thể ngã theo hướng như bản Kết luận điều tra là cụ Kình ngã đầu hướng trong phòng, chân hướng ra cửa; mà theo lẽ tự nhiên khi bị tác động bởi lực bắn (góc bắn phải là góc bắn xéo từ cửa ngách bếp để có đủ khoảng cách 2 – 2,5m) thì cụ Kình phải ngã về phía dọc hành lang.
- Trong khi dấu vết tại hiện trường có rất nhiều máu ở trong phòng ngủ (xem ảnh), chứ không không phải ở phía ngoài cửa tại hành lang. Gia đình cụ Kình còn tìm thấy trong phòng ngủ 1 bao tải nhét ở dưới gầm giường, trong tải chứa đầy máu được lau bởi quần áo có sẵn trong phòng.
Điều này chứng tỏ Kết luận điều tra này là bịa đặt và việc giết cụ Kình là chủ động, sắp đặt từ trước.
Tư thế ngã xuống đất của cụ Kình sau khi bị bắn chết
Theo suy luận của tác giả bài này, nếu cụ Kình thật sự bị bắn 2 phát đạn từ phía đằng sau lưng, bất kể đứng sát cửa phòng ngủ ở phía trong hay ở phía ngoài phòng ngủ, thì cụ Kình phải ngã sấp mặt xuống đất (do tác động của lực bắn từ phía sau), tức là trong tư thế nằm sấp dưới đất. Nhưng bản Kết luận điều tra lại viết:
“Ngay lúc này, 01 chó nghiệp vụ lao vào phòng cắn vào đầu gối chân trái của Kình và lôi ra ngoài phòng khách tầng 1 nhà Kình. Khi lực lượng Công an tiến hành áp sát thì thấy Lê Đình Kình đã chết trong tư thế nằm ngửa, trên tay phải của Kình vẫn cầm 01 quả lựu đạn“.
Con chó cắn vào đầu gối cụ Kình lôi đi thì không thể nào làm thay đổi tư thế cụ Kình nằm sấp dưới đất thành nằm ngửa được. Rõ ràng là Cơ quan điều tra đã “giấu đầu lòi đuôi” bịa đặt của mình. Do “trời xui đất khiến” nên những kẻ gian thường không khôn.
Hơn nữa, vết cắn ở đầu gối (xem hình) cho thấy con chó nghiệp vụ đã lôi cụ Kình đi với tư thế cụ nằm ngửa dưới đất. Điều đó có nghĩa là cụ Kình đã bị bắn từ phía trước (trực diện) nên đã ngã ngửa xuống đất, đúng như lời ông Bùi Viết Hiểu nói với luật sư.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)