Ấn Độ cấp tốc tái vũ trang trước mối đe dọa Trung Quốc

Ấn Độ cấp tốc tái vũ trang trước mối đe dọa Trung Quốc

Đăng ngày: 11/09/2020

\"Ảnh
Ảnh minh họa :Chiến đấu cơ Rafale mà New Delhi mua của Pháp trong kế hoạch hiện đại hóa Không quân. Ảnh tại căn cứ Ambala, Ấn Độ, ngày 10/09/2020. REUTERS – ADNAN ABIDI

Trọng Nghĩa5 phút

Cho dù hai ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc đã ra một thông cáo chung vào hôm nay, 11/09/2020 khẳng định sẽ xuống thang tranh chấp tại vùng biên giới trên bộ giữa hai nước dọc theo dãy núi Himalaya, tình hình căng thẳng bùng lên từ nhiều tháng nay sẽ chưa thể lắng dịu.

Ngay sau vụ 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc cận chiến với linh Trung Quốc hôm 15/06 tại vùng biên giới, Ấn Độ đã hết sức lo ngại trước nguy cơ bị yếu thế về quân sự so với Trung Quốc,và đã tăng tốc độ hiện đại hóa quân đội, cho dù nền kinh tế đang bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề.

Vỏn vẹn một tuần sau vụ binh sĩ Ấn Độ bị lính Trung Quốc giết hại, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã bay ngay sang Matxcơva để đúc kết hợp đồng mua 33 chiến đấu cơ  MiG-29 và Sukhoi 30, cũng như hiện đại hóa đội chiến đấu cơ gồm 59 chiếc MiG-29 hiện hữu.

Chỉ từ tháng 6 đến nay, số tiền mà Ấn Độ chi ra để mua vũ khí lên đến hơn 6,1 tỷ euro, từ 156 xe bọc thép chở lính, đến tên lửa hành trình, tên lửa không đối không cho Hải Quân và Không Quân, 106 máy bay huấn luyện…

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro, cơn sốt mua thiết bị kể trên nêu bật nhu cầu hiện đại hóa trang thiết bị của quân đội Ấn Độ, mà một số do Nga sản xuất đã có từ thời chiến tranh lạnh.

Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ quả là vẫn tăng đều đặn hàng năm, lên đến 59 tỷ euro vào năm nay 2020, nhưng 60% trong số này lại được dùng để trả lương và hưu bổng cho 5 triệu quân nhân, trong đó có đến 3,2 triệu người đã về hưu ! Phần đầu tư cho thiết bị do đó đã bị ảnh hưởng, và từ nhiều năm nay, các đơn vị quân đội luôn than phiền về việc thiếu đạn dược và phụ tùng thay thế.

Vấn đề đặt ra cho Ấn Độ là việc hiện đại hóa cần phải đi đi song song với sự phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước. Thế nhưng Ấn Độ lại lệ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình SIPRI ở Stockholm, Ấn Độ là nước đứng hàng thứ nhì thế giới về nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn từ 2015 đến 2019. Để ngăn chặn xu hướng này, bộ Quốc Phòng Ấn Độ, hôm 09/08 vừa qua đã ra lệnh cấm nhập 101 loại phương tiên, thiết bị, như trực thăng chiến đấu loại nhẹ, tàu ngầm…

Chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Bharat Karnad, thuộc trung tâm tham vấn Center for Policy Research ở New Delhi đã tỏ ý lo ngại: “Sự lệ thuộc vào vũ khí nước ngoài sẽ khiến đất nước bị bó tay khi nổ ra khủng hoảng. Tung ra những chiến dịch có cường đô cao sẽ nhanh chóng tạo ra tình trạng thiếu hụt đạn dược và linh kiện vì Ấn Độ không có khả năng sản xuất những thiết bị đó tại chỗ”.

Việc New Delhi cấp tốc mua thêm vũ khí, đồng thời tìm cách tăng cường sản xuất trong nước, thể hiện qua lệnh cấm mua một số thiết bị làm được trong nước, cho thấy là New Delhi chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng lâu dài với Trung Quốc.

Theo giới phân tích, nhu cầu tái võ trang đã đến với Ấn Độ vào một thời điểm hoàn toàn không thuận lợi. Quốc gia đông dân thứ hai trên hành tinh này đang phải vất vả đối phó với đại dịch Covid-19, vốn đã đẩy nền kinh tế nước này vào vòng suy thoái, với GDP đã giảm đến 23,9% vào quý hai vừa qua, mức giảm nặng nhất trong các nước nhóm G20. Trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ có thể tuột giảm từ âm 6 đến âm 14%.

Các khó khăn về ngân sách như vậy đã được thấy trước trong lúc mà Ấn Độ thực hiện một kế hoạch hiện đại hóa trang thiết bị quân sự cực kỳ tốn kém, lên 130 tỷ đô la, vì nước này không chỉ cần máy bay mà còn cần đến tàu ngầm, chiến hạm, súng ống…

Bài Liên Quan

Leave a Comment