B-52 Mỹ và cuộc chiến tranh tình báo NATO-Nga trên Biển Đen

B-52 Mỹ và cuộc chiến tranh tình báo NATO-Nga trên Biển Đen

September 11, 2020

\"\"

Ngày 04/09/2020, Mỹ lại cho oanh tạc cơ chiến lược B-52H bay đến vùng Ukraina gần Biển Đen. Và một lần nữa, Nga lại điều tiêm kích lên theo dõi và ngăn không cho máy bay Mỹ tiến vào không phận Nga. Tuy nhiên lần này không có sự cố nào như vụ việc hôm 28/08 khi 2 chiếc Su-27 của Nga áp sát một chiếc B-52 Mỹ bay trên Biển Đen trong một thao tác bị Mỹ đánh giá là nguy hiểm.

Theo giới chuyên gia phân tích quân sự, hoạt động của B-52 Mỹ kết hơp với phi cơ của các thành viên khác trong khối NATO  tại khu vực Biển Đen và vùng sát biên giới Nga không đơn thuần là một động thái phô trương uy lực, mà còn có mục tiêu quan trọng hơn: Do thám hệ thống phòng không của Nga.

Trong hai bài viết liên tiếp ngày 04/09 và 30/08, chuyên gia phân tích quân sự David Axe của tạp chí Mỹ Forbes đã không ngần ngại cho rằng các phi vụ mà B-52 Mỹ thực hiện ở vùng không phận gần biên giới Nga thực ra là một cái bẫy mà NATO và Mỹ giăng ra để thu thập thông tin tình báo về hệ thông phòng không Nga ở châu Âu nói chung và ở khu vực Biển Đen nói riêng.

Nga rơi vào bẫy ?

Trong bài viết ngày 04/09 mang tựa đề: “Một chiếc B-52 Mỹ lại đặt một cái bẫy tình báo khác để gài phía Nga”, chuyên gia quân sự của tạp chí Forbes đã trở lại sự cố ngày 28/08 giữa một chiếc B-52H của Mỹ với hai chiến đấu cơ Su-27 của Nga để khẳng định rằng trongthực tế chiếc B-52 chỉ là mồi nhử của một cái bẫy mà Nga đã rơi vào.

Theo David Axe, cái bẫy đó đã được lên kế hoạch cẩn thận, dựa trên tiền đề là khi oanh tạc cơ chiến lược Mỹ xuất hiện trong khu vực, dứt khoát là Nga phải kích hoạt hệ thống phòng không của họ.

Do vậy, cùng lúc với việc cho B-52 đi vào vùng nhậy cảm, Mỹ đã bố trí gần đấy 2 chiếc máy bay dọ thám điện tử của Mỹ RC-135V/W Rivet Joint, thường được Mỹ và Anh sử dụng để theo dõi hoạt đông không quân của địch thủ.

Không Quân Mỹ chỉ có 17 chiếc RC-135V/W, còn Không Quân Anh 3 chiếc. Việc NATO sử dụng hai chiếc trong cùng một chiến dịch đủ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này đối với Liên minh.

Trong lúc 2 chiếc Su-27 bay lên chặn đường chiếc B-52, hai phi cơ do thám Mỹ đã tiến hành thu thập những dữ liệu bổ ích về hệ thống cảm biến và liên lạc của Nga, những thông tin cho phép đánh giá năng lực phòng thủ của Nga.

Forbes ghi nhận là tình huống trên đã được lập lại một lần nữa hôm 04/09. Khi một chiếc B-52 bay ngang qua Ukraina và sát cạnh Biển Đen, chỉ cách nơi đóng quân của Nga ở bán đảo Crimée vài dặm, thì vào cùng một thời điểm, một cặp phi cơ do thám RC-135V/W lại bay trên Biển Đen, ở một khoảng cách đủ để thu thập tín hiệu từ các ra đa theo dõi chiếc B-52.

Qua những sự kiện kể trên, David Axe kết luận là Mỹ và các đồng minh trong NATO không chỉ phô trương lực lượng, mà hoạt động của B-52 và máy bay do thám RC-135V/W là giúp thu thập thông tin chiến lược về lực lượng Nga tại Crimée cũng như ở chung quanh Crimée. Nếu chiến tranh nổ ra, các dữ liệu này có thể giúp vô hiệu hóa hay tiêu diệt hệ thống phòng không của Nga trong khu vực.

Các phản ứng đáp trả của Nga, không chỉ qua việc đưa chiến đấu cơ ngăn chặn trên không, mà còn qua các động thái trên biển và trên đất liền cũng cung cấp cho các chiếc máy bay do thám RC-135V/W rất nhiều dữ liệu quan trọng.

Một bài tập phòng không quan trọng đối với Nga

Theo tạp chí Forbes, dĩ nhiên là hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mỹ và NATO cũng là một cơ hội đối với Nga. Vì không phải lúc nào mà Nga có dịp theo dõi, săn đuổi, ngăn chặn oanh tạc cơ Mỹ bay diễn tập trên không phận Crimée.

Đối với David Axe, Nga thừa biết là mình bị phi cơ Mỹ theo dõi. Các chiếc B-52 và RC-135 thường bay với hệ thống truyền tín hiệu nhận dạng được bật lên, có nghĩa là máy bay xuất hiện trên màn ảnh hệ thống kiểm soát không lưu dân sự, cho dù không loại trừ khả năng máy bay giám sát của NATO tắt hệ thống truyền tín hiệu khi hoạt động.

Để đối phó với các hoạt động của phi cơ Mỹ và NATO, Nga đã có nhiều biện pháp. Trong lần hoạt động thứ 2 của chiếc B-52 hôm 04/09 vừa qua chẳng hạn, một trong 5 chiếc máy bay dọ thám Tu-214 của Không Quân Nga đã cất cánh từ căn cứ gần Matxcơva và bay đến Biển Đen, đến nơi hầu như trong cùng một thời điểm với chiếc B-52 và RC-135. Chiếc Tu-214 này có lẽ có nhiệm vụ hỗ trợ cho các liên lạc vô tuyến giữa các lực lượng Nga theo dõi máy bay NATO.

8 chiến đấu cơ Nga gồm 4 chiếc Su-27 và 4 chiếc Su-30 cũng bay lên để bám theo chiếc B-52 Mỹ.

Theo David Axe, chuyện lực lượng Nga sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của máy bay dọ thám NATO cho thấy là đối với Matxcơva, kinh nghiệm mà họ gặt hái được trong việc huy động lực lượng phòng không quan trọng hơn là thông tin bị tiết lộ cho các nhà phân tích của NATO trong tiến trình phản ứng.

Tóm lại phi vụ do B-52 và 2 chiếc RC-135 thực hiện là chiến thuật thu thập thông tin rất lớn của NATO, nhưng đồng thời là một bài tập phòng không quan trọng cho Nga.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment