Liệu có “bàn tay vô hình” nào sau vụ Đồng Tâm?
Trần Việt Trung
2020-09-15
Hình minh hoạ. Phiên toà xử 29 người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020 TTXVN
Đúng là do sự quên lãng các bài học từ những vụ “án tỏ” như Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Trịnh Xuân Thanh (Hậu Giang), cùng hàng loạt các vụ “án mờ” khác nên lần này lại xẩy ra vụ Đồng Tâm. Nhưng sau vụ này, dư luận càng băn khoăn, liệu có “bàn tay vô hình” nào đằng sau chuỗi các sự kiện phi lý – phi nhân và kết cục bi thảm của phiên toà liên quan đến thôn Hoành?
Đục nước béo cò
Nhà báo Nguyễn Thông nhận xét vừa bằng văn xuôi, vừa thi phú: “Công nhận tòa án Bắc Kinh biết xử vụ Đồng Tâm đúng chất cộng sản, không sai một li ông cụ. Chỉ có điều họ không đạt được mục đích làm tất cả dân chúng phải run sợ. Bởi: Nếu như ai cũng sợ/ Thì tới lượt mình thôi/ Trong vuốt nanh chó sói/ Cái chi cũng là mồi”.
Và 45 năm sau khi cuộc chiến giữa người Việt với nhau kết thúc để ngư ông Trung cộng đắc lợi cướp mất Hoàng Sa. Nay lại tiếp tục đẩy người dân đối chọi với chính quyền, trong khi Tầu cộng hàng ngày hàng giờ đang tự tung tự tác ngoài biển đảo. Chết bốn mạng người chưa đủ, người ta còn muốn trả thù để ba mạng con dân phải đổi cho bằng được ba mạng công an. Đất nước văn hoá bốn ngàn năm và khát khao muốn sánh vai với các cường quốc năm châu mà sao chỉ lo đua nhau xuống hố cả nút thế này?
Nhà làm phim người Pháp André Menras từng về Đồng Tâm trực tiếp dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân – chỉ ít lâu trước khi Cụ Lê Đình Kình bị bắn chết – và ông này “ngạc nhiên vì thấy họ một lòng tin đảng”. Khi thảm kịch xảy ra, ông cho rằng đảng CSVN đang chuyển dần từ giai đoạn mị dân tới tự cô lập mình. Rồi ông khẳng định: “Đồng Tâm là hình ảnh một chế độ cùng đường, coi dân là kẻ thù”.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Luật pháp và Phát triển nói với truyền thông quốc tế ngay sau cái đêm kinh hoàng 9/1/2020: “Một nhóm lợi ích nào đó đang phá hoại đất nước này và đang phá hoại chế độ này bằng việc ra lệnh sử dụng vũ lực đàn áp người dân, theo tôi đánh giá nó là vấn đề như vậy và lối thoát ở đây, tôi lưu ý rằng, Bộ Chính trị cần phải họp gấp”. Nhưng thưa Viện trưởng, biết đâu có một thế lực nào đó còn cao hơn cả Bộ Chính trị thì dù có “họp gấp” liệu có giải toả được bế tắc trong vụ án này không?
Cựu Thiếu tá An ninh Nguyễn Hữu Vinh – từng tốt nghiệp Trường Sỹ quan An ninh, cùng khóa với đương kim bộ trưởng Công an Tô Lâm – nhận xét: “Ít nhất vụ Đồng Tâm này là sai lầm thứ ba của ngành công an ở tầm mức quốc gia, quốc tế trong ngót nửa thế kỷ qua (Có lẽ vị Thiếu tá này nhớ chưa chuẩn xác. Ngoài hai vụ Đoàn Văn Vươn và Trịnh Xuân Thanh, phải kể thêm vụ Võ Đại Tôn nữa, thì đây là vụ sai lầm thứ tư, thưa Thiếu tá).
Hình minh hoạ. Đường vào Đồng Tâm với khẩu hiệu tin vào Đảng của người dân hồi tháng 4/2017 Reuters
Theo Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, trong các sai lầm nghiêm trọng trước đây, đều có vai trò của lãnh đạo ngành công an, nhưng đã không có việc rút kinh nghiệm nghiêm túc, không có kỷ luật nghiêm khắc. Nay không thể cứ tái diễn như thế được. Một câu hỏi quan trọng đặt ra là, liệu có hay không các cấp cao nhất của đảng, nhà nước tham gia quyết định “xử lý” với Đồng Tâm ngày 9/1? Và nếu có thì họ đã được báo cáo đầy đủ, chính xác toàn bộ sự việc cả trước và sau vụ tấn công hay không?
Còn nhà báo Ben Ngô thì chia sẻ tin thay cho bình phẩm. VTV tối 14/9 đưa tường thuật: “Tại xã Đồng Tâm, người dân theo dõi sát sao tới quá trình xét xử. Ngay sau khi tòa tuyên án, dù với những sắc thái tình cảm khác nhau, nhưng nhìn chung họ đều đồng tình với bản án cho các bị cáo. Nhiều người cho rằng hình phạt dành cho bị cáo đã mang đậm tính chất khoan hồng…”. Nên gắn Huân chương nào cho VTV???
Dường như chính trị là ánh trăng lừa dối, một cây bút trên VNTB bình luận như thế. “Muôn đời là ánh trăng lừa dối…” Đúng quá, chú Cuội từ bao đời nay đã ngồi dưới gốc cây đa trên mặt trăng rồi. Nhưng ví như thế lãng mạn quá. Phải tả thực: Rất nhiều hộ dân Hà Nội tối 14/9 dường như bị ngộ độc thực phẩm. Họ nôn oẹ giữa bữa cơm tối khi nghe VTV đưa cái tin rùng rợn nói trên.
Hình minh hoạ. Phần lưng với những vết thâm tím của cụ Lê Đình Kình – người bị công an bắn chết khi tấn công vào Đồng Tâm hôm 9/1/2020 Photo: RFA
Trước ngày 14/9, Facebooker Lưu Trọng Văn viết: “Những ngày này không phải các quan tòa đang nghị án mà có thể các cấp cao hơn xem xét, cân nhắc cái lợi, hại cho hình ảnh của đất nước trên mặt bằng chiến lược quốc gia về đối ngoại, kinh tế, an ninh và đặc biệt Lòng Dân, vấn đề mà chính chủ tịch Nguyễn Phú Trọng trong bài viết nhân quốc khánh 2/9 đã nêu bật ý nghĩa của Lòng Dân đối với sự tồn vong của Dân tộc, đang nghị án”.
Trò hề nhại công lý
Nhưng rồi sau buổi chiều 14/9, Facebooker Lưu Trọng Văn đã phải thảng thốt chua xót, bày tỏ nỗi thất vọng tột độ: “Một cái tát cho gã khi toà án tuyên án tử hình đối với hai con trai cụ Kình và chung thân cho cháu nội cụ Kình. Như vậy cái thông tin mà gã nghe được có sự can thiệp ở các cấp cao nhất đúng là khó lường như dự báo, vì nó đã theo chiều hướng không ai muốn tin: Chiều hướng xấu. Đau!”
Phiên xử 29 nông dân Đồng Tâm là một trò hề nhại công lý (travesty of justice) không hơn không kém. Kẻ giết người đã lấy chiếc nón của mình đội lên đầu nạn nhân và xử nạn nhân về tội giết người! Bộ Công an đã lên kế hoạch tấn công xã Đồng Tâm (419A) có phối hợp qui mô với nhiều đơn vị chuyên ngành nhưng lại xử nạn nhân tội chuẩn bị kế hoạch tấn công lực lượng công an. Nửa đêm bất thần đồng loạt nổ súng giết người và cướp tài liệu thì lại xử nạn nhân chống người thi hành công vụ…
Tội do chính các lực lượng công an gây ra nhưng nạn nhân phải chịu trách nhiệm! Một cách vô liêm sỉ, cái gọi là “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội” của nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa lại tuyên xử hoàn toàn dựa vào những lời cáo buộc, chứ không trên cơ sở chứng cứ và thực nghiệm hiện trường. Chỉ trong chế độ công an trị, tòa án mới có thể ngồi xổm lên các thủ tục tố tụng và ung dung dùng lời cáo buộc của kẻ giết người làm chứng cứ tử hình nạn nhân. Nó thể hiện sự trâng tráo đến độ trơ trẽn của một chế độ “mạnh vì xạo, bạo vì xiềng”.
Nhà báo Huy Đức kêu gọi đừng cam phận làm cừu nữa: “Đừng chỉ thất vọng với nền tư pháp, sẽ còn những bản án như thế nếu ai cũng lặng im thay vì cất tiếng nói lương tri”. Nhà văn Trầm Hương đã liên tưởng đầy chua chát cho cái tương lai của thể chế luôn tuyên ngôn lấy dân làm gốc: “Vụ án này khiến người dân nhớ lại vụ án đồng Nọc Nạn (Thời Pháp). Bi kịch từ đất, đất thấm máu, thấm mồ hôi, nước mắt nhiều đời nhiều kiếp. Lấy dân làm gốc là đây!!!”
Cựu chủ tịch câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, ông Huỳnh Kim Báu phản đối phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm: “Hành động của giới cầm quyền Việt Nam hiện nay là không còn tính người và không thể biện minh cho lý do ngu trung giáo điều như một số trí thức đánh giá. Tôi cực lực lên án hành động dã man của giới cầm quyền hiện nay, những ai còn có lương tâm hãy thức tỉnh và hãy có trách nhiệm với cộng đồng”.
Nhà văn Tạ Duy Anh viết: “Tràn ngập trên không gian mạng mấy hôm nay là nỗi thất vọng, thậm chí tuyệt vọng về kết quả phiên tòa (giống như màn hài kịch) xử vụ giết chóc nhau giữa chính quyền và người dân vì cánh đồng Đồng Sênh. Tôi cũng thất vọng, chắc chắn thế, nhưng không hề tuyệt vọng. Kịch còn lâu mới hạ màn, thậm chí kể cả khi xương người chết liên quan đến vụ án đã mục. Sự thật luôn chỉ có một và trước sau cũng hiện hình. Không ai ém nhẹm đi được, kể cả khi có trong tay bom nguyên tử như nhà nước Liên Xô một thời. Bởi vì sau khi dọn dẹp tất cả các bằng chứng, thì vẫn còn đó các đương sự bằng xương bằng thịt và lương tâm con người”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do