Erdogan dùng chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh tại Địa Trung Hải
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan muốn gì khi tranh giành với Hy Lạp vùng biển Địa Trung Hải thuộc chủ quyền của Hy Lạp, theo hiệp định được cả hai bên chấp nhận từ năm 1923 ? Theo giới phân tích, Ankara đang sử dụng một chiến lược nguy hiểm : Nếu châu Âu nhượng bộ « vài km » thì cả Địa Trung Hải và Balkan sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề là NATO và Liên Hiệp Châu Âu đều bất lực khiến cho Pháp và Hy Lạp lên tuyến đầu.
Tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ, sau hơn một tháng hoạt động áp sát một hòn đảo của Hy Lạp trong vùng phía đông Địa Trung Hải đã trở về căn cứ Antalya hôm 12/09 để « bảo trì ». Bảo trì, lấy thêm nhiên liệu, lương thực để trở lại chứ không phải tạo cơ may cho một phương án ngoại giao như báo chí thân chính phủ giải thích lúc đầu. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Xavusoglu khẳng định : “Ankara không nhượng bộ ở đông Địa Trung Hải”.
Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên tranh chấp chủ quyền biển đảo với Hy Lạp và Chypre đã làm tình hình Địa Trung Hải căng thẳng tột độ. Cảm thấy bị Thổ Nhĩ Kỳ xâm lấn với ý đồ bành trướng, Hy Lạp quyết định canh tân quân đội, thông báo mua 18 chiếc đấu cơ đa năng của Pháp, bốn tuần dương hạm, tên lửa chống tăng, ngư lôi và tuyển mộ thêm 15.000 binh sĩ.
Xung khắc Thổ Nhĩ Kỳ- Hy Lạp leo thang từ đầu tháng 9 khi hai bên cùng mở cuộc tâp trận phô trương sức mạnh hù dọa nhau. Ngoài chuyện biểu dương lực lượng, quân đội hai bên còn tập trung bố trí chung quanh hòn đảo Kastellorizo, của Hy Lạp, nhưng nằm cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ có 2 km.
Erdogan muốn làm như Trung Quốc ở Biển Đông
Theo cựu đại sứ Pháp Michel Foucher, chuyên gia địa lý học, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là chà đạp mọi hiệp định quốc tế để làm thay đổi nguyên trạng. Vào năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã đồng ý ký hiệp định Lausanne, phân chia chủ quyền trên biển Aegea ( vùng đông của Địa Trung Hải ). Athens đau đớn di tản 2 triệu dân ở Tiểu Á về lục địa đổi lại, Ankara công nhận chủ quyền của Hy Lạp trên các đảo ở biển Aegea.
Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm có hệ thống chủ quyền biển đảo của Hy Lạp cũng như của Chypre, « giống hệt » như Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng duyên hải Biển Đông. Theo Hardien Desuin, nhà phân tích chính trị quốc tế thuộc Viện Pont-Neuf, nếu Pháp và các đồng minh ở Địa Trung Hải không phản ứng ngay bây giờ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự xưng là « người canh gác an ninh biển » cho thế giới. Chính trong vai trò « canh gác biên giới trên bộ » mà Ankara làm căng với châu Âu đánh đổi hàng chục tỷ đô la để « chận di dân ».
Di dân cũng là vũ khí để tổng thống Erdogan mang ra dọa đích danh tổng thống Pháp « đừng khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ » khi bị Paris kêu gọi chấm dứt các « hành động không thể chấp nhận được » ở Địa Trung Hải.
Theo Hardien Desuin, trao tự do và quyền lưu thông trên biển cho Erdogan, một nhà độc tài theo chủ nghĩa dân tộc và Hồi giáo cực đoan là « gửi trứng cho ác ».
Nếu để Erdogan lấn được một ít, ông ta sẽ lấy luôn cả Địa Trung Hải và Balkan.
NATO và Liên Hiệp Châu Âu đều vô kế khả thi.
Washington, qua tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi hai bên xuống thang. Nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã quen thế đi dây giữa Mỹ và Nga để thủ lợi riêng. Trong Liên Hiệp Châu Âu, Pháp và các thành viên bên bờ Địa Trung Hải như Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đe dọa dùng biện pháp trừng phạt nhưng không thể trông cậy vào nước Đức bởi vì Berlin sợ Ankara đánh lá bài mở cửa biên giới.
Điều duy nhất có thể hy vọng là nội tình Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm cho Erdogan giảm bớt tham vọng bá quyền. Với bản tính mị dân, Erdogan sử dụng chiêu bài tái lập đế chế Ottoman, can thiệp vào Syria và Libya mở rộng ảnh hưởng hầu đánh lạc hướng công luận trước những thất bại kinh tế và chính trị. Sau 20 năm nắm quyền, Erdogan gặp khó khăn khắp mọi mặt : khủng hoảng kinh tế, đồng tiền mất giá, đảng Hồi Giáo mất các thành phố lớn. Cựu thủ tướng Ahmet Davutoglu, từ một cố vấn trung thành, nay biến thành một đối thủ đáng gờm của Erdogan.
Theo RFI