Quốc tế lên tiếng về bản án Đồng Tâm
16/09/2020
Các tổ chức nhân quyền quốc tế và báo chí nước ngoài vừa lên tiếng chỉ trích chính quyền Hà Nội về bản án nặng nề đối với các nông dân tranh đấu vì quyền đất đai ở Đồng Tâm, đồng thời cảnh báo những bất ổn từ chính sách đất đai gây tranh cãi của Việt Nam.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết phiên tòa kết thúc hôm 14/9 không mang tính độc lập.
Ông viết trên Twitter hôm 15/9: “Các bản án nặng nề đối với các bị cáo Đồng Tâm, bao gồm cả hai án tử hình, không có gì ngạc nhiên.”
Ông viết thêm: “Nhà cầm quyền của Việt Nam đang dốc mọi nỗ lực để thể hiện bộ mặt cứng rắn nhất có thể. Bởi vì họ lo sợ rằng phản ứng bất chấp của cộng đồng Đồng Tâm có thể lây lan.”
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi đây là “một phiên tòa bất công trắng trợn.”
Từ trước đến nay Ân xá Quốc tế cho rằng “tử hình là hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo và hèn hạ tột cùng.” Tổ chức này phản đối hình phạt tử hình trong mọi trường hợp, không có ngoại lệ, bất kể ai bị buộc tội.
EMBED SHARE
Tòa sơ thẩm ở Hà Nội ngày 14/9 đã tuyên hai án tử hình đối với hai bị cáo về tội “giết người” và các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân đối với 27 người khác bị quy là phạm tội “chống người thi hành công vụ” hoặc “giết người.”
Bài báo trên trang The Diplomat hôm 15/9 của tác giả Sebastian Strangio đề cập đến việc Ban Tuyên Giáo Trung Ương ra văn bản chỉ đạo các báo trong nước về việc đưa tin về phiên tòa Đồng Tâm trước phiên xử, theo đó cơ quan truyên truyền của Đảng mô tả 29 bị cáo là “những kẻ tấn công đầu tiên” và gọi người nông dân quá cố Lê Đình Kình là “một đảng viên thoái hóa.” Trong một tuyên bố gần đây, người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô đã bôi nhọ cụ Kình là “cường hào địa chủ mới,” trang này viết.
Ông David Brown, một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ và là một chuyên gia về Việt Nam, hôm 14/9 viết trên trang Asia Sentinel cho rằng phản ứng tàn nhẫn của chính quyền đối với các cuộc đụng độ ở Đồng Tâm là “một nỗ lực để làm sạch” những vấn đề xảy ra vào tháng Giêng, mà theo ông lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã “đồng tình trong việc che đậy những sai lầm của công an khi cuộc đụng độ nổ ra khiến ba công an thiệt mạng” và phiên tòa vừa qua “chỉ là một phiên tòa trình diễn.”
Cũng hôm 14/9, trang Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam viết rằng các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước với “âm mưu chính trị hóa và “bẻ lái” vụ Đồng Tâm,” đã “lợi dụng” vụ án này, “tiến hành nhiều hoạt động xuyên tạc, đánh lận bản chất vụ án, vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.”
Trong bài Vietnam’s Dong Tam Incident: the Curtain Falls (tạm dịch Vén bức màn vụ án Đồng Tâm), ông David Brown viết: “Ở Việt Nam ngày nay, những cuộc biểu tình phản đối bất công của nông dân là một câu chuyện quen thuộc. Ông Lê Đình Kình dường như đã thuyết phục chính mình, các con trai của ông, bạn bè và những người hàng xóm rằng công lý, chứ không phải là văn bản của pháp luật, luôn đứng về phía họ, dù với hậu quả bi thảm.”
Tác giả Sebastian Strangio viết trên trang The Diplomat rằng: “Sau những dấu hiệu khoan hồng trước đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng phiên tòa Đồng Tâm để gửi đi một thông điệp cứng rắn.”
Nhận định rằng vụ án Đồng Tâm cho thấy những căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh vấn đề đất đai ở Việt Nam, ông Strangio viết: “Bản án cho thấy quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc dập tắt bất kỳ sự khuấy động nào của tình trạng bất ổn nông dân.”
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales nhận định với đài RFA rằng cuộc đột kích Đồng Tâm vào tháng 1/2020 và kết quả phiên tòa hôm 14/9 là “đỉnh điểm của vấn nạn 40 năm” về chế độ phân phối đất đai tại Việt Nam.
Tác giả Strangio lý giải: “Phần lớn vấn nạn này xuất phát từ sự mờ nhạt của lợi ích công và tư trong hệ thống hỗn hợp “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam, nơi mà đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước được quyền thu hồi hoặc tịch thu để phục vụ cho “mục đích chung.”
Ông David Brown viết: “Trong học thuyết của Đảng và luật pháp Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước nhân danh họ quản lý. Nếu nông dân kiên trì khẳng định quyền của họ đối với các mảnh đất khi đảng / nhà nước đã ra lệnh sử dụng nó vào mục đích khác, ngay cả khi họ chỉ khăng khăng đòi được trả những gì xứng đáng, họ có nguy cơ bị gắn mác “bạo loạn và khủng bố,” buộc phải loại bỏ, và trong những trường hợp muốn răn đe nêu gương, họ bị truy tố.”
Sự gia tăng các tranh chấp đất đai gần đây đặt ra một thách thức đặc biệt gai góc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn từng được nông dân ủng hộ đáng kể trong chặng đường cách mạng dài giành chính quyền, ông Strangio viết.
Ông Strangio nhận định: “Trong khi đang chờ những cải cách đáng kể về hệ thống quản lý đất đai phức tạp của Việt Nam, tình hình có thể gây ra nhiều lo lắng và tuyệt vọng hơn: đó chính là sự phản kháng mạnh mẽ mà chính nghĩa cộng sản từng khơi dậy trước đây, sẽ quay đầu chống lại Đảng cầm quyền.”