Trung Quốc: Đến lượt vùng Nội Mông đứng lên chống cưỡng bức đồng hóa

Trung Quốc: Đến lượt vùng Nội Mông đứng lên chống cưỡng bức đồng hóa

September 15, 2020

\"\"

Trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2020 này, vùng tự trị Nội Mông của Trung Quốc đã đột nhiên sôi sục trở lại, với một phong trào phản đối chính sách bắt buộc dùng tiếng Hán trong các môn học chính trong nhà trường. Giống như ở Tây Tạng hay tại Tân Cương, Bắc Kinh đã dùng biện pháp đàn áp để đối phó.

Nội Mông là vùng đất ở phía nam nước Mông Cổ, đã bị Trung Quốc sáp nhập sau Thế Chiến II, để trở thành một vùng tự trị. Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã tiến hành một chính sách đồng hóa nhắm vào thiểu số người Mông Cổ tại vùng lãnh thổ này, mà nổi bật nhất là chủ trương đưa người Hán đến định cư tại khu vực mà đa số cư dân vốn là người Mông Cổ.

Trong bài phân tích “Trung Quốc đàn áp văn hóa Mông Cổ – China’s Crackdown on Mongolian Culture” – đăng trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 04/09/2020 – tiến sĩ Antonio Graceffo, một kinh tế gia Mỹ làm việc tại Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ, đã ghi nhận là hiện nay, số người Hán ở Nội Mông cao hơn người Mông Cổ tại chỗ đến gần 6 lần.

Chủ trương bắt buộc dùng tiếng Hán trong giáo dục

Song song với việc biến Nội Mông thành đất của người Hán, Bắc Kinh cũng tiến hành môt chính sách đồng hóa, xóa nhòa bản sắc văn hóa của người Mông Cổ, đặc biệt là trong lãnh vực ngôn ngữ. Số ghế trong các lớp học song ngữ Mông Cổ-Hán đã giảm mạnh, từ 190.000 xuống còn 17.000, thay thế bắng những lớp dành cho con em người Hán.

Kết quả nói trên vẫn chưa làm cho Bắc Kinh thỏa mãn. Vào tháng 08/2020, chính quyền đã quyết định là kể từ niên học mới bắt đầu vào tháng 9, các lớp học bằng tiếng Mông Cổ sẽ bị cắt giảm đáng kể, và các bộ môn văn học, chính trị và lịch sử sẽ chỉ được dậy bằng tiếng Quan Thoại. Đây là một chính sách đã từng được thực hiện ở Tân Cương vào năm 2017, và sau đó một năm là tại Tây Tạng.

Quyết định của chính quyền Bắc Kinh đã bị rất nhiều phụ huynh học sinh phản đối. Họ cho rằng thà để con ở nhà hơn là bị buộc phải chấp nhận học tập bằng tiếng Quan Thoại.

Bãi khóa để phản đối

Vào lúc các trường học mở lại vào tuần lễ đầu tháng 9, phong trào phản đối đã lan rộng, với hàng loạt những vụ bãi khóa. Ở hạt Nại Mạn (Naiman) chẳng hạn, bình thường có 1.000 học sinh Mông Cổ, thì chỉ có 40 ghi danh học và 10 em đi học vào ngày đầu tiên. Trên toàn lãnh thổ Nội Mông có đến 300.000 học sinh bãi khóa.

Video trên các mạng xã hội cho thấy cảnh cha mẹ người Mông Cổ cố gắng đưa con ra khỏi nhà trường trong lúc cảnh sát ra sức ngăn chặn. Tại một địa điểm, người ta thấy cảnh hàng trăm cảnh sát chống bạo động được triển khai, nhưng sau nhiều tiếng đồng hồ đối dầu thì phụ huynh học sinh đã vượt qua được rào cản vào đón được con của họ.

Những video khác cho thấy đám đông các em hô to những khẩu hiệu như: “Tiếng mẹ đẻ của chúng ta là tiếng Mông Cổ” và “Chúng ta là người Mông Cổ cho đến chết”. Một video còn cho thấy một người đàn ông mặc y phục cổ truyền giơ cao một lá cờ đen khar suld, cờ trên chiến trường của người Mông Cổ. Theo truyền thống lá cờ khar suld tượng trưng cho sức lực, tinh thần của người Mông Cổ để đánh bại kẻ thù. Đối với nhiều người Mông Cổ, giơ cao cờ khar suld tương đương với việc tuyên chiến. Một người đã nhận định: “Đó là một dấu hiệu quan trọng cho thấy là họ sẽ không từ bỏ mà sẽ đi đến cùng”.

Bắc Kinh treo thưởng để truy bắt người chống đối

Trước làn sóng phẫn nộ, Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp đàn áp, công bố tên những người cầm đầu phong trào phản đối và treo giải thưởng để tìm bắt. Đã có đến hàng ngàn lệnh truy bắt được đưa ra.

Ngoải biện pháp truy bắt hàng loạt, là những vụ “bắt cóc” như thường thấy. Theo tuần báo Anh The Economist, môt nhà chăn nuôi ở Nội Mông cho biết là hai người thân của bà lên tiếng phản đối chính sách ngôn ngữ mới đã bị mất tích vào ngày 31/08.

Các quan chức địa phương đã ra lệnh cho các giáo viên gây sức ép với phụ huynh để đưa con cái đến trường. Các đảng viên, công chức và giáo viên người Mông Cổ đã bị đe dọa là nếu tham gia phong trào tẩy chay chương trình giáo dục mới, họ có thể bị khai trừ đảng và sa thải.

Mạng xã hội duy nhất dùng tiếng Mông Cổ tại Nội Mông là Bainu thì bị chặn, trong lúc các nhà kiểm duyệt thì xóa các bài đăng về phong trào phản đối khỏi các mạng xã hội khác.

Đối với The Economist, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ từ lâu đã phải chịu những hành vi đàn áp như vậy. Giờ đến lượt người Mông Cổ.

“Diệt chủng văn hóa” ở Nội Mông, như ở Tây Tạng, Tân Cương

Theo giới bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là các nhóm bảo vệ nhân quyền của người Nội Mông, trụ sở ở ngoại quốc, Trung Quốc đang áp dụng tại Nội Mông một chính sách mà họ đã tiến hành trước đây ở Tây Tạng và Tân Cương: Đó là “diệt chủng văn hóa”.

Theo The Diplomat, Bắc Kinh không chỉ đánh vào vấn đề ngôn ngữ: Người Mông Cổ ở Nội Mông, cũng như những chủng tộc khác, còn bị tước quyền tự do tôn giáo. Ở Trung Quốc chỉ có một nhánh Phật Giáo được công nhận là Giáo Hội Phật Giáo trong Mặt Trận Thống Nhất. Thế nhưng nhiều người Mông Cổ lại theo đạo Phật Tây Tạng và nhìn nhận đức Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo tinh thần. Việc Bắc Kinh kềm chế Phật giáo Tây Tạng và các cấm đoán liên quan đến đức Đạt Lai Lạt Ma không chỉ tác đông đến dân Tây Tạng mà cả dân Mông Cổ.

Có điều là trong lúc các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng đã công luận toàn thế giới biết đến, thì việc người Mông Cổ bị Bắc Kinh đàn áp không mấy được quan tâm. Một bản kiến nghị quốc tế mang tựa đề “Cứu vớt giáo dục ở Nội Mông”, chỉ nhận được 21.000 chữ ký ủng hộ.

Tại Hoa Kỳ, Chính Sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ đã được tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật vào năm 2020, còn Chính Sách Hỗ Trợ Tây Tạng đã được thông qua ở Hạ Viện vào năm 2019. Mới đây, tổ chức Đại Hội Mông Cổ phía Nam, trụ sở ở Nhật Bản, đã viết một thư ngỏ yêu cầu Quốc Hội Mỹ cũng làm tương tự đối với vấn đề Nội Mông.

Người Mông Cổ ủng hộ đồng bào ở Nội Mông

Hành động vừa qua của Trung Quốc ở Nội Mông dĩ nhiên đã thu hút sự chú ý của nước láng giềng Mông Cổ, một nền dân chủ chỉ có vỏn vẹn 3 triệu dân, trong lúc vùng tự trị Nội Mông có đến 4 triệu người gốc Mông Cổ trên tổng số 24 triệu dân.

Không như ở Trung Quốc, người dân quốc gia không đông người này được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, văn hóa, báo chí. Và để ngăn ngừa việc người ở Nội Mông liên lạc với bên ngoài, thì mạng xã hội tiếng Mông Cổ Bainu ở Trung Quốc đã bị đóng.

Bất chấp đe dọa của chính quyền Trung Quốc đối với những người dám nói đến chính sách mới về ngôn ngữ, những người can đảm ở Nội Mông đã gởi video, thông tin cho những người  bên kia biên giới, để được đưa lên các mạng xã hội như Facebook và Twitter bị ngăn chặn ở Trung Quốc.

Rất nhiều công dân Mông Cổ phẫn uất trước cách đối xử của Trung Quốc với đồng bào của họ ở Nội Mông. Trên mạng có cảnh một người đàn ông Mông Cổ khóc trước hoàn cảnh ở Nội Mông và lời ghi chú: “Tôi cảm thấy rất đau lòng cho người Mông Cổ, chúng ta cần ủng hộ người Nội Mông. Tôi không thề kềm hãm cảm xúc. Cái gì có thể làm người Mông Cổ khóc? Nguyên nhân là Trung Quốc đã loại bỏ, truy bức người Mông Cổ từ nhiều năm qua”. 

Người Nội Mông đã bất chấp đàn áp, gìn giữ mẫu tự Mông Cổ truyền thống, trái với quốc gia độc lập Mông Cổ, một vệ tinh của Liên Xô cũ, đang sử dung chữ cái kirin của Nga. Những bậc phụ huynh ở Nội Mông giờ đây lo ngại với những quy định giáo dục mới, việc sử dụng mẫu tự truyền thống sẽ biến mất.

Ông Elbegdorj Tsakhia, một cựu tổng thống Mông Cổ đã nói trong một tin nhắn Twitter: “Nếu không còn văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ  của mình, thì một người Mông Cổ không là người Mông Cổ nữa; 300 năm ô nhục đối với người Mông Cổ không thể tiếp diễn trong thế kỷ mới này !” Ông còn nói: “Tôi  biết rằng lãnh đạo láng giềng phương nam của chúng ta, Tập Cận Bình, tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa của người khác. Việc loại bỏ ngôn ngữ và văn hóa Mông Cổ không phải là con đường nên đi của một nước lớn và có trách nhiệm”.

Nước Mông Cổ bất lực vì lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế

Trong bối cảnh người dân Mông Cổ bình thường có nhiều thiện cảm trước cảnh ngộ của người ở Nội Mông, thì chính quyền Mông Cổ không thể làm gì nhiều để phản đối, vì kinh tế bị lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trung Quốc thu mua 80% hàng xuất khẩu của Mông Cổ và đã từng dùng kinh tế để trừng phạt Mông Cổ trong quá khứ.

Khi Mông Cổ cho phép đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm vào năm 2016, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế trên hành nhập khẩu. Cho nên lần này người Mông Cổ chỉ có thể bất bình mà đứng ngoài cuộc, nhìn qua mạng xã hội cái gì còn lại của văn hóa Mông Cổ ở phía nam trong lúc mà Trung Quốc tấn công.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment