Liên Âu đề nghị Trung Quốc chấp nhận cho ‘‘quan sát viên độc lập’’ tới Tân Cương
Trong cuộc thượng đỉnh qua cầu truyền hình giữa chủ tịch Trung Quốc và các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua 14/09/2020, Liên Âu đã trực tiếp nêu ra quan ngại về tình trạng nhân quyền bị chà đạp tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Liên Âu đề nghị Bắc Kinh chấp nhận « các quan sát viên độc lập » đến khu vực Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc bị tố cáo tổ chức các đàn áp quy mô lớn nhắm vào cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Trả lời báo giới sau hội nghị qua cầu truyền hình với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Liên Âu nhấn mạnh « vấn đề nhân quyền cần phải rất được chú ý », và việc cử quan sát viên độc lập đến một số khu vực tại Tân Cương để làm sáng tỏ tình hình tại đây là « một trong những điểm quan trọng ».
Điểm được giới quan sát đặc biệt chú ý là, trước thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc hôm qua, 27 thành viên Liên Âu đã thống nhất chuyển đến Bắc Kinh thông điệp : không thể duy trì các quan hệ kinh tế và thương mại song phương, nếu chính quyền Trung Quốc không chấp nhận thảo luận về các vấn đề chính trị và nhân quyền.
Chính quyền Bắc Kinh bị cáo buộc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo tại Tân Cương, khu tự trị xa xôi nằm ở vùng tây bắc Trung Quốc, giáp biên giới các nhiều nước Trung Á. Đây là điều mà Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ. Đề xuất cử « một phái đoàn quốc tế với quan sát viên độc lập », dưới sự chủ trì của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tới khu vực này, đã từng được ngoại trưởng Pháp nêu ra hồi tháng 7.
Về thượng đỉnh hôm qua, thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles cho biết thêm :
« Nhân cuộc họp thượng đỉnh chủ yếu bàn về kinh tế, theo quan điểm của Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu đã nhấn mạnh nhiều đến các chủ đề chính trị. Căng thẳng với Đài Loan, trấn áp ở Hồng Kông, ức hiếp người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng : Việc đề cập đến các chủ đề như vậy chắc chắn đã không làm chủ tịch Trung Quốc hài lòng. Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, Liên Hiệp Châu Âu cần bảo vệ không chỉ các lợi ích, mà cả các giá trị của mình.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel giải thích : ‘‘Cuộc thượng đỉnh này không phải là một thượng đỉnh mang tính nghi thức. Đây là một thượng đỉnh có nội dung thực chất, với các luận điểm được đưa ra nhằm mục tiêu thúc đẩy việc thực thi các giá trị mà chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi không khoan nhượng. Chúng tôi khẳng định Nhà nước pháp quyền, nhân quyền, phẩm giá của con người, cũng như việc bảo vệ các nhóm thiểu số là các chủ đề cần được đề cập đến’’.
Về mặt kinh tế và thương mại, Liên Hiệp Châu Âu vui mừng với một thỏa thuận được ký kết bên lề thượng đỉnh, theo đó Bắc Kinh thừa nhận các tên gọi (chỉ dẫn) địa lý được bảo hộ của Liên Âu. Tuy nhiên, Liên Âu cũng thừa nhận rằng còn nhiều việc phải làm trước khi đạt được mục tiêu có đi có lại trong việc thâm nhập thị trường. Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các rào cản và cho phép các doanh nghiệp châu Âu thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, với các điều kiện cạnh tranh công bằng, ví dụ như với quy định về bảo hộ đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu có được một lộ trình để tiến tới một thỏa thuận về lĩnh vực này, từ đây đến tháng 12, hiện vẫn còn là vấn đề để ngỏ, sau thượng đỉnh ».
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua ra thông báo sẽ không cho phép nhập khẩu một loạt hàng hóa, có nguồn gốc từ vùng Tân Cương Trung Quốc. Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng « các lao động người thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức ». Các cơ quan hải quan Mỹ ban hành bốn quy định mới cấm nhập vào Mỹ các mặt hàng vải, quần áo, linh kiện tin học hay hàng mỹ phẩm, sản xuất tại các nhà máy ở Tân Cương.
Theo RFI