Nhóm từ thiện Lương Hóa Bình Dương

Trước ông Hải, ở Bình Dương vẫn có người đàn ông âm thầm hơn 10 năm với những chuyến xe 0 đồng, tặng hòm, áo quan cho người nghèo.

10 năm chạy cấp cứu miễn phí, tặng áo quan cho người nghèo: Vẫn bị hăm dọa!

\"\"
\"\"

Cư dân mạng đã từng chia sẻ rất nhiều về việc anh Lương Văn Hóa 10 năm nay miệt mài chạy xe cấp cứu miễn phí, tặng áo quan cho tang gia nghèo… bị người kinh doanh dịch vụ hăm dọa, bị hiểu lầm…

Mười năm qua, anh Lương Văn Hóa (41 tuổi, ngụ ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, H.Bến Cát, Bình Dương) chạy không biết bao nhiêu chuyến xe đưa người bị tai nạn kịp đến bệnh viện. Không ít trường hợp người mất gia cảnh quá nghèo, thân nhân chẳng lo nổi chuyến xe đưa về quê, anh lại sẵn sàng chạy chuyến xe cuối cùng chở họ về an nghỉ.

Những chuyến xe đều có giá… 0 đồng, thế nên nhóm từ thiện Lương Hóa Bình Dương do anh lập ra mới gặp rắc rối với những người kinh doanh dịch vụ.

“Người ta chỉ tìm đến mình khi tiền cùng túi kiệt, chứ dư dả thì mình cũng không giúp. Nên mình có cạnh tranh với ai đâu… Chỉ muốn giúp đời, giúp người trong lúc khốn cùng”, anh Hóa bộc bạch.

Lòng tốt bị hiểu lầm

Nhóm từ thiện Lương Hóa Bình Dương có khoảng 10 thành viên, chuyên cấp cứu miễn phí trên địa bàn Bình Dương và các tỉnh lân cận. Những người nghèo mất, nhóm hỗ trợ chở thi hài về quê. Anh Hóa còn mở cả một trại hòm, sẵn sàng tặng áo quan cho tang gia nghèo khó.

“Lái ô tô ra đường thấy người gặp nạn là mình đưa luôn lên xe. Cứ vậy mà thành quen nên mình trang bị đèn, băng ca, tủ thuốc, bình ô xy, đăng ký chạy cấp cứu luôn. Ban đầu một mình một ngựa, sau này có anh em góp tiền, góp sức càng mừng hơn”, anh Hóa kể.

Thế nhưng vừa qua, nhóm anh lại bị hăm dọa. “Bữa đó, mấy anh em trong nhóm đang ngồi ở trại hòm thì 5 người đàn ông xông vào chửi bới rồi đánh một thành viên. Họ cảnh cáo là đừng giành chén cơm của họ. Mình thấy lo cho bản thân, cho anh em.

Lòng tốt của tụi mình không được công nhận, trong khi những người nghèo đang rất cần…”, anh kể. Sự việc khiến mạng xã hội sôi sục phẫn nộ vì cho rằng “làm người tốt mà sao khó quá”. Tuy nhiên anh Hóa cười xòa, tự xua đi câu chuyện không vui: “Không làm thì mình chịu không nổi… Nó bứt rứt hơn những rắc rối đó nhiều”.

Cứ cho đi khi còn có thể

“Nhóm mình trực điện thoại 24/24, cứ hễ có người cần là tức tốc lên đường. Mỗi anh em làm một nghề, nên ai chạy được giờ nào thì chạy. Những ca bệnh nhân khó khăn trong bệnh viện cần số tiền lớn hay người mất về quê xa, ngoài khả năng, nhóm sẽ vận động quyên góp”, anh Hóa chia sẻ.

Anh kể, có lần hai cha con từ miền Tây lên Bến Cát (Bình Dương) ở trọ, đi làm. “Người con bệnh nặng, chống chọi một thời gian trong bệnh viện thì qua đời. Ngày con trai trút hơi thở cuối cùng, người cha móc túi, chỉ còn vỏn vẹn 40.000 đồng.

Nghe tin, mình chạy đến, rồi không cầm được nước mắt…”, giọng anh Hóa nhỏ lại. Một tang gia quá bi đát ở trọ tại Bàu Bàng (Bình Dương) hay một người mẹ đổ sụp vì con gái trầm cảm đâm chồng mình rồi tự sát… đều khiến anh ám ảnh.

Anh bộc bạch, càng chứng kiến quá nhiều những sự ra đi, anh càng cảm thấy tới lúc nhắm mắt cũng chẳng mang theo được gì. “Thế nên, cứ cho đi khi còn có thể, đừng mong cầu được đáp lại. Chỉ cầu trời cho mình sức khỏe để tiếp tục giúp đời”, anh chia sẻ.

Anh Hóa độc thân, sống cùng mẹ, trước nay vẫn làm nghề kinh doanh nhà nghỉ. Công việc không mất quá nhiều thời gian nên anh theo các đội \”hiệp sĩ\” ở Bình Dương tham gia bắt trộm, cướp.

Anh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an tỉnh, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ – Bộ Công an (năm 2017) về hoạt động xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Theo báo Thanh niên

Bài Liên Quan

Leave a Comment