Serbia và Kosovo nối lại đàm phán dưới sự chủ tọa của Liên Âu

Serbia và Kosovo nối lại đàm phán dưới sự chủ tọa của Liên Âu

September 8, 2020

\"\"

Bắt đầu từ hôm qua, 07/09/2020, Serbia và Kosovo nối lại các đàm phán song phương, tại Bruxelles, dưới sự chủ tọa của Liên Hiệp Châu Âu. Thỏa thuận « bình thường hóa quan hệ kinh tế » giữa hai nước hồi tuần trước tại Washington, dưới sự chủ tọa của tổng thống Mỹ, bị Liên Âu phản đối.

Lý do bất đồng chính là, trong thỏa thuận nói trên, Serbian hiện đang muốn gia nhập LHCA, đã cam kết chuyển sứ quán tại Israel, từ Tel Aviv sang Jerusalem, giống như chính sách của chính quyền Donald Trump. Quyết định nói trên bị coi là đi ngược lại với chính sách ngoại giao chung của Liên Hiệp Châu Âu.

Thông tín viên Laurent Rouy tường trình từ Belgrade :

« Mọi thỏa thuận giữa Serbia và Kosovo cần phải phù hợp với các quy định của Liên Hiệp Châu Âu. Với lời lẽ nói trên, một phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu bình luận về việc Belgrade và Pristina nối lại đàm phán, lần này tại Bruxelles và dưới sự chủ tọa của Liên Âu.

Lời nhắc nhở mang thông điệp rõ ràng : việc chính quyền Belgrade thông báo chuyển sứ quán từ Tel Aviv sang Jerusalem là không thể chấp nhận được. Các nước châu Âu dự kiến sẽ gây áp lực với Serbia và Kosovo để không một sứ quán nào được xây dựng tại thành phố tranh chấp ở Trung Đông này. Liên Âu cũng yêu cầu Serbia và Kosovo giải thích chi tiết về thực chất các cam kết hồi tuần trước tại Washington.

Trong các thương lượng giữa Serbia và Kosovo, có vế chính trị của thỏa thuận song phương tương lai. Vấn đề những người mất tích đã được đề cập đến, cũng như vấn đề các cộng đồng thiểu số, và dự án xây dựng ‘‘cộng đồng các xã người Serbia’’ tại Kosovo, một dự án bị Pristina hãm lại từ 7 năm nay.

Các đàm phán giữa hai bên dưới sự bảo trợ của Liên Âu được nối lại từ mùa hè này, sau hơn 20 tháng gián đoạn, do các trừng phạt kinh tế của Kosovo đối với Serbia. Kể từ đó, các trừng phạt đã được dỡ bỏ ».

Khủng hoảng kéo dài hơn 20 năm giữa Serbia và Kosovo, vốn là một tỉnh của Nam Tư (cũ) được coi là một đe dọa đối với sự ổn định của châu Âu. Serbia không công nhận nền độc lập của Kosovo, tuyên bố năm 2008. Đa số người Kosovo gốc Albani. Đa số các nước phương Tây công nhận Kosovo, tuy nhiên, 5 trong số 27 quốc gia Liên Âu không thừa nhận Pristina. Kosovo cũng không được hai thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, là Nga và Trung Quốc, công nhận.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment